‘Dòng sông’ điện ảnh Việt: Bao giờ chảy tiếp?

Một sự tình cờ thú vị, bộ phim đầu tiên của điện ảnh Việt Nam được mang tên “Chung một dòng sông”. Trải qua nhiều thăng trầm, dòng sông điện ảnh cũng có những khoảng lặng bên cạnh những giai đoạn phát triển mạnh mẽ.

Cột mốc khởi nguồn

Nhắc đến những mốc son của điện ảnh cách mạng Việt Nam, không thể không nói đến bộ phim “Chung một dòng sông” do Nguyễn Hồng Nghi và Phạm Kỳ Nam đạo diễn (Phạm Kỳ Nam khi ấy được đào tạo bài bản từ Học viện điện ảnh Pháp trở về nước). So với nhiều bộ phim sau này của điện ảnh Việt Nam, “Chung một dòng sông” không được đánh giá cao về tính nghệ thuật. Bản thân đạo diễn Nguyễn Hồng Nghi cũng tự nhận định về bộ phim của mình trên Tạp chí Điện ảnh ra ngày 16/9/1959: “Tính tư tưởng của tác phẩm thì khá phong phú, nhưng tính nghệ thuật thì lại chưa đủ…”.

Tuy nhiên, với một bộ phim điện ảnh được coi là đầu tiên của nền điện ảnh cách mạng non trẻ, lại được sản xuất trong điều kiện thiếu thốn của thời chiến, có thể nói “Chung một dòng sông” là một mốc son khởi đầu đầy giá trị của nền điện ảnh nước ta. Dòng sông trong bộ phim ở thời điểm ấy là dòng sông Bến Hải chia đôi đất nước. Nhưng với cả nền điện ảnh nước nhà, “dòng sông” mang tính biểu tượng ấy chưa bao giờ ngừng chảy, dù trải qua không ít những giai đoạn khó khăn, thăng trầm.

Sau bộ phim “Chung một dòng sông”, một loạt các bộ phim của điện ảnh cách mạng đã ra đời và để lại nhiều dấu ấn trong lòng công chúng yêu nghệ thuật như: “Chị Tư Hậu”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Em bé Hà Nội”, “Con chim vành khuyên”… Không chỉ ghi dấu ấn với các bộ phim truyện nhựa, nền điện ảnh cách mạng Việt Nam trong giai đoạn này cũng rất thành công với hai thể loại phim tài liệu nhựa và phim hoạt hình. Sự ghi nhận này được thể hiện bằng những giải thưởng quốc tế từ các liên hoan phim quốc tế danh giá như: Liên hoan phim Moscow, Liên hoan phim Leipzig…

Các bộ phim điện ảnh trong giai đoạn này chủ yếu khai thác đề tài chiến tranh. Sau này, có nhiều ý kiến cho rằng, chính lịch sử hào hùng của dân tộc là một chất liệu quá tuyệt vời để tạo nên sự thành công của các bộ phim thời chiến. Tuy nhiên, chúng ta không thể phủ nhận công sức và tài năng của các nghệ sĩ của điện ảnh Việt Nam trong giai đoạn này bởi một lẽ, những bộ phim ấy hầu hết được sản xuất trong điều kiện vô cùng thiếu thốn và các thành viên của đoàn làm phim có rất ít người được đào tạo một cách bài bản.

Dấu son đáng nhớ của điện ảnh thời hậu chiến

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông quy về một mối, chúng ta bước vào công cuộc tái thiết đất nước. Trong những giai đoạn ấy, điện ảnh nước nhà cũng bắt kịp thời đại với những bộ phim thời hậu chiến và cũng đã để lại những dấu ấn khá đặc sắc.

Nhắc đến điện ảnh giai đoạn này, không thể không nhắc tới bộ phim “Cánh đồng hoang” do nhà văn Nguyễn Quang Sáng viết kịch bản, Hồng Sến bấm máy. Ngoài rất nhiều giải thưởng trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ V, “Cánh đồng hoang” còn ghi dấu ấn với bạn bè quốc tế khi giành được giải Vàng của Liên hoan phim Quốc tế Moscow năm 1981. Đạo diễn Đặng Nhật Minh với các tác phẩm: “Thị xã trong tầm tay”, “Bao giờ cho đến tháng Mười” và “Cô gái trên sông”. Ngày 19/5/2008, bộ phim “Bao giờ cho đến tháng Mười” được CNN đánh giá là 1 trong 18 bộ phim xuất sắc nhất của điện ảnh châu Á. Điện ảnh tài liệu giai đoạn này cũng ghi dấu ấn của đạo diễn Trần Văn Thủy với “Hà Nội trong mắt ai” và “Chuyện tử tế”. Cho đến tận bây giờ, những vấn đề được đạo diễn Trần Văn Thủy đề cập đến trong bộ phim vẫn còn nguyên tính thời sự đối với xã hội.

Sau giải phóng, nhiều bộ phim của điện ảnh Việt Nam vẫn thành công khi khai thác đề tài chiến tranh. Một số bộ phim khác khai thác đề tài hậu chiến. Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, hàng loạt những vấn đề của đời sống thực tế cũng được các nghệ sĩ đưa vào các tác phẩm của mình và tạo ra được thành công lớn trong và ngoài nước.

Điện ảnh Việt Nam hiện đại: Vẫn còn những băn khoăn

“Sông có khúc, người có lúc” – dòng sông điện ảnh Việt cũng không nằm ngoài quy luật đó. Bước vào thập niên 90, những bộ phim khai thác đề tài chiến tranh, đề tài đổi mới ít nhiều đã giảm đi sức hút vốn có. Xã hội chuyển mình bước sang giai đoạn mới, yêu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng cũng ngày càng trở nên phong phú và đa dạng hơn. Sự thành công của dòng phim thị trường trong những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX (thường được gọi là dòng phim “mì ăn liền”) là một minh chứng cho điều đó. Rồi sau đó sự lớn mạnh của truyền hình ở Việt Nam là một trong những nguyên nhân giết chết dòng phim “mì ăn liền”.

Đầu những năm 2000, đạo diễn Lê Hoàng làm phim “Gái nhảy” đánh dấu sự trở lại của dòng phim thị trường. Những năm gần đây, sự vào cuộc của các hãng phim tư nhân làm cho nền điện ảnh của nước ta ngày càng trở nên sôi động. Có những bộ phim thắng lớn về mặt doanh thu khi ra rạp vào mùa phim tết. Tuy nhiên, những bộ phim mang tính giải trí này thường có đời sống ngắn ngủi bởi thiếu tính nghệ thuật, chủ yếu thiên về giải trí. Nhiều người nói đùa rằng, phim Việt Nam hiện nay sống được ở rạp thường là phim ngắn ngày…

Không thể phủ nhận thành công về mặt thương mại của một số bộ phim điện ảnh Việt Nam ra mắt trong thời gian gần đây. Chỉ có điều, sự tò mò của công chúng cũng chỉ có giới hạn và trình độ thưởng thức của công chúng điện ảnh cũng ngày càng được nâng cao. Sự thất bại khi ra rạp của một số bộ phim giật gân, câu khách rẻ tiền thời gian gần đây là minh chứng rõ ràng nhất cho nhận định đó. Sự thành công về mặt thương mại không đồng nghĩa với một nền điện ảnh lớn mạnh. Có thể ví một nền điện ảnh thành công giống như một người đi bằng cả hai chân, có như vậy mới có những bước đi vững chãi. Nhìn sang một số nền điện ảnh châu Á thành công như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ… chúng ta cũng có thể thấy được một điều: Không phải thời đại hiện nay không có những yếu tố để tạo nên những tác phẩm điện ảnh giàu tính nghệ thuật và có sức ảnh hưởng lớn. Mỗi giai đoạn của xã hội đều có những vấn đề, những đề tài điện ảnh có thể khai thác và thành công.

Nhiều người mượn tên bộ phim “Bao giờ cho đến tháng Mười” của đạo diễn Đặng Nhật Minh khi trăn trở về sự phát triển của điện ảnh Việt Nam hiện nay. Rất nhiều cuộc hội thảo đã diễn ra với nhiều ý kiến tâm huyết để vực dậy nền điện ảnh nước nhà. Nhưng dường như đều rơi vào bế tắc… khi mấy năm nay điện ảnh Việt thực sự rất hiếm những bộ phim có thể xem được. Nếu đem nền điện ảnh Việt Nam so sánh với một dòng sông, chúng ta có thể tự hào rằng, chúng ta có một khởi nguồn rất đáng tự hào bằng một nền điện ảnh cách mạng lớn mạnh. Hiện nay, chúng ta có những điều kiện khá tốt: Từ cơ sở vật chất, tiềm lực cho đến hệ thống con người được đào tạo bài bản. Trên thực tế, có những bộ phim làm về con người Việt Nam, các vấn đề của xã hội Việt Nam đương đại được công chúng trong và ngoài nước đánh giá cao. Với tất cả những điều kiện ấy, không hiểu lý do vì đâu mà “dòng sông” điện ảnh Việt Nam vẫn không thể chảy?

Theo TUẤN HẢI / NĂNG LƯỢNG MỚI

Tags: