Hải chiến Trường Sa 1988: Xả thân bảo vệ đảo Cô Lin

Trung tá – thuyền trưởng tàu HQ-505 Vũ Huy Lễ được phong anh hùng nhờ một quyết định táo bạo và mưu trí trong trận hải chiến 14-3-1988: Lao cả con tàu lên đảo Cô Lin, nhờ đó giữ vững hòn đảo này cũng như chủ quyền của ta.

Trung tá Phạm Văn Hưng – người vào ngày 14/3/1988 là thiếu úy, ngành trưởng hỏa lực trên tàu HQ-505 – xúc động nhớ lại thời khắc sinh tử khi trung tá – thuyền trưởng Vũ Huy Lễ táo bạo lao cả con tàu dài gần 100 m, rộng 38 m lên đảo chìm Cô Lin. “HQ-505 là tàu vận tải đổ bộ, chỉ trang bị vũ khí đơn giản. Thế nhưng, chúng tôi đã xả thân chiến đấu, quyết không để đảo của ta bị Trung Quốc (TQ) chiếm giữ” – ông quả quyết.

Pháo đài Cô Lin

Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ giờ đã về hưu với quân hàm đại tá, vui thú điền viên ở quận Hải An – TP Hải Phòng. Nhắc đến trận hải chiến 25 năm trước, ông bồi hồi: “Đảo Cô Lin cách Gạc Ma chừng 4 hải lý. Sau khi tàu HQ-604 của thuyền trưởng Vũ Phi Trừ bị lính TQ tấn công, tàu chúng tôi cũng bị chúng nã đạn dữ dội. Nhờ HQ-505 không bị chìm ngay nên chúng tôi có đủ thời gian để quyết định lao cả con tàu lên đảo, giữ vững chủ quyền của ta”.

Đại tá Lễ cho biết hôm đó, tàu HQ-505 bị tàu của hải quân (HQ) TQ bắn hỏng máy trôi ra xa đảo Cô Lin gần 1 hải lý. “Tôi nghĩ nếu không nhanh chóng trở lại Cô Lin thì tàu sẽ chìm, toàn bộ anh em sẽ hy sinh mà đảo cũng có thể rơi vào tay địch. Tôi lập tức yêu cầu anh em kỹ thuật tập trung sửa máy tàu. Khi sửa xong, tôi yêu cầu chạy cả 2 máy, một tiến, một lùi để mũi tàu hướng về đảo. Gần đến Cô Lin, HQ-505 mở hết tốc lực phi lên đảo. Khi một phần thân tàu đã nằm trên bãi san hô, tôi tin chắc HQ-505 không thể chìm được” – ông kể.

Thấy tàu HQ-505 đã lên đảo, lính TQ không nổ súng nữa. Thuyền trưởng Lễ cùng các chiến sĩ vừa lao vào chữa cháy cho tàu vừa tổ chức đưa một xuồng máy sang đảo Gạc Ma để ứng cứu anh em trên tàu HQ-604 đang bị chìm. “Từ tàu HQ-505, chúng tôi nhìn thấy rất rõ tình hình bên Gạc Ma. Dù tàu HQ-505 cũng đang trong tình thế hiểm nghèo nhưng thuyền trưởng Lễ vẫn quyết định đưa xuồng sang cứu anh em bên Gạc Ma” – trung tá Phạm Văn Hưng cho biết.

Hứng chịu trận bão đạn của HQ TQ, 5 chiến sĩ trên tàu HQ-505 bị thương. Xác định nhiệm vụ bảo vệ đảo Cô Lin là ưu tiên số 1, thuyền trưởng Lễ tiếp tục tổ chức anh em vào vị trí chiến đấu. Lúc đó, nhiều bộ phận của tàu HQ-505 vẫn tiếp tục bốc cháy. Trưa 14/3/1988, khi tàu HQ-931 và HQ-671 đến tiếp ứng, tàu HQ-505 được chữa cháy và trụ vững trên đảo Cô Lin, trở thành pháo đài sừng sững giữa vùng biển Trường Sa.

Quyết định của cả đời binh nghiệp

Nhớ lại quyết định lao tàu HQ-505 lên đảo, đại tá Vũ Huy Lễ giải thích: “Khi đó, toàn bộ hệ thống thông tin liên lạc trên tàu đã bị hỏng nặng nên tôi không thể báo cáo tình hình với cấp trên. Quyết định lao tàu lên đảo được đưa ra trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc. Sau khi bàn bạc với chính trị viên, thủy thủ trưởng và ngành trưởng hỏa lực, tôi đã đưa ra một quyết định trọng đại nhất trong đời binh nghiệp của mình”.

Sau hành động quyết đoán ấy, tàu HQ-505 và thuyền trưởng Vũ Huy Lễ được Sở Chỉ huy tiền phương Chiến dịch CQ88 tuyên dương. Dù có thể rút về đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa để nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe nhưng ông vẫn không nỡ rời xa Cô Lin. “Rất nhiều người đã ngã xuống mới giữ được đảo. Lúc này, chưa ai biết đảo có còn bị TQ tấn công nữa hay không. Vì thế, tôi vẫn xin tiếp tục được ở lại cùng 9 chiến sĩ nữa, trên chính con tàu HQ-505” – ông cho biết.

Sau trận hải chiến 14-3-1988, hầu như ngày nào TQ cũng cho tàu chiến ra khiêu khích. “Có ngày, chúng quấy nhiễu tới 3-4 lần và dùng loa réo cả tên tôi: “Vũ Huy Lễ, hãy đầu hàng!”. Thế nhưng, điều đó càng thôi thúc chúng tôi quyết tâm bám trụ. Tình cảnh khi đó rất khó khăn, máy bay trực thăng của ta phải ra tiếp tế từng cái khăn mặt, từng bánh xà phòng nhưng anh em luôn vững vàng” – ông tự hào.

Trung tá Vũ Huy Lễ ở lại tàu HQ-505 đến tháng 6-1988, khi các hành động khiêu khích của HQ TQ đã giảm và chủ quyền trên đảo Cô Lin được giữ vững. Người tiếp nhận nhiệm vụ bảo vệ Cô Lin sau đó là thiếu úy Phạm Văn Hưng. Ba tháng gắn bó với Cô Lin là quãng thời gian không thể nào quên với chàng sĩ quan HQ mới 24 tuổi. “Tôi được anh em trong Quân chủng HQ gán cho biệt danh “Hưng Cô Lin”. Tàu TQ vẫn đến quấy nhiễu. Chúng đưa thuyền vào sát đảo, quăng dây lên “pháo đài” HQ-505 và dọa sẽ kéo tàu ra biển. Cuộc đối đầu lúc này thật sự là cuộc đấu trí, thử thách sự bền gan của nhau” – thiếu úy Hưng nhìn nhận.

Tàn sát dã man

Ông Phan Văn Hồng, nguyên chiến sĩ công binh Vùng 4 HQ, người chứng kiến trận chiến ở Gạc Ma qua ống nhòm tại đảo Sinh Tồn cách đó vài hải lý, nghẹn ngào: “Khi tàu HQ-604 bị bắn chìm, một số anh em thoát được trôi dạt trên biển. Lính TQ dùng câu liêm móc, kéo nhưng anh em tìm cách né và bơi ra xa. Khi đó, chúng vừa dùng súng bắn anh em dưới nước vừa cười nói… Chiều hôm đó, chúng tôi đưa thuyền sang vớt anh em. Hình ảnh những chiến sĩ của ta thân thể nát bươm, máu loang đỏ biển đã in sâu vào tâm trí chúng tôi”.

Đại tá Nguyễn Văn Dân – nguyên phó tham mưu trưởng Vùng 4 HQ, người trực tiếp chỉ huy Cụm 2 Trường Sa, trong đó có các đảo Len Đao, Gạc Ma, Cô Lin – cho biết khi xảy ra chiến sự, ông đang trên tàu HQ-614 từ đảo Đá Đông chạy đến Gạc Ma. Khi tàu HQ-614 đến nơi, trận hải chiến đã kết thúc. “Chúng tôi quay ra tìm kiếm anh em của ta nhưng tàu chiến TQ liên tục ngăn cản. Lính TQ quá dã man! Họ dùng súng 37 ly – vốn chỉ dùng cho phòng không – hạ nòng xả vào chiến sĩ của ta đang trôi dạt trên biển không hề bắn trả. Họ còn nổ súng cản trở tàu ta làm nhiệm vụ cứu thương dù chúng tôi đã treo cờ chữ thập đỏ hoặc chĩa nòng pháo sang đe dọa” – đại tá Dân rưng rưng.
.

Theo NGƯỜI LAO ĐỘNG

Tags: , , ,