Đừng nhân danh luật pháp để hủy hoại nhân phẩm con người

Tôi gặp một phụ nữ quê Cà Mau trên chuyến bay từ Singapore về TP HCM vài tháng trước. Bốn mươi lăm tuổi, vẫn giữ được nét mặn mà, chị Hương nói thật chị làm nghề đưa một số chị em từ miền Tây sang đảo quốc làm nhân viên phục vụ quán bar.

Câu chuyện trên chuyến bay xoay quanh chủ đề phụ nữ bán “phấn son”. Chị nói việc bên đó thu nhập cao gấp vài chục lần ở Việt Nam nhưng đã làm nghề phục vụ kiêm mua vui cho đàn ông thì hợp pháp hay không đều cay đắng. Chị chìa điện thoại, cho tôi xem tấm hình chụp mặt tiền nhà hàng chị làm thuê ở khu đèn đỏ. Hai hàng cây bonsai hai bên lối vào này, tính ra tiền Việt giá 50 triệu đồng một cây. Nhưng tổng chi phí trả cho một cô gái trẻ phục vụ từ Việt Nam sang, làm việc bất kể trong 24 giờ chỉ hơn một nửa giá cây đó.

Ông chủ nhà hàng ghê lắm, ông dằn mặt nhân viên: Nếu ai phật ý khách sẽ bị hốt về nước ngay. Ông nói, chẳng khó khăn gì để mua 12 cô gái Việt Nam xinh đẹp đứng thay hai hàng bonsai chào khách. Hôm nọ, ông nói với chị, “tao nói thật mày đừng phiền lòng nhé, tao tin ngành kinh tế lớn của Việt Nam là kinh doanh, xuất khẩu phụ nữ”. Chị nhìn thẳng vào mắt ông ta: “Mày nói câu đó lần nữa tao giết”. Rồi chị bỏ việc, bay về.

Tay chủ nhà hàng đã không giấu nổi thái độ và lời lẽ coi thường phụ nữ Việt làm nghề nhạy cảm, kể cả khi nhờ các cô mà tiền chảy vào túi anh ta. Nhưng gã không phải trường hợp duy nhất tách bạch “người bán dâm” với “người thường”. Tuần trước, cán bộ công an thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc cũng thể hiện thái độ cực đoan với nghề nhạy cảm theo cách khiến nạn nhân không dám ngẩng mặt lên nhìn đồng loại.

Trong đoạn video, một công an mặc thường phục đã “họp tổ dân phố” ở vỉa hè để “công khai hành vi của người vi phạm”. Anh công an cầm micro được tăng âm rất to, đọc rõ ràng cho rất nhiều người dân, khách du lịch nước ngoài, trẻ em xung quanh được biết về cái gọi là “hành vi thỏa mãn nhu cầu sinh lý”, hay anh gọi theo luật là “mua bán dâm và các hoạt động tình dục”.

Những người theo dõi cuộc đấu tố được biết rõ ngày, giờ, địa điểm, được nghe miêu tả tỉ mỉ hành vi của hai phụ nữ và một đàn ông. Đọc xong bản “cáo trạng”, anh công an yêu cầu hai phụ nữ được cho là bán dâm giới thiệu tên tuổi, quê quán, hoàn cảnh gia đình. Trong bộ đồ vải hoa giá rẻ, một phụ nữ bật khóc. Tiếp đến, anh dõng dạc giới thiệu về người nam mua dâm, “là thợ hồ, do không có vợ nên tìm nơi thỏa mãn nhu cầu tình dục của một người đàn ông trong việc ăn chơi”. Và sau đó, khi trả lời nhà báo, sếp của cán bộ trên cho rằng họ “công khai hóa” để “giáo dục, nhắc nhở đối tượng lầm lỡ” với mục đích để họ sửa chữa và “đó là ý tốt của anh em”.

Những đứa trẻ đầu óc còn trong trẻo đang ngơ ngác đứng xem sự vụ như một gánh xiếc, những người lớn tò mò, du khách nước ngoài với khuôn mặt hiện lên vô vàn dấu hỏi bu quanh mấy nhân vật chính, họ học được “bài học giáo dục” nào khi chứng kiến vụ bêu riếu công cộng kia?

Sứ mệnh của pháp luật, trong tất cả các bài giảng cơ bản về luật pháp, là ngăn chặn hành động xấu xảy ra, chứ không phải là trừng phạt hay dằn mặt. Và nếu có cần trừng phạt như mục tiêu thứ yếu (chưa biết có đạt mục đích giáo dục hay không) thì phạt để giáo dục nhất định không được là một sự bạo hành tinh thần hay sỉ nhục.

Sức mạnh duy nhất của “công khai hóa”, cho dù các nhà thực thi pháp luật có thừa nhận hay không, chính là khiến người ta cảm thấy xấu hổ và nhục nhã trước đại chúng. Trong lịch sử thế giới, nó đã từng là một công cụ quan trọng trong hành pháp. Rất nhiều “tội trạng”, từ hủ hóa cho đến phản bội tổ quốc, dẫn đến hình phạt bêu mặt trên phố. Nhưng đã từ cả thế kỷ nay, xã hội văn minh không chấp nhận công cụ ấy nữa.

Các nghiên cứu tâm lý, cho đến cảm nhận của người bình thường, dễ nhận thấy hành vi này tạo ra những sự trừng phạt lâu dài về tinh thần. Nó trực tiếp khiến người ta cảm thấy mình hèn hạ hơn đồng loại; tạo ra những bệnh lý tâm thần khó chữa như hoảng loạn hay ám ảnh hậu sốc; hay thậm chí biến chính những người chứng kiến thành nạn nhân của một cuộc bạo hành tâm lý…. Các nhà khoa học thậm chí tin rằng loại hành vi này tác động xấu đến kết cấu xã hội. Làm sao xã hội có thể bền vững khi mà nó bị chia thành các loại người khác nhau, với phẩm cấp danh dự khác nhau?

Chia con người theo nhân phẩm, thành loại “nhân phẩm thấp” và “nhân phẩm cao”, dù cố tình như gã buôn hương bán phấn hay vô ý như hoạt động “công khai hóa” của chính quyền địa phương nọ, không phải tâm lý hiếm. Trong thời đại của công nghệ, trừng phạt bằng việc bêu riếu công khai, vẫn được nhiều người coi là công cụ hữu hiệu của công lý.

Khối hành pháp nước ta có một khái niệm gọi là “phục hồi nhân phẩm” cho những người phụ nữ trong bộ đồ hoa rẻ tiền đang bật khóc trên phố kia. Nhưng tôi tự hỏi rằng trong trường hợp này, nhân phẩm của những người đó đã bị hủy hoại bởi hành vi của chính họ hay của ai khác.

Và tôi tự hỏi, nhân phẩm, liệu có phải một yếu tố có thể phục hồi?

Theo HỒNG PHÚC / VNEXPRESS

Tags: ,