Khi người lao động bán sổ Bảo hiểm xã hội để mua xe máy

Tôi từng chứng kiến một nữ công nhân bán sổ Bảo hiểm xã hội để lấy tiền mua xe máy cho em trai mới ra trường.

Khi người lao động bán sổ Bảo hiểm xã hội để mua xe máy

Câu chuyện công nhân bán “lúa non” sổ Bảo hiểm xã hội không mới. Tình hình dịch COVID-19 khiến đời sống của nhiều công nhân trở nên bấp bênh. Các nhà máy, công ty hoạt động cầm chừng hoặc phá sản khiến người lao động mất việc, không có đồng ra đồng vào, trong khi phí sinh hoạt vẫn phải trả.

Tôi thấy nhiều người vội chỉ trích họ “không biết tính đường dài”, “bán sinh mệnh tuổi già”… nhưng không chịu thấu hiểu hoàn cảnh của họ đang ở mức cùng quẫn.

Tôi từng chứng kiến một cô công nhân thất nghiệp, ao ước có số vốn 5 triệu đồng để mở hàng khô, trứng vịt lộn bán mà còn phải hỏi vay tận hai người. Số tiền hàng tháng đã gửi về quê nên tiền tiết kiệm hầu như chẳng có. Xong, cô phải bán sổ bảo hiểm lấy tiền mua chiếc xe máy cho em trai mới vừa ra trường để có phương tiện đi lại.

Vậy nên, với nhiều người, dăm ba chục triệu chỉ là số tiền nhỏ, hoặc chí ít có thể xoay xở được. Nhưng với nhiều công nhân, đây là số tiền lớn phải tích góp khá lâu, thậm chí nếu cần đột xuất thì không thể xoay ra nổi. (Vì thế mới có nhiều trường hợp nhắm mắt đưa chân đi vay nóng bên ngoài, rồi cuộc đời tăm tối từ đó).

Việc bán sổ Bảo hiểm xã hội như một thứ ánh sáng le lói cuối đường hầm lúc này, bởi nếu muốn nhận bảo hiểm xã hội một lần, thì phải chờ một năm, trong thời gian đó thì biết lấy tiền đâu lo cho bản thân, gia đình?

Ai cũng biết tuổi già cần lương hưu và cũng chẳng ai nỡ bán sổ Bảo hiểm xã hội hoặc nhận bảo hiểm xã hội một lần cả. Nhưng với nhiều người, cần kíp tiền bạc ngay trước mắt để sinh nhai, để mua xe máy chạy giao hàng, làm vốn kinh doanh nhỏ duy trì cuộc sống gia đình khiến họ chọn hy sinh luôn cái “sinh mệnh tuổi già”.

Vậy nên tôi nghĩ để người lao động có thể xoay được tiền trong lúc cùng quẫn, cơ quan chức năng có thể nghiên cứu với các ngân hàng chính sách xã hội tạo ra các gói vay ưu đãi, thế chấp bằng sổ Bảo hiểm xã hội. Một mặt, giải quyết nhu cầu tiền bạc trước mắt. Một mặt vẫn có thể bảo lưu được số năm đóng bảo hiểm của người lao động. Nếu có tiền thì họ tất toán với ngân hàng, lấy sổ ra và vẫn có thể đi làm công ty khác để được đóng bảo hiểm xã hội.

Việc mua bán sổ bảo hiểm xã hội là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, chế tài với người mua như thế nào phải căn cứ vào tình hình thực tế, hậu quả ra sao.

Theo khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 93/2015/QH13 của Quốc hội, khi nghỉ việc, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội sẽ không được nhận ngay bảo hiểm xã hội một lần mà phải đợi một năm sau đó.

Hiện, một số người sau khi nghỉ việc đã bán sổ bảo hiểm xã hội để nhận tiền ngay. Nếu chưa đủ một năm mà họ có việc làm mới, người mua lấy sổ bảo hiểm xã hội, giấy uỷ quyền cùng “sự gian dối khác” để làm thủ tục nhận bảo hiểm xã hội một lần thì đó là hành vi trục lợi bảo hiểm xã hội.

Khi đấy, người mua có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp theo điều 214 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017). Khung hình phạt thấp nhất là phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Nếu người lao động nghỉ việc trong vòng một năm vẫn chưa có việc làm mới, người mua lấy sổ bảo hiểm xã hội cùng giấy uỷ quyền làm thủ tục nhận bảo hiểm xã hội một lần thì không thể coi là trục lợi bảo hiểm xã hội (bởi quỹ bảo hiểm xã hội không thiệt hại gì). Ở đây chỉ có người lao động bị thiệt hại. Với trường hợp này, pháp luật hiện hành chưa có chế tài xử lý.

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần sớm ban hành văn bản quy định cụ thể về chế tài với những người mua, bán sổ bảo hiểm xã hội (dù chưa gây ra thiệt hại cho quỹ bảo hiểm xã hội). Có như vậy, quyền lợi cho người lao động mới được đảm bảo tốt nhất; tránh trường hợp người lao động ham lợi trước mắt mà bán sổ dẫn đến thiệt hại về sau (chẳng hạn họ có việc làm mới phải tham gia đóng bảo hiểm lại từ đầu, ảnh hưởng đến chế độ lương hưu, trợ cấp…).

Luật sư Phạm Thanh Hữu, Đoàn luật sư TP HCM

.

Theo VĂN HIỆP / VNEXPRESS

Tags: , ,