Hãy lắng nghe Mẹ Trái đất đang oằn mình rên xiết

Bạn có bao giờ ngắm nhìn thế giới bên ngoài qua ô cửa sổ và giật mình tự hỏi, đằng sau những nhà toà nhà chọc trời, những nhà máy hoạt động hết công suất, những cánh rừng tưởng như yên bình và những dòng sông xanh màu xanh giả tạo, sự thật là điều gì đang xảy ra? Là con người đang tàn phá môi trường, là “Mẹ Trái đất” đứng chênh vênh trên bờ vực sự sống.

Hãy nghe Mẹ Trái đất đang oằn mình rên xiết

Tôi đã từng mơ mộng
Tôi đã từng ngắm nhìn những vì sao
Bây giờ tôi chẳng còn biết chúng ta đang ở đâu nữa…

Ca khúc: Earth Song – Thể hiện: Michael Jackson

Những ca từ trong Earth Song của Michael Jackson chắc hẳn hơn một lần khiến bạn day dứt, hơn một lần khiến bạn phải nghĩ về cuộc sống xung quanh chúng ta, và hơn một lần nghĩ về sự hiện diện của một sinh thể lớn lao: trái đất của chúng ta.

Cần bao nhiêu lời kêu gọi, cần bao nhiêu bản báo cáo hay những con số thống kê tàn nhẫn, lạnh lùng về một “trái đất đang than khóc”, “những bờ biển đang nhỏ lệ”“những thiên đường đang sụp đổ”?

Có lẽ, chỉ cần một lần bạn lắng nghe những khúc ca như Earth Song, It’s The End of The World (R.E.M) hay Don’t Go Near The Water (The Beach Boys) và rất nhiều khúc ca khác nữa, bạn sẽ cảm nhận được nhiều điều hơn là những lời tuyên truyền, cảnh báo khô cứng và sáo rỗng.

Vẫn chỉ là những câu chuyện nhỏ bé bình thường, những suy ngẫm, liên tưởng chẳng hề xa xôi, những xúc cảm giản dị không che giấu- người nghệ sĩ có nhiều cách để gửi đi thông điệp của họ- đôi khi không lớn lao như chúng ta kỳ vọng và mong đợi, nhưng ý nghĩa của những bức thông điệp ấy, chắc chắn không thể không khiến chúng ta phải rung động…

Tôi chợt nhớ đến một bài viết có tên Tản mạn về những “cái chết” không nhìn thấy, trong đó tác giả liên hệ với câu chuyện một người bạn “thường mang những cơn mộng mị u buồn trong giấc ngủ. Anh thường mơ thấy những hồ nước xanh như ngọc bay lơ lửng trên bầu trời thành phố đêm. Anh gọi đó là linh hồn những hồ nước đã bị bức tử.”

Những cơn mộng mị u buồn như thế bạn cũng có thể bắt gặp trong Only A Dream của Adrian Belew.

Một bài hát không quen và một tác giả xa lạ, nhưng những điều Belew viết có lẽ không hề lạ lẫm: “Người phụ nữ kêu gào trong ngày gió/ Những đứa trẻ chơi đùa trong cơn mưa a-xít/ Mặt nước màu xanh rêu và bầu trời màu nâu/ Ô tô và những toà nhà-tất cả sụp đổ/ Điều gì trong thế giới đang xảy ra ở đây? Có ai đó giải thích cho tôi/Tôi chẳng hiểu gì hết/Có lẽ đó chỉ là một giấc mơ.”

“Những con sơn dương trong rừng hay đại bàng trên bầu trời/ Nhìn thấy con người đều bỏ trốn/ Những con chim trên bờ biển không còn bay nữa/ Chúng bị ngập trong dầu và hấp hối…/ Không khí chúng ta thở, thức ăn chúng ta ăn /Đất mẹ tội nghiệp đã bị đầu độc trong giấc ngủ…/ Có lẽ đó chỉ là một giấc mơ/ Chỉ là một giấc mơ tồi tệ/ Một giấc mơ tồi tệ…”

Belew đã quá lo sợ? Belew đang chìm trong những cơn huyễn tưởng? Hay đó là sự thật- một sự thật đáng sợ như cơn ác mộng không bao giờ muốn gặp. Để rồi lại chỉ tự an ủi rằng: Có lẽ đó chỉ là một giấc mơ/ Chỉ là một giấc mơ tồi tệ/ Một giấc mơ tồi tệ…

Ca khúc: Earth Anthem. Thể hiện: Stephen Longfellow Fiske

Những giấc mơ như thế còn ám ảnh trong Conviction of The Heart (Kenny Loggins), trong I Need To Wake Up (Melissa Etheridge) và trong Dreamer của rocker nổi tiếng Ozzy Osbourne.

Bạn có bao giờ ngắm nhìn thế giới bên ngoài qua ô cửa sổ và giật mình tự hỏi, đằng sau những nhà toà nhà chọc trời, những nhà máy hoạt động hết công suất, những cánh rừng tưởng như yên bình và những dòng sông xanh màu xanh giả tạo, sự thật là điều gì đang xảy ra? Là con người đang tàn phá môi trường, là “Mẹ Trái đất” đứng chênh vênh trên bờ vực sự sống.

Chúng ta im lặng. Chúng ta đứng nhìn. Hay chúng ta chỉ biết “mơ mộng” về một thế giới tốt đẹp hơn và những ngày mới tươi sáng hơn? “Mơ mộng” để tìm ra cách bảo vệ cho cuộc sống của chính mình và hành tinh rộng lớn?

Hãy biến những mơ mộng đó thành hành động, để chẳng bao giờ còn phải tự an ủi rằng, “I’m just a dreamer, who dreams of better days…”

Một năm, có một giờ cả thế giới sống chung trong “bóng tối tự nhiên”, cùng chia sẻ khoảnh khắc đặc biệt và khác biệt- để thể hiện một sự đoàn kết: yêu thương trái đất của chúng ta, yêu thương hành tinh của chúng ta, bằng một cách giản dị và gần gũi. Đó là Giờ Trái đất – rơi vào một thời điểm nhất định (theo giờ địa phương) ngày thứ Bảy cuối cùng của tháng Ba.

Một năm, cũng có một ngày để loài người hiểu và chăm sóc tốt hơn ngôi nhà chung trái đất: Ngày Trái đất (Earth Day) vào 22/4 hằng năm.

Tất nhiên, không chỉ một giờ nhất định, một ngày nhất định chúng ta mới quan tâm đến môi trường và trái đất mà đó là điều chúng ta nên làm mỗi ngày vì cuộc sống của chính chúng ta. Thông điệp này được thể hiện rất giản dị trong Earth Anthem (Stephen Longfellow Fiske)- cũng là một Bài ca trái đất nhưng mang đậm phong cách cổ điển với hơi hướng thánh ca.

Trong khúc ca này, người ta không “nhìn” thấy những cảnh tượng tang thương khi thiên nhiên bị tàn phá, các con thú bị giết hại, những giọt nước mắt hay những câu hỏi đầy sức nặng xoáy vào trái tim mỗi người như khi nghe Earth Song, mà thay vào đó là niềm tin, là hy vọng, là ước ao về một thế giới không có chiến tranh, nơi trẻ em vô tư nô đùa, nơi con người nắm chặt tay đoàn kết.

Đó là cuộc sống nơi những dòng sông sạch trong chảy qua những cánh rừng xanh thẳm; nơi những thành phố mọc lên giữa bầu trời trong vắt của tự do và hoà bình; nơi những trái tim ngân nga khúc hát về tình yêu và hạnh phúc…

Ngọt ngào, dịu êm như lời thủ thỉ, Earth Anthem khiến người nghe thanh thản, nhẹ nhõm như bay trong một xứ sở diệu kỳ. Đâu cứ phải làm những điều gì thật lớn lao vĩ đại, đâu cần những “phải” hay “nên” mà bài ca cứ làm ta ngẫm nghĩ. Hành tinh của sự sống được che chở bởi hoà bình, điều giản dị ấy sẽ không là giấc mơ…

Giấc mơ sẽ mãi mãi là giấc mơ, nếu chúng ta không thức dậy. Lời nhắn nhủ ấy bạn sẽ đồng cảm khi đắm chìm trong những giai điệu của I Need to Wake Up, ca khúc trong bộ phim tài liệu về hiện tượng ấm lên của trái đất lên The Inconvenient Truth.

Thức dậy. Thay đổi. Ngay lúc này…

Theo ĐÔNG NHI / VIETNAMNET

Tags: , , ,