Ga Hàng Cỏ – một mảnh ký ức về Hà Nội xưa

Ga Hà Nội trước đây gọi là ga Hàng Cỏ. Người Hà Nội rất thích cái tên thân thuộc nôm na này.

Có lẽ đây là một tên do nhân dân gọi mà thành, chứ tên đích thực trong sổ sách của chủ tàu ở sở hỏa xa Đông Dương thời đấy, nó mang cái tên khác. Theo nhiều người lịch lãm ở Thủ đô, sở dĩ ga mang cái tên ấy vì mặt tiền sảnh của nó.

Đúng cái phố Hàng Cỏ của Hà Nội ba sáu phố phường xưa. Hàng Cỏ là tên một ngõ phố Trần Hưng Đạo bây giờ, ở chỗ số nhà 108 rẽ vào. Đây là nguyên đất thôn Tứ Mỹ, tổng Tiên Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ. Sang thời vua Lê chúa Trịnh, thôn này hợp nhất với thôn Cung Tiên thành thôn Tiên Mỹ. Tổng Tiên Nghiêm cũng đổi thành tổng Vĩnh Xương. Ở cái làng này, theo người già kể lại có một cái chợ cỏ. Những người cắt cỏ thường đem cỏ đến đây bán cho lính ngự vệ trong kinh thành Thăng Long đem về nuôi voi, nuôi ngựa do đó mà thành tên ga Hàng Cỏ.

Khu vực ga Hàng Cỏ thủa ấy kéo dài suốt cả phố Hàng Lọng, vốn cũng thuộc đất của tổng Vĩnh Xương. Hàng Lọng là đất đai của các làng hoa Cổ Ngư chợ Cửa Nam (Nam môn thị Hoa ngư), có thể là thôn này thường bán hoa, bán cá cho vùng cửa Nam của kinh thành và một phần đất đai của các làng Cung Thiên, Tứ Mỹ…

Vào khoảng cuối Lê đầu Nguyễn, khu này bỗng phát đạt lên, có nhiều nhà buôn về mua đất và mở cửa hàng làm tàn, lọng, một loại hàng quý tộc bán cho các quan lại và các đình đền, miếu mạo. Hàng này xem ra phát đạt trong buổi mua quan bán tước ấy nên chẳng mấy chốc làng đã hóa thành phố. Tây sang, lập tức mở đường cái quan và đến đầu thế kỷ 20 thì lập nhà ga. Ga và Sở hỏa xa là một công sở, xí nghiệp của Tây khá to ở thành phố và cũng là một trọng điểm an ninh trật tự mà các quan cai trị phải để mắt tới.

Thời Hà Nội bị tạm chiếm (1946 -1954), trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Hàng Lọng được thực dân cho đeo cái tên của viên thống chế thua đau ở chiến trường. Cả cha và con hắn thực tế đều bỏ xác ở chiến trường này, đó là tướng Đờ – lát Đơ Tát – xi – nhi (De Lattre de Tassigny) sau khi tướng này hận đời, chết năm 1951.

Ga Hàng Cỏ xây tường dài suốt phố. Giữa là Sở hỏa xa xây theo kiểu nhà Gotích, có nhô lên những mái tháp hình trụ trổ ra những cửa sổ sát mái, như kiểu các tháp chuông nhỏ của các nhà thờ. Hai tầng tháp trên tòa nhà này cân đối nhau, hài hòa với khu giữa của nhà ga. Toàn bộ công trình là ngôi nhà ba tầng chạy dài, tầng dưới dùng làm nơi bán vé, đưa đón hành khách, chạy tàu.

Tầng hai là nơi làm việc của nhân viên hành chính sở hỏa xa. Còn tầng ba, thấp thường làm nơi để lưu trữ hồ sơ. Ngôi nhà ga này có thể coi là một trong những nhà ga lớn nhất Đông Dương. Nhà quét vôi màu đá xám, kiểu cổ kính. Trên nóc ngôi nhà có đính chiếc đồng hồ lớn, mặt tròn, mang những số La Mã khá to. Nếu đếm những công trình kiến trúc có gắn đồng hồ lớn, ở thủ đô Hà Nội có lẽ chỉ có nhà ga, nhà thờ lớn, cột đồng hồ ở bờ sông.

Nhưng chiếc đồng hồ ở nhà ga gần gũi và thân thuộc hơn, không những đối với riêng Hà Nội mà của tất cả khách đi tàu đã qua ga Hà Nội. Hai đầu ga có hai cổng ra vào bằng sắt, đầu phía bắc có thêm một nhà dây thép… Đêm đêm phía trước sân ga, hàng quán, nhà trọ, xe thô sơ, người đi bộ đi lại suốt 24/24 giờ trong ngày.

Đi qua phố Hàng Lọng hay hai đầu phố có barie ấy, người ta sẽ thấy tiếng xình xịch của các đầu tàu, ngó vào đầu luồng phố đầu Sinh Từ hay Khâm Thiên, những dãy đường tàu, toa xe, toa khách, cái xám, cái xanh chật trong lòng ga. Những mái cánh dơi trên ke, cho khách đợi tàu khi trời mưa nắng cũng mang cái dáng vẻ riêng của ga Hà Nội và chính những mái cánh dơi ấy làm cho nhẹ bớt cái tấp bật, ồn ào, cái vẻ lầm lụi, xám mốc đắm mình trong một cái ga gốc.

Theo NGÔ VĂN PHÚ / NGƯỜI HÀ NỘI

Tags: , ,