⠀
Lịch sử 33 năm cuối cùng của vương quốc Champa
Lịch sử 33 năm cuối cùng của Champa là tổng thể của những biến cố tang thương nhất và đẫm máu nhất chưa từng xảy ra trong quá trình hình thành vương quốc Champa kể từ thế kỷ thứ II.
Lược thuật từ tác phẩm Vương quốc Champa : Lịch sử 33 năm cuối cùng (1802-1835) là công trình nghiên cứu của Pgs. Ts. Po Dharma, một người Chăm gốc Ninh Thuận, được xuất bản tại Paris vào năm 1987 bởi Viện Viễn Đông Pháp, với nhan đề : Le Panduranga (Campa). Ses rapports avec le Vietnam (1802-1835).
Champa dưới triều đại Po Saong Nyung Ceng (1779-1822)
Chiến thắng trên thành Đồ Bàn của Lê Thánh Tông vào năm 1471 chỉ là hồi chuông báo động cho sự suy thoái của thời hậu Lê, kéo theo sự phân tranh giữa chúa Trịnh ở miền bắc và chúa Nguyễn ở miến nam. Năm 1569, Nguyễn Hoàng quyết định hình thành một triều đại riêng trên lãnh thổ Champa bị chiếm đóng.
Vì không đủ tiềm lực tiến quân ra bắc chống lại chúa Trịnh, Nguyễn Hoàng chỉ còn cách mở cuộc Nam Tiến về phía nam trên lãnh thổ Champa để xây dựng uy quyền của mình. Năm 1611, nhà Nguyễn xua quân xâm chiếm Phú Yên và năm 1653 đặt nền đô hộ trên tiểu vương quốc Kauthara (Khánh Hòa). Năm 1692, nhà Nguyễn tấn công Champa, thay đổi danh xưng “Chiêm Thành” thành “Trấn Thuận Thành” và thành lập phủ Bình Thuận đầu tiên trên lãnh thổ của vương quốc này, tập trung những cư dân người Kinh sinh sống ở Champa nhưng họ là công dân của triều đình Huế.
Sau mấy thập niên yên bình và thịnh vượng, Champa trở thành nạn nhân của cuộc chiến kể từ năm 1771, giữa Tây Sơn làm chủ ở phương bắc và Nguyễn Ánh chiếm đóng Sài Gòn để làm hậu cứ. Nằm trên địa thế bị kèm kẹp giữa lãnh thổ của Tây Sơn và Nguyễn Ánh, vương quốc Champa bị lôi kéo vào cuộc chiến giữa người Việt và chấp nhận phải qui phục phe thắng trận dù là Nguyễn Ánh hay Tây Sơn. Kể từ đó, định mệnh sống còn của Champa hoàn toàn tùy thuộc vào kết quả của cuộc chiến giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh.
Năm 1802, Nguyễn Ánh thắng trận, lên ngôi lấy niên hiệu là Gia Long, quyết định phục hưng lại nền độc lập Champa và giao cho Po Saong Nyung Ceng, người đã từng giúp đỡ Nguyễn Ánh chống quân Tây Sơn, quyền cai trị của vương quốc này. Bên cạnh đó, vua Gia Long còn ban cho người kế cận của mình trong chiến trường chống Tây Sơn là Lê Văn Duyệt lên làm Tổng Trấn Gia Định Thành và giao cho Lê Văn Duyệt quyền bảo trợ vương quốc Champa ở phía nam của triều đình Huế. Kể từ đó, nền hòa bình và thịnh vượng trở lại trên vương quốc Champa, một quốc gia đặt dưới quyền đô hộ của triều đình Huế qua trung gian của Lê Văn Duyệt, phó vương ở miền Nam Bộ thời đó.
Sau ngày băng hà của vua Gia Long vào năm 1820, vua Minh Mạng lên ngôi, tìm cách xóa bỏ qui chế Gia Định Thành của Lê Văn Duyệt và đưa vương quốc Champa vào vòng kiểm soát trực tiếp của triều đình Huế. Thế là chiến tranh giữa vua Minh Mạng và Lê Văn Duyệt bắt đầu bùng nổ để gây ảnh hưởng trên vương quốc Champa.
Vừa mới lên ngôi, Minh Mạng cách chức trấn thủ Bình Thuận về tội quá thân cận với Lê Văn Duyệt và triệu tập phó vương Champa là Po Klan Thu (Nguyễn Văn Vĩnh) về Huế trong khi đó quốc vương Po Saong Nyung Ceng đang lâm bệnh nặng. Năm 1822, Po Soang Nyung Ceng băng hà vì tuổi già yếu. Minh Mạng đề nghị người thân cận của mình là Bait Lan lên nối ngôi Champa, nhưng không thành, vì có sự chống đối của Lê Văn Duyệt.
Champa dưới triều đại Po Klan Thu (1822-1828)
Lợi dụng tình hình rối ren ở Champa sau ngày từ trần của Po Saong Nyung Ceng vào năm 1822, Ja Lidong xua quân vùng dậy chống phá doanh trại quân sự của triều đình Huế, trong khi đó phó vương Po Klan Thu vẩn còn giam giữ ở Huế. Để giải quyết vấn đề nan giải này, Minh Mạng chấp nhận Po Klan Thu trở về Champa để nối ngôi vua, với điều kiện là tân quốc vương Champa phải dẹp tan quân phiến loạn của Ja Lidong.
Sau ngày lên ngôi của Po Klan Thu vào năm 1822, người ta không có tin tức gì về mối quan hệ giữa Champa và Lê Văn Duyệt nữa. Nhưng sự im lặng của Lê Văn Duyệt chỉ mang tính cách chiến lược để xem xét tình hình mà thôi.
Sau 7 năm trị vì, Po Klan Thu băng hà vào 1828. Tin từ trần của Po Klan Thu không phải do quan lại của triều đình Champa cung cấp mà là phát xuất từ vị trấn thủ của phủ Bình Thuận. Điều này đã chứng minh rằng Po Klan Thu không chết trên lãnh thổ Champa mà là ở một nơi khác, có thể tại Huế trong lúc bị giam giữ, vì lý do gì đó.
Triều đại Po Phauk The (1828-1832) và sự diệt vong của vương quốc Champa
Sau ngày từ trần của Po Klan Thu vào năm 1828, vua Minh Mạng tìm cách đưa người trung thành với mình lên làm quốc vương Champa trong khi đó Lê Văn Duyệt quyết định giao quyền quốc vương Champa cho Po Phaok The (Nguyễn Văn Thừa) tức là phó vương dưới triều đại Po Klan Thu (1822-1828) và cũng là con của vua Po Saong Nhung Ceng (1799-1822), một vị chiến hữu của vua Gia Long. Sau ngày lên ngôi của Po Phaok The vào năm 1828, vương quốc Champa chấm dứt mối liên hệ với triều đình Huế, chỉ gửi triều cống cho Lê Văn Duyệt. Kể từ đó, nhân dân Champa hoàn toàn đặt dưới quyền che chở của tổng trấn Gia Định Thành, không còn phục tùng vua Minh Mạng nữa. Hoàn cảnh lịch sử này đã đưa Champa vào con đường bế tắc và hoàn toàn lệ thuộc vào kết quả của cuộc tranh chấp giữa vua Minh Mạng và Lê Văn Duyệt.
Vào cuối năm 1831, một nhóm quan lại trong triều đình Champa đã đứng ra phản đối thái độ của vua Po Phaok The về việc ly khai với triều đình Huế để tuân thủ mọi chỉ thị của Lê Văn Duyệt ở Gia Định Thành. Lợi dụng tình hình rối ren ở Champa và sức khỏe suy yếu của Lê Văn Duyệt ở Gia Định Thành, Minh Mạng ra lệnh bắt quốc vương Po Phaok The và phó vương Cei Dhar Kaok vào tháng 3 năm Thìn lịch Chăm (1832) đưa về trại giam tại Huế. Khoảng một tháng sau, tức là tháng 7 năm Nhâm Thìn (1832), Lê Văn Duyệt băng hà ở Gia Định Thành. Thế là vua Minh Mạng ra lệnh xóa bỏ Champa trên bản đồ và sáp nhập đất đai của vương quốc này vào lãnh thổ Đại Nam.
Phong trào Hồi Giáo của Katip Sumat (1833-1834)
Katip Sumat là vị tu sĩ Chăm Hồi Giáo sinh ở Campuchia, đã từng sang Mã Lai du học về triết lý Hồi Giáo. Nghe tin vương quốc Champa bị xóa bỏ trên bản đồ vào năm 1832, Katip Sumat rời Mã Lai trở về Champa để hình thành một phong trào đấu tranh chống triều đình Huế vào năm 1833. Mục tiêu của Katip Sumat là giải phóng Champa ra khỏi ách thống trị của Việt Nam. Muốn tiến đến mục tiêu này, Katip Sumat dùng triết lý Hồi Giáo làm khung cho chủ thuyết đấu tranh đó là hình thành mặt trận “thánh chiến Hồi Giáo” (Jihad) chống lại triều đình Huế.
Ai cũng biết, Minh Mạng là vị quốc vương rất tôn sùng giá trị văn hóa của dân tộc Việt và không bao giờ chấp nhận một tôn giáo ngoại lai nào du nhập vào lãnh thổ Việt Nam. Kể từ đó, cuộc khởi nghĩa của người Chăm dựa vào chủ thuyết Hồi Giáo du nhập từ bên ngoài có thể gây ra những mối nguy cơ mà vua Minh Mạng phải dập tan bằng mọi cách, càng sớm càng tốt.
Trước lực lượng hùng mạnh của vua Minh Mạng, Katip Sumat buộc phải lui về miền núi nằm ở phía tây và ra lệnh cho quân lính Chăm tiếp tục đương đầu với triều đình Huế ở đồng bằng, nhưng không gặt hái kết quả gì.
Cuộc khởi nghĩa của Ja Thak Wa (1834-1835)
Xuất thân từ Palei Ram (thôn Văn Lăm, Ninh Thuận), Ja Thak Wa không phải người Hồi Giáo chính thống mà là vị tu sĩ Chăm Bani, quyết định ly khai ra khỏi tổ chức cũa Katip Sumat để hình thành một cuộc khởi nghĩa nhằm giải phóng Champa ra khỏi ách thống trị của triều đình Huế. Nhằm tiến đến mục tiêu, Ja Thak Wa thành lập một chính phủ Champa lâm thời vào cuối năm 1834, tôn vinh Po War Palei, gốc người Raglai, tức là em rể của phó vương Cei Dhar Kaok (Nguyễn Văn Nguyên) lên làm quốc vương nhằm phục hồi lại vương niệm Champa thuộc dòng tộc Po Rome gốc người miền núi (Kaho hay Churu, tùy theo dị bản) ở Đổng Nai Thượng, nắm quyền Champa từ năm 1627 cho đến triều đại Po Cei Brei (1783-1786). Cuộc khởi nghĩa của Ja Thak Wa bùng nổ vào tháng 7 năm Ngọ lịch Chăm (1834). Đây là cuộc chiến vô cùng khốc liệt, vang dội như sấm sét làm rung chuyển cả trời đất.
Đầu năm 1835 là giai đoạn đánh dấu cho những trận chiến khốc liệt tại đồng bằng Phan Rang, nơi mà Ja Thak Wa bị tử trận trên bãi chiến trường. Lợi dụng cơ hội này, vua Minh Mạng ra lệnh tử hình quốc vương Po Phaok The (Nguyễn Văn Thừa) vá phó vương Cei Dhar Kaok (Nguyễn Văn Nguyên) vào tháng 6 năm Ất Tị (1835); cắt đứt hẳn mối liên lạc giữa người Chăm và dân tộc miền núi để họ không còn tụ tập chiến đấu chống triều đình Huế nữa.
Theo CHAMPAKA
Tags: Nhà Nguyễn, Vương quốc Champa