Không để ASEAN rơi vào cái bẫy của Trung Quốc trên Biển Đông

Một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông mang tính ràng buộc về mặt pháp lý sẽ không nằm trong lợi ích của Trung Quốc. Họ sẽ không thể tự do tiến hành hoạt động ở những nơi mà họ đang can dự ở Trường Sa.

Bài viết của tác giả Veeramalla Anjaiah, nhà báo cấp cao ở Jakarta, là tác giả cuốn “Azerbaijan Seen from Indonesia”. Bài viết được đăng trên Eurasia Review.

Các bộ trưởng của 10 nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Trung Quốc và các thành viên khác của Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) đang tụ họp tại Manila trong tuần này (từ ngày 2-8/8) để chuẩn bị cho chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 31 và các cuộc họp liên quan vào tháng 11 tới.

Các cuộc họp trong tuần này tại Manila sẽ là vô cùng quan trọng bởi hai lý do. Thứ nhất, ASEAN sẽ kỷ niệm 50 năm thành lập vào ngày 8/8 và các bộ trưởng ASEAN sẽ vạch ra đường hướng trong tương lai của tổ chức khu vực này, xét tới tình hình địa chính trị toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng và sự cân bằng quyền lực ở châu Á. Lý do thứ hai là khả năng ngoại trưởng các nước ASEAN và Trung Quốc sẽ ký kết hoặc phê chuẩn thỏa thuận khung Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) tại hội nghị sau Hội nghị Bộ trưởng (PMC).

Tranh chấp trên Biển Đông đang đe dọa sự đoàn kết và an ninh của ASEAN, một tổ chức sắp tròn 50 năm tuổi.

Do sự mất cân bằng về năng lực quân sự và quy mô kinh tế giữa Trung Quốc và các nước ASEAN có tranh chấp trên Biển Đông, Trung Quốc đang quyết liệt theo đuổi các tuyên bố chủ quyền trên biển từ những năm 1970 khi họ sử dụng vũ lực để giành kiểm soát quần đảo Hoàng Sa từ Việt Nam. Hiện tại, Trung Quốc đang nhắm tới quần đảo Trường Sa.

Với việc sử dụng các biện pháp “cưỡng chế”, Trung Quốc đã xây dựng nhiều đảo nhân tạo thông qua việc cải tạo đất đá trong những năm gần đây. Hiện tại, họ đang biến chúng thành các cơ sở quân sự qua việc xây dựng các căn cứ quân sự và triển khai vũ khí hạng nặng trên các đảo đó. Các nước có và không có yêu sách tại đây, bao gồm Mỹ và Nhật Bản, cho rằng các hành động đơn phương của Bắc Kinh đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng tới hòa bình, an ninh, tự do hàng hải, hàng không và hoạt động đánh bắt cá hợp pháp trong khu vực.

Philippines đã đệ đơn kiện Trung Quốc lên Tòa Trọng tài ở La Haye hồi năm 2013 do việc Bắc Kinh phong tỏa bãi cạn Scarborough. Tháng 7/2016, Tòa Trọng tài đã đưa ra phán quyết quan trọng, theo đó Trung Quốc không có chủ quyền lịch sử ở các vùng nước trên Biển Đông bởi Trung Quốc đã ký và phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). Theo UNCLOS, tất cả các quốc gia ven biển có vùng lãnh hải 12 hải lý tính từ đường cơ sở, thềm lục địa và EEZ 200 hải lý.

Nhiều quốc gia đã yêu cầu Trung Quốc thực thi phán quyết của Tòa Trọng tài bởi đây là phán quyết mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, nhưng Bắc Kinh – vốn tẩy chay các phiên tòa – đã bác bỏ phán quyết này bởi nó là đòn giáng đối với vị thế quốc tế của Bắc Kinh.

Trong một nỗ lực để cải thiện hình ảnh quốc tế, Trung Quốc hồi tháng 5/2017 đã nhất trí về thỏa thuận khung COC với ASEAN để giảm thiểu căng thẳng và ngăn chặn xung đột ở các vùng biển tranh chấp. Phải mất tới 15 năm, các nước mới nhất trí về thỏa thuận khung, chứ chưa phải là COC thực sự.

Mới đây, giới chức và truyền thông Trung Quốc đã nói rằng với việc ký kết thỏa thuận khung, Trung Quốc đang cam kết duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông và sẵn sàng đàm phán về COC. Với thỏa thuận khung COC – văn bản sẽ được chính thức phê chuẩn ở Manila tuần này, Trung Quốc đang thể hiện rằng vấn đề Biển Đông đang được giải quyết. Liệu mọi việc có thực sự như vậy?

Trước tiên, mọi người cần nhận ra rằng không hề có sự thay đổi nào trên thực tế hay trong các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông. Thỏa thuận khung chỉ là “bộ khung” của COC. Không ai có thể biết được liệu Trung Quốc có đồng ý với một COC mang tính ràng buộc về mặt pháp lý hay không. Nếu họ đồng ý làm vậy, đây sẽ là một bước đột phá lớn trong vấn đề Biển Đông đầy hóc búa kéo dài nhiều thập kỷ qua.

Tuy nhiên, nhiều học giả – ở trong và ngoài Trung Quốc – đang rất bi quan bởi một COC mang tính ràng buộc về mặt pháp lý sẽ không nằm trong lợi ích của Trung Quốc. Họ sẽ không thể tự do tiến hành hoạt động ở những nơi mà họ đang can dự ở Trường Sa.

Hiện có hai kịch bản: Thứ nhất đó là Trung Quốc có thể trì hoãn hoặc gia hạn việc ký kết COC cho đến khi mọi mục tiêu của họ trên Biển Đông được hoàn tất. Đến khi đó họ mới ký kết COC. Kịch bản thứ hai đó là Trung Quốc có thể sẽ thay đổi nội dung của COC cuối cùng để không còn một cơ chế ràng buộc pháp lý trong đó. Để làm được điều này, Trung Quốc sẽ tiếp tục sử dụng cách tiếp cận hiện nay đó là thu phục các nước như Philippines, Malaysia và Brunei thông qua đầu tư, thương mại và du lịch.

Chỉ có Việt Nam, nước tranh chấp lớn thứ hai trên Biển Đông sau Trung Quốc, sẽ vẫn là “kẻ khó chơi” đối với Bắc Kinh. Indonesia, một quốc gia không có tranh chấp và là nền kinh tế lớn nhất với dân số đông nhất Đông Nam Á, sẽ không bao giờ thỏa hiệp về các quyền trên Biển Đông.

Bởi vậy, câu hỏi ở đây là ASEAN nên làm gì để đạt được COC mang tính ràng buộc pháp lý, toàn diện và có hiệu quả khi thực thi? COC phải góp phần đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông cũng như tạo ra môi trường thuận lợi để giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và phù hợp với luật quốc tế, bao gồm UNCLOS năm 1982. Cả Trung Quốc và các nước ASEAN có yêu sách, bao gồm Indonesia, đều đã ký kết và phê chuẩn UNCLOS từ rất lâu.

Bộ trưởng các nước ASEAN không nên rơi vào bẫy của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông và COC. Trung Quốc có thể “dụ dỗ” họ bằng các ưu đãi kinh tế để thương lượng về vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, các nước thành viên ASEAN phải duy trì quan điểm của họ về một COC mang tính ràng buộc pháp lý dựa trên các nguyên tắc của luật biển quốc tế.

Họ phải làm việc tích cực ở Manila để duy trì đồng thuận, đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN trong tranh chấp trên Biển Đông và các vấn đề khu vực và quốc tế khác trong các cuộc họp lần này. Sự đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN là chìa khóa cho tương lai của tổ chức này. Nếu sự đoàn kết và vai trò trung tâm này không còn nữa, ASEAN sẽ mất đi tính kết nối. Đó là lý do tại sao ASEAN phải cùng nhau yêu cầu Trung Quốc tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng tài và nỗ lực làm việc để sớm hoàn tất COC.

COC không nên bị “làm biến chất” hay trì hoãn hơn nữa. Sau cùng, COC- vốn không phải là giải pháp cho tranh chấp trên Biển Đông- sẽ nằm trong lợi ích của tất cả các bên. Không một quốc gia nào muốn chiến tranh. Chúng ta cần một cơ chế để ngăn chặn xung đột và giảm thiểu căng thẳng. Với việc ký kết một COC mang tính ràng buộc pháp lý, Trung Quốc sẽ giành được sự tôn trọng quốc tế cần thiết và phát triển hơn nữa từ môi trường hòa bình ở Biển Đông.

Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG

Tags: , , ,