Hiện đại hóa kiểu Trung Quốc: Khái niệm và triển vọng

Hiện đại hóa kiểu Trung Quốc đã tạo ra một cú hích mới cho châm ngôn “Con đường xã hội chủ nghĩa là con đường rộng nhất” (社会主义道路最宽广) vốn luôn được giới lãnh đạo Trung Quốc đặc biệt coi trọng trong nhiều thập kỷ qua. Được coi là một “sự đổi mới về mặt lý thuyết”, khái niệm này đã trở thành chủ đề bàn luận tại sự kiện quan trọng thứ hai sau Đại hội Đảng toàn quốc trong lịch trình chính trị của Bắc Kinh – Kỳ họp Lưỡng Hội.

Hiện đại hóa kiểu Trung Quốc: Khái niệm và triển vọng

Tác giả: Cherry Hitkari có bằng Thạc sĩ Nghiên cứu Đông Á chuyên ngành Nghiên cứu Trung Quốc và hiện đang theo học bằng cao đẳng nâng cao về ngôn ngữ Trung Quốc tại Khoa Nghiên cứu Đông Á, Đại học Delhi, Ấn Độ.

Biên dịch: Phương Thảo.

Nội hàm Hiện đại hóa kiểu Trung Quốc

Đặng Tiểu Bình đã xác định việc hiện thực hóa khái niệm này là “điều kiện và vấn đề mới quan trọng nhất” của Trung Quốc vào năm 1979 trong khi đặt ra “Bốn hiện đại hóa”[1] để đạt được sự phát triển kinh tế ở một quốc gia có dân số khổng lồ. Nội hàm của Hiện đại hóa kiểu Trung Quốc được bổ sung thêm vào tháng 6 năm 1983 khi trong buổi nói chuyện với các chuyên gia nước ngoài, Đặng Tiểu Bình đưa ra hai ý: Thứ nhất, mỗi quốc gia có một con đường phát triển riêng mà quốc gia đó phải tự tìm tòi và thực hành phù hợp với điều kiện cụ thể của mình và Thứ hai, Hiện đại hóa kiểu Trung Quốc là con đường mới dẫn đến hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa do nhân dân Trung Quốc đi tiên phong dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Những “Đặc điểm Trung Quốc” của Chủ nghĩa xã hội được định nghĩa là kiên trì đi theo định hướng của Chủ nghĩa xã hội, đồng thời phù hợp với truyền thống lịch sử, quan điểm lịch sử, hiện thực và đặc trưng của Trung Quốc. Do đó, chủ trương của Mao Trạch Đông là ủng hộ cải cách trong khi tiếp tục nhiệm vụ tìm kiếm con đường duy nhất của Trung Quốc đi lên Chủ nghĩa xã hội.

Tập Cận Bình đã bổ sung các đặc điểm của khái niệm này trong báo cáo của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc là “Năm đặc điểm” (五个特征), cụ thể là: hiện đại hóa dân số khổng lồ, thịnh vượng chung cho tất cả mọi người, tiến bộ vật chất và văn hóa – dân tộc, hài hòa giữa con người với thiên nhiên và phát triển hòa bình; và “Chín yêu cầu cơ bản” (九个本质要求) tức là: “giữ vững sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, theo đuổi phát triển chất lượng cao, phát triển dân chủ nhân dân toàn diện, làm phong phú đời sống văn hóa của nhân dân, đạt được sự thịnh vượng chung cho tất cả, thúc đẩy sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên, xây dựng cộng đồng chung vận mệnh, và tạo ra một hình thức tiến bộ mới của con người”. Sau Đại hội Đảng lần thứ XX, hiện đại hóa kiểu Trung Quốc đã được nhấn mạnh là cầu nối để đạt được sự trẻ hóa quốc gia. Xóa đói giảm nghèo có mục tiêu (精准扶贫) và phát triển hướng tới con người (以人民为中心) của Trung Quốc được đặc biệt nhấn mạnh như những thành tựu đáng chú ý của nước này..

Khái niệm này được thiết lập để trở nên quan trọng hơn đối với Trung Quốc do nó được xác định là một trong nhiều khuyến nghị trong Báo cáo Công tác Chính phủ năm 2023 của Thủ tướng Lý Khắc Cường, cũng là báo cáo cuối cùng của ông với tư cách là chính khách. Trong khi xóa đói giảm nghèo cùng với việc nâng cao mức sống, thúc đẩy thị trường và đảm bảo tăng trưởng kinh tế được hoan nghênh là những thành tựu lớn; giải quyết việc làm, nhà ở, phát triển xanh, tăng trưởng công nghiệp và nông nghiệp, mở rộng nhu cầu trong nước và thu hút đầu tư nước ngoài được đặc biệt quan tâm. Đảng, Nhà nước Trung Quốc dường như cũng áp dụng một cách tiếp cận thận trọng hơn khi Thủ tướng Lý Khắc Cường nhấn mạnh rằng, Trung Quốc sẽ không tham gia vào “tưới tiêu lũ lụt” hoặc mở rộng cung tiền. Cách tiếp cận như vậy được phản ánh rõ hơn trong mục tiêu tăng trưởng GDP khiêm tốn khoảng 5%, mức thấp nhất của Bắc Kinh trong nhiều thập kỷ.

Triển vọng thay thế cho mô hình phát triển của phương Tây?

Hiện đại hóa kiểu Trung Quốc đang được tích cực thúc đẩy như một giải pháp thay thế cho các mô hình phát triển phổ biến của phương Tây. Gắn liền với Giấc mộng Trung Hoa, Báo cáo Đại hội Đảng lần thứ XIX trình bày khái niệm này như một mô hình cho các nước đang phát triển noi theo. Thông qua “trí tuệ Trung Quốc” (中国智慧) và “giải pháp Trung Quốc” (中国方案) để đạt được “phát triển thần tốc” (加快发展) trong khi “duy trì độc lập” (保持自身独立性), hiện đại hóa kiểu Trung Quốc hứa hẹn mang lại cho các nước đang phát triển với “một sự lựa chọn hoàn toàn mới để giải quyết các vấn đề của nhân loại” (全新选择,为解决人类问题), mà Trung Quốc cho rằng, mô hình phương Tây đã làm trầm trọng thêm chứ chưa nói đến việc giải quyết. Tập Cận Bình định nghĩa ý tưởng là đại diện cho hòa bình (和平), phát triển (发展), hợp tác (合作) và kịch bản đôi bên cùng có lợi (共赢). Sự phát triển của Trung Quốc, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp thời đại mới, hiện đại hóa nông nghiệp và đô thị hóa, được quảng bá như một “chuyến đi miễn phí” (顺风车) để các quốc gia khác đi nhờ. Chủ nghĩa cải cách của các nước tư bản bị chỉ trích là dẫn đến bất bình đẳng kinh tế xã hội, trong đó Trung Quốc được coi là một mô hình thay thế. Mặc dù Trung Quốc chấp nhận rằng, kinh nghiệm của các quốc gia khác khác với Bắc Kinh, nhưng nhấn mạnh, sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác với thực tế cụ thể của mỗi quốc gia (马克思主义与本国具体实际相结合) là một giải pháp thay thế đáng để thử nghiệm.

Hiện đại hóa kiểu Trung Quốc liệu có thành công?

Khái niệm này chắc chắn thể hiện một hình ảnh tự tin hơn khi giới lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố “Đảng Cộng sản Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc đã cung cấp cho nhân loại hiểu biết sâu sắc hơn về Trung Quốc, đầu vào tốt hơn của Trung Quốc và sức mạnh lớn hơn của Trung Quốc để giúp giải quyết những thách thức chung, đã tạo ra những thay đổi mới và đóng góp to lớn hơn nữa vào sự nghiệp cao cả vì hoà bình và phát triển của nhân loại.”

Tuy nhiên, “khoảng cách hiểu biết” vẫn tiếp tục tồn tại giữa Trung Quốc và phần còn lại của thế giới. Những nghi ngờ về sự trỗi dậy của Trung Quốc trong cộng đồng quốc tế được hiểu là xuất phát từ việc Trung Quốc là quốc gia duy nhất “vượt qua” tất cả các quốc gia khác về “bốn phương diện” là “lịch sử và văn hóa” (lịch sử lâu đời), “lãnh thổ” (lãnh thổ siêu rộng lớn), “dân số” (quy mô dân số siêu lớn) và “tiềm năng thị trường” (tiềm năng thị trường khổng lồ). Những nghi ngờ đó được xác định là xuất phát từ tư tưởng “mạnh ăn yếu” và “Zero sum game” (trò chơi tổng bằng không).

Giáo sư BR Deepak lưu ý, mặc dù hiện đại hóa theo kiểu Trung Quốc có thể không thu hút được nhiều ở phương Tây nhưng khái niệm này được các nước đang phát triển và kém phát triển chấp nhận, nhiều nước trong số đó coi Trung Quốc là một mô hình phát triển thành công.

Những thách thức đối với quá trình triển khai Hiện đại hóa kiểu Trung Quốc hiện cũng đang xuất hiện ở trong nước và mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn 5% được đưa ra trong kỳ họp Lưỡng Hội có thể được coi là sự phản ánh triển vọng không mấy lạc quan mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đang phải đối mặt do hậu quả từ sự bùng phát trở lại của COVID, sự sụt giảm nặng nề của thị trường bất động sản và xung đột thương mại với Mỹ tiếp diễn. Ngoài ra, để đảm bảo sự thành công của quá trình hiện đại hóa kiểu Trung Quốc không chỉ đòi hỏi phải thu hút sự hợp tác quốc tế mà còn phải giải quyết các vấn đề như hoàn cảnh khó khăn của lao động nhập cư vốn ít được chú ý tại nước này.

——————

Chú thích:

[1] Bốn hiện đại hóa là những mục tiêu mà Trung Quốc theo đuổi trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, quốc phòng và khoa học công nghệ nhằm biến Trung Quốc trở thành một cường quốc hiện đại. Bốn hiện đại hóa lần đầu tiên được Thủ tướng Chu Ân Lai đề cập tại Hội nghị công tác khoa học kĩ thuật tổ chức ở Thượng Hải vào tháng 1/1963. Sau đó, tại kì họp của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (tức Quốc hội Trung Quốc) khóa III vào tháng 12/1964, Thủ tướng Chu Ân Lai cũng đã đề nghị xây dựng một nước Trung Quốc xã hội chủ nghĩa có “nền nông nghiệp, công nghiệp, quốc phòng và khoa học công nghệ tiên tiến” trong tương lai gần.

Theo NGHIÊN CỨU CHIẾN LƯỢC

Tags: ,