⠀
Khi người chống tham nhũng thành kẻ bảo kê tham nhũng
“Cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền”, tội phạm tham nhũng sẵn sàng ôm cả đống tiền để chạy tội, chạy án, thậm chí cao chạy xa bay trước khi bị phát hiện và xử lý.
Bài viết của TS. Đinh Văn Minh, Viện trưởng Viện Khoa học thanh tra
Cuộc đấu tranh chống tham nhũng đã bước sang giai đoạn quyết liệt, trở thành một xu thế không thể đảo ngược, thể hiện quyết tâm và sức mạnh rất lớn của cả hệ thống chính trị, đập tan mọi nghi ngờ về cái gọi là “vùng cấm” trong lĩnh vực này. Những vụ đại án đã và đang được xét xử củng cố niềm tin của người dân trong cuộc chiến cam go này.
Mặc dù vậy, đó mới chỉ là kết quả bước đầu. Kinh nghiệm cho thấy quyết tâm và biện pháp mạnh mẽ bao nhiêu thì âm mưu và thủ đoạn chống đối của kẻ tham nhũng càng lớn bấy nhiêu.
Nếu như phòng ngừa tham nhũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, thì trách nhiệm phát hiện và xử lý tham nhũng được tập trung chủ yếu vào một số cơ quan có chức năng thanh tra, điều tra, kiểm toán, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng. Người ta thường nói, để chống tham nhũng hiệu quả thì cần có bàn tay sắt, nhưng trước hết đó phải là bàn tay sạch, phải chống tham nhũng chính ngay trong các cơ quan chống tham nhũng.
Tham nhũng là hành vi nguy hiểm cao và thường được thực hiện một cách tinh vi, bởi kẻ tham nhũng vốn là người có trình độ chuyên môn, có vị trí, địa vị trong xã hội, thậm chí còn có các mối quan hệ thân thiết với những người có chức vụ quyền hạn cao trong bộ máy nhà nước. Người có chức vụ, quyền hạn càng lớn thì cơ hội tham nhũng càng cao và hành vi tham nhũng có tính chất và mức độ nguy hiểm càng nghiêm trọng.
Những đặc điểm đó khiến cho việc phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng khó khăn hơn rất nhiều so với các đối tượng phạm tội khác. Cũng từ đó mà tổ chức hay các cá nhân có trách nhiệm trong phòng chống tham nhũng phải có nhiều quyền hạn hơn, kể cả những quyền hạn đặc biệt; trình tự, thủ tục tiến hành các biện pháp phát hiện và xử lý cần nhanh gọn, mạnh mẽ hơn. Trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ trong các cơ quan này cũng phải tinh thông hơn, chế độ, chính sách đãi ngộ đối với họ cũng phải có sự ưu đãi hơn so với công chức bình thường.
Đặc biệt là trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tổ chức và các cá nhân tham gia công tác phát hiện và xử lý tham nhũng cần được bảo đảm về tính độc lập cao, không bị can thiệp từ bất kỳ lực lượng nào. Đây là một trong những chuẩn mực quan trọng được ghi nhận trên bình diện quốc tế.
Theo một nguyên lý được thừa nhận rộng rãi: quyền lực luôn có xu hướng lạm quyền, quyền lực càng lớn thì nguy cơ lạm quyền càng cao, càng phải được kiểm soát. Chính vì vậy, nguy cơ tham nhũng trong hoạt động của các cơ quan này còn nhiều hơn khi họ thực hiện các quyền hạn của mình.
Cơ quan có chức năng chống tham nhũng có quyền phán xét và áp dụng các biện pháp mạnh mẽ được pháp luật quy định để ngăn chặn, đấu tranh với hành vi tham nhũng. Cơ quan và những người có thẩm quyền trong cơ quan này có quyền nhận định có hay không có hành vi tham nhũng, thiệt hại gây ra là bao nhiêu? Tính chất và mức độ nguy hiểm đến đâu?; Có quyền thực hiện các biện pháp ngăn chặn hoặc khẩn cấp đối với người có hành vi tham nhũng hoặc với các tài sản bị nghi người liên quan đến hành vi tham nhũng; Có quyền đề nghị xử lý hành chính hoặc truy tố hình sự, kết án người có hành vi tham nhũng…
Chính vì vậy mà họ luôn là đối tượng cho những kẻ có hành vi tham nhũng tìm cách chạy chọt khi bị phát hiện. Họ sẽ bị “tấn công” bởi các cám dỗ tiền bạc và những lợi ích vật chất, phi vật chất khác.
Những kẻ tham nhũng không chỉ dùng “phong bì” mà đôi khi dùng cả vali kéo, thùng đựng nước khoáng… Và vì thế “cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền”, chúng sẵn sàng ôm cả đống tiền để chạy tội, chạy án, thậm chí cao chạy xa bay trước khi bị phát hiện và xử lý.
Nếu không chấn chỉnh và làm sạch sẽ bộ máy này đương nhiên sẽ không thể nào ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực.
Những người có trọng trách trong cuộc chiến chống tham nhũng phải thật sự bản lĩnh, liêm chính mới có thể giữ được mình trước những “viên đạn bọc đường” như thế để không gục ngã và trở thành kẻ tiếp tay. Nếu không đứng vững và không có cơ chế kiểm soát hữu hiệu, chính họ sẽ trở thành kẻ tham nhũng với hành vi phổ biến là nhận hối lộ dưới các hình thức khác nhau đã và đang diễn ra. Không thiếu những người từng là biểu tượng của tinh thần đấu tranh chống tội phạm vậy mà đã đầu hàng trước cám dỗ, bảo kê cho tội phạm và cũng trở thành kẻ tham nhũng.
Đó thực sự là những bài học đau xót về công tác giáo dục, rèn luyện và quản lý cán bộ, công chức. Vì vậy việc kiên quyết loại bỏ cán bộ hư hỏng biến chất, trước hết trong các cơ quan chống tham nhũng đã trở thành mối quan tâm sâu sắc và yêu cầu không thể thiếu của cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm” trong tình hình mới.
Nó đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên đặc biệt là trong các cơ quan có chức năng chống tham nhũng phải luôn tu dưỡng, học tập, tự răn dạy mình để giữ được sự kiên định, liêm chính, đòi hỏi các cơ quan có trách nhiệm phải tăng cường kiểm soát việc thực hiện chức trách nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức của mình. Đặc biệt là phải phát huy được vai trò của xã hội, sự tích cực của người dân và cơ quan báo chí, của “hàng triệu con mắt, lỗ tai” như Bác Hồ đã nói, để loại ngay ra khỏi đội ngũ chống tham nhũng những cán bộ hư hỏng, bảo đảm hiệu quả của việc phát hiện và xử lý tham nhũng trong thời gian tới.
Theo VIETNAMNET
Tags: Tham nhũng - Tiêu cực, Giám sát quyền lực