Ký ức vui buồn về những năm cuối của Liên bang Xô viết

Vào những năm cuối của chương trình Hợp tác lao động với Liên Xô cũ, phần đông công nhân Việt Nam sang làm việc ở Liên Xô là những người trong diện giảm biên chế của cơ quan nhà nước cũng như quân nhân của các đơn vị sắp giải thể…

1. Những chuyện nhớ để mà buồn

Nhiều người chỉ còn vài năm nữa là về hưu, nhưng cũng muốn đi “nước ngoài” một chuyến cho biết. Tôi là một trong số những người như thế.

Tôi may mắn hơn khi đoàn 26, Quân khu Một tổ chức đưa những anh chị em xuất ngũ đi lao động nước ngoài.

Đơn vị nơi chúng tôi đến làm việc là một Xí nghiệp liên hợp Dệt Iar – se – vơ của thành phố Xmô- len – cơ, chuyên dệt vải bông và dệt khăn mặt. Do đặc thù công việc nên tỷ lệ chị em chiếm đến hơn 80%. Ngay cả lãnh đạo Việt Nam là nam giới tại đây cũng như “mỳ chính cánh”. Ốp có 200 người mà chỉ có 5 anh cán bộ.

Ngày ấy khi được đi nước ngoài là ai cũng cố gắng chạy vạy tiền nong để mua đồ “xách tay” sang Liên Xô bán: son phấn, áo phông cá sấu, quần bò, thậm chí cả rượu “Lúa mới”, tỏi khô… cũng được ghi trong đề mục cần kíp. Sang đến nơi rồi thì phải làm quen với nơi làm việc mới, khí hậu mới, làm quen với thức ăn “tây” mà không phải ai cũng hợp khẩu vị.

Những ngày đầu mọi người háo hức lắm, cũng may mắn cho chúng tôi là sang cuối tháng Tư nên tuyết cũng tan dần, cây cối bắt đầu thi nhau đâm chồi, nảy lộc một cách mãnh liệt, mới tối qua nhìn vườn táo khẳng khiu như không có sức sống, vậy mà sáng ra nhìn qua cửa sổ đã thấy đọt non, nụ hoa nhú lên e ấp. Cây cỏ xứ lạnh này chịu vùi thân mình dưới tuyết băng mấy tháng trời nên khi xuân về, băng tuyết tan là chúng vùng dậy, chỉ trong vòng một tuần cảnh vật đã thay đổi hoàn toàn.

Vườn táo tràn một màu hoa trắng phớt tím nhạt. Các loài cỏ dại cũng đua nhau khoe màu xanh mướt. Những bãi cây bồ công anh vươn những vòi nụ lên khỏi mặt đất độ chừng 20 cen ti mét, chiều nay chỉ thấy nụ, sáng mai đã ngập tràn một màu vàng tươi rói.

Sau vài ngày ăn đồ tây, toàn là khoai tây nghiền, bắp cải muối, thịt bò nấu súp, trứng gà công nghiệp luộc, không có rau xanh, ai cũng thấy xót ruột và bỗng dưng thèm được ăn một bữa rau muống hay bát canh mồng tơi, rau đay. Một buổi chiều mấy chị xuống sân đi dạo, trời cuối xuân nhưng nhiệt độ hơi se lạnh.

Bỗng một chị phát hiện ra một loại cây có lá giống như cây ngải cứu ở Việt Nam, chị hái ngọn và nhấm thử, nó cũng có mùi hăng như ngải cứu nhưng không đắng như ngải cứu quê nhà, một phát hiện làm tỉnh táo cả hai trăm con người mới “xuất ngoại”. Thế là mọi người đổ xô xuống sân, vườn hoa, công viên để… hái rau.

Cho dù cây cỏ có phát triển với tốc độ thế nào cũng không đáp ứng đủ cho nhu cầu của mấy trăm con người chúng tôi. Vậy là rau ngải cứu chưa kịp mọc, mấy chị lại phát hiện ra một loại cây na ná như ngải cứu, hí hửng hái về, luộc, xào cho cả phòng sáu chị em “đánh chén”. Không ngờ chỉ sau nửa giờ cả phòng phải nhập viện để rửa ruột vì… ngộ độc. Ôi, một bài học về rau xanh mà chúng tôi còn nhớ mãi đến bây giờ.

Sau hai tháng học tiếng, chúng tôi được đi dã ngoại tham quan rừng, đi hái quả mâm xôi, dâu đất. Rồi ra bờ sông hái lá chua. Có chị to gan xắn quần lội xuống sông, mấy phút sau chị reo to: Ôi có nhiều con trai quá này. Và thế là chiều về khu ký túc xá nhộn nhịp người lên kẻ xuống cùng với những xô những chậu toàn trai là trai. Hôm ấy chúng tôi lại được thưởng thức món ăn dân dã quê nhà.

Hết thời gian học tiếng Nga thì chúng tôi được học nghề. Gần hai trăm công nhân được chia thành bốn đội, dựa theo kết quả thi kiểm tra tiếng Nga mà chia thành các lớp học: dệt vải, dệt khăn mặt, sợi bông, xe chỉ… Bắt đầu từ đó chúng tôi vừa học lý thuyết vừa thực hành theo ba ca cùng công nhân Nga.

Vào nhà máy dệt vải sợi bông thì giàn máy thấp nhỏ, chị em người Việt mình đứng làm việc không chênh lệch bao nhiêu. Nhưng nhà máy dệt khăn mặt thì toàn những cỗ máy to cao tới mét tám, hai mét với những quả sợi nhiều màu. Những thợ dệt người Nga to lớn đứng cạnh còn lọt thỏm, chị em ta ai cũng chiều cao “khiêm tốn”, cân nặng thì nói như chúng tôi ngày ấy chỉ là “một tay xách nặng”.

Nhìn các cô bé ấy những công nhân Nga lắc đầu thương hại. Máy dệt chạy liên tục, khi gặp một sự cố nhỏ như đứt chỉ, hết sợi là máy dừng. Một người thợ đứng từ 10 đến 15 máy dệt khăn mặt và 15 đến 20 máy dệt vải. Một ca 8 tiếng chỉ nghỉ ăn giữa ca 30 phút, còn lại phải có mặt liên tục bên máy. Một người khỏe mạnh mà làm hết ca về đến phòng nghỉ chỉ kịp tắm rửa sơ qua là lên giường ngủ một mạch mười giờ đồng hồ mới dậy tìm đồ ăn. Thời gian làm mỗi ca từ thứ hai đến thứ sáu. Thứ bảy, chủ nhật được nghỉ và thứ hai tiếp tục đổi ca khác.

Nhiều chị em chỉ lo đi làm đúng giờ và giữ nghiêm kỷ luật của nhà máy cũng như của ký túc xá. Trong lúc đó thì có một số người đi chạy chợ (một điều tối kỵ vào thời đó, nếu người lao động tự ý bỏ việc đi buôn thì có thể bị đuổi về nước, mà công nhân Nga họ bắt gặp những người này ở chợ thì họ tẩy chay, khinh bỉ…). Để đảm bảo đủ ngày công những người chạy chợ thuê những người cùng phòng làm cùng nghề hoặc những người cùng nghề nhưng không có khả năng cũng như vốn liếng để đi buôn.

Mà ngày ấy ra, vào ký túc xá cũng nhiêu khê lắm, phải xuất trình hộ chiếu, viza nếu là khách từ nơi khác đến thăm bạn bè, đồng hương, người yêu. Đi tàu tốc hành thì còn bị nhân viên trên tàu, công an đường sắt làm tình làm tội, đòi hỏi giấy tờ thông hành, nếu không nhanh ý giúi tiền vào tay họ thì… còn khổ.

Để có một chút tiền mua hàng hóa đóng thùng gửi về nước, người thì bỏ tiền mua hàng từ Việt Nam mang sang bán lại cho mấy kẻ buôn to, dành tiền đi mua xe máy, tủ lạnh, vật dụng có giá ở trong nước, người không có tiền thì chờ lĩnh những đồng lương ít ỏi của nhà máy và chịu khó ngoài giờ làm việc đi khắp các cửa hàng bách hóa để xếp hàng mua chậu nhôm, xô tôn, ly thủy tinh… Nói chung là thượng vàng hạ cám, từ đắt tiền như xe Minsk, tủ lạnh, tủ đá cho đến mấy thứ rẻ tiền nhưng đóng về Việt Nam vẫn có giá.

Ký túc xá sau một năm là thành cái chợ, hàng hóa các nơi đánh về bán cho người cần đóng thùng gửi về nước. Công cuộc làm ăn buôn bán kiếm tiền của chị em ta nơi đất khách quê người không ai có thể tưởng tượng nổi gian truân vất vả như thế nào. Đồng tiền kiếm được thấm đẫm mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu nữa. Có những vụ chị em đi chợ ở thành phố xa về, vừa xuống đến ga tàu thì bị bọn thanh niên trọc đầu chặn đường giật túi, cướp tiền, hàng hóa. Không may còn bị chúng đánh bể đầu, sưng tím mặt mũi.

Đến khi được phép đóng thùng hàng chuyển qua đường biển thì còn bao nhiêu chuyện phiền phức, tốn kém. Khi thùng hàng đến cảng còn bị phanh phui kiểm tra, bị dùng gầu múc hỗn độn, “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, hàng của người này sang thùng người khác, đến khi về Việt Nam người nhà mở ra kiểm theo thư báo hàng thì… mặt ai nấy như bị “trúng gió”!!!

Rồi Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhà máy tuyên bố đóng cửa, công nhân Việt Nam không được bồi thường, không được mua vé máy bay về nước theo Hiệp định đã ký kết, phần lớn chị em bám trụ nhà máy đến lúc này khóc… không ra nước mắt!

2. Vẫn những chuyện nhớ để mà buồn

Đoàn chúng tôi được đưa đến “ốp” dành cho công nhân Việt Nam. Đó là một khu nhà năm tầng, dưới tầng một là hội trường, đường hành lang ở giữa, hai bên là những phòng kho, phòng để ga gối sạch của cả ký túc xá. Từ tầng hai tới tầng năm là những căn hộ khép kín gồm hai phòng. Phòng to dành cho bốn người, phòng nhỏ dành cho hai người. Mỗi tầng dành cho công nhân một đội. Cán bộ Việt Nam gồm năm nam, ba nữ ở tầng hai. Mỗi phòng có một cửa sổ to hai lớp kính chống rét mùa đông và làm mát vào mùa hè.

Tuần đầu tiên xa quê hương, các chị nhớ chồng, nhớ con, lại lạ nước lạ cái, ngôn ngữ bất đồng, nhiều chị khóc sưng cả mắt, nhất là khi mấy ông cán bộ “ốp” mở mấy băng casset ca nhạc Việt Nam vào buổi chiều tà sau bữa ăn. Gần như cả “ốp” cùng “hợp xướng”. Ai nấy đều mong mau mau cho hết bốn năm hợp đồng.

Rồi không biết ai khởi xướng mà những người dân Nga quanh khu đó đến tụ tập dưới sân ‘ốp”, họ chỉ chỉ trỏ trỏ, rồi giơ tay ra hiệu, ở trên cao nhìn xuống thật buồn cười. Bỗng một sợi dây dù được thả từ trên tầng năm xuống, đầu sợi dây có buộc chiếc túi nhỏ, rồi sợi dây kéo chiếc túi lên, sau đó nó lại được thả xuống với món đồ gì đó bên trong. Không chỉ một phòng mà còn “dịch” chuyền sang các phòng bên cạnh, rồi đến các tầng khác.

Cứ thấy người bên dưới giơ tay chỉ vào mắt, vào môi, chỉ tay vào người rồi xuống chân. Sau đó thì đưa bàn tay ra hiệu. Lúc thì một ngón, lúc năm ngón, lúc lại giơ nắm đấm. Thật lạ lùng là cả hai bên không ai hiểu ai nói gì nhưng cử chỉ đã làm họ biết được ý định của nhau. Từ “trên trời” cứ lần lượt thả xuống những cái túi, bên dưới đất bỏ đúng số tiền đã thỏa thuận vào, từ chì kẻ mắt, son môi, phấn màu đến áo phông “cá sấu”, phông “cành mai”, quần áo bò, rượu “Lúa mới”… cứ thế “xuất khẩu” theo đường”dây dù” đó.

Vì đang trong thời kỳ “cấm trại” nên chị em không được ra khỏi “ốp”, cách bán hàng qua “dây” đó được chị em truyền kinh nghiệm cho nhau. Một số hàng hóa được chị em chuyển đổi sang đồng rúp, thế là quanh “ốp” Việt Nam lúc nào cũng có người Nga mua hàng hóa. Một sự bất thường đối với một thành phố công nghiệp của Liên bang Xô Viết, khi mà chuyện buôn bán là bất hợp pháp đối với bất cứ một công dân chân chính nào.

Và một loạt báo địa phương đăng tin có kèm cả hình ảnh minh họa cho hình thức buôn bán của công nhân Việt Nam tại “ốp” này “ốp” kia. Cán bộ hai bên họp tìm biện pháp khắc phục tình trạng này. Họp toàn “ốp” kiểm điểm, nhưng ai mà chẳng có hàng hóa mang theo, ai mà chẳng muốn giải quyết nhanh.

Chính mấy cán bộ Việt Nam còn mang hàng nhiều hơn công nhân, thậm chí có người còn nhờ công nhân nhận mang hộ cho họ nữa. Vậy làm sao đây? Thời gian học tiếng Nga mới bắt đầu, ngoài bốn phiên dịch của bốn đội thì kể cả bốn người Đội trưởng cũng mới “xóa nạn mù tiếng Nga” thôi. Gần hai trăm con người Việt giao lưu với người Nga chủ yếu bằng… tay!

Trong khẩu phần ăn hàng ngày thì thường có trứng gà luộc, nhưng họ luộc kỹ nên lòng đỏ bên trong xám lại, nhiều người ăn mà nghẹn đứng, nghẹn ngồi. Mấy cô bé đi theo diện con em, mới 17, 18 tuổi, nghịch ngợm hỏi mấy bà ở nhà bếp mua trứng gà tươi, không biết nói tiếng Nga, liền trổ tài bằng cách một tay để lên miệng kêu “cục ta cục tác”, tay kia nắm lại đưa ra sau mông ám chỉ quả trứng, chân thì nhảy tưng tưng giống gà nhảy đẻ làm cả Nga lẫn Việt được bữa cười bò ra.

Sau hơn một tháng học tiếng, mọi người đã bập bõm nói chuyện với người Nga, nhưng rồi lại “phát sinh” nhiều câu chuyện cười ra nước mắt. Đi ra cửa hàng thấy dân họ xếp hàng thứ tự để mua thực phẩm cũng như các mặt hàng khác, một số chị quen thói ở “nhà ta” nên chen đại vô, giẫm cả vào chân họ, thay vì nói câu xin lỗi có chị còn nhoẻn miệng cười và nói hẳn tiếng Nga: “Cảm ơn”.

Và “tiếng Nga bồi”của một số chị lớn tuổi nghe mới “hài” làm sao. Thời gian đầu vào nhà máy học nghề, làm quen với công việc, lúc ra cổng về mọi người chào tạm biệt nhau hẹn mai gặp lại, một vài người cao giọng: “đáp xe lên nha”.

Thấy là lạ vì cùng học tiếng Nga với nhau mà sao có thứ từ lạ hoắc vậy? Hỏi thì các chị bảo: “Mày dốt bỏ mẹ, chào tạm biệt chứ gì mà hỏi?”. Một chủ nhật, tôi cùng mấy cô bé cùng phòng đi dạo cửa hàng và thăm thú chợ trong thành phố, lúc về qua khu “chợ trời”, thấy mọi người xúm xít vòng trong vòng ngoài, tò mò chúng tôi cũng ghé vào ngó thử. Thì ra mấy chị nhà ta đang bán hàng.

Một chị lớn tuổi nhất ốp đang chào bán nước hoa như thế này: “Này, ku pít đôi khi về cho đồi trụy” (tạm dịch của cụm từ: này, mua nước hoa về cho con gái). Một chị khác: “Bê đi, bê đi, không thì zavtora nhét tu” (mua đi, mua đi không thì ngày mai hết). Cứ nửa Nga nửa Việt ấy vậy mà người mua xếp hàng trật tự như mua ở cửa hàng vậy.

Có đi xa quê hương mới thấy sự cực khổ, bươn trải kiếm tiền dành dụm gửi về cho chồng con hoặc trả nợ tiền mượn mua hàng mang sang Nga bán. Được ngày thứ bảy, chủ nhật nghỉ làm thì nhiều chị em phải dậy sớm cho kịp chuyến xe khách đầu tiên đến một thành phố khác bán hàng, khi về đến ốp cũng trên chuyến xe cuối cùng, mặt mũi phờ phạc, chân tay rã rời.

Có những chị sau khi bán hàng ở chợ xong còn đi các cửa hàng bách hóa để tìm mua hàng về đóng thùng gửi đường biển về nhà. Có người bạo gan hơn thì hỏi cánh lái xe taxi Nga để thuê xe đi chợ biên giới Vinus, Lvop, Riga… Bốn người thuê một xe đi từ 11 giờ đêm nay, 5 giờ sáng hôm sau tới chợ, tranh thủ nhặt hàng, đến trưa là bắt đầu trở về, tối mịt mới tới “ốp”. Có người chờ sẵn mua buôn luôn và mang hàng đi Moskva hoặc các thành phố khác, có khi đến tận vùng Sibiri lạnh giá. Sau này một số đi theo tàu liên vận đến các chợ đầu mối chuyên bán buôn tất cả các loại hàng rồi mua vé về thẳng Moskva đổ hàng ở hai “ốp zin”, “ốp Búa Liềm”…

Cùng với phong trào buôn bán đang độ cao trào thì số người làm trong nhà máy cũng giảm dần. Lãnh đạo hai bên đau đầu nhưng không làm cách nào ngăn chặn dòng người bỏ “ốp” đi buôn. Cùng với hệ thống giao thông thuận lợi, chị em tỏa đi các thành phố khắp Liên bang Xô Viết buôn bán kiếm sống, chẳng ai còn nhớ những ngày đầu mới sang, nhớ nhà khóc rưng rức…

3. Những chuyện nhớ để vui và xúc động

Ổn định nơi ăn chốn ở xong, chúng tôi được học tiếng Nga qua các cô giáo không chuyên của bộ phận phụ trách người Việt Nam. Bốn đội công nhân chúng tôi có bốn cô giáo phụ trách. Mỗi cô một vẻ, nhưng nói chung họ rất quý công nhân Việt Nam. Đội tôi được cô Svetlana Nicolaiepna dạy học. Một phụ nữ nhanh nhẹn hoạt bát, nụ cười luôn trên môi, cô dạy tận tình, uốn nắn từng câu, từng lời.

Đội tôi ngoài các chị, các cô từ 30 trở lên, có vài cháu con em công nhân tuổi chừng mười tám đôi mươi, lại có những chị chuẩn bị về hưu… nên trình độ không đồng đều. Cô giáo cũng khá vất vả, những lúc giải lao cô lại học tiếng Việt từ các “học trò”. Mấy ngày đầu chúng tôi chỉ trao đổi với cô giáo bằng… tay, rồi bằng quyển “hội thoại”, sau hai tuần chúng tôi đã có một số vốn tiếng Nga thông thường, có thể ra cửa hàng mua bán mà giảm bớt ra hiệu, chỉ chỏ…

Cô giáo Svetta (cách gọi thân mật của tên Svetlana) là một phụ nữ Nga chính gốc, tuy thân hình cô hơi đồ sộ nhưng trong những cuộc vui nhìn cô nhảy những vũ điệu Nga thì chúng tôi không khỏi trầm trồ khen ngợi. Giữa những buổi học, cô nói muốn nghe các bài hát Việt Nam, tuy không hiểu tiếng nhưng qua giai điệu bài hát thì cô cảm nhận được.

Đội tôi có chị Năm là cây văn nghệ của đơn vị A30 Bộ Quốc phòng, hôm đó chị hát bài dân ca quan họ “Người ở đừng về”, cô nghe với nét mặt thư thái, người cô đung đưa theo bài hát. Để đáp lại cô cho chúng tôi thưởng thức một bài dân ca Nga – Kalinka. Tôi “xung phong” thể hiện bài hát Nga Cây thùy dương, nhưng bằng lời Việt, cô vui lắm, và thế là cô – trò cùng hát, kẻ tiếng Nga, người tiếng Việt, cùng hòa nhịp say sưa.

Sau buổi đó thì cô chép cho tôi lời Nga và bảo tôi phải học thuộc (hát bằng lời Việt thì dễ chứ ghép vào lời Nga không dễ tý nào!). Rồi gần như thành lệ, giờ giải lao chúng tôi lại hát cho cô nghe về Việt Nam, cô lại cho chúng tôi hiểu thêm về Liên bang Xô Viết. Một buổi chị Năm hát bài Quê hương, giọng chị tha thiết, mắt chị ngấn lệ làm chúng tôi rưng rưng, nhìn sang cô giáo thấy cô lặng lẽ lấy khăn chấm nước mắt. Chúng tôi thấy như được chia sẻ nỗi nhớ quê hương với người bạn lớn thân thiết ấy!

Cô mời chúng tôi tới nhà chơi, rồi ra vườn riêng mà chỉ mùa hè mới thấy các loại rau quả gia đình cô tự trồng. Cô cho chúng tôi đi pic – nic vào trong rừng hái dâu, hái nấm. Nỗi nhớ nhà của chúng tôi dần dần vơi đi. Kỷ niệm sinh nhật của ai đó cô đến tận phòng chúc mừng với bó hoa tươi rói vừa hái từ vườn nhà cô.

Những ngày đó chúng tôi thường tổ chức tiệc nhẹ với những món ăn Việt như nem cuốn rán giòn, canh miến dong, rượu lúa mới… Cô chỉ món nem hỏi cách làm và gọi thế nào? Đến khi ăn miến thì cô không biết cầm đũa mà dùng nĩa quấn những sợi miến và ăn một cách ngon lành.

Sau hơn hai tháng học tiếng Nga, chúng tôi được vào nhà máy học nghề, cô vẫn theo đội chúng tôi để “phiên dịch”.

Cuối hè, Xí nghiệp liên hợp dệt tổ chức hội diễn văn nghệ, ốp Việt Nam cũng được tham gia mấy tiết mục như múa đôi của đội công nhân số 2, hát tốp ca của cán bộ Việt Nam và bài Cây thùy dương do tôi trình bày cùng dàn đồng ca của công nhân nhà máy dệt khăn mặt (nơi tôi làm việc).

Cô hướng dẫn tôi hát chuẩn lời Nga, nhưng không nói là tôi sẽ hát cùng công nhân nhà máy (hoặc có nói mà do trình độ của tôi hạn chế nên không hiểu hết). Đến tiết mục của tôi thì mới vỡ lẽ tôi hát đơn ca nhưng đến điệp khúc thì cả dàn đồng ca cùng hát. Tôi mất bình tĩnh cứ hát chạy trước mọi người. Cô đứng bên cánh gà ra hiệu cho tôi bình tĩnh.

Thế mà sau đó tiết mục của tôi lại được chọn công diễn ngoài quảng trường Thành phố. Tôi lại một phen hồi hộp đến nghẹn thở. Cô luôn bên cạnh động viên tôi. Tôi thấy mình thật hạnh phúc khi đón nhận những bó hoa tươi thắm của những người bạn Nga, họ tỏ ra vui sướng khi có người nước ngoài hát được bài hát yêu thích của dân tộc họ.

Tám năm sau khi rời khỏi Xí nghiệp liên hợp dệt (khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, công nhân Việt Nam cũng “tùy nghi di tản”), tôi trở lại thành phố xưa, tìm đến thăm cô, nhưng không gặp được vì cô đi thăm con ở thành phố khác. Cô cũng đã về nghỉ hưu. Cô lên chức Babuska (bà) rồi. Một nỗi buồn man mác len lỏi trong tôi, tôi thấy nhớ và luyến tiếc một thời chúng tôi đã từng sống và làm việc với những người bạn Nga đầy lòng nhân ái!

Theo NGUYỄN THỊ MINH HƯƠNG / VĂN NGHỆ QUÂN ĐỘI

Tags: ,