Lãng mạn hóa cái ác – một xu hướng nguy hiểm của truyền thông Việt

“Trùm ma túy trao nụ hôn thắm thiết cho người tình ngay tại phiên tòa”. “sau khi tòa tuyên án, bị cáo đã ôm hôn tạm biệt người tình hot girl – cảm động mối tình tội phạm”…

Lãng mạn hóa cái ác – một xu hướng nguy hiểm của truyền thông

Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM đã tuyên y án sơ thẩm cho các bị cáo trong vụ án sản xuất, buôn bán, tàng trữ trái phép 124kg ma túy do Văn Kính Dương cầm đầu. Trong đó, y án tử hình với Văn Kính Dương.

Theo phán quyết của hội đồng xét xử (HĐXX) phúc thẩm, với số lượng ma túy thu giữ được đặc biệt lớn, hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, rất cần sử dụng đến hình phạt nghiêm khắc mới đủ tính răn đe.

Đồng thời khi lượng hình, tòa án đã đánh giá vai trò, tính chất, mức độ hành vi phạm tội của từng bị cáo. Riêng đối với bị cáo cầm đầu vụ án, nhân thân đặc biệt xấu (phạm tội nhiều lần, phạm nhiều tội, tiếp tục phạm tội khi đang trốn truy nã…), HĐXX phúc thẩm y án tử hình.

Một vụ án có đến 5 án tử hình, 2 án chung thân đã đủ nói lên tính chất, mức độ đặc biệt nghiêm trọng của nó.

Có tội đền tội. Đó không chỉ là chân lý thể hiện tinh thần pháp trị của một quốc gia thượng tôn pháp luật, mà còn là vấn đề luân lý đạo đức của cộng đồng xã hội. Kẻ đã gieo rắc “cái chết trắng”, làm tan nhà nát cửa biết bao gia đình, đẩy biết bao con người vào số phận cùng đường; phải trả giá đích đáng cho những hành động mà mình gây ra.

Ấy vậy mà, thay vì đăng tải các thông tin pháp luật cần thiết về hành vi phạm pháp, tội trạng của các bị cáo thì một số trang mạng xã hội (trong đó có cả những trang thông tin điện tử) lại “chuyển hướng” đưa tin theo kiểu lãng mạn hóa nhân vật bị cáo.

Như thể để thu hút độc giả tối đa nhất có thể, hàng loạt bài viết miêu tả chi tiết bằng ngôn từ lẫn hình ảnh minh họa về các nội dung kiểu như: “trong thời gian chờ nghị án, bị cáo đã thể hiện nhiều hành động thân mật với người tình của mình (như nắm tay, hôn người tình)”; “sau khi tòa tuyên án, bị cáo đã ôm hôn tạm biệt người tình hot girl – cảm động mối tình tội phạm”…

Thậm chí có trang tin điện tử còn giật title: Trùm ma túy trao nụ hôn thắm thiết cho người tình ngay tại phiên tòa.

Điều đáng nói là dưới những bài viết lệch chuẩn như thế này cũng là những lời bình luận lệch chuẩn không kém: “Tình yêu thật đẹp giữa chốn công đường”, “nụ hôn bi thương của đôi tình nhân tại tòa”, “giây phút chia ly của nam tử hán và mỹ nhân”…

Trong cái lý có cái tình; cần cái nhìn thiện tâm, bao dung trong cuộc sống. Nhưng không phải trong tất cả mọi trường hợp đều đúng. Khi cái ác được lãng mạn hóa quá đà, trật tự xã hội sẽ có nguy cơ đứng trước thảm họa.

Thời gian gần đây, chúng ta đã phải sửng sốt bàng hoàng và vô cùng lo ngại trước thực trạng xuất hiện tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội những sản phẩm văn hóa có chứa hàng loạt nội dung mang yếu tố giang hồ, kích động bạo lực, ngôn từ dung tục…

Có nhiều nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp dẫn đến vấn nạn nhức nhối trên. Và trong số đó, rõ ràng, có một phần trách nhiệm không hề nhỏ từ những bài viết mang tính ngôn tình hóa, lãng mạn hóa tội phạm.

“Làm đẹp cái ác” như thế là một kiểu viết ngụy biện, đánh lạc hướng tư duy của người đọc. Sẽ thế nào nếu một bộ phận giới trẻ ngợi ca, suy tôn những kẻ vi phạm pháp luật, xem đó là đối tượng để ngưỡng vọng? Hậu quả thật khôn lường lắm thay!

Theo TUỔI TRẺ ONLINE

Tags: , ,