Góc nhìn của một người nước ngoài về văn hóa ứng xử với rác thải của người Việt

Rõ ràng thái độ xuề xòa “thông cảm đi”, “kệ đi mà” hay “biện minh” là lý do khiến Sài Gòn trở thành thành phố bẩn nhất mà tôi từng đến.

Góc nhìn của một người nước ngoài về văn hóa ứng xử với rác thải của người Việt

Tác giả: Jesse Peterson. Nguyên tác tiếng Việt.

Cuối đường nơi nhà tôi ở trước đây, tại quận 7, TP HCM có một công viên nhỏ. Nó bị nhiều tài xế dùng như là nhà vệ sinh.

Những tài xế taxi, xe ôm, người đi đường là nam giới dừng lại đây, tiểu tiện rất bừa bãi. Không hiểu họ đã đi tiểu bao nhiêu lần mà có thể làm nó bốc mùi đến vậy. Một người đến tiểu, người kia thấy thế cũng làm theo, ngày càng nhiều người làm theo nữa. Và điều này rất có hại cho mọi người vô tội khác. Mỗi lần tôi đi qua đây đều cảm thấy buồn nôn.

Với tần suất lớn, tiểu tiện công cộng làm xói mòn các tòa nhà và cột đèn. Nó là mối nguy hại lớn cho sức khoẻ. Vi khuẩn có thể nhân lên và phát triển mạnh mẽ từ đó. Tệ hơn, trẻ em chơi đùa có thể chạm đất bằng tay hoặc đi chân trần, lây nhiễm cho chúng. Hàm lượng urê trong nước tiểu thu hút ruồi và gián. Những con côn trùng này lại là vật chủ mang vi khuẩn, bao gồm cả những vi khuẩn tìm thấy trong nước tiểu, dễ dàng xâm nhập vào thức ăn và nước uống. Thử nghĩ xem, những con đường nhiều cây xanh rất đẹp, kể cả những con đường của khu đô thị Phú Mỹ Hưng – được thiết kế bởi các kiến trúc sư và kỹ sư chuyên nghiệp, có thể bị sụp đổ bởi nước tiểu.

Tôi không muốn điều này xảy ra nữa. Tôi vẫn hy vọng có thể giải quyết vấn đề mặc dù trong thâm tâm, tôi hiểu rằng Việt Nam có quá nhiều vấn đề về môi trường sống cần giải quyết khác.

Một ngày, chủ nhà tôi thuê tại khu phố đường Hoàng Quốc Việt, quận 7 bán nhà, tôi phải chuyển đi trong tiếc nuối. Tôi bốc hết đồ đạc lên chiếc xe tải, gồm hai con mèo, nhiều cây xanh, một đàn cá… Chiếc xe đưa chúng tôi đến một con hẻm nhỏ trên đường Lê Văn Lương, huyện Nhà Bè.

Sáng ngày đầu tiên thức dậy đi bộ ra đường, thứ đầu tiên tôi gặp là rác, thậm chí cuối đường có một khu đất chỉ để chất rác thành đống. Sát nhà tôi là một cái kho của công ty nào đó. Họ xả rác quá nhiều.

Tôi tự nguyện dọn rác giúp nhà bên kho bên cạnh, một lần, hai lần. Đến lần thứ 3, tôi quyết định đợi một số người từ công ty đó đến làm việc, hỏi vị quản lý rằng ông có thể nói với nhân viên hãy dọn dẹp rác sau khi xong việc được không. Ông đồng ý.

Vậy mà khi ông đã rời đi, rất nhiều rác vẫn ở trên đường. Ông đã quên. Tôi nhắc họ thêm một lần khác, với hy vọng họ để tâm hơn.

Tôi cố gắng từ từ tiếp xúc với các hàng xóm, mong muốn kết bạn rồi cùng nhau giải quyết vấn đề rác và an ninh trong hẻm. Tôi cũng tặng sách tôi viết cho nhiều người gần nhà.

Ngày nọ, một cô gái đến gõ cửa nhà tôi, yêu cầu tôi ra nói chuyện. Tôi thấy cô rất bực mình:

“Tôi sống ở căn nhà kia”, cô chỉ tay về phía căn nhà đối diện khu bãi rác cuối hẻm, “mớ rác này của tôi thì chiều tôi dọn, còn ông, tại sao bỏ bịch rác của ông sang nhà của tôi?”

Đúng là khi dọn dẹp rác ở phía trước nhà kho, tôi đã để túi rác ngoài cửa, giữa hai nhà.

Thế rồi chồng cô cũng đến, ông cũng bực mình lắm. “Tôi thấy hai người có vẻ đang tức giận, chuyện gì vậy?”, tôi hỏi.

“Còn không bực, mắc gì để túi rác phía trước nhà tôi?”, người chồng nói.

“Xin lỗi, tôi sẽ không làm như thế nữa”.

Anh ta nói tiếp: “Mà tại sao ông phải quan tâm rác nhà tôi như thế? Đây không phải là nhà của ông”. “Bởi vì tôi muốn cộng đồng mình sạch sẽ, đẹp, môi trường tốt”, tôi trả lời rất bình thản. “Ủa vậy nếu tôi bảo ông hôi, tôi nói ông đi tắm ngay bây giờ, ông chịu đi không?”

Nghe xong câu hỏi ngớ ngẩn này, tôi bị ngạc nhiên. Họ chỉ muốn thắng tranh luận và né tránh trách nhiệm thì phải, trong khi tôi dọn rác trước nhà kho của họ.

“Okay thôi”, tôi nói, hy vọng họ có thể trở về hành tinh của họ.

Mặt anh chồng đỏ lên như quả cà chua. Bỗng, cô hàng xóm lớn tuổi bước tới, cầm trên tay chiếc điện thoại bị nứt màn hình gí vào mặt tôi: “Cháu ơi, cháu có thể giúp cô sửa cái điện thoại này được không?”. Cuộc cãi vã bị gián đoạn, hai vợ chồng kia bỏ về. Đợi họ đi khuất, cô bảo: “Điện thoại này thật ra hư từ lâu rồi”. Tôi hiểu ra ngay, thì ra cô chỉ muốn giúp tôi. Cô chậm rãi nói, rằng mọi người ở đây rất quý cháu từ khi thấy cháu dọn dẹp rác ngoài đường, “còn những người không có ý thức, cháu cứ kệ họ đi”.

Tôi vui vì được cô hiểu và giúp đỡ, nhưng lại thấy buồn vì thái độ bất lực, chấp nhận rằng mình không thể làm gì khác ngoài chấp nhận. Tôi cũng thấy nhiều người Việt Nam giữ thái độ này, hoặc là mặc kệ, kiểu như nếu không phải là rác của mình, thì không việc gì tôi phải nhặt, để người khác lo.

Người nước ngoài đến Việt Nam đều kinh ngạc về rác. Các bạn có thể thấy rất nhiều những sự kiện, chương trình của người phương Tây nhằm cải thiện ý thức về rác ở đây, nhưng hiệu quả vẫn rất thấp. Mọi người xem tin tức đó xong, tiện tay vẫn vứt rác ra đường, tiếp tục chu kỳ xấu.

Nhưng giờ, nhiều chung cư liên tiếp được xây dựng, dân cư ngày một đông lên. Và rác sẽ là một vấn đề lớn. Tôi thấy nó rất dễ giải quyết, tôi rất hay nhặt rác cho dù nó không phải của mình, đường mình. Tôi thấy nhiều người bỏ rác bừa bãi, hay mặc kệ vì “đây không phải là rác của tôi”, nhưng cứ với thái độ này, thì sắp tới cả Sài Gòn sẽ chết đuối trong rác. Trong cộng đồng mình, tôi đi bộ thấy rác ở đâu tôi sẽ nhặt nó, mong người ta sẽ thấy đường sạch hơn mà ngại xả rác. Bởi nếu không, người dân ở những khu dân trí thấp gần nhà tôi không thay đổi thói quen xả rác bừa bãi, tương lai rác sẽ ngập lên đến đầu mình chứ chẳng chơi.

Rõ ràng thái độ xuề xòa “thông cảm đi”, “kệ đi mà” hay “biện minh” là lý do khiến Sài Gòn trở thành thành phố bẩn nhất mà tôi từng đến. Suốt nhiều năm, vẫn có người nói với tôi “thông cảm đi vì người Việt Nam chưa có ý thức về rác”. Tôi mà cứ thông cảm mãi và im lặng thì tương lai sẽ thế nào? Mong mọi người hiểu ra vấn đề thì giải quyết nó, không thể cứ ngồi ở quán cà phê và phẩy tay “thôi, khó quá, cho qua” nữa. Theo tôi, chúng ta nên ngồi lại nói chuyện nghiêm túc với nhau về duy nhất vấn đề rác. Và thấy rác ở ngoài đường thì đừng làm ngơ, nhặt nó lên, và từ từ rồi rác sẽ hết.

Có những người hô vang khẩu hiệu “Save the planet!” (Cứu thế giới). Nhưng họ không nhận ra rằng, thực sự thế giới đâu có vấn đề. Chính chúng ta làm bẩn môi trường của mình đi, làm mẹ thiên nhiên tức giận. Thế giới sẽ vẫn ở đó, không cần cứu giúp đâu, hãy làm gì đó cứu chính mình, bởi chính mình.

Theo VNEXPRESS

Tags: ,