Hồ Quý Ly và hai lần diễn kịch hòng che mắt nhà Minh

Hồ Quý Ly đã có những toan tính lắt léo nhằm tránh rắc rối ngoại giao với nhà Minh. Thế nhưng, nhà Minh khi đó rất cường thịnh, đã tìm mọi cách xóa bỏ màn kịch này để thực hiện dã tâm.

Hồ Quý Ly và hai lần diễn kịch hòng che mắt nhà Minh

Thành nhà Hồ ở Thanh Hóa.

Triều đình nhà Minh sau khi ổn định cục diện là nung nấu dã tâm xâm lược phương nam. Họ nắm bắt chặt chẽ các thay đổi trong triều chính nước ta để có những sách lược ngoại giao phục vụ dã tâm. Khi Trần Duệ Tông mất, chúng đòi hỏi một kiểu, khi Trần Nghệ Tông truất ngôi Trần Phế Đế, chúng ra yêu sách kiểu khác và khi Trần Nghệ Tông băng hà thì hạch họe kiểu khác nữa. Triều chính nước ta càng rối ren, nhà Minh càng đẩy mạnh nhũng nhiễu để thăm dò ý chí.

Sau khi Trần Nghệ Tông băng hà năm 1394, Trần Thuận Tông nối ngôi nhưng quyền lực lúc này đã hoàn toàn trong tay Hồ Quý Ly. Năm 1398, Hồ Quý Ly bức vua Thuận Tông nhường ngôi cho cháu ngoại mình là Thái tử An, tức vua Thiếu đế, lúc ấy Thái tử mới còn 3 tuổi. Còn mình tự xưng Khâm Đức Hưng Liệt Đại Vương.

Đến năm 1399, lại sai người giết vua Thuận Tông và cũng là con rể của mình. Các tôn thất là Thái bảo Trần Hãng, Thượng tướng quân Trần Khát Chân lập mưu giết Quý Ly, sự việc không thành, những người đồng mưu gồm 370 người đều bị giết.

Đầu năm 1400, Quý Ly lúc ấy đã 64 tuổi, bức vua Trần phải nhường ngôi, buộc các quan và tôn thất ba lần dâng biểu khuyên lên ngôi. Quý Ly giả vờ ba lần từ chối, nói: Ta sắp xuống lỗ rồi, còn mặt mũi nào trông thấy tiên đế ở dưới đất nữa. Rồi tự lập làm vua, đặt niên hiệu Thánh Nguyên, quốc hiệu Đại Ngu, đổi thành họ Hồ.

Khi còn làm bề tôi, Hồ Quý Ly đích thị gian hùng, quyền thần Kiểu ép nhường ngôi rồi giả vờ từ chối 3 lần không khác gì Tào Phi nhà Ngụy với vua cuối nhà Hán, Tư Mã Viêm nhà Tấn với Tào Hoán – vua cuối cùng nhà Ngụy. Việc truyền ngôi như thế được lịch sử phương Bắc coi nhà là sự kế tục có chính danh. Nước đi có phần diễn kịch này giúp Hồ Quý Ly này không chỉ nhằm dẹp dị nghị trong nước mà còn muốn che mắt với phương Bắc. Hơn nữa, việc ông ngoại nhận ngôi vua từ cháu cũng có tiền lệ từ chuyện của Tùy Văn Đế bên phương Bắc.

Sau khi được thiên hạ, Hồ Quý Ly ban đầu cũng muốn thể hiện sự mạnh mẽ, quyết đoán, đặc biệt là trong vấn đề đối ngoại. Ngay cuối năm 1400, Hồ Quý Ly đã ra oai bằng việc phát binh 15 vạn quân đánh Chiêm Thành, cũng là để rửa mối nhục để thua quân Chiêm Thành trước đây. Tháng 7, năm 1402, Hán Thương đem đại quân đi đánh Chiêm Thành. Lúc đó, Chiêm Thành không còn Chế Bồng Nga nên đã suy yếu, chúa Chiêm Ba Đích Lại sợ, sai cậu là Bố Điền dâng một voi trắng, một voi đen, sản vật và đất Chiêm Động để xin rút quân. Bồ Điền tới, Quý Ly ép phải sửa tờ biểu là dâng nộp cả động Cổ Lũy, rồi chia đất ấy thành bốn châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa, đặt An phủ sứ và An phủ phó sứ lộ Thăng Hoa để cai trị; miến đầu nguồn đất ấy thì đặt trấn Tân Ninh.

Với phương Bắc, ngay khi soán ngôi nhà Trần thì Hồ Quý Ly đã lường trước việc bị nhà Minh xâm lược nên tính trước phương án có thật nhiều quân để khiến phương Bắc khỏi manh động. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Quý Ly bàn mưu với bầy tôi rằng: “Làm thế nào có được trăm vạn quân để đối địch với giặc phương bắc?”. Đồng tri xu mật sứ Hoàng Hối Khanh nhân xin họp nhân số lại làm thành sổ hộ: từ 2 tuổi trở lên đều ghi vào sổ; người ở kinh kỳ đến trú ngụ các nơi phiên trấn bắt phải về nguyên quán, kê tên vào sổ, không được ẩn lậu. Khi sổ hộ làm xong, kiểm điểm người từ 15 đến 60 tuổi, được gấp bội hơn số trước. Từ đấy, tuyển quân lính được thêm nhiều hơn“.

Nhưng Hồ Quý Ly cũng muốn dùng biện pháp ngoại giao để ổn định cục diện trước khi có tình huống xấu nhất. Năm 1401, sau gần 2 năm lên ngôi, Hồ Quý Ly truyền ngôi cho con thứ là Hồ Hán Thương còn tự mình lên làm Thái Thượng Hoàng. Ngay sau đó, Hán Thương sai sứ sang nhà Minh thông báo.

Tại sao Hồ Quý Ly lại nhanh chóng rút lui về ngôi Thái Thượng Hoàng sớm vậy và lại lập con thứ là Hán Thương lên ngôi vua trong khi con trưởng Hồ Nguyên Trừng có công lao lớn hơn. Ấy do nguồn gốc của Hán Thương – con của Hồ Quý Ly và công chúa Huy Ninh (con gái Trần Minh Tông). Tính ra thì Hán Thương là cháu ngoại của Trần Minh Tông nên khi sang xứ nhà Minh có thể dựa theo huyết thống để dễ ăn nói việc làm vua. Khâm định Việt sử cương mục thông giám chép: “Hán Thương sai sứ sang nhà Minh nói dối là dòng dõi họ Trần đã tuyệt tự, xin lấy danh nghĩa là cháu ngoại tạm quản lý công việc trong nước”.

Có thể Hồ Quý Ly muốn học theo kế nhà Trần khi nối ngôi nhà Lý. Trước đây, khi Trần Thủ Độ muốn sang ngôi vua từ nhà Lý sang nhà Trần thì dùng chiêu ép vua Lý Huệ Tông truyền ngôi cho con gái là Lý Chiêu Hoàng. Sau đó lại ép Lý Chiêu Hoàng truyền ngôi cho chồng là Trần Thái Tông. Như vậy thì tính chính danh theo tiêu chuẩn phong kiến vẫn được đảm bảo. Quả thực nhà Tống khi đó không dám mượn cớ gây sự. Hơn nữa, việc dùng chiêu lên ngôi Thái thượng hoàng cũng là cách để ngầm thông báo cho phương Bắc là Đại Ngu khi đó cục diện ổn định, truyền ngôi được hai đời.

Hồ Quý Ly đã tính đường lắt léo khi liên tục ép cháu ngoại là Trần Thiếu đế nhường ngôi cho mình rồi mình lại truyền ngôi cho cháu ngoại của vua Trần là Hồ Hán Thương để tạo tính chính danh. Thế nhưng, nhà Minh khi đó cường thịnh (khác với lúc nhà Tống suy yếu thời điểm nhà Trần thay nhà Lý) đã tìm mọi cách xóa bỏ màn kịch này để thực hiện dã tâm.

Theo MỘT THẾ GIỚI 

Tags: , ,