Hồ Quý Ly – bậc anh tài sinh nhầm thời hay kẻ tội nhân thiên cổ?

Có lẽ ít có nhân vật lịch sử nào lại chịu nhiều sự bi phẫn và đau đớn hơn Hồ Quý Ly, ông là một kẻ sinh nhầm thời, và ông cũng là một kẻ tội nhân làm mất nước. Cay đắng thay.

Hồ Quý Ly – bậc anh tài sinh nhầm thời hay kẻ tội nhân thiên cổ?

Thành nhà Hồ ở Thanh Hóa.

Trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, có lẽ hiếm có trường hợp một nhân vật lịch sử nào lại gây ra nhiều tranh cãi như Hồ Quý Ly (một trường hợp khác cũng tương tự là trường hợp của Nguyễn Phúc Ánh nói riêng và triều đại Nguyễn nói chung, tuy nhiên chúng ta không xét đến ông ở đây). Hồ Quý Ly, ông xuất hiện vào thời Trần mạt, nổi lên như một con người có hoài bão, có tham vọng chấn hưng, cải tổ đất nước về mọi mặt, thậm chí dẹp bỏ nhà Trần đã mục ruỗng để lập nên một triều đại mới, nhưng rốt cuộc, những cải cách của ông không thể cứu vãn nổi tình thế đất nước khi ấy. Vẻn vẹn bảy năm sau khi ông dẹp Trần, lập Hồ, nhà Minh đem đại quân sang xâm lược, nhà Hồ non trẻ chống đỡ không nổi, nước mất nhà tan, giang sơn rơi vào tay giặc, bản thân ông cùng tôn thất nhà Hồ bị bắt và đem sang Đại Minh, rồi chết nơi xứ người.

Trước đây, các sử gia vốn xếp nhà Hồ của Hồ Quý Ly vào “ngụy triều”, họ chỉ trích ông vì thân là tôi nhà Trần mà lại cướp ngôi nhà Trần, lạm sát tôn thất khiến lòng dân bất phục, hơn nữa, cái tội lớn nhất của ông là để mất giang sơn vào tay nhà Minh. Dầu vậy, những năm gần đây, cũng đã có nhiều luồng ý kiến xem xét lại về hai vấn đề công và tội của Hồ Quý Ly, nhìn nhận kỹ hơn về những chính sách cải cách của ông. Xoay quanh Hồ Quý Ly, vấn đề công và tội luôn là một chủ đề gây tranh cãi, và cũng là một chủ đề thú vị. Lịch sử là những bài học mà tiền nhân để lại cho hậu thế, để chúng ta xem xét, để học hỏi, và để đánh giá. Vậy thì nên đánh giá Hồ Quý Ly như thế nào cho đúng đây?

Ông là bậc anh tài với nỗi niềm bi phẫn vì sinh ra nhầm thời, hay là kẻ tội nhân thiên cổ đã đánh mất giang sơn vào tay giặc?

Hồ Quý Ly, sinh năm 1336 tại Đại Lai, Vĩnh Lộc (nay thuộc Thanh Hóa), về nguồn gốc của ông, các sử đều thống nhất là tổ tiên ông vốn người Chiết Giang, Trung Quốc. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng: “Quý Ly tên tự là Lý Nguyên, tự suy tổ tiên là Hồ Hưng Dật vốn người Chiết Giang, đời Hậu Hán thời Ngũ Quý sang làm Thái thú ở Diễn Châu. Sau đó làm nhà ở hương Bào Đột châu này, rồi là trại chủ. Đến đời Lý, có người lấy công chúa Nguyệt Đích, sinh ra công chúa Nguyệt Đoan, đến đời cháu thứ 12 là Hồ Liêm dời đến ở hương Đại Lai, Thanh Hóa, làm con nuôi tuyên úy Lê Huấn, từ đấy lấy Lê làm họ mình. Quý Ly là cháu bốn đời của Huấn”.

Như vậy, tổ tiên xa xưa của Quý Ly vốn là người Trung Quốc, đến khi nhà Đường mất, Trung Quốc rơi vào loạn lạc – thời kỳ Ngũ Đại Thập Quốc, phiên trấn các nơi nổi lên cát cứ, hàng loạt các tiểu quốc được thành lập rồi lại suy tàn. Nhờ thế, Tĩnh Hải quân (tên nhà Đường gọi nước ta bấy giờ) dần dần ly khai khỏi Trung Quốc rồi dần dần tự chủ nhờ họ Khúc, rồi sau đó một khoảng thời gian ngắn lại chịu thuộc nhà Nam Hán, kế đến Dương Đình Nghệ kế nghiệp họ Khúc và cuối cùng là Ngô Quyền chấm dứt lệ thuộc hoàn toàn. Nhân vì loạn lạc, tổ tiên của Hồ Quý Ly sang Diễn Châu ở nước ta sinh sống (nay thuộc Nghệ An) vào đời nhà Hậu Hán (khoảng năm 947 – 951), rồi sau khi xảy ra Loạn 12 sứ quân thì họ Hồ dời vào trong hương Bào Đột làm trại chủ. Rồi sau đến thời Lý (không rõ là thời vua nào) thì trong họ có người lấy Nguyệt Đích công chúa, rồi đến đời thứ 12 là Hồ Liêm thì dời nhà vào Thanh Hóa làm con nuôi tuyên úy Lê Huấn, nhân đó lấy Lê làm họ. Cho đến trước khi lên ngôi, Hồ Quý Ly vẫn để tên là Lê Quý Ly, lên làm vua rồi mới cải lại họ Hồ như cũ.

Quý Ly thuở nhỏ theo học võ của ông Nguyễn Sư Tề, là anh kết nghĩa với con ông là Nguyễn Đa Phương sau này làm tướng nhà Trần. Quý Ly từng đỗ thi Hương, rồi đỗ khoa Hoành từ. Quý Ly có hai người chị em con bà cô về sau đều thành cung nhân của vua Minh Tông và cả hai bà đều sinh ra vua – bà Minh Từ hoàng thái phi sinh ra vua Nghệ Tông, bà Đôn Từ hoàng thái phi sinh ra vua Duệ Tông. Tuy thế, phải mãi đến khi vua Nghệ Tông lên ngôi thì Quý Ly mới bước chân vào võ đài chính trị và mở ra chương cuối cùng trong lịch sử triều Trần.

Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa Quý Ly không có thực tài, không có thực tài sao đỗ được thi Hương? Hơn thế nữa, ở thời Trần mạt, khi tình trạng đổ nát xảy ra từ trung ương đến địa phương, quan lại tham ô, nhũng nhiễu, vua chúa thân vương cũng không khá hơn là mấy, người tài không có cơ hội đem tài năng ra thi thố giúp dân giúp nước thì Quý Ly thực là một người tài có đất dụng võ, mà tài là tài thật chứ chẳng phải tài vờ như bao nhiêu quan lại. Ấy vậy, thực sự thì Quý Ly được bước chân vào quan trường, một phần lớn cũng nhờ công phò tá vua Nghệ Tông giành lại ngôi báu, lại thêm phần Quý Ly cũng được tính là người nhà của vua, cũng phải có số có má mới được cất nhắc, kể ra cũng bi hài.

Việc lên ngôi của vua Nghệ Tông cũng lắm gian truân chứ không hề đơn giản. Sau hai đời vua Anh Tông và Minh Tông thịnh trị (sử gọi là Anh Minh thịnh thế) thì đến đời vua Dụ Tông, chính sự bắt đầu đổ nát, cũng bởi vua Dụ Tông ham ăn chơi hưởng lạc, bỏ bê việc triều chính, khiến cho gian thần lũng đoạn, Tư nghiệp Quốc Tử Giám là Chu An dâng sớ xin vua chém bảy tên nịnh thần (Thất trảm sớ lừng danh thiên hạ) mà vua không nghe, đủ biết nhà Trần đã đến hồi mạt. Đến năm 1369, vua Dụ Tông mất khi mới 34 tuổi nhưng không có con nối dõi, Hiến Từ Hoàng thái hậu cho đón con của Cung Túc vương Trần Nguyên Dục – anh vua Dụ Tông – tên là Nhật Lễ vào nối ngôi, đổi niên hiệu thành Đại Định. Tuy nhiên, Nhật Lễ không hề có chút huyết thống Trần gia nào, hắn nguyên là họ Dương chứ không phải họ Trần. Sách Khâm định Việt sử thông cương giám mục chép rằng: “Trước kia, người phường trò, tên là Dương Khương, diễn tích Tây vương mẫu dâng quả bàn đào, vợ hắn đóng vai Tây vương mẫu. Cung Túc vương Nguyên Dục cảm nàng đẹp, lấy làm vợ. Khi ấy nàng đang có mang; rồi sinh ra Nhật Lễ. Nguyên Dục nhận làm con mình. Kịp khi Dụ Tông mất, không có con kế tự, có để di chiếu cho Nhật Lễ nối ngôi”.

Như vậy, Nhật Lễ vốn là kẻ ngoại tộc, nhờ may mắn và mưu mô của mẹ mình mới được lên nối ngôi, cho đến lúc lên ngôi, Nhật Lễ vẫn cứ ngỡ mình họ Trần, là con của Cung Túc vương. Nhưng sau khi lên ngôi, cho là mình đã nắm được cả thiên hạ rồi, mẹ Nhật Lễ mới nói sự thật cho hắn rồi suy tính việc xóa bỏ họ Trần mà lấy thiên hạ về cho họ Dương. Nhật Lễ lên ngôi cũng chỉ ăn chơi trác táng không lo triều chính, lại thêm việc muốn phế Trần lập Dương nên các quan đại thần tỏ ý không vừa lòng, ngay cả Hiến Từ thái hậu cũng hối hận vì trót lập Nhật Lễ chứ không lập Cung Định vương Trần Phủ. Rồi chỉ vài tháng sau khi lên ngôi, Nhật Lễ hại chết Hiến Từ thái hậu, tôn thất nhà Trần nhân đó làm binh biến định phế truất Nhật Lễ nhưng không thành, đều bị giết cả, trong đó có cả hai người con của Thiên Ninh công chúa. Cung Định vương Phủ vì thế sợ bị hại nên bỏ Thăng Long trốn lên trấn Đà Giang rồi kêu gọi tôn thất nhà Trần dấy binh phạt Nhật Lễ, Quý Ly cũng theo phò Cung Định vương. Cung Định vương ngầm hẹn với các em là Cung Tuyên vương Trần Kính, Chương Túc quốc thượng hầu Trần Nguyên Đán và Thiên Ninh công chúa họp binh ở Đại Lai, ở Thăng Long thì có Thiếu úy Trần Ngô Lang làm nội gián, ông được Nhật Lễ rất tin dùng, lại nắm trong tay toàn bộ quân đội Thăng Long nên mỗi khi Nhật Lễ sai ông đem quân đi dánh dẹp, ông đều gửi quân đến cho Cung Định vương cả, vì thế nên thế lực của Cung Định vương ngày càng lớn.

Tháng 11 năm 1370, Cung Định vương dẫn quân kéo về Thăng Long phế truất Nhật Lễ, giáng xuống làm Hôn Đức công. Cung Định vương lên ngôi, đặt niên hiệu là Thiệu Khánh, đại xá cho thiên hạ, ông chính là vua Nghệ Tông.

Tuy nhiên, Nghệ Tông vốn không có mong muốn làm vua, ông vốn là người văn nhã, yêu văn chương, thi ca, lại cũng ưa chữ “Nhàn”. Ngay từ khi còn là Cung Định vương, ông đã tỏ ra là một người hiền, nhưng là hiền vì tài văn chương, tính tình hòa nhã, lại không có tham vọng tranh ngôi đoạt vị. Việc ông dấy binh rồi lên ngôi, cũng đều là việc cực chẳng đã, lại cũng vì không muốn để mất thiên hạ vào tay ngoại tộc, các em của ông, cùng với những người phò tá đều khuyên như vậy nên ông mới hạ quyết tâm được. Nghệ Tông không thích hợp làm vua trong thời Trần mạt này, khi xã hội đã mục ruỗng, tầng lớp cai trị thối nát từ gốc đến ngọn, vì ông vốn ưa chữ “Nhàn”, mà trong thời Trần mạt, có muốn nhàn cũng không thể được.

Nghệ Tông dấy binh rồi lên ngôi là vì không nỡ để thiên hạ nhà Trần rơi vào tay ngoại tộc, nhưng bi kịch thay, khi đã lên ngôi, chính bản thân ông lại trao quyền vào tay ngoại thích. Nếu coi lịch sử là những bài học, thì với trường hợp vua Nghệ Tông, đó là bài học về cách dùng người. Ông thăng cho Nguyễn Nhiên lên chức Hành khiển, rồi lại thăng chức Tả tham ty chính sự dù Nguyễn Nhiên không hề biết chữ, mỗi lần cần phê giấy tờ thì vua Nghệ Tông phải cho người viết chữ cho Nguyễn Nhiên vẽ theo, thậm chí có khi chính vua cũng phải viết hộ – ông tin dùng Nguyễn Nhiên như thế chỉ vì ông ta có công can gián lúc vua còn là Cung Định vương! Nhưng đó chưa phải tất cả, vì cái lỗi lớn nhất của ông, có lẽ là trao quá nhiều quyền vào tay Quý Ly, vì Quý Ly theo phò ông rất trung thành, lại cũng là người trong họ (như đã nói, Quý Ly có hai người chị em bà cô đều là cung nhân của vua Minh Tông). Quý Ly là người tài, điều đó thì đúng, nhưng Quý Ly cũng là người đầy tham vọng. Bản thân Nghệ Tông sau này có lẽ cũng đã nhận ra cái tham vọng tột cùng của Quý Ly, nhưng ông không đủ quyết tâm để phế bỏ Quý Ly, mà có lẽ cũng vì lo ngại phe cánh của Quý Ly, nhưng như thế, chính vua Nghệ Tông đã trao cái cơ hội vào tay Quý Ly, ông đã gián tiếp tiếp tay cho Quý Ly cướp ngôi nhà Trần. Con đường đế vương của Quý Ly được mở ra, một phần cũng do Nghệ Tông. Từ khi Nghệ Tông lên ngôi năm 1370, đến khi Thiếu Đế bị Quý Ly phế năm 1400 là 30 năm, Quý Ly từ một kẻ theo hầu Cung Định vương, dần bước lên ngôi cao nhất thiên hạ, cái tham vọng của Quý Ly không ai không nhìn thấy, chỉ mỗi vua Nghệ Tông là không thấy, đến khi lờ mờ nhận ra, thì đã quá muộn, sự đã rồi, không thể cứu vãn được nữa. Năm đời vua cuối cùng của nhà Trần, nói thẳng ra đều bị Quý Ly thao túng, thậm chí có vua chết dưới tay Quý Ly (như vua Phế Đế và vua Thuận Tông).

Trách ai đây? Trách vua Nghệ Tông đã quá mê muộn tin dùng Quý Ly, để đến nỗi bị Quý Ly thao túng mà không bận tâm, ra tay giết cả cháu mình là vua Phế Đế, để con mình là Trang Định vương Trần Ngạc chết dưới tay vị đại thần ông tin dùng mà không mảy may nghi ngờ? Trách vua Thuận Tông quá yếu đuối, để cơ nghiệp nhà Trần không thể cứu vãn nổi nữa? Trách tôn thất nhà Trần mưu giết Quý Ly mà không quyết đoán, để vạ lây gần 400 người đổ máu? Trách ai? Có thể trách ai khi Quý Ly đã nắm quá nhiều quyền hành, phe cánh đã đủ, có muốn hại cũng khó, mà có hại rồi cũng chưa chắc cứu nổi một triều đại đã mạt, đã mục ruỗng, đã đổ vỡ đến không còn có thể cứu được nữa. Trần mạt có Quý Ly, cũng như Lý mạt có Thủ Độ, tất cả đều là vòng quay của số mệnh, nhưng vì lẽ nào Thủ Độ sau này vẫn có tiếng thơm dù ông cũng tàn độc không kém với Lý triều, còn Quý Ly lại chịu tiếng xấu đến ngàn đời, dù ông cũng không khác Thủ Độ là bao?

Trần Thủ Độ phế Lý lập Trần, Hồ Quý Ly phế Trần lập Hồ. Con đường đế vương của họ giống nhau mà cũng khác nhau. Nếu như Thủ Độ đã dẹp bỏ một Lý triều mục nát, lập nên một Trần triều hùng mạnh kéo dài ngót 175 năm, ba lần đánh thắng quân đội Mông Cổ tàn bạo, thì Quý Ly cũng đã dẹp bỏ một Trần triều đổ vỡ, tan nát và lập nên một triều đại mới.

Nhưng nhà Hồ của ông chỉ tồn tại vỏn vẹn 7 năm ngắn ngủi, trước khi bị quân Minh nuốt lấy.

Do đâu?

Hồ Quý Ly, Trần Thủ Độ, cả hai đều là những tay gian hùng, cả hai có chỗ giống nhau, và cũng khác nhau. Cái giống nhau là họ đều từ chỗ không có quyền lực gì, nhờ tài thao lược mà dần thiết lập phe cánh, sức mạnh để bước từng bước trên con đường đế vương đầy nguy hiểm, vì chỉ cần bước sai một bước, là cả họ sẽ bị diệt vong. Họ đều đã đến đích, nhưng nếu Thủ Độ phế Lý bằng một cách có vẻ ôn hòa hơn khi sắp đặt một cuộc nhường ngôi không đổ máu (dĩ nhiên sau đó máu đổ nhiều đến kinh hoàng, tôn tộc nhà Lý bị sát hại, thậm chí bị bắt đổi họ, có người phải vượt biển lánh sang xứ người), mà Thủ Độ cũng không giành lấy ngai vàng cho mình, mà ông giành cho cháu mình, nghĩa là nhìn có vẻ ít tham vọng hơn, cao cả hơn vì ông tỏ rõ là Lý triều đã mạt, đến lúc thay đổi triều đại thì Quý Ly lại tự mình giành lấy ngôi cao, thẳng tay tàn sát công khai tôn tộc nhà Trần, ép Thuận Tông nhường ngôi cho thái tử An mới ba tuổi lên ngôi Thiếu Đế, rồi chỉ hai năm sau phế bỏ Thiếu Đế mà tự lên ngôi. Hơn thế nữa, cái việc Quý Ly đổi tên nước từ Đại Việt sang Đại Ngu cũng không thực sự được ủng hộ.

Theo ý ông, Đại Ngu, là an vui lớn, là sự bình an lớn, là ước mơ của ông về một đất nước yên bình, nhưng cũng có người cho rằng, Ngu là Ngu Thuấn, Quý Ly đặt tên nước là Đại Ngu, là có ý hướng về Trung Quốc, hướng về cội nguồn của ông. Thật sự ý của Quý Ly là như thế nào, ông chỉ có ý gửi gắm mong muốn một đất nước bình an qua cái tên Đại Ngu, hay ông thực có ý hướng về Trung Quốc, tự nhận mình là dòng dõi Ngu Thuấn – mà việc đổi lại họ thành Hồ cũng có ý như vậy?

Thực sự mà nói, việc Quý Ly phế Trần, là điều không thể tránh được, Trần đã mạt, không thể cứu vãn nổi nữa rồi, nó đã mục ruỗng từ gốc đến ngọn, có chữa, thì cũng chỉ cầm chừng được một chốc, một khoảng mà thôi, muốn trị dứt, chỉ có một cách là nhổ bật cả gốc rễ nó lên, trồng vào đó một cái cây mới, một triều đại mới. Tình trạng Đại Việt thời Trần mạt, so với thời Lý mạt cũng chẳng kém gì, mà có khi còn tệ hại hơn, quan lại ăn chơi, nhũng nhiễu, bỏ bê triều chính, gian thần lũng đoạn triều chính, nhân dân cực khổ. Nếu Lý mạt có loạn Quách Bốc thời vua Cao Tông khiến tình trạng cát cứ nổi lên, cũng là cơ hội cho Trần gia bước chân vào võ đài chính trị, thì Trần mạt có loạn Nhật Lễ, rồi sau đó là Chiêm Thành nhũng nhiễu, tạo cơ hội cho Hồ Quý Ly bước chân vào con đường đế vương. Trong tình trạng như vậy, chẳng riêng gì Quý Ly, mà bất cứ một ai có tài, lại muốn vì dân vì nước đều sẽ đứng lên lật đổ triều đại đã mục ruỗng. Cái việc Quý Ly thay Trần, thực sự cũng là điều tất yếu, chính ra Quý Ly đã mong muốn cải cách đất nước từ trước khi ông lên ngôi lâu lắm rồi, từ những chính sách cải cách mà ông dâng lên và cho thi hành. Với những cải cách ấy, ông mong muốn hồi sinh lại một Đại Việt hùng cường, một đất nước mạnh mẽ, anh hùng đã đánh tan quân Mông Cổ cường bạo. Quá trình cải cách ấy từng bước đưa Quý Ly thăng tiến, ban đầu là từ chức Khu Mật viện đại sứ đến Đồng bình chương sự, rồi đến Phụ chính Thái sư Nhiếp chính, nắm trọn quyền lực trong tay. Những chính sách cải cách của ông, đều là những chính sách mang tầm nhìn vượt xa thời bấy giờ, bây giờ nhìn lại, chúng ta không khỏi khâm phục cái tầm nhìn vượt thời của ông.

Nhưng có khi, mới quá chưa chắc đã hay, tiên tiến quá chưa chắc đã tốt, có khi còn phản tác dụng. Giống trường hợp của Hồ Quý Ly, những cải cách của ông, thời bấy giờ chẳng mấy ai hiểu, và chẳng mấy ai tin. Để so sánh, những cải cách của ông cũng na ná cuộc biến pháp của Thương Ưởng đời Tấn Hiếu Công thời Chiến Quốc, cũng bị phản đối gay gắt vì động chạm quá nhiều đến quyền lợi của quý tộc, làm đảo lộn cả trật tự xã hội thời bấy giờ. Những chính sách của Quý Ly cũng mang lại những xáo trộn y như vậy. Chỉ tiếc là, biến pháp Thương Ưởng có thời gian để phát huy tác dụng, để rồi khiến Tần cường thịnh, còn cải cách của Hồ Quý Ly thì không có đủ thời gian để phát huy, để rồi khiến những cải cách ấy chìm vào quên lãng.

Hồ Quý Ly, ông đã đưa ra hàng loạt những cải cách về mọi mặt, từ chính trị, ngoại giao cho đến kinh tế, quân sự. Ông đã cho cải tổ lại bộ máy quan lại lúc bấy giờ – vốn đã mục nát bởi việc cha truyền con nối, cứ là tôn thất thì sẽ làm quan, dẫn đến việc người tài không có đất dụng võ, mà kẻ vô năng thì lại ngồi ở chức cao.

Năm 1375, chỉ 4 năm sau khi nhận chức Khu Mật viện đại sứ, Quý Ly đã đề nghị cải cách bộ máy quan lại bằng việc “chọn các viên quan người nào có tài năng luyện tập võ nghệ thông hiểu thao lược thì không cứ là tôn thất, đều cho làm tướng coi quân”, ông đã nhìn ra việc phải trọng dụng người tài thì mới có cơ hội chấn hưng đất nước, cái bộ máy quan lại Trần mạt nó đã mục nát cả rồi, phải thay đổi, không còn cách nào khác.

Không chỉ vậy, Quý Ly còn tích cực đưa ra các chính sách cải cách về cả kinh tế lẫn tài chính, điển hình là việc phát hành tiền giấy. Năm 1396, ông cho ban hành tiền giấy, gọi là tiền “Thông bảo hội sao” để thay cho tiền đồng. Sách Khâm định Việt sử thông cương giám mục chép về chế độ tiền giấy và lệ đổi như sau: “Loại 10 đồng vẽ rau rong, loại 30 đồng vẽ thủy ba, loại 1 tiền vẽ đám mây, loại 2 tiền vẽ con rùa, loại 3 tiền vẽ con lân, loại 5 tiền vẽ con phượng, loại 1 quan vẽ con rồng. Người nào làm giả phải tội tử hình, tịch thu điền sản sung công. Khi tiền giấy đã in xong, hạ lệnh cho dân được đem tiền thực đổi lấy tiền giấy: cứ một quan tiền thực chất đổi lấy tiền giấy một quan hai tiền”. Việc phát hành tiền giấy, theo Quý Ly là để tiện sử dụng, ngoài ra cũng còn một mục đích nữa là để thu thập đồng, sắt làm nguyên liệu chế tạo vũ khí quân sự. Ngay từ thế kỷ 14-15, Quý Ly đã nhìn ra điểm quan trọng là đồng-sắt không phù hợp cho giao thương buôn bán, mà dùng tiền giấy sẽ thuận lợi hơn nhiều. Bên cạnh đó, ông còn đặt ra phép hạn điền năm 1397, quy định số ruộng tối đa của quý tộc, năm 1401 đặt ra phép hạn nô để hạn chế số nông nô, nô tì, năm 1402 đặt lại thuế cho phù hợp. Việc giáo dục, thi cử cũng được Quý Ly chú ý, nếu như trước đây, các kỳ thi chỉ xoay quanh văn thơ, rồi điển tích thì với Quý Ly, ông đưa vào cả thi toán và các môn khoa học, đồng thời đề cao cả chữ Nôm, ngôn ngữ của dân tộc. Dưới thời nhà Hồ, trường học được triều đình mở đến tận lỵ sở, phủ, thay vì trước đó chỉ ở chốn đô thành mới có, vậy là ông rất quan tâm đến giáo dục, đến sự phát triển của người dân đó chứ?

Quý Ly có hai người con trai nổi tiếng, một là Nguyên Trừng, ông tổ của súng thần cơ, một kỹ sư thiên tài về mọi mặt, một là Hán Thương, người sau này kế ngôi ông. Nguyên Trừng cũng là một tài năng hiếm có, vì vậy, không lẽ nào Quý Ly không tận dụng tài năng ấy. Sức mạnh quân sự quốc phòng được tăng cường, củng cố và cải tiến, Nguyên Trừng đã chế tạo được súng thần cơ, gọi là “Thần cơ sang pháo” – một phát kiến vĩ đại. Ngay từ khi còn chưa lên ngôi, Quý Ly đã ý thức được việc thế nào rồi Đại Minh cũng sẽ sinh sự, vì Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương, cũng như ông, quá hiểu rõ rằng Trần triều một thời hùng mạnh nay đã suy yếu, suy yếu đến cùng cực. Ngày xưa Trần triều đàng hoàng đánh tan quân Mông Cổ đến tận ba lần, thì nay suy yếu đến độ Chiêm Thành cũng mấy lần đánh tan quân đội nhà Trần, cướp phá Thăng Long, giết được cả vua Duệ Tông, nếu mà không có sự xuất sắc của Trần Khát Chân, e rằng vua tôi nhà Trần đã táng mạng dưới tay vua Chiêm Chế Bồng Nga lâu rồi. Trần triều, lúc cường thịnh thì họ mạnh mẽ đến kinh hoàng, lúc suy yếu thì suy yếu đến cùng cực, đến thảm hại, thật bi hài.

Bởi vì lẽ đó, Quý Ly biết rằng ông cần phải chấn chỉnh lại sức mạnh quân sự, phải làm cho đất nước có một đội quân hùng cường sẵn sàng chống lại ngoại xâm. Vì lẽ đó, bên cạnh việc cải tiến vũ khí, chế tạo Thần cơ sang pháo, thuyền chiến Cổ lâu, ông cũng đặt ra phép hộ tịch, nó cũng như việc kê khai dân số bây giờ. Nhờ vậy, Hồ Quý Ly biết chính xác trong nước có bao nhiêu trai tráng, rồi nhờ đó tuyển chọn những người khỏe mạnh, nhanh nhẹn để thay cho những người già cả, yếu đuối. Cũng nhờ đó, quân đội nhà Hồ được coi là một trong những đội quân hùng mạnh nhất và được trang bị hiện đại nhất, vượt trội so với quân Minh, ở cả hai mặt thủy bộ.

Ấy vậy mà đội quân hùng mạnh ấy vẫn thất bại, vẫn để giang sơn rơi vào tay giặc, bởi vì đâu? Cải cách của ông về nhiều mặt, và nó có lợi cho sự phát triển của đất nước, nhưng đến cuối cùng vẫn bị phản đối kịch liệt, bởi vì đâu?

Nó gói gọn lại trong câu nói của Hồ Nguyên Trừng trước cuộc tử chiến với 20 vạn đại quân Minh dưới danh nghĩa “Phù Trần diệt Hồ”, một câu nói chứa đầy nỗi bi phẫn, đã hơn 600 năm vẫn còn nguyên sự đau đớn: “Thần không ngại đánh, chỉ sợ lòng dân không theo”.

Lòng dân không theo nhà Hồ, mà vẫn hướng về một Trần triều đã mất, một Trần triều mà trước đó chỉ dăm chục năm, người dân còn muốn lật đổ. Lòng dân tại sao lại vẫn cứ hướng về một triều đại đã mục nát, đã thối ruỗng?

Lòng dân, tại sao lại không theo nhà Hồ?

Hồ Quý Ly đã dẹp bỏ Trần triều mục nát, đó dứt khoát là một điều tốt, ngay chính người dân trước đó cũng đã hằng mong muốn một triều đại mới tốt đẹp hơn, mà thậm chí ngay cả một số tôn thất nhà Trần, biết rằng việc Quý Ly phế Trần cũng chỉ là chuyện trước sau. Ấy vậy mà đến khi ông thực sự phế Trần lập Hồ rồi, thì lòng dân lại không theo, vì lẽ nào mà như thế?

Thay đổi triều đại là chuyện hệ trọng liên quan đến vận mệnh quốc gia, phải thực sự khéo léo mới không làm nhân tâm biến động. Thủ Độ cũng như Quý Ly, cũng một tay nắm quyền binh rồi mới phế bỏ Lý triều, đem thiên hạ về cho nhà Trần, nhưng sử sách nói về hai việc này với hai giọng hoàn toàn khác nhau.

Thủ Độ phế Lý lập Trần thông qua việc cho Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh

Hồ Quý Ly phế Trần lập Hồ bằng việc ép Trần Thiếu Đế thoái vị rồi tự ông bước lên ngôi cửu đỉnh.

Một bên là “nhường ngôi”, một bên là “ép thoái vị”, bản chất hai việc chẳng hề khác nhau là bao, Thủ Độ cũng ép vua Huệ Tông nhường ngôi cho công chúa Chiêu Thánh, khác nào việc Quý Ly ép vua Thuận Tông nhường ngôi cho thái tử An? Nhưng vấn đề là cách xử lý của hai người khác nhau, một bên có vẻ mềm mỏng, yên bình hơn, còn một bên lại bá đạo, lại tàn độc.

Sau khi thiên hạ về tay nhà Trần thì Thủ Độ mới ra tay dẹp bỏ hẳn các thế lực chống đối và cát cứ, và đến tận năm 1232 – 7 năm sau khi ông giành thiên hạ thì mới ra tay hạ sát tôn tộc nhà Lý, mà vụ án đó vẫn còn thuộc dạng nghi án, là không biết thật hay không.

Còn Quý Ly, ngay từ năm 1388, vua Phế Đế đã bày mưu trừ Quý Ly mà không thành, dẫn đến họa sát thân, mà cay đắng thay, lại do chính thượng hoàng Nghệ Tông ban lệnh vì bị Hồ Quý Ly thao túng. Rồi cho đến suốt những năm sau đó, sĩ phu, tôn thất nhà Trần luôn tỏ ý phản đối Quý Ly, đến mức ông phải tính việc dời đô về Vĩnh Lộc. Hồ Quý Ly ngay từ khi còn chưa lên ngôi, đã không có được lòng dân Thăng Long, không có được lòng dân ở đế đô rồi. Đến năm 1399, chỉ 1 năm trước khi phế Trần, ông cho người giết vua Thuận Tông, rồi Thái bảo Trần Nguyên Hãng cùng Thượng tướng quân Trần Khát Chân cũng mưu giết Quý Ly mà không thành, gần 400 người bị liên đới và bị xử tử. Chứng kiến những sự tàn bạo thái quá như vậy, có lẽ nào lòng dân còn có thể tin theo? Hơn nữa, khi phế Trần, Hồ Quý Ly đã 64 tuổi, nhưng vẫn bước lên ngôi cửu đỉnh, nó khiến cho nhân dân thấy rằng: việc phế Trần là để thỏa cái tham vọng tột đỉnh của bản thân ông, chứ không phải vì lo cho dân cho nước!

Mặc dù chỉ vài tháng sau ông đã nhường ngôi cho con thứ là Hồ Hán Thương, còn ông lên làm Thượng hoàng, nhưng đã muộn, nước cờ này, ông đã đi sai mất rồi.

Chúng ta luôn nói về những cải cách của Hồ Quý Ly là có tầm nhìn vượt thời đại, nhưng chính vì thế nó cũng nảy sinh ra một vấn đề: thời đó không ai hiểu, và không ai tin nó sẽ thành công và có lợi. Những chính sách về giáo dục thì còn đỡ, nhưng còn những chính sách hạn điền, hạn nô hay nhất là việc phát hành tiền giấy thì Hồ Quý Ly bị phản đối kịch liệt.

Hạn điền, hạn nô là những chính sách động chạm trực tiếp tới quyền lợi của tầng lớp quý tộc, không lẽ gì họ lại vui vẻ chấp thuận việc đó xảy ra. Và việc phát hành tiền giấy, mặc dù đúng là nó có tầm nhìn đi trước thời đại thật, nhưng ở thời điểm ấy, đơn giản là nó chưa phù hợp, mà có lẽ bản thân Hồ Quý Ly đưa ra chính sách dùng tiền giấy phần lớn là để thu thập đồng sắt làm nguyên liệu chế tạo vũ khí chứ ông cũng chưa thực tin rằng tiền giấy có thể lưu thông dễ dàng. Tại sao lại nói như thế? Bởi vì ngay sau khi lên ngôi, Hồ Quý Ly đã cho phát hành ngay đồng tiền đồng Thánh Nguyên thông bảo, nếu thực sự tin tưởng vào tiền giấy, hà cớ gì ông còn phải cho phát hành thêm tiền đồng? Về chính sách tiền giấy – tiền đồng này, thực sự khá phức tạp vì ý định sâu xa của Hồ Quý Ly, không hề đơn giản.

Vậy ngoài mục đích thu thập đồng sắt làm nguyên liệu chế tạo vũ khí thì Hồ Quý Ly còn muốn đạt được điều gì thông qua việc phát hành tiền giấy?

Thứ nhất, có lẽ ông cho in tiền là vì ông cần tiền. Đơn giản vậy thôi, vì nhìn lại thời Trần mạt bấy giờ, tình hình đất nước ngày càng tồi tệ, Chiêm Thành liên tục cho quân cướp phá, quấy nhiễu, kho tàng trống rỗng, triều đình không thể kiểm soát tình hình. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng vào năm 1378 dưới đời vua Phế Đế, quân Chiêm Thành lại ra cướp bóc ở vùng Nghệ An: “giặc đánh vào kinh sư, bắt người cướp của rồi về….Bấy giờ đang có việc dùng binh mà kho tàng trống rỗng. Vua nghe lời Đỗ Tử Bình tăng thuế để có ngân sách. Tử Bình bắt chước phép đánh thuế dung của nhà Đường, thuế má lại nặng thêm”. Tiền đã không có mà còn bị cướp bóc luôn luôn, vì thế vua Phế Đế mới nảy ra cái sáng kiến là “đem tiền đi giấu”, cũng theo sách Đại Việt sử ký toàn thư thì sang năm 1379, tháng 9, vua cho người chở hàng xe tiền đi giấu ở núi Thiên Kiện. Sang tháng 10 lại đem giấu một lô nữa ở Lạng Sơn nhưng xui xẻo là cái lô này mất trắng do sau này có thiên tài, chỗ cất tiền bị vùi mất không biết ở đâu.

Như vậy, chúng ta rõ một điều là vào cuối đời Trần, quốc khố gần như rỗng không chẳng có gì, triều đình lại coi tiền đồng như kho báu, là tài sản quý giá nên mới cho đi chôn. Vua Trần sợ mất tài sản nên đem giấu tiền vào chỗ không ai biết, ngõ hầu đó là một khoản tích trữ như lương thực, đồ đạc ; cất tiền đi để sau này có thể lấy ra sử dụng. Không loại trừ đây cũng là quan điểm của Hồ Quý Ly vì như đã biết, việc phát hành tiền giấy xảy ra vào năm 1396 mà cho đến tận năm 1398, triều đình vẫn còn cho đem tiền đi chôn giấu, cất giữ. Lúc ấy Quý Ly thực sự đã nắm mọi quyền hành, không có lý gì ông không biết việc ấy, vậy mà ông cũng không phản đối triều đình đem tiền đi chôn. Lẽ ra ông đã có thể thu lấy số tiền này để đúc vũ khí, nếu thật sự có nhu cầu. Phải chăng ông cũng như vua coi tiền là tài sản cần giữ kỹ, sau này có thể dùng đến ? Phải chăng ông đã không tin giá trị tiền giấy ngay từ ban đầu?

Việc cho ban hành tiền giấy, chẳng qua là một biện pháp tức thời của Hồ Quý Ly để triều đình… có tiền chi tiêu mà thôi. Không có tiền thì phải làm ra tiền. Phát hành tiền giấy dễ hơn tiền đồng rất nhiều. Muốn làm tiền đồng phải tìm được nguồn đồng, phải có thợ đúc, phải tổ chức phân phối. Tất cả các hoạt động này cần chi phí và thời gian, không thể tiến hành trong thời gian ngắn. Mà lúc đó thì thời gian cấp bách, còn quá nhiều chính sách phải thực hiện, phát hành tiền giấy là một biện pháp tức thời, tốn ít thời gian mà nhanh chóng đem lại cho triều đình một khoản tiền khổng lồ. Thêm nữa là, Hồ Quý Ly dùng 1 quan tiền đồng đổi 1 quan 2 tiền giấy, nghĩa là ông phải in nhiều tiền giấy hơn để đổi, mà chắc gì Hồ Quý Ly chỉ in ngần ấy tiền giấy? Nên nhớ ông nắm trong tay quyền lực tột đỉnh, triều đình lại độc quyền trong việc in tiền giấy – thì vì nó dễ làm hơn tiền đồng còn gì, thế thì ông có in bao nhiêu tiền cũng chả ai biết, chả ai dám ý kiến. Ở vào vị trí của ông, có ngu mới không in nhiều, cái quy tắc đổi tiền có lẽ chỉ áp dụng cho dân thường, còn với triều đình thì con số tiền giấy được thật vẽ sẽ phải lớn hơn rất nhiều, nếu không sẽ không thể giúp Hồ Quý Ly tiến hành các chính sách. Dời đô, xây thành, tuyển mộ quân đội, đúc súng đại bác, cần phải in bao nhiêu tiền cho đủ ? Không ai có thể trả lời cụ thể, nhưng con số phải rất lớn. Hồ Quý Ly chắc cũng chẳng mất thời gian để tính toán. Có thể tự do cho in tùy ý, cần gì phải bận tâm là in bao nhiêu?

Thứ hai, việc in tiền giấy cũng là để phục vụ cái mục đích chính trị của Hồ Quý Ly. Năm 1402, ông cho định lại thuế tô và thuế ruộng, sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép lại về việc này như sau: “Trước kia, về triều nhà Trần, tư điền của dân cứ mỗi mẫu thu thóc 3 thăng; đất bãi trồng dâu, mỗi mẫu thu tiền 9 quan hoặc 7 quan. Đinh nam mỗi năm nộp tiền 3 quan. Đến nay Hán Thương thay đổi lại cho thi hành: mỗi mẫu ruộng thu thóc 5 thăng; đất bãi trồng dâu chia ra 3 bậc: bậc cao nhất mẫu mẫu thu 5 quan, bậc trung bình mỗi mẫu 4 quan, bậc thấp nhất mỗi mẫu 3 quan. Thuế đinh nam thì căn cứ vào số ruộng để đánh thuế: người nào có ruộng từ 2 mẫu 6 sào trở lên thu tiền 3 quan; người nào ruộng kém số ấy sẽ được giảm bớt dần; người không có ruộng cùng trẻ bồ côi và đàn bà góa mà có ruộng đều được miễn thuế dung”.

Nhìn qua thì đúng là nhà Hồ cho giảm thuế, nhưng vấn đề ở chỗ, giảm thuế thu bằng tiền mà lại tăng thuế thu bằng hiện vật! Đây chính là cái thâm ý của Hồ Quý Ly, giảm thuế tiền thì triều đình cũng chẳng thiệt gì, vì nếu giả định việc Quý Ly cho thả sức in tiền để chi dùng là đúng, thì triều đình có cần gì vài ba quan tiền giấy của dân đâu? Lại còn được tiếng là khoan dung với dân, tội gì không giảm nhiệt tình? Thiếu tiền thì ta in thêm tiền, triều đình độc quyền cơ mà? Ngược lại, tăng tô bằng thóc là thu của cải thật, thu cái sẽ nuôi sống con người thật sự. Người dân sẽ hân hoan vì tưởng mình phải nộp ít thuế hơn, nhưng thật ra triều đình mới là bên hưởng lợi lớn từ chính sách. Bằng việc in tiền giấy, Hồ Quý Ly chuyển những tờ giấy vẽ rồng vẽ phượng vô giá trị cho người dân, và lấy về cho mình thóc gạo qua một chính sách miễn giảm thuế. Ông thừa hiểu rằng người ta không sống được bằng tiền, mà phải bằng thóc thật, gạo thật.

Cũng chính vì vậy, việc ban hành chính sách phát hành tiền giấy cũng đã khiến nhân dân náo loạn một phen, có kẻ cũng lờ mờ nhìn ra thâm ý của Hồ Quý Ly, một số đại thần trong triều cũng phản đối thẳng thừng là tự nhiên bắt dân đổi tiền đồng ra mấy tờ giấy vẽ hình vớ vẩn thì hóa bằng ăn cướp của dân à? Nhưng Quý Ly nắm mọi quyền hành, thế là cái chính sách tiền giấy cứ thế mà được thực hiện, mặc dù nhân dân nhiều nơi cũng ngấm ngầm cất giấu tiền đồng, bao che cho nhau để khỏi phải tội, chính những chính sách này đã khiến xã hội Đại Việt/Đại Ngu nháo nhào, thêm phần hỗn loạn, mặc dù đối với triều đình nhà Hồ, có lẽ cũng là biện pháp cực chẳng đã, bởi vì ngay sau khi lên ngôi, Quý Ly cho phát hành ngay tiền đồng trở lại, mà cũng không bận tâm ban hành luật quy đổi tỷ giá giữa tiền giấy Thông bảo hội sao và tiền đồng Thánh Nguyên thông bảo nữa.

Như vậy, không khó hiểu vì sao lòng dân không tin phục nhà Hồ, những chính sách hạn điền, hạn nô gây nên sự bất mãn trong tầng lớp quý tộc, chính sách tiền giấy gây bất mãn trong lòng nhân dân, vì thế, bỗng nhiên lòng dân lại muốn Trần triều quay lại. Cải cách thì tốt, nhưng cải cách quá mạnh tay sẽ khiến đất nước hỗn loạn, lòng dân chao đảo, thêm việc Hồ Quý Ly lại bị mang tiếng là thoán đoạt ngôi cao vì tham vọng, càng khiến triều đình nhà Hồ không có được lòng tin của dân chúng.

Trong bối cảnh hỗn loạn như thế, Đại Minh bắt đầu nhìn xuống phương Nam, và thấy một cơ hội trời cho để chiếm lấy Đại Ngu.

Năm 1400, Hồ Quý Ly ép vua Thiếu Đế nhường ngôi, lập ra nhà Hồ, Quý Ly lên ngôi, đổi niên hiệu là Thánh Nguyên, cải quốc hiệu thành Đại Ngu. Trước tình hình đó, Trần Thiêm Bình, một gia nô của Trần Tông – thổ hào ở vùng biên cương Đại Việt – Chiêm Thành trốn sang Đại Minh, mạo xưng là cháu vua Nghệ Tông, đến Yên Kinh cầu xin vua Minh Thành Tổ cho quân xuống diệt trừ kẻ thoán nghịch là nhà Hồ. Nhận ra đây là một cơ hội để lấy cớ tiến quân xuống Đại Ngu, Minh Thành Tổ mau chóng xúc tiến kế hoạch. Năm 1404, Minh Thành Tổ sai Lý Ỷ sang hỏi nhà Hồ về việc Trần Thiêm Bình. Lý Ỷ đến công quán sai người do thám tình hình Đại Ngu. Khi Lý Ỷ trở về, Hồ Quý Ly mới phát hiện ý đồ do thám, bèn sai Phạm Lục Tài đuổi theo giết đi, nhưng đến Lạng Sơn thì Ỷ đã ra khỏi biên giới. Lý Ỷ đi thoát về Trung Quốc, tâu với Minh Thành Tổ rằng họ Hồ xưng đế và ngạo mạn. Sau khi Lý Ỷ về, Hồ Hán Thương sai Nguyễn Cảnh Chân dâng biểu tạ tội và xin rước Trần Thiêm Bình về nước và tôn làm chúa. Minh Thành Tổ hứa phong cho Hồ Hán Thương một quận lớn nếu chịu quy phục.

Đến năm 1406, nhân lấy cớ đưa Trần Thiêm Bình về nước, Minh Thành Tổ sai Hàn Quan và Hoàng Trung mang quân hộ tống để lập Trần Thiêm Bình làm vua. Sách Minh thực lục thì chép quân Minh có 5 ngàn người, còn Đại Việt sử ký toàn thư thì chép quân Minh có tới 10 vạn. Hồ Quý Ly nghe tin, cho đại quân đến vây bắt lấy Trần Thiêm Bình mà giết đi, quân Minh tan vỡ. Biết rằng thể nào Minh Thành Tổ cũng cử đại quân sang xâm lược, Hồ Quý Ly bèn sai con cả ông là Tả Tướng quốc Hồ Nguyên Trừng cho quân đến vùng ngã ba sông Bạch Hạc đắp thành Đa Bang, lại cho quân đóng cọc gỗ dày đặc trên sông kéo dài tới 900 dặm để ngăn quân Minh tấn công bằng thuyền lớn.

Tháng 9 năm 1406, 20 vạn đại quân Minh tiến sang Đại Ngu, đại tướng là Trương Phụ, phó tướng là Mộc Thạnh. Vận mệnh của giang sơn Đại Ngu giờ nằm trong tay nhà Hồ.

Nhưng đáng tiếc thay, Hồ Quý Ly tuy là người tài năng, lại cũng là bậc gian hùng, nhưng khốn nỗi cái sở đoản của ông lại là quân sự. Ngày xưa đã mấy lần Quý Ly được vua Nghệ Tông cử đem binh đi đánh Chiêm Thành nhưng… đánh đâu bại đó, nếu mà không có Trần Khát Chân thì có lẽ ông cũng chẳng còn sống để mà phế Trần lập Hồ. Hồ Nguyên Trừng tuy là thiên tài kỹ thuật, đã sáng chế ra vũ khí vô địch thiên hạ là Thần cơ sang pháo, nhưng cũng đen ở chỗ… Nguyên Trừng cũng giống cha, cũng không thật sự tài năng khi cầm quân thực chiến. Nhà Hồ tuy có quân đội hùng mạnh, có vũ khí hiện đại, nhưng trên dưới không đồng lòng, cũng bởi lòng dân không ở nhà Hồ. Quân Minh lại sử dụng chiêu bài “Phù Trần diệt Hồ”, đã đánh trúng vào cái tâm lý lúc bấy giờ của nhân dân, vì thế, đại quân Minh thong thả tiến quân đến Đa Bang mà không gặp trở ngại nào, thậm chí còn được chính người dân xin theo đánh giúp.

Đau lòng thay.

Hy vọng cuối cùng của Đại Ngu, là thành Đa Bang. Một tòa thành cực kỳ kiên cố do chính Hồ Nguyên Trừng chỉ đạo xây dựng. Đa Bang còn, Đại Ngu còn, Đa Bang mất, coi như Đại Ngu đã tận.

Trương Phụ và Mộc Thạnh thấy các bãi sông đều có rào cọc chắn không tiến được, lại biết nhà Hồ chỉ trông vào thành Đa Bang để phòng thủ, nên tập trung tấn công thành này làm bước quyết định cục diện mặt trận. Ngày 12 tháng 12 âm lịch năm 1406, quân Minh nhân đêm tối tiến công thành: Trương Phụ và Hoàng Trung đánh góc tây bắc, Mộc Thạnh và Trần Tuấn đánh mặt đông nam. Cánh Mộc Thạnh dùng thang mây đánh lên mặt thành, quân bị giết xác chất cao ngang mặt thành nhưng quân lính nhà Minh vẫn không ngừng tấn công, không dám dừng lại. Lại thêm quân nhà Hồ có Thần cơ sang pháo nã liên hồi nên quân Minh thiệt hại rất nhiều, nhưng không vì thế mà thoái lui. Đúng lúc ấy, tướng Nguyễn Tông Đỗ nhà Hồ lại đưa ra một quyết định chết người, ông cho đục thành lùa voi ra tấn công quân Minh, ai dè quân Minh đã biết trước nên dùng hỏa tiễn bắn voi và dùng các hình vẽ sư tử phủ lên mình ngựa để voi sợ. Voi lùi lại, quân Minh nhân đấy đuổi theo hút vào trong thành, quân nhà Hồ thua to, các tướng nhà Hồ là Lương Dân Hiến và Thái Bá Nhạc tử trận. Quân Minh đánh chiếm được thành Đa Bang cùng 12 voi chiến và vô số binh khí, các quân dọc sông đều tan vỡ, phải lui về giữ Hoàng Giang.

Ngày 13 tháng 12, được sự dẫn đường của hàng tướng người Việt, quân Minh dọc sông Phú Lương tiến xuống, đốt phá rào gỗ. Biết thành chính của nhà Hồ ở Tây Đô, quân Minh tiếp tục theo đường sông Phú Lương tiến đánh. Đến tháng 2 năm 1407, Hồ Nguyên Trừng đem quân đến sông Lô gặp quân Minh ở đây, ngày 20 tháng 2 hai bên đụng độ, quân Minh tấn công quân nhà Hồ cả hai mặt thủy bộ nên quân nhà Hồ thua to, mất đến 100 thuyền chiến, lại phải lui binh tiếp.

Sách Việt Nam sử lược chép rằng: “Qua tháng ba năm Đinh Hợi (1407) Mộc Thạnh biết rằng con trưởng Hồ Quý Ly là Hồ Nguyên Trừng đóng ở Hoàng Giang, bèn đem thủy lục cùng tiến lên đến hạ trại ở sông Mộc Phàm (ở làng Mộc Phàm, huyện Phú Xuyên tiếp với Hoàng Giang). Hồ Nguyên Trừng đem 30 chiếc thuyền ra đánh bị quân Mộc Thạnh ở hai bên bờ sông đánh ụp lại. Nguyên Trừng thua chạy về cửa Muộn Hải (ở Giao Thủy, Nam Định). Bấy giờ tướng nhà Hồ là Hồ Đỗ và Hồ Xạ cũng bỏ bến Bình Than (ở làng Trần Xá, huyện Chí Linh, Hải Dương) chạy về cửa Muộn Hải để cùng với Nguyên Trừng tìm kế phá giặc; nhưng quân Minh sực đến, lại bỏ chạy ra giữ cửa Đại An (thuộc phủ Nghĩa Hưng bây giờ). Quân Minh ở Muộn Hải phải bệnh, lui về đóng ở bến Hàm Tử, để đợi quân Hồ lên sẽ đánh”.

Quân Minh bắt được hơn trăm người, trong đó có các tướng nhà Hồ và đem ra chém hết, quân Đại Ngu thất bại, lui về giữ Cửa Muộn. Hồ Quý Ly và Hán Thương đều trở về Thanh Hóa. Dân vùng Kinh Lộ (từ Thanh Hóa trở ra Bắc) phần nhiều theo nhà Minh làm phản để chống lại nhà Hồ. Hồ Đỗ, Hồ Xạ bỏ Bình Than qua Thái Bình, Đại Toàn, đến cửa Muộn, hợp sức đắp lũy, đúc hỏa khí đóng thuyền chiến. Tướng chỉ huy quân Thần Đinh Ngô Thành nhân gió theo nước triều lên tiến đánh, đột kích đến Giao Thủy. Trương Phụ, Mộc Thạnh chia quân ra hai bên bờ sông chặn đánh. Ngô Thành thế cô bị hãm trận chết, được truy tặng Kiêu vệ tướng quân. Hai bên đối lũy nhau, ngày đêm đánh nhau, vì nắng mưa, dịch bệnh, bùn lầy ẩm ướt, quân Minh khó ở bèn dời đến cửa Hàm Tử, lập doanh trại phòng bị nghiêm ngặt. Hồ Nguyên Trừng cũng dời đến Hoàng Giang, đón Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương từ Thanh Hóa ra.

13 tháng 3 năm 1407, hai bên đối địch nhau ở Hàm Tử, khi ấy Hồ Xạ biết người Minh có mai phục, không chịu tiến quân. Hồ Đỗ sai người đến trách, Hồ Xạ liền tập hợp 7 vạn quân thủy bộ nói phao là 21 vạn tấn công quân Minh. Hồ Xạ và Trần Đĩnh chỉ huy quân bộ ở bờ nam; Đỗ Nhân Giám, Trần Khắc Trang chỉ huy quân bộ ở bờ bắc, Nguyễn Công Chửng chỉ huy 100 chiến thuyền làm tiên phong. Hồ Trừng và Hồ Đỗ ở trong doanh Đỗ Mãn, Hồ Vấn chỉ huy quân thủy. Quân Minh cũng chia quân hai đường tiến ra. Đến lúc này, thế quân nhà Hồ đã túng, tuy đông nhưng cũng không địch nổi quân Minh thiện chiến dù quân nhà Hồ có vũ khí vượt trội, nhưng lòng quân đã nản, do đó, quân Minh thắng lớn, vận số Đại Ngu xem ra đã không cứu vãn nổi nữa.

Ngày 23 tháng 4, quân Minh tiến quân đến Lỗi Giang, quân nhà Hồ không đánh mà tan. Ngày 29, quân Minh đánh vào cửa biển Điển Canh, thủy quân nhà Hồ tự tan vỡ. Hồ Quý Ly và Hồ Nguyên Trừng định lánh đến Thâm Giang nhưng không thành. Tướng Nguỵ Thức cầu xin hai người tự thiêu mà chết vì “nước đã sắp mất, bậc vương giả không nên chết về tay kẻ khác”. Thế nhưng Quý Ly không có cái dũng ấy, ông chém chết Ngụy Thức rồi tiếp tục chạy về Hà Tĩnh, nhưng cũng chỉ kéo dài thêm được chục ngày mà thôi.

Ngày 11 tháng 5 năm 1407, Hồ Quý Ly và Hồ Nguyên Trừng bị bắt sống.

Ngày 12 tháng 5 năm 1407, Hồ Hán Thương cùng thái tử Hồ Nhuế cũng bị bắt.

Nhà Hồ vậy là sụp đổ, chỉ sau 7 năm ngắn ngủi. Tôn tộc nhà Hồ bị bắt và đưa sang Đại Minh, đất nước lại rơi vào cảnh Bắc thuộc.

Và cũng vì thế, Hồ Quý Ly mãi mãi bị gắn với cái tội làm mất nước, cái tội nặng nhất. Nhưng có đúng không khi chỉ nhà Hồ có lỗi?

“Thần không ngại đánh, chỉ sợ lòng dân không theo mà thôi”, câu nói ấy của Hồ Nguyên Trừng, hơn 600 năm rồi vẫn gây nên sự thương cảm và tiếc nuối. Hồ Nguyên Trừng quyết chống lại quân Minh để bảo vệ giang sơn Đại Ngu, nhưng lòng dân đâu có ở nhà Hồ? Lòng dân vẫn ở nhà Trần, cho dù nhà Trần đã suy mạt lắm rồi, đến mức không thể vực dậy được nữa. Việc thay đổi triều đại, sớm muộn cũng xảy ra, và người nắm lấy cái cơ hội ấy không ai khác là Hồ Quý Ly, nhưng đặt cơ hội ấy vào tay Hồ Quý Ly, chẳng phải chính là vua Nghệ Tông hay sao? Con đường đế vương của Quý Ly, chẳng phải được mở ra cũng một phần do Nghệ Tông ư?

Cho dù mang tiếng thoán nghịch nhà Trần, cho dù mang tiếng lên ngôi cao vì tham vọng, cho dù những chính sách cải cách đều bị phản đối quyết liệt, nhưng Hồ Quý Ly, tận sâu trong thâm tâm, có lẽ cũng muốn chấn hưng đất nước, tái hiện lại một quốc gia hùng mạnh đã từng ba lần chiến thắng Mông Nguyên. Và vì thế nên ông quyết chống lại quân Minh đến cùng mà không chịu đầu hàng. Hồ Quý Ly quyết đánh, Hồ Nguyên Trừng cũng quyết đánh. Nhưng dân thì không, họ đã thấy lòng dân không ở với mình, nhưng vì giang sơn họ vẫn quyết chiến đấu đến cùng, chỉ tiếc là, họ Hồ không có được lòng dân, mà cay đắng thay, những kẻ xâm lược lại có được lòng dân, chỉ với bốn chữ “Phù Trần diệt Hồ” cùng những lời hứa hẹn viển vông.

Mọi chuyện sau đó hẳn chúng ta đã biết rồi, chẳng có việc tái lập nhà Trần nào hết, chỉ có việc Đại Ngu lại biến thành Giao Châu mà thôi. Chúng ta luôn trách nhà Hồ đã để mất nước, nhưng nhà Hồ thất bại vì lòng dân đâu có muốn nhà Hồ thành công? Lỗi ở ai, ở Hồ Quý Ly khi đã quá mạnh tay trong cải cách lẫn việc phế Trần dẫn đến lòng dân bất phục ư? Lỗi ở nhân dân khi đã góp tay rước quân xâm lược vào giày xéo giang sơn này ư?

Kẻ thức thời là trang tuấn kiệt, kẻ ngu trung thì chỉ nên đi chết đi. Ai là kẻ thức thời? Ai là kẻ ngu trung đây? Kẻ thức thời là bỏ nhà Hồ để phò nhà Trần đã diệt vong? Kẻ ngu trung là trung với nhà Hồ đã lật nhà Trần ư? Hay là ngược lại? Câu nói ấy đã khái quát lòng dân năm đó: phù Trần diệt Hồ.

Có lẽ họ Hồ của Quý Ly sinh nhầm thời, Hồ Quý Ly sinh nhầm thời, Hồ Nguyên Trừng cũng sinh nhầm thời.

Và họ Hồ của Quý Ly cũng phải mang tiếng là kẻ tội nhân đã làm mất nước, và đến khi mọi sự đã không còn cứu vãn được, Hồ Quý Ly cũng không thể có được cái dũng khí cuối cùng là tự sát, để rồi phải chịu tù đày, chôn thây nơi xứ người.

Hồ Quý Ly, cái công của ông không đủ để bù lại cái tội. Huống chi, công của ông thì không mấy người nhìn nhận đúng, mà cái tội thì lại quá lớn, ấy là để mất giang sơn vào tay giặc.

Lịch sử có biết bao nhiều điều “giá như”, có biết bao nhiêu điều nuối tiếc, có biết bao nỗi bi phẫn.

Có lẽ ít có nhân vật lịch sử nào lại chịu nhiều sự bi phẫn và đau đớn hơn Hồ Quý Ly, ông là một kẻ sinh nhầm thời, và ông cũng là một kẻ tội nhân làm mất nước.

Cay đắng thay.

—————————-

Bài viết sử dụng tài liệu từ những nguồn sau đây:

– Đại Việt sử ký toàn thư
– Khâm định Việt sử thông giám cương mục
– Việt Nam sử lược

Theo HẢI STARD / SPIDERUM.COM

Tags: , ,