Lạm phát sân golf – hiểm họa cho sự phát triển đất nước

Nếu như được tiếp tục cấp phép, phê duyệt dự án, trải khắp Việt Nam sẽ có cả trăm sân golf, “nuốt” hàng chục ngàn hécta đất nông nghiệp.

Golf – một “trò chơi quý tộc” có nguồn gốc từ Trung Quốc, từng được các nước Châu Âu phát triển. Hiện nay, cả Trung Quốc và nhiều nước Châu Âu đã không xây dựng thêm, thậm chí phá bỏ sân golf, phục hồi lại nguyên trạng đất đai, môi trường.

Nhưng Việt Nam, một đất nước còn nghèo, kinh tế vẫn đang chủ yếu dựa vào nông nghiệp, diện tích đất canh tác nhỏ, hẹp, manh mún lại trở thành “điểm hẹn lý tưởng” cho các nhà đầu tư sân golf.

Với số lượng hội viên ít ỏi, vậy thì nhà đầu tư mong mỏi gì khi “dốc” hàng triệu đôla Mỹ để biến đất nông nghiệp thành sân golf? Có thật là họ bỏ tiền ra đầu tư vào golf để phục vụ người chơi golf?

Câu trả lời: Họ có phục vụ các hội viên golf, nhưng mục đích chính của các nhà đầu tư xa hơn thế: “Phù phép” đất trồng lúa thành… đất dự án bất động sản để bán với giá cao.

Khi tiến hành một dự án golf, nhà đầu tư thường vẽ ra “thiên đường như mơ” cho người dân địa phương: Nào là góp phần tạo công ăn việc làm tại chỗ, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nào là phát triển du lịch…; tóm lại là tăng trưởng kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo…

Thế nhưng tại nhiều địa phương, sau khi sân golf mọc lên, nông dân liền trắng tay, không còn đất canh tác, phải tha hương đi làm ăn xa, các sân golf dù có tuyển lao động bản địa nhưng số lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay và đồng lương của một caddy cũng chẳng hơn gì so với làm ruộng.

Chủ đầu tư chỉ cần bỏ ra vài triệu, thậm chí chỉ vài trăm ngàn đồng để mua một mét đất nông nghiệp, nhưng khi nó “khoác” trên mình thương hiệu sân golf thì giá của nó lên đến hàng chục triệu đồng.

Như vậy, sân golf mọc lên… như nấm không chủ yếu phục vụ số lượng thành viên ít ỏi, mà chủ yếu nhà đầu tư dựa vào đó để kinh doanh bất động sản.

Hiện hàng tồn kho bất động sản đang “chết cứng” trong những khối bêtông, đặc biệt, các dự án biệt thự hạng sang, khu đô thị sinh thái.

Nếu các địa phương tiếp tục đua nhau xây dựng sân golf, Việt Nam không những có những khu đô thị hoang mà còn có cả những cánh đồng hoang – một sự lãng phí tài nguyên đất rất lớn.

Sân golf chỉ nhằm thỏa mãn thú vui của một bộ phận nhỏ hội viên, nhưng sẽ là thảm họa đối với đất nước, trước hết là thảm họa môi trường, an ninh lương thực quốc gia.

Xin lấy ra ví dụ để chứng tỏ điều trên, một sân golf tiêu chuẩn (18 lỗ) sẽ cần tới chừng 200.000m3 nước sạch/tháng, số lượng nước này có thể đáp ứng sinh hoạt cho hàng chục ngàn hộ gia đình.

Diện tích trung bình của một sân golf hiện nay là 300ha thì chỉ cần xây 100 sân golf, Việt Nam sẽ mất 30.000ha đất trồng trọt. Năng suất lúa trung bình cả nước hiện nay là 10 tấn/ha; như vậy, chúng ta sẽ mất đi hàng triệu tấn lương thực/năm.

Thảm cỏ trải trên sân golf không thể dùng cỏ Việt Nam, mà phải nhập khẩu cỏ chuyên dụng. Khi chơi golf, nhất là các quý bà golfer diện váy ngắn, không thể có những fair way điệu đà nếu như bị muỗi hoặc côn trùng đốt.

Vì vậy, để có một thảm cỏ xanh mướt, mượt mà và không có côn trùng, sâu bọ, người ta phải phun lên giống cỏ nhập ngoại làm sân golf những loại hóa chất rất độc hại như thuốc trừ sâu, chất ESD, Curfew… sẽ thấm dần xuống mạch nước ngầm, dần hủy hoại môi trường sống các loài côn trùng, thủy sinh ở các khu vực xung quanh, tác động tiêu cực đến sức khỏe con người.

Chúng ta đang thiếu, đang lãng phí đất nông nghiệp, trong khi “cắt xén” hàng chục ngàn hécta cho golf chỉ để phục vụ một “nhóm lợi ích nhỏ”, thì hàng triệu người dân nông thôn – nhất là khu vực miền núi – vẫn thiếu đói quanh năm.

Theo PHẠM HOÀNG ANH / LAO ĐỘNG ONLINE

Tags: , ,