Đừng để ‘thế giới ảo’ hủy hoại tổ ấm gia đình

Internet và mạng xã hội không có lỗi, những sản phẩm của thời đại công nghệ số cũng không có lỗi. Nhưng khi các thành viên trong gia đình dành quá nhiều thời gian cho “thế giới ảo” sẽ tự biến mình trở thành nô lệ của chính nó. Đó cũng là nguyên nhân làm cho tình cha con, nghĩa vợ chồng… dễ trở nên lỏng lẻo, nhạt nhẽo hơn trong ngôi nhà thân yêu của mình.

Đừng để ‘thế giới ảo’ hủy hoại tổ ấm gia đình

1. Khu phố tôi có một gia đình trẻ thành đạt, khá giả. Mới ngoài ba mươi tuổi mà anh chị đã sở hữu nhà cao cửa rộng, ô tô sang trọng và nhiều đồ dùng, tiện nghi sinh hoạt đắt tiền. Sáng sáng, nhìn anh lái xe đưa con đi học, đưa vợ đi làm, khiến nhiều người trong khu phố không khỏi “xuýt xoa”… thèm muốn có được cuộc sống cao sang như họ. Là người dân ở nơi khác đến mua đất, làm nhà và cư trú ở đây nên cuộc sống của họ khá khép kín, ít giao du, trò chuyện với bà con khối phố, nhưng cũng chả mấy khi làm phiền lòng ai.

Hôm vừa rồi, ngồi trò chuyện với tổ trưởng khu phố, bác chia sẻ với tôi rằng, gia đình trẻ ấy sẽ hoàn hảo nếu cả vợ, chồng, con không quá say sưa với việc lên mạng, xem “phây” (facebook). Bác kể lại, hôm đến nhà vận động họ đóng góp tiền ủng hộ các quỹ từ thiện-xã hội của phường, phải bấm chuông đến lần thứ ba thì cậu con trai học lớp bốn mới ra mở cổng. Lúc ấy, trên nách cu cậu vẫn kẹp chiếc ipad to bằng quyển sách. Vừa bước vào nhà, bác thấy anh chồng đang “dán mắt” vào chiếc máy tính trên bàn, còn cô vợ cũng đang vuốt tay liên tục trên màn hình chiếc smartphone to bằng nửa trang giấy A4. Tuy nhà cửa rộng rãi, song đồ đạc để khá bề bộn, bừa bãi. Chứng kiến cảnh ấy, bác tổ trưởng giãi bày với tôi: “Bên ngoài tưởng họ đầm ấm, quấn quýt với nhau như hình với bóng, ai dè vào nhà mới thấy gia đình họ sống khá lỏng lẻo, vì ai cũng “vùi đầu” vào “thế giới ảo” trên những thiết bị công nghệ hiện đại”.

2. Về quê, đến thăm một người bạn từ thuở chăn trâu cắt cỏ, nhờ làm ăn “thuận buồm xuôi gió” mà cậu ta hiện đã là một chủ doanh nghiệp tư nhân có vốn vài tỷ. Có tiền, anh xây cất nhà biệt thự, sắm sanh cho vợ con chả thiếu thứ gì. Khi tôi đến, anh gọi con gái lớn học lớp 10 ra pha trà mời khách, nhưng thấy cô bé vừa đi vừa hý hoáy bấm tay liên tục trên màn hình chiếc ipad, anh trách cháu: “Con cất ngay đi, giờ này con vẫn còn say sưa “ai pát, ai piếc” à?”. Vừa lúc đó, con trai học lớp 6 của anh cũng vừa đi chơi về, trên tay đang cầm chiếc smartphone “xịn”. Thấy con mặt mày ngơ ngác như “bò đội nón”, anh nhắc khéo: “Có khách đến, miệng con đâu?”. Cậu bé liếc nhìn tôi chốc lát như chợt nhớ ra điều gì, rồi miệng mới lí nhí: “Cháu chào bác ạ!”.

Lúc ngồi hàn huyên, cậu bạn than phiền với tôi rằng, nhờ ăn nên làm ra, vợ con thích gì mình mua nấy. Nhưng từ ngày vợ con có máy vi tính, ipad, smartphone, mỗi người một sở thích riêng. Vợ hay lên mạng lướt “phây” cả ngày không biết chán. Cô con gái cứ rảnh lúc nào là lại say sưa “chát chít” trên mạng với bạn bè. Còn cậu con trai thì rời bàn học ra là chỉ khoái chơi games trên máy tính bảng. Riêng bạn tôi vẫn thủy chung với chiếc Nokia “đời cũ” có mỗi chức năng nghe-gọi điện thoại để liên lạc với người thân và các đối tác làm ăn. Bạn bộc bạch với tôi một câu đầy trăn trở: “Cứ tưởng thời đại công nghệ số làm cho con người ta dễ gần nhau, nhưng gần nhau quá đôi khi lại dễ xa nhau”.

3. Có lẽ không ai trong chúng ta lại không thừa nhận internet đã mang đến rất nhiều tiện ích lớn lao cho con người, làm thay đổi diện mạo cuộc sống, xã hội. Bây giờ vào internet và mạng xã hội, người ta có thể tìm kiếm được tất cả những gì mình muốn, từ những tri thức khoa học mênh mông của nhân loại, đến những mẹo vặt đời thường… đều được hiển thị ở tất cả các góc độ, phương diện, khía cạnh, đáp ứng mọi nhu cầu, thị hiếu, nhận thức, trình độ, nghề nghiệp của mọi người, thuộc mọi thành phần, lứa tuổi, giới tính, dân tộc, tôn giáo.

Tuy nhiên, mặt trái của internet và mạng xã hội cũng dễ làm cho người ta bị động, sống cô lập, xa rời thực tế, dễ mắc hội chứng nghiện ngập “thế giới ảo”… Điều này cũng không ngoại lệ với các gia đình, nhất là các gia đình trẻ ở đô thị, gia đình trẻ thuộc diện sung túc, khá giả. Trong cuộc tọa đàm “Tác động của công nghệ và mạng xã hội tới gia đình trẻ hiện nay” do đoàn thanh niên một đơn vị tổ chức mới đây, đã có rất nhiều ý kiến cảnh báo được nêu lên như: Đừng biến “tổ ấm” thành “tổ lạnh” vì công nghệ; đừng trở thành “khách trọ cô đơn” trong chính ngôi nhà của mình; chồng nghiện máy tính, vợ ghiền facebook, con “say” trò chơi điện tử là “quả bom nổ chậm” đối với hạnh phúc gia đình…

Quả là những lời cảnh báo rất đáng để mỗi gia đình trẻ suy ngẫm. Bởi thực tế không có một mối quan hệ nào mà lại sâu sắc, khăng khít, bền chặt như mối quan hệ giữa các thành viên trong một gia đình. Để mối quan hệ đặc biệt ấy tồn tại bền vững với thời gian và là “thành trì vững chắc” cho con người lưu giữ, neo đậu tình cảm thân thương trong suốt cuộc đời, đòi hỏi mỗi thành viên phải hết lòng, bền bỉ nuôi dưỡng, vun đắp tình yêu thương, chia sẻ, đùm bọc trong chính tổ ấm của mình.

Thực ra internet và mạng xã hội không có lỗi, những sản phẩm của thời đại công nghệ số cũng không có lỗi. Nhưng khi các thành viên trong gia đình dành quá nhiều thời gian cho “thế giới ảo” sẽ tự biến mình trở thành nô lệ của chính nó. Đó cũng là nguyên nhân làm cho tình cha con, nghĩa vợ chồng… dễ trở nên lỏng lẻo, nhạt nhẽo hơn trong ngôi nhà thân yêu của mình.

Theo QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

Tags: , ,