⠀
Khi điêu toa, cơ hội là phương tiện để thăng quan tiến chức
Các cụ nói rồi: “Thật thà là cha giả dối”. Sự nịnh hót, cơ hội, điêu thì chỉ như bạc giả – nó làm nghèo cả người nhận và người cho.
Trong 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng có một điều “khiêm tốn, thật thà, dũng cảm” khẩu hiệu ở các trường từ tiểu học đến trung học cơ sở và nhiều khi cả đại học vẫn có để rèn luyện đạo đức, tính khiêm tốn thật thà dũng cảm. Song nền giáo dục thực tế chưa rèn được đầy đủ cho học sinh phát triển nhân cách.
Như vậy, một phần vì bệnh thành tích; Đặc biệt hơn khi mà từ bé đến lớn cả môi trường từ nhà ra xã hội đã tác động vào mỗi chúng ta như: Mua hàng bị cân, đong điêu, mua phải mặc cả, mỗi người một giá, hàng giả nhiều hơn hàng thật…
Rồi từ trong gia đình dạy con đã không thật đến khi lớn vào cơ quan nhà nước thì càng “Điêu hơn” từ bình bầu, khen thưởng, họp hành nhận xét đánh giá cán bộ, người tốt bị “Đánh hội đồng”.
Tôi có anh bạn làm không to, chỉ Vụ trưởng trong một cơ quan nhà nước. Anh thẳng tính, sống thật nhưng hay bị thị phi hoặc bị “Quây hội đồng”. Anh kể cho tôi nghe một câu chuyện đời thực 100%. Chả là cơ quan anh có nhiều Vụ, cứ một lần chuẩn bị bổ nhiệm một Vụ trưởng thì lãnh đạo vì lý do nào đấy, không tìm người làm được việc mà chỉ tìm người nịnh giỏi, “ Điêu” càng nhiều càng tốt hoặc phải dễ bảo. Với tính thật, có chút nghĩa khí và bản chất nông dân, anh này hay giúp bạn hoặc bảo vệ người khác xứng đáng hơn.
Điều kỳ lạ như có “duyên căn” là cả ba lần anh ta giúp đều hỗ trợ đưa được cả 3 người kia lên làm Vụ trưởng, ở nhiều năm khác nhau, thậm chí cùng một chỗ khi người này nghỉ hưu – người khác lên thay, mà những người anh ta giúp thường là không có điều kiện về kinh tế nhưng đều thành công.
Trước khi được việc, họ đều hứa với anh ta, phải đoàn kết xây dựng môi trường làm việc, đặc biệt họ biết anh ta không thích “Điêu”. Họ nói lãnh đạo bây giờ “Điêu” nhiều quá và chỉ tên từng vị quản lý trong cơ quan là những người “Điêu”, có dẫn chứng cụ thể…
Và cũng chẳng lạ khi những người được anh ta giúp lên, người nhiều thì sau 6 tháng, người ít thì sau 1 tháng đều tránh mặt hoặc chạy xa anh ta vì lý do:
Một là: Môi trường này phải “Điêu” mới ăn tiền được
Hai là: Cả 3 người anh ta giúp đều được cấp trên hứa hoặc họ tự hứa sẽ phải đứng trên đầu anh ta vì họ chỉ cần lừa được anh này lúc chưa lên được – Kể ra, câu chuyện này cho thấy môi trường từ nhà ra xã hội nếu cứ giả dối thì có giáo dục đến mấy cũng không bằng việc làm hành động cụ thể. “Điêu” cộng thêm với “ Láu cá”, “Khôn lỏi” thì sẽ không giúp được cho xã hội thậm chí là nguy hiểm!
Ở phương Tây họ không nặng rèn văn hóa học thêm như mình, song họ chú ý đến thực hành, liên kết nhóm khi làm bài, viết tiểu luận, thực nghiệm leo núi, các hoạt động thể thao, học nhiều kỹ năng sống… Đặc biệt, môi trường của họ luôn tạo ra để người có điều kiện tốt dìu dắt người khác kém hơn làm việc để đạt hiệu quả cao – Ngược lại ở nước ta, ở một số nơi chúng ta thấy càng “Điêu – càng yếu – dễ bảo” hay được “cất nhắc” trong cơ quan nhà nước thì sẽ không có sản phẩm thật và tốt cho xã hội.
Các cụ nói rồi: “Thật thà là cha giả dối”. Sự nịnh hót, cơ hội, điêu thì chỉ như là bạc giả – nó làm nghèo cả người nhận và người cho. Đặc biệt trong một cơ quan cứ mỗi đời lãnh đạo, trước khi về hưu thì tìm người năng lực kém hơn mình thay thế, để sau này còn bảo được. Họ muốn làm “ Bát Vương gia” và cứ thế sau khoảng 5 đời lãnh đạo cơ quan này càng chìm đắm, hãy suy nghĩ có đúng không? Có nguy hiểm cho đất nước không?
Theo MINH NHÂN / VOV
Tags: Bộ máy hành chính, Văn hóa ứng xử