Làm gì để dân Việt chịu bỏ xe máy và chuyển sang phương tiện công cộng?

Nhiều người sai lầm khi nghĩ rằng Hà Nội cấm xe máy để chuyển sang đi ôtô cá nhân.

Làm gì để dân Việt chịu bỏ xe máy và chuyển sang phương tiện công cộng?

“Cấm xe máy, đi bằng gì?”, đó là câu hỏi mà rất nhiều người hay đưa ra khi nói về chủ đề này. Trước hết, phải khẳng định, cấm xe máy không phải để chuyển sang đi ôtô. Ai cũng thấy giá ôtô hiện nay vẫn còn quá cao so với thu nhập trung bình của đa số người Việt, và nếu như tất cả người đi xe máy đều chuyển sang ôtô thì sẽ là một thảm họa.

Ở đây, chủ trương cấm xe máy là để chuyển sang đi phương tiện công cộng bao gồm: xe buýt, tàu điện ngầm, tàu điện trên cao… Thế nhưng hiện nay giao thông công cộng chưa thể đáp ứng được phần lớn nhu cầu của người dân, nên chắc chắn việc cấm xe máy hoàn toàn ngay bây giờ khó có thể khả thi. Cái chúng ta cần là một lộ trình cấm xe máy trong thời gian 10-15 năm. Trong thời gian này, cần phải tiến hành song song hai công việc: phát triển giao thông công cộng và từng bước xóa bỏ xe máy.

Đến đây, nhiều người sẽ lại hỏi: “Tại sao không chờ đến khi giao thông công cộng đủ tốt rồi hãy cấm xe máy?”. Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải hiểu cần bao nhiêu tiền để có hệ thống giao thông công cộng hiện đại và số tiền này sẽ tới từ nguồn nào? Nếu bạn cho rằng Nhà nước phải đứng ra làm chuyện đó thì hãy nhìn vào tuyến metro số 1 của TP HCM, đã 15 năm rồi nhưng vẫn chưa xong.

Theo công bố, Hà Nội cần hơn 40 tỷ USD để có hệ thống hơn 10 tuyến đường sắt đô thị, một con số khủng khiếp. Rõ ràng, nếu chỉ dựa vào nguồn vốn của Nhà nước thì sẽ phải mất rất lâu nữa chúng ta mới có hệ thống giao thông công cộng đủ tốt. Vậy nên, nếu không lấy từ nguồn tiền của Nhà nước thì chỉ còn cách kêu gọi nguồn vốn từ tư nhân. Mà với tư nhân, điều họ quan tâm nhất chính là lợi nhuận. Liệu giao thông công cộng có thể mang lại lợi nhuận cho họ? Hay nói cách khác, người dân có chịu từ bỏ xe máy để chuyển sang đi xe buýt và các phương tiện công cộng khác hay không?

Người Việt luôn đặt sự tiện lợi lên trên sự an toàn nên trong mắt họ, xe buýt không bao giờ đạt được cái chuẩn “đủ tốt” mà người Việt hằng mong muốn. Xe buýt dù tốt đến mấy cũng không thể nào dừng ngay trước cửa nhà để bạn có thể một bước lên xe, không thể bạ đâu dừng đó để bạn mua ổ bánh mì, mua ly cà phê được. Hơn nữa, với số lượng xe máy ngày càng tăng nhanh như hiện nay thì xe buýt cũng chẳng có đường nào để phát triển được.

Các bạn hãy thử trả lời xem, một chiếc xe buýt bị vây bởi hàng dài đông nghẹt xe máy thì làm thế nào để vừa đi nhanh, vừa đi đúng giờ theo mong muốn của hành khách được?

Chính các bạn, những người đi xe máy, một mặt đã giết chết xe buýt, nhưng mặt khác lại luôn hô hào “hãy phát triển xe buýt đi, tôi sẽ bỏ xe máy”. Thói quen ưa thích sự tiện lợi khiến nhiều người không muốn từ bỏ xe máy và chắc chắn sẽ không bao giờ từ bỏ xe máy nếu không có lệnh cấm từ chính quyền.

Các nhà đầu tư hiểu rất rõ điều này, nên họ chẳng bao giờ tin vào cái viễn cảnh “người dân sẽ bỏ xe máy nếu giao thông công cộng đủ tốt cả”. Họ chẳng dại gì bỏ tiền vào một thứ chắc chắn sẽ thua lỗ. Lúc này, lộ trình cấm xe máy giống như lời bảo chứng của Nhà nước dành cho các nhà đầu tư: “Hãy bỏ tiền vào giao thông công cộng đi, tôi cam đoan sẽ dẹp hết xe máy để các anh có lợi nhuận”. Dựa vào sự cam đoan này, các nhà đầu tư mới có lòng tin bỏ tiền, và chúng ta mới có được giao thông công cộng hiện đại trong thời gian ngắn.

Theo HOÀNG LT / VNEXPRESS

Tags: ,