Lịch sử và hiện trạng của nghệ thuật hát ghẹo

Theo Nguyễn Đăng Hòe (1), hát ghẹo xưa là danh từ chung được dùng để chỉ hình thức hát đối đáp ở nhiều vùng miền, trải suốt từ các tỉnh đồng bằng, trung du Bắc bộ cho đến vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, bao trùm cả hát ví, hát đúm… Trải theo thời gian, có lẽ thuật ngữ hát ghẹo chỉ còn đọng lại ở Phú Thọ, được biết đến như một hình thức hát đối đáp trai gái có tổ chức ở huyện Tam Nông với hệ thống làn điệu, trình thức diễn xướng độc đáo.

Theo sự tích, hát ghẹo được hình thành từ việc kết nghĩa giữa dân thôn Nam Cường (xã Thanh Uyên, huyện Tam Nông) và đồng bào Mường xã Thục Luyện, Hùng Nhĩ (huyện Thanh Sơn). Đình làng Nam Cường vốn thờ công chúa Xuân Nương, nữ tướng của Hai Bà Trưng. Vào năm nọ, đình làng gặp hỏa hoạn, trai làng được cử ngược sông lên rừng tìm gỗ quý về dựng lại đình. Đến địa phận người Mường xã Thục Luyện (Thanh Sơn), họ được người dân sở tại tận tình giúp đỡ đẵn gỗ đóng bè xuôi dòng. Khi đi đến địa phận xã Hùng Nhĩ (Thanh Sơn) thì bè gỗ bị mắc cạn. Dân làng Hùng Nhĩ ven bờ thấy vậy liền rủ nhau ra giúp, họ vừa cùng ca hát vừa đẩy bè thoát cạn trôi dòng. Cảm kích trước công ơn của dân làng Mường Hùng Nhĩ, làng Nam Cường sau đó xin tổ chức kết nghĩa (còn gọi kết nước nghĩa) (2), thể hiện mối ân tình Việt – Mường. Về sau, hàng năm cứ đến ngày kỷ niệm khánh thành đình từ mùng 9 đến 11-9 âm lịch, hai làng lại gặp nhau vui chơi ca hát, tục hát ghẹo đối đáp Việt – Mường được hình thành trong bối cảnh đó.

https://www.youtube.com/watch?v=7e50REKIm7Y

Vào hội, dân làng Nam Cường một mặt cử đội nữ tập dượt làn điệu chuẩn bị đón bạn, đồng thời cử quan đám sang làng Thục Luyện và Hùng Nhĩ mời các chức dịch đại diện và đội nam bên bạn sang giao lưu ca hát. Vì thế hình thức này còn có những tên gọi khác là hát anh chị, hát nước nghĩa hay hát ghẹo anh. Theo Nguyễn Khắc Xương và Dương Duy Thiện(3), bên cạnh Nam Cường còn có thôn Bảo Vệ (xã Hương Nộn) cũng có tục hát ghẹo kết nghĩa với người Mường ở Thục Luyện và Hùng Nhĩ. Theo thông lệ, các làng chia nhau lần lượt mời làng bạn sang dự hội ca hát, có nghĩa cuộc hát không chỉ diễn ra ở hội làng Nam Cường. Vào dịp hội Thánh Tản Viên nhằm ngày 13-3 âm lịch, Thục Luyện, Hùng Nhĩ cũng đón Nam Cường và Bảo Vệ sang hát ghẹo. Đại thể, cứ năm nay Thục Luyện mời Nam Cường thì năm sau Hùng Nhĩ mời Bảo Vệ… Nguyên tắc là bên nữ làng sở tại hát với bên nam làng được mời.

Như vậy, sinh hoạt hát ghẹo nơi đây thực chất là phong tục hát đối đáp trai gái giữa người Mường và người Kinh, một thể loại nhạc, một hình thức diễn xướng kết hợp gắn bó hai tộc người. Như vậy có thể khẳng định đây là hiện tượng hiếm có trong nội bộ nền âm nhạc dân tộc. Cho đến nay, căn cứ theo tiêu chí phổ biến, lan tỏa, sẽ thấy hát trai gái người Việt ở Bắc Bộ được chia thành 3 cấp độ.

Cấp độ 1: Hát trống quân, hát đúm, hát ví, cò lả… là những thể loại hát đối đáp trai gái mang tính phổ quát khắp các vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ.
Cấp độ 2: Dân ca quan họ được giới hạn trong 49 làng Kinh Bắc, tạo nên một vùng dân ca tập trung.
Cấp độ 3: Hát ghẹo (hát nước nghĩa) chỉ khu biệt trong nội bộ những làng Hùng Nhĩ, Thục Luyện và Nam Cường, Bảo Vệ.

Dễ thấy cũng giống như quan họ, ở đây hát ghẹo diễn ra giữa các nhóm cư dân kết nghĩa. Vì thế mục đích cuộc hát thể hiện quan hệ nghĩa tình anh em chứ không nhằm giải quyết nhu cầu giao duyên tìm bạn đời cho trai thanh gái lịch, vốn là tính thực hành xã hội của các thể loại hát đối đáp trai gái phổ biến trong xã hội xưa. Đặc biệt, do hát ghẹo chỉ thu hẹp trong nội bộ 4 làng nên không có tiềm năng phát triển đa chiều theo các nhóm kết nghĩa tự do mở rộng như địa đồ 49 làng quan họ. Điều đặc biệt, do gắn bó hữu cơ với sinh hoạt kết nước nghĩa nên những thể loại như quan họ và hát ghẹo sẽ phụ thuộc vào điều kiện sinh hoạt của cư dân địa bàn sở tại. Cuộc sống no đủ, điều kiện vật chất dư sẵn thì làng mới mở hội mời làng bạn sang tổ chức ca hát. Bởi vậy, trải qua những biến động thăng trầm của lịch sử, hát ghẹo đã dần mai một, tan vỡ và biến mất khỏi đời sống văn hóa nghệ thuật Phú Thọ.

Theo ghi nhận của Nguyễn Đăng Hòe, cho đến thập kỷ 30-40 TK XX, lúc đó thực dân Pháp đàn áp khởi nghĩa Yên Bái, liên tục truy lùng, càn quét những người yêu nước. Nhà cầm quyền cấm toàn bộ mọi sinh hoạt cộng đồng, những hội hè đình đám cũng vì thế mà tan rã. Thêm nữa, trong cả một thời kỳ lịch sử kéo dài mấy chục năm, đời sống đói nghèo, chiến tranh ly loạn, các nhóm cư dân sở hữu hát ghẹo không có điều kiện tổ chức tế lễ. Tục sinh hoạt nước nghĩa không còn, hát ghẹo cũng theo đó mà suy tàn. Riêng hai làng Nam Cường và Hùng Nhĩ còn duy trì lay lắt được đến khoảng năm 1939- 1940 thì chấm dứt hoàn toàn (4). Sau giải phóng thủ đô 1954, miền Bắc bắt đầu phong trào xây dựng xã hội chủ nghĩa với một hệ tư tưởng văn hóa mới. Trên cơ sở bài trừ mọi “tàn tích” của chế độ phong kiến, không chỉ hát ghẹo với những hội làng, mà toàn bộ hệ giá trị văn hóa nghệ thuật cổ truyền đều được “xét lại” một cách toàn diện. Với quan niệm hệ giá trị đó “lỗi thời, lạc hậu…”, người ta không còn mấy hứng thú khuyến khích, duy trì những sinh hoạt cộng đồng như hát ghẹo nước nghĩa nữa. Theo Nguyễn Đăng Hòe, quãng cuối thập kỷ 50 TK XX, khi ông đi sưu tầm những làn điệu hát ghẹo còn sót lại trong dân gian, thì thấy người hát lúc đó tuy còn nhiều nhưng đa số họ cũng “chỉ biết được một đôi câu, vài ba giọng” (5).

Sau thời kỳ đổi mới, mãi đến những năm cuối TK XX, đầu TK XXI, tức khoảng phân nửa thế kỷ bị rơi vào quên lãng, Nhà nước mới bắt đầu tiến hành hỗ trợ phục dựng lại hình thức ca hát độc đáo này. Năm 1998, Câu lạc bộ hát ghẹo xã Thanh Uyên (Tam Nông) được thành lập bước đầu manh nha khôi phục phong trào. Năm 2006-2007, Sở VHTT tỉnh Phú Thọ tiến hành thực hiện dự án khôi phục hát ghẹo với sự đầu tư kinh phí lên tới 170 triệu đồng. Ở địa bàn Nam Cường (Thanh Uyên, Tam Nông), người ta tiến hành tập hợp những người già còn biết hát, tổ chức lớp truyền dạy các làn điệu cho trên 40 học viên với nhiều lứa tuổi. Bên cạnh phương pháp truyền khẩu, các làn điệu hát ghẹo mà các nhà nghiên cứu sưu tầm trước đây được ký âm, chuyển hóa thành những bản nhạc kiểu do, re, mi… phổ thông để dạy học theo lối mới. Cũng trong năm 2006, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã tiến hành phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian cho 9 trường hợp thực hành hát ghẹo tại địa bàn phục dựng (6). Như vậy, có thể thấy mục tiêu phục dựng di sản của tỉnh Phú Thọ mới chỉ hướng vào nhóm kết nước nghĩa người Kinh, chứ chưa mở rộng khôi phục phong trào bên địa bàn người Mường ở Hùng Nhĩ và Thục Luyện.

Hiện nay, tính đến thời điểm chúng tôi tiến hành khảo sát điền dã ở Tam Nông vào đầu năm 2013 thì thấy tình hình không mấy khả quan. Có thể nói, tục hát ghẹo nước nghĩa nơi đây dường như chỉ còn trong ký ức. Như đã biết, cuộc hát đối đáp xưa kia vốn diễn ra với sự phân định bên nam, bên nữ ứng với các làng Mường (Hùng Nhĩ, Thục Luyện) và làng Kinh (Nam Cường, Bảo Vệ), có nghĩa là cuộc diễn xướng chung của hai nhóm tộc người. Ngày nay, trong phục dựng, do truyền thống bên các làng Hùng Nhĩ và Thục Luyện đã mất, nên Nam Cường đành học lại bài bản và tự tổ chức hát đối đáp với nhau trong nội bộ dân làng. Đây là tình trạng khá giống với vùng văn hóa quan họ, những canh hát thời nay không phải là cuộc chơi của những bọn quan họ kết nghĩa nữa, mà đơn thuần là hình thức văn nghệ tự thân mỗi làng.

Theo ông Nguyễn Duy Tưởng (7) – Trưởng Ban quản lý di tích đền, chùa làng Nam Cường – nhiều năm trước đây, khi cố gắng nối lại mối quan hệ nước nghĩa và tục hát ghẹo giữa hai làng cổ truyền, ông đã sang Hùng Nhĩ để điều tra thăm dò. Kết quả, người dân làng Mường thời nay thậm chí “còn không biết đến tích cũ khi xưa chứ đừng nói biết đến hát ghẹo như thế nào!” Như thế, cuộc ghẹo nước nghĩa thời nay chỉ còn diễn ra ở một phía người Kinh. Nói cách khác, cuộc chơi giữa những làng Việt – Mường kết nghĩa xưa kia, giờ đây được chuyển hóa thành hình thức văn nghệ của làng Việt độc lập. Vào ngày hội, đội văn nghệ trung niên của làng tự phân công nhau làm bên nam, bên nữ, hát lại những bài bản vốn được truyền dạy từ lớp tập huấn năm 2006. Điều đáng nói, do thị hiếu thẩm mỹ người dân nơi đây đã thay đổi, cộng với sự mai một, suy tàn năng lực nghệ thuật theo thế hệ nên thời nay, các cô các bà ở Nam Cường còn phải đóng giả làm nam giới để tự hát đối đáp với nhau! Khi được hỏi nguyên do, các bà hóm hỉnh giải thích rằng bấy lâu nay “đàn ông ở làng không thích học hát ghẹo nữa, đi uống rượu hết rồi”! Khi hỏi về lớp thanh niên kế cận, các bà cho biết hiện nay chỉ có vài ba em chịu học đôi ba làn điệu. Các cháu học hát theo chỉ đạo của cán bộ văn hóa xã, chủ yếu để phục vụ phong trào văn nghệ địa phương chứ chưa đủ trình độ, vốn liếng để có thể trình diễn một cuộc hát ghẹo hoàn chỉnh.

Về trữ lượng làn điệu hiện nay, ông Nguyễn Duy Tưởng cho biết hiện nói hát ghẹo trước đây có 25 làn điệu là nói theo lời tổng kết của nhà nghiên cứu Dương Huy Thiện, chứ ông và đội văn nghệ làng thực sự cũng không nắm rõ là bao nhiêu và cũng không thuộc hết. Vốn liếng hiện nay ở Nam Cường có thể coi là một phần còn đọng lại từ chương trình truyền dạy năm 2006-2007 của Sở VHTT tỉnh Phú Thọ. Đại thể bài bản hát ghẹo (còn gọi đường ghẹo) được chia thành 3 chặng ứng với 3 loại giọng là giọng ghẹogiọng sổng và giọng ví đối (còn gọi hát ví hay đố ví). Khi phục vụ lễ hội ở đình và đền, người ta mở đầu cuộc hát bằng những bài giọng ghẹo. Giọng này có 9 bài cơ bản, bao gồm: Đón đò (có 4-5 bài đón đò khác nhau), Xẻ vánBắc cầu (xuất phát từ việc lấy gỗ về làm đình), Mời trầuMưa… Hiện đội văn nghệ làng không mấy người thuộc đủ số bài đã tổng kết trước đây. Thời xưa, sau khi hát hết 9 bài giọng ghẹo, cuộc hát được di dời về tư gia ở các giáp. Lúc này, họ có thể hát lại những bài giọng ghẹo hoặc chuyển ngay sang giọng sổng, không quy định. Trong giọng sổng, đội văn nghệ làng hiện còn thuộc một số bài như Nam ThươngRuộng năm sào (gần đây đã được cán bộ tỉnh cải biên), Nuôi chimTrồng treTrồng dâuTrồng giàn mướpTrèo lên quán dốc cây đa… Hết giọng sổng thì cuộc hát chuyển sang giọng ví đối để kết thúc. Ông Tưởng cho biết thời xưa nghe các cụ nói có nhiều giọnghơn, nhưng ngày nay họ chỉ còn thuộc được 3 giọng như đã trình bày.

Như vậy, trải qua bao thăng trầm, mặc dù chính quyền địa phương đã cố gắng phục hồi, song sức sống của hát ghẹo hiện vẫn đang trong tình trạng lay lắt, manh mún ở đời sống cơ sở. Không còn biết được khuôn diện toàn bộ, di sản hát ghẹo giờ đây chỉ đơn giản là dăm bảy làn điệu còn sót lại. Bản thân những người thực hành cũng khi nhớ khi quên, không thực sự nắm bắt vững hệ thống làn điệu cơ bản. Đáng chú ý, vốn liếng bài bản ngày nay có được ở địa bàn cũng do nỗ lực của chính quyền và các nhà nghiên cứu địa phương phục dựng, còn hệ giá trị lưu truyền tại chỗ đã đứt đoạn từ phân nửa thế kỷ trước. Ở đây, những nghệ nhân tầm trên dưới 90 tuổi – những người được coi như tiêu bản sống cho dự án truyền dạy năm 2006 vốn cũng chỉ là thế hệ con cháu của những người từng đi hát thời xưa, bản thân họ chưa từng tham gia hình thức sinh hoạt này. Các cụ hiện khi nhớ khi quên, người điếc, người lạc giọng, không còn hát được nữa. Nhìn trên toàn bộ và từng phần, có thể nói công cuộc phục dựng hát ghẹo hiện rơi vào thực trạng khá bi đát.

Trong xu thế phát triển văn hóa nghệ thuật thời nay, với sự xuất hiện nhiều giá trị mới đa dạng và hấp dẫn, hát ghẹo nói riêng cũng như nhiều thể loại nhạc cổ truyền Việt Nam nói chung, tất rơi vào thế yếu với sự mai một suy tàn. Thêm nữa, cũng giống như hát xoan, hát ghẹo vốn là những giá trị cổ nhạc có cấu trúc nghệ thuật thuộc vào loại đơn giản, thể hiện một tầng bậc phát triển ở thời kỳ sơ khai của nền âm nhạc dân tộc. So với chèo, quan họ, hát văn.., các làn điệu xoan, ghẹo không mang sức hấp dẫn biểu cảm phổ thông, nên rất khó thu hút các thế hệ thanh niên tiếp nối lưu truyền. Riêng với hát xoan, bên cạnh âm nhạc, điều đáng nói thể loại này gắn bó hữu cơ với nghi lễ thờ thành hoàng làng, lại kết hợp với nghệ thuật múa nên có cơ may sống sót cao hơn hát ghẹo.

Hiện nay, muốn phục dựng di sản xứng với đồng tiền bát gạo của Nhà nước, cần thực thi chính sách đầu tư bảo tồn tập trung theo cách mà nhiều nước phát triển đã làm. Cụ thể, cần nhanh chóng đào tạo, thành lập các nhóm hát ghẹo dưới sự bảo trợ của Nhà nước. Tập trung trọng điểm ở 4 nhóm cư trú Việt – Mường từng có mối quan hệ nước nghĩa truyền thống, bao gồm Nam Cường, Bảo Vệ, Hùng Nhĩ và Thục Luyện. Những nhóm nghệ thuật này cần được coi như một tổ chức văn hóa cơ sở xác định. Mọi thành viên gia nhập phải thực sự có năng lực nghệ thuật để lưu truyền kho tàng làn điệu hát ghẹo. Sau khi được đào tạo, họ phải được hưởng các chế độ của một cán bộ văn hóa chuyên trách cấp huyện như lương tối thiểu, chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội… Chỉ như thế, các nghệ sĩ dân gian thời nay mới có thể yên tâm tập trung toàn tâm, toàn ý vào sự nghiệp bảo tồn vốn cổ địa phương. Quá trình sắp đặt toàn bộ hay tạo nguồn số lượng thành viên như thế nào sẽ được thống nhất trên cơ sở phù hợp với tình hình thực tế. Mọi chi tiết của từng khâu kế hoạch nhất thiết phải căn cứ vào ý kiến của các chuyên gia cổ nhạc, tránh tình trạng bảo tồn tràn lan thiếu hiệu quả, tốn tiền vô ích như chúng ta đã và hiện đang làm với nhiều loại hình di sản văn hóa nghệ thuật nói chung. Với thực trạng hiện nay, nếu không nhanh chóng xoay chuyển tình thế, sẽ khó có cơ may cho di sản hát ghẹo.

————————————————–

Chú thích:

1, 4, 5. Nguyễn Đăng Hòe, Bước đầu tìm hiểu hát ghẹo Vĩnh Phúc, Ty VHTT Vĩnh Phúc, 1979, tr.15, 8.
2. Vùng đồng bằng Bắc Bộ gọi là kết chạ.
3. Nguyễn Khắc Xương, Dương Duy Thiện, Hát xoan, Hát ghẹo Vĩnh Phú, Hội Văn học Nghệ thuật Vĩnh Phú xb, 1979.
6. Theo Di sản văn hóa đất Tổ được tôn vinh, baophutho.vn, 26-1-2007.
7. Sinh năm 1933.

Theo BÙI TRỌNG HIỀN / TẠP CHÍ VĂN HÓA NGHỆ THUẬT

Tags: ,