Henry Kissinger lý giải thất bại của Mỹ ở Afghanistan

“Chúng ta phải thừa nhận rằng, không có một động thái chiến lược mạnh mẽ nào trong tương lai gần có thể bù đắp được thất bại mà chúng ta tự gây ra này”.

Henry Kissinger lý giải thất bại của Mỹ ở Afghanistan

Tác giả: Henry Kissinger, cựu ngoại trưởng và cố vấn an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.

Nguồn: “Henry Kissinger on why America failed in Afghanistan”, The Economist, 25/08/2021.

Biên dịch: Trần Hùng.

Việc Taliban tiếp quản Afghanistan khiến người ta quan tâm trước mắt tới tình trạng của hàng chục nghìn người Mỹ, đồng minh và người Afghanistan bị mắc kẹt trên khắp đất nước này. Việc giải cứu họ nên là ưu tiên khẩn cấp của chúng ta. Tuy nhiên, mối quan tâm cơ bản hơn, là Mỹ đã đi đến việc rút quân như thế nào, trong một quyết định được đưa ra mà không đi kèm nhiều cảnh báo, hay có sự tham khảo ý kiến với các đồng minh, hoặc những người có liên quan trực tiếp nhất, trong 20 năm hy sinh đã qua. Và tại sao thách thức cơ bản ở Afghanistan lại được định hình và trình bày trước công chúng như là sự lựa chọn giữa kiểm soát hoàn toàn hay rút quân hoàn toàn khỏi Afghanistan.

Có một vấn đề cơ bản ảnh hưởng đến nỗ lực chống nổi dậy của chúng ta từ thời Việt Nam đến Iraq trong hơn một thế hệ. Khi Mỹ mạo hiểm mạng sống của binh sĩ, đánh cược uy tín của mình và lôi kéo các quốc gia khác can dự, thì Mỹ phải thực hiện điều đó trên cơ sở kết hợp các mục tiêu chiến lược và chính trị. Chiến lược, là làm rõ hoàn cảnh mà chúng ta chiến đấu; còn chính trị, là để xác định khuôn khổ quản trị nhằm duy trì kết quả, cả trong phạm vi quốc gia liên quan lẫn quốc tế.

Hoa Kỳ đã tự làm suy yếu các nỗ lực chống nổi dậy của mình vì không có khả năng xác định các mục tiêu có thể đạt được, và liên kết chúng một cách bền vững với tiến trình chính trị của Hoa Kỳ. Các mục tiêu quân sự quá tuyệt đối và không thể đạt được, còn các mục tiêu chính trị thì quá trừu tượng và ít khả thi. Việc không liên kết được chúng với nhau đã khiến Mỹ vướng vào các cuộc xung đột không có điểm kết thúc xác định, và khiến nội bộ chúng ta tự làm tan rã mục đích chung, trong một vũng lầy các tranh cãi trong nước.

Chúng ta tiến vào Afghanistan trong bối cảnh có sự ủng hộ rộng rãi của công chúng để đối phó với cuộc tấn công của al-Qaeda vào nước Mỹ, được phát động từ lãnh thổ Afghanistan do Taliban kiểm soát. Chiến dịch quân sự ban đầu đã giành thắng lợi, với hiệu quả áp đảo. Taliban về cơ bản chỉ còn tồn tại trong các sào huyệt ẩn náu ở Pakistan, từ đó họ tiến hành nổi dậy ở Afghanistan với sự hỗ trợ của một số giới chức Pakistan.

Nhưng khi Taliban tháo chạy khỏi đất nước cũng là lúc chúng ta đánh mất trọng tâm chiến lược. Chúng ta tự thuyết phục mình rằng, cuối cùng, việc tái lập các căn cứ khủng bố chỉ có thể được ngăn chặn bằng cách biến Afghanistan trở thành một quốc gia hiện đại, với các thể chế dân chủ và một chính phủ cai trị dựa theo hiến pháp. Một sứ mạng như vậy không thể có một lịch trình phù hợp với các tiến trình chính trị Mỹ. Vào năm 2010, trong một bài viết bình luận về một đợt tăng quân, tôi đã cảnh báo phản đối một quá trình kéo dài và gây khó chịu, đến mức khiến ngay cả những người Afghanistan không theo thánh chiến cũng phải chống lại toàn bộ nỗ lực [của chúng ta].

Đối với Afghanistan, họ chưa bao giờ là một quốc gia hiện đại. Địa vị quốc gia đi kèm một cảm giác về nghĩa vụ chung, và sự tập trung quyền lực. Đất Afghanistan, dù giàu tài tài nguyên, lại thiếu những yếu tố này. Việc xây dựng một nhà nước dân chủ hiện đại ở Afghanistan, trong đó các văn bản điều hành của chính phủ được áp dụng thống nhất trên toàn quốc, cần một khung thời gian kéo dài nhiều năm, thậm chí nhiều thập niên; điều đi ngược bản chất địa lý và tôn giáo của đất nước này. Chính sự yếu ớt, khó tiếp cận và thiếu một thẩm quyền trung ương của Afghanistan, đã khiến nó trở thành cứ địa hấp dẫn cho các mạng lưới khủng bố ngay từ đầu.

Mặc dù một thực thể Afghanistan riêng biệt đã tồn tại từ thế kỷ 18, các dân tộc cấu thành nó luôn quyết liệt chống lại sự tập trung hóa. Ở Afghanistan, việc tập trung hóa về mặt chính trị, và đặc biệt là quân sự, đã được tiến hành dọc theo các dòng tộc và thị tộc, trong một cấu trúc về cơ bản là mang tính phong kiến, nơi những kẻ môi giới quyền lực chủ chốt chính là những người tổ chức lực lượng quân sự của các thị tộc. Thường trong tình trạng xung đột tiềm tàng với nhau, các lãnh chúa này chỉ đoàn kết với nhau trong các liên minh rộng lớn chủ yếu khi một số lực lượng bên ngoài, chẳng hạn như quân đội Anh xâm lược năm 1839, hay các lực lượng vũ trang Liên Xô chiếm đóng Afghanistan năm 1979, tìm cách áp đặt sự tập trung hóa và thống nhất lên họ.

Cả cuộc rút lui thảm khốc của người Anh khỏi Kabul vào năm 1842, trong đó chỉ có một người châu Âu duy nhất thoát chết hoặc thoát cảnh giam cầm, và việc Liên Xô rút quân khỏi Afghanistan vào năm 1989, đều do sự huy động lực lượng tạm thời như vậy giữa các thị tộc. Lập luận đương thời rằng, người dân Afghanistan không sẵn sàng chiến đấu cho chính bản thân họ, không được lịch sử ủng hộ. Họ đã là những chiến binh hung dữ, chiến đấu cho thị tộc và quyền tự trị bộ lạc của họ.

Theo thời gian, cuộc chiến [của Mỹ] dần mang đặc điểm không giới hạn của các chiến dịch chống nổi dậy trước đây, trong đó sự ủng hộ của người Mỹ ở trong nước ngày càng suy yếu. Việc phá hủy các căn cứ của Taliban về cơ bản đã đạt được. Nhưng việc xây dựng quốc gia ở một đất nước bị chiến tranh tàn phá đã làm tiêu hao các lực lượng quân sự đáng kể. Taliban có thể bị kiềm chế nhưng không bị tiêu diệt. Và sự ra đời của các hình thức chính phủ xa lạ đã làm suy yếu cam kết chính trị, đồng thời làm gia tăng tham nhũng vốn đã tràn lan.

Afghanistan do đó lặp lại các mẫu hình gây tranh cãi trong nội bộ Mỹ trước đây. Những gì được coi là tiến bộ ở khía cạnh chống nổi dậy của cuộc tranh luận lại bị mặt chính trị coi là thảm họa. Hai nhóm có xu hướng làm tê liệt lẫn nhau trong các chính quyền liên tiếp của cả hai đảng. Một ví dụ là quyết định năm 2009, rằng Mỹ sẽ gia tăng quân số ở Afghanistan, đi kèm với thông báo rằng họ sẽ bắt đầu rút quân sau 18 tháng.

Điều đã bị bỏ quên là một phương án thay thế, có thể định hình được, trong đó kết hợp các mục tiêu có thể đạt được. Hoạt động chống nổi dậy có thể được giảm xuống mức độ ngăn chặn, thay vì tiêu diệt hoàn toàn lực lượng Taliban. Và tiến trình chính trị – ngoại giao có thể khám phá một trong những khía cạnh đặc biệt của thực tế ở Afghanistan: các nước láng giềng của nước này — ngay cả khi họ đối đầu nhau và đôi khi với chúng ta — đều cảm thấy bị đe dọa sâu sắc bởi tiềm năng nuôi dưỡng khủng bố của Afghanistan.

Liệu có thể phối hợp được một số nỗ lực chống nổi dậy thông thường không? Chắc chắn, Ấn Độ, Trung Quốc, Nga và Pakistan thường có những lợi ích mâu thuẫn nhau. Một chính sách ngoại giao sáng tạo có thể đã chắt lọc ra được các biện pháp chung để khắc chế chủ nghĩa khủng bố tại Afghanistan. Chiến lược này chính là cách nước Anh bảo vệ các cung đường đất liền tiếp cận Ấn Độ, trên khắp Trung Đông trong một thế kỷ, không cần các căn cứ cố định nhưng luôn sẵn sàng bảo vệ lợi ích của mình, kết hợp với những lực lượng tạm thời ủng hộ Anh trong khu vực.

Nhưng biện pháp thay thế này chưa bao giờ được khám phá. Sau khi vận động tranh cử trên cương lĩnh chống chiến tranh, Tổng thống Donald Trump và Joe Biden đã tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình với Taliban, lực lượng mà 20 năm trước, chúng ta từng cam kết tiêu diệt và kêu gọi các đồng minh giúp đỡ. Những điều này hiện đã dẫn tới việc chính quyền Biden rút quân gần như vô điều kiện khỏi Afghanistan.

Việc mô tả diễn biến không giấu đi được sự nhẫn tâm, và hơn hết là sự đột ngột, của quyết định rút quân. Mỹ không thể tránh được việc phải trở thành một phần quan trọng của trật tự quốc tế, bởi năng lực và giá trị lịch sử của nó. Mỹ không thể tránh được sứ mạng đó chỉ bằng cách rút lui. Làm thế nào để chống lại, hạn chế và vượt qua chủ nghĩa khủng bố, vốn được tăng cường và hỗ trợ bởi các quốc gia có các công nghệ ngày càng tinh vi, vẫn sẽ là một thách thức toàn cầu. Nó phải được chống lại bằng các lợi ích quốc gia chiến lược, cùng bất kỳ cấu trúc quốc tế nào mà chúng ta có thể tạo ra thông qua một tiến trình ngoại giao tương xứng.

Chúng ta phải thừa nhận rằng, không có một động thái chiến lược mạnh mẽ nào trong tương lai gần có thể bù đắp được thất bại mà chúng ta tự gây ra này, chẳng hạn như bằng cách đưa ra các cam kết chính thức mới ở các khu vực khác. Sự nóng vội của Mỹ sẽ khiến các đồng minh thất vọng, khuyến khích các đối thủ, và gây ra sự bối rối cho giới quan sát.

Chính quyền Biden vẫn đang trong thời kỳ đầu. Họ sẽ có cơ hội phát triển và duy trì một chiến lược toàn diện, phù hợp với các đòi hỏi trong nước và quốc tế. Các nền dân chủ tiến hóa thông qua xung đột giữa các phe phái. Và chúng đạt được sự vĩ đại nhờ sự hòa giải giữa các phe phái đó.

Theo NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ 

Tags: , , ,