Làm gì để giảm gánh nặng cho các gia đình nuôi con học đại học?

Nếu không có nơi bấu víu nào khác, những đứa con đã qua 18 tuổi ở Việt Nam sẽ chủ yếu vẫn được cha mẹ bao nuôi cho tới khi tốt nghiệp đại học, thậm chí tới lúc nhận tháng lương đầu tiên.

Làm gì để giảm gánh nặng cho các gia đình nuôi con học đại học?

Tác giả: Võ Nhật Vinh, hiện là Giảng viên trường kỹ sư CESI (Nice, Pháp).

Tháng trước, gia đình người quen nhờ tôi tư vấn xu hướng nghề nghiệp trong tương lai để cân nhắc việc chọn ngành, chọn trường.

Con họ chuẩn bị tốt nghiệp THPT. Người bố nói, phải tính rất kỹ, nuôi một sinh viên là ngân quỹ gia đình thủng một lỗ lớn. Mai mốt ra trường, nếu cháu chỉ tìm được công việc thu nhập thấp, tệ hơn là thất nghiệp, thì “khoản đầu tư” này chưa biết chừng nào mới lại vốn. “Không khác gì đánh bạc”, anh đùa.

Học phí đại học sẽ tăng lên đáng kể sau khi Nghị định 81/2021 về cơ chế thu, quản lý học phí được áp dụng, cũng như sau khi các trường thực hiện tự chủ tài chính. Học phí các chương trình đào tạo tiêu chuẩn tại nhóm trường thành viên ĐHQG TP HCM năm nay dự kiến dao động vào khoảng 20 đến 30 triệu đồng/năm, chiếm 20% đến 31% GDP đầu người của Việt Nam năm 2022 (hơn 4.100 USD). Học phí các năm tiếp theo có thể tiếp tục tăng hơn 10% mỗi năm, trong khi mức tăng trưởng GDP đầu người chỉ vào khoảng 1,72%/năm – theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (World Bank). Nếu so sánh với Pháp – nơi tôi đang sống và làm việc – thì học phí bậc đào tạo cử nhân tại các đại học công lập dành cho sinh viên khối EU khoảng 170 euro/ năm, chiếm 0,5% GDP đầu người.

Gánh nặng tài chính của giáo dục đại học tại Việt Nam đang chuyển sang các hộ gia đình. Báo cáo của World Bank tại một hội thảo hồi tháng 4 cho biết, chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học ở Việt Nam vào loại thấp nhất thế giới (0,23%). Nguồn thu tài chính của các trường chủ yếu đến từ học phí (tức là đóng góp của các hộ gia đình), chiếm 70-80% và tỷ lệ này sẽ còn tăng. Tình trạng này đang tạo ra khoảng cách lớn về tiếp cận giáo dục đại học đối với nhóm hộ thu nhập thấp; về lâu dài sẽ khoét rộng sự phân cấp xã hội do người nghèo ngày càng khó vươn lên.

Nhưng học phí đại học ở Việt Nam liệu có thể giảm, hoặc ít nhất không tăng không? Tôi cho là không thể. Ngân sách nhà nước không bảo đảm bao cấp cho toàn hệ thống, mô hình tự chủ tài chính của các trường là tất yếu và học phí tăng cũng là điều hợp lý. Theo tính toán của các chuyên gia, nếu nâng chi phí đào tạo đại học lên gấp 5 lần, thì Việt Nam mới chỉ tương đương Thái Lan, và bằng 5-10% Mỹ, Australia hiện tại.

Vậy ai sẽ san sẻ gánh nặng đại học với các ông bố bà mẹ? Không ai khác ngoài những đứa con. Vấn đề là tạo cơ chế thuận lợi cho những đứa con đã ngoài 18 tuổi tự chịu trách nhiệm với quyết định đầu tư cho tương lai của mình.

Tín dụng sinh viên là một chính sách tài chính quan trọng ở nhiều quốc gia, nhằm tạo sự bình đẳng trong cơ hội tiếp cận giáo dục đại học của sinh viên nghèo. Với thủ tục đơn giản, lãi suất thấp, vay để đi học và trả nợ khi đi làm là chuyện phổ biến. Một thống kê năm 2019 cho thấy, cứ ba sinh viên Mỹ thì có hai người phải vay tín dụng ở bậc đại học.

Việt Nam cũng có quỹ tín dụng sinh viên tương tự, thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội. Nhưng theo tìm hiểu của tôi, cơ chế này có ba điểm hạn chế khiến chính sách trở nên khó tiếp cận với người có nhu cầu: Thủ tục không đơn giản, lãi suất không phù hợp và mức vay tối đa thấp (4 triệu đồng/tháng). Vì vậy, chương trình này ngày càng kém hấp dẫn. Cũng theo báo cáo của World Bank, năm 2011 có 2,4 triệu người thụ hưởng, năm 2017 chỉ có 725.000 người và đến năm 2021 chỉ còn 37.000 người thụ hưởng.

Ngoài đi vay, sinh viên có thể được tạo điều kiện làm việc nhằm trang trải chi phí. Tuần trước, tôi tham gia Hội đồng Giảng viên lựa chọn những sinh viên đủ điều kiện vào chương trình đào tạo kỹ sư vừa học vừa làm. Trường tôi đang giảng dạy là một trường đào tạo kỹ sư với mức học phí lên tới gần 6.000 euro/năm. Sinh viên – sau khi hoàn thành chương trình đại cương – nếu có tố chất và kỹ năng sẵn sàng, sẽ được trường chấp thuận cho học tiếp trong khi tập sự tại các công ty. Công ty tuyển dụng phải có chương trình làm việc phù hợp (do nhà trường đánh giá, phê chuẩn), có trách nhiệm chi trả học phí và lương cho sinh viên. Chương trình vừa học vừa làm cho phép sinh viên giải tỏa gánh nặng tài chính do học phí cao mỗi năm. Song song đó, họ có điều kiện thực hành trong công việc. Khi tốt nghiệp, họ sẽ có một hồ sơ tìm việc dày dặn kinh nghiệm.

Về phía doanh nghiệp, họ được sự hỗ trợ của chính phủ với các chính sách ưu đãi tài chính. Ngoài ra, đây cũng là kênh giúp họ đào tạo nhân lực từ hạt giống.

Vào năm 2022, Pháp có xấp xỉ một triệu sinh viên vừa học vừa làm như thế này và nhà nước phấn đấu duy trì con số một triệu hợp đồng vừa học vừa làm được ký kết mỗi năm. Con số hiện nay gấp đôi thời điểm trước dịch COVID-19, và gần 50% lao động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Pháp là sinh viên hệ vừa học vừa làm. Điều này cho thấy khi tình hình kinh tế khó khăn thì hình thức đào tạo vừa học vừa làm là giải pháp tài chính cho cả sinh viên và doanh nghiệp.

Trở lại với Việt Nam, theo thống kê của Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực (Bộ Giáo dục & Đào tạo), chỉ 56% sinh viên khi tốt nghiệp ra trường có việc làm đúng ngành học. Nhưng phần lớn bị đánh giá thiếu cả kỹ năng lẫn kiến thức thực tiễn chuyên môn.

Để giảm gánh nặng cho các gia đình nuôi con học đại học, Nhà nước có thể đứng ra kết nối các nhu cầu lại với nhau bằng những chính sách cụ thể. Trường học có nhiệm vụ đào tạo kiến thức và kỹ năng trước khi giới thiệu cho doanh nghiệp, giám sát quá trình học tập tại trường. Doanh nghiệp đào tạo và sử dụng nhân sự theo chương trình đã lên kế hoạch và được nhà trường phê duyệt.

Nếu không có nơi bấu víu nào khác, những đứa con đã qua 18 tuổi ở Việt Nam sẽ chủ yếu vẫn được cha mẹ bao nuôi cho tới khi tốt nghiệp đại học, thậm chí tới lúc nhận tháng lương đầu tiên.

Theo VNEXPRESS

Tags: ,