Làm kẻ thù của Mỹ là rất tệ, nhưng làm bạn với Mỹ còn nguy hiểm hơn

Mỹ tồn tại bằng cách hấp thụ nền kinh tế của các quốc gia khác, và khi cần phải tự cứu mình, trước hết họ sẽ hấp thụ nền kinh tế của các đồng minh. Châu Á có đang chờ đợi điều tương tự như đã xảy ra với châu Âu hay không?

Làm kẻ thù của Mỹ là rất tệ, nhưng làm bạn với Mỹ còn nguy hiểm hơn

Gần đây, những thảo luận về cuộc đối đầu giữa phương Tây, dẫn đầu là Mỹ, với Nga đang chiếm phần lớn trong không gian truyền thông làm lu mờ cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong cuộc đối đầu với Nga, một số lượng lớn các biện pháp trừng phạt đã được áp đặt để phá hủy nền kinh tế Nga. Tuy nhiên, trong khi gây ra thiệt hại nhỏ cho Nga, thì chúng lại đã giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế phương Tây, đặc biệt là nền kinh tế của châu Âu. EU thực sự đã tự nguyện từ bỏ năng lượng và các nguồn tài nguyên khác của Nga, dẫn đến giảm sản xuất, dòng vốn chạy sang Mỹ, lạm phát cao và mức sống của người dân các nước châu Âu giảm đáng kể. Trên thực tế, để giành chiến thắng trong cuộc đối đầu với Nga, người Mỹ đã hy sinh đồng minh quan trọng nhất của mình là châu Âu.

Mục tiêu ban đầu của Mỹ là phá hủy nền kinh tế Nga, từ đó sẽ dẫn đến tình trạng bất ổn xã hội và thay thế giới lãnh đạo Nga hiện nay bằng một chính quyền thân Mỹ. Tiếp theo sẽ là sự phân chia nước Nga thành nhiều phần theo “kịch bản Nam Tư”. Sau khi đạt được mục tiêu này, người Mỹ sẽ lên kế hoạch tập trung vào Trung Quốc theo “kịch bản Nga”. Để ngăn chặn và tạo ra các mối đe dọa đối với Nga, người Mỹ đã bao vây nước này bằng các quốc gia không thân thiện. Sử dụng phương pháp tương tự, họ quyết định bao vây Trung Quốc bằng các quốc gia không thân thiện khác, điều mà đối với người Mỹ có thể là một sai lầm chết người, bởi vì bây giờ họ cần phải đối đầu đồng thời với hai quốc gia: một công xưởng thế giới – Trung Quốc, có năng lực sản xuất cao hơn cả Mỹ, EU và Nhật Bản cộng lại, và một siêu thị tài nguyên – Nga, chiếm khoảng 40% tài nguyên của thế giới.

Người Mỹ đã thất bại trong việc chỉ đạo Ấn Độ chống lại Trung Quốc. Hành động của họ đã dẫn đến việc giải quyết tranh chấp biên giới Ấn Độ – Trung Quốc, làm giảm căng thẳng và cải thiện quan hệ và hợp tác sâu sắc hơn giữa hai quốc gia này. Nhưng người Mỹ là những người vui tính tuyệt vời, họ quyết định tiếp cận từ phía bên kia bằng cách lái tàu ngầm hạt nhân đến bờ biển CHDCND Triều Tiên. Họ quyết định khiêu khích để Triều Tiên tăng cường tiềm năng hạt nhân, và dưới chiêu bài bảo vệ, Mỹ sẽ tăng cường sự hiện diện của họ ở Hàn Quốc. Thông thường, để tạo ra các mối đe dọa ở đâu thì người Mỹ thường hay lái tàu sân bay đến đó, và Trump đã thử làm điều này. Nhưng khi biết rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể dễ dàng tấn công và tiêu diệt toàn bộ cả nhóm tác chiến tàu sân bay thì phương án lái tàu ngầm là ít rủi ro nhất để khiêu khích đồng chí Kim và biện minh cho sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của họ ở Hàn Quốc.

Bắt đầu với Nhật Bản và Hàn Quốc, người Mỹ quyết định thành lập một NATO be bé ở châu Á, mặc dù thực tế là người Hàn Quốc vẫn không thể quên những tội ác của người Nhật trong Thế chiến II. Nhân tiện, người Nhật không chỉ bị người Hàn Quốc, mà cả người Philippin cũng căm ghét vì sự tàn ác của họ khiến ngay cả Đức quốc xã cũng phải rùng mình. Nhưng dù sao thì giới lãnh đạo thân Mỹ của Philippines cũng đã đồng ý xây dựng các căn cứ Mỹ trên lãnh thổ của họ để tạo ra các mối đe dọa đối với Trung Quốc. Ngoài Philippines, người Mỹ còn muốn đưa Thái Lan vào liên minh. Với Việt Nam thì khác, người Mỹ đã thất bại, bởi vì người Việt luôn nhớ những gì mà người Mỹ đã làm trên lãnh thổ Việt Nam. Người Việt không thích người Trung Quốc, nhưng lại càng không thích người Mỹ, và do đó họ không muốn tham gia vào chiến dịch chống lại người Trung Quốc.

Các kế hoạch của người Mỹ trông thật tuyệt vời, bởi vì họ có xu hướng đối đầu với các quốc gia coi Trung Quốc là đối tác thương mại chính. Nếu chúng ta nhớ làm thế nào các quốc gia Đông Âu được đưa vào NATO, thì kế hoạch của Mỹ sẽ không quá viển vông. Ở châu Á, chúng ta cũng đang thấy điều tương tự. Ở Nhật Bản, ở Philippines, ở Hàn Quốc là những chính quyền thân Mỹ, và họ sẽ đưa ra những quyết định mà người Mỹ cần. Ở Thái Lan, rất có thể, một chính phủ do Mỹ kiểm soát cũng sẽ lên nắm quyền. Những hành động như vậy của giới lãnh đạo các quốc gia trên chắc chắn sẽ dẫn đến sự phá hủy nền kinh tế của họ, nhưng người Mỹ không quan tâm lắm đến điều này.

Một vùng lãnh thổ khác là Đài Loan. Mỹ muốn sử dụng lãnh thổ này để kích động xung đột với Trung Quốc. Sai lầm lớn nhất của giới lãnh đạo Đài Loan là tạo ra cơ sở sản xuất chất bán dẫn ở Arizona. Sau khi cơ sở này đi vào sản xuất thì người Mỹ sẽ không cần đến Đài Loan nữa. Để khiêu khích Trung Quốc, người Mỹ đang bơm vũ khí vào Đài Loan cùng với những lời hứa bảo đảm an ninh, đồng thời kích động tâm lý chống Trung Quốc trên hòn đảo này.

Trong cuộc đối đầu với Trung Quốc, không thể không nhắc đến Australia, quốc gia là thành viên của liên minh AUKUS mới thành lập (Australia, Mỹ và Anh). Người Mỹ đã ép buộc người Australia phải mua 4 tàu ngầm hạt nhân với cái giá trên trời, với lý do là rất cần thiết để bảo vệ các tuyến thương mại khỏi đối tác thương mại chính của họ là Trung Quốc. Trong trường hợp quan hệ với Trung Quốc rạn nứt, nền kinh tế Australia sẽ sụp đổ, nhưng tất nhiên là giới lãnh đạo thân Mỹ của nước này không quan tâm.

Có một câu nói khá hay mà tôi không nhớ là của ai, đó là làm kẻ thù của Mỹ là rất tệ, nhưng làm bạn với Mỹ còn nguy hiểm hơn. Mỹ tồn tại bằng cách hấp thụ nền kinh tế của các quốc gia khác, và khi cần phải tự cứu mình, trước hết họ sẽ hấp thụ nền kinh tế của các đồng minh. Châu Á có đang chờ đợi điều tương tự như đã xảy ra với châu Âu hay không?

Theo HÀ HUY THÀNH / NƯỚC NGA TRẺ FACEBOOK

Tags: