⠀
Donald Trump và những mắc mứu ở Biển Đông
Tổng thống Donald Trump vừa công bố Chiến lược An ninh Quốc gia mới của Mỹ gồm 4 chủ đề chính, có một đoạn đề cập về vấn đề Biển Đông. Theo TS Terry Buss, nếu đọc kỹ văn bản này, có thể thấy nhiều điểm mới đáng chú ý.
Bài viết của tác giả Terry F. Buss, tiến sĩ Khoa học Chính trị và Toán ở Đại học bang Ohio. Ông từng là cố vấn cho Ngân hàng Thế giới, cố vấn cho Bộ Nhà ở và Phát triển đô thị Mỹ; giữ chức vụ quản lý ở các trường: Đại học Quốc tế Florida (Miami), Đại học Suffolk (Boston), Đại học Akron (Ohio), Đại học Carnegie Mellon (Australia) và nhiều cơ quan nghiên cứu khác… Ông từng tham gia các dự án nghiên cứu tại Anh, Xứ Wales, Italy, Czech, Hungary, Romania, Bulgary, Ghana, Haiti, Canada, Colombia, Jamaica, Bahamas, Malaysia, Singapore, Australia, Iraq, Nam Phi… và Việt Nam.
Những điểm mới đáng chú ý
Nhìn vào Chiến lược An ninh Quốc gia (NSS) mà Tổng thống Donald Trump vừa công bố, trong đó phác thảo về chính sách đối ngoại cho 5 năm tiếp theo, giới quan sát dễ dàng nhìn thấy cách ông định áp dụng để giải quyết các vấn đề liên quan đến sự chiếm đóng, xây dựng và quân sự hóa trái phép của Trung Quốc tại các rạn san hô ở Biển Đông.
Việt Nam và một số quốc gia xung quanh đều tuyên bố có chủ quyền hợp pháp tại các đảo và đá trong vùng lãnh hải của mình. Trong khi phía Trung Quốc không ngừng loan tin, họ có chủ quyền với hầu như toàn bộ vùng Thái Bình Dương.
Những động thái đó của Trung Quốc không phải là chuyện thường. Trung Quốc luôn nói về ý định kiểm soát các hải trình trong vùng, thậm chí có thể dùng vũ lực nếu cần thiết. Điều này sẽ gây nguy hại đến việc qua lại tự do của lượng hàng hóa vốn chiếm 40% tổng GDP toàn cầu.
Nhiều thập kỷ nay, Mỹ giống như người bảo vệ chính cho quyền “tự do hàng hải”. Nhưng khi Trung Quốc trỗi dậy, cố trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với các kế hoạch hiện đại hóa quân đội, gia cường năng lực hải quân thì vai trò bảo vệ của Mỹ dưới thời các tổng thống George W. Bush và Barack Obama cũng ít nhiều thay đổi. Đặc biệt khi người Mỹ bận rộn với cuộc chiến ở Trung Đông đã dai dẳng nhiều thập kỷ qua, và gần đây là vấn đề vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Các nền kinh tế trong khu vực, đi đầu là Việt Nam, tạo ra khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới, và ngày càng thu hút thương mại, đầu tư, và phát triển. Hơn bao giờ hết, khu vực này đang được xem là đóng vai trò quan trọng trong thương mại và an ninh của Hoa Kỳ. Rất cần thiết khi nhìn lại một năm nhậm chức, Tổng thống Trump có kế hoạch gì ở Biển Đông để duy trì hòa bình và an ninh, để góp phần vào sự tăng trưởng mạnh của khu vực này?
Trong bản Chiến lược An ninh Quốc gia (NSS) mà Tổng thống Donald Trump vừa công bố chỉ có một đoạn ngắn đề cập về vấn đề Biển Đông. Nhưng nếu đọc kỹ văn bản này, ta có thể thấy nhiều điểm mới đáng chú ý.
NSS vừa công bố có dấu hiệu của một sự đảo ngược cách tiếp cận “ngoại giao mềm” và “lãnh đạo từ phía sau” của cựu Tổng thống Obama đối với khu vực này, để ưu tiên hơn cho một vai trò lãnh đạo của Mỹ. Cả ông Obama và ông Trump đều đã tạo ra rất nhiều rào cản để sử dụng quyền lực Mỹ ở Biển Đông.
Hiểu về cách tiếp cận của Tổng thống Trump
Ông Trump đã khá im lặng về các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Một số quan sát viên cho rằng ông hy vọng có được sự hợp tác của Trung Quốc trong nỗ lực phi hạt nhân hóa hoặc kiềm chế chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Một số người khác lại cho rằng đơn giản là đã ông Trump “say” trong “cuộc tấn công quyến rũ” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, và Trung Quốc không thực sự quan tâm đến việc giúp ông Trump.
Nhưng những ngôn từ về Biển Đông trong NSS lại cho thấy ông Trump coi Trung Quốc là một mối đe dọa lớn trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Cụ thể: “Các nỗ lực của Trung Quốc nhằm xây dựng và quân sự hóa các tiền đồn ở Biển Đông gây nguy hiểm cho dòng lưu chuyển tự do của thương mại, đe dọa chủ quyền của các quốc gia khác, và gây hại đến sự ổn định trong khu vực”. Hơn nữa, các hành động của Trung Quốc “là nhằm hạn chế sự tiếp cận của Mỹ” tới khu vực này.
Những thông điệp trên cho thấy ông Trump suy nghĩ về Trung Quốc ở Biển Đông nghiêm túc hơn nhiều người nghĩ. Chẳng phải mới đây thôi, Mỹ đã “nêu tên” Trung Quốc là một trong 2 nước vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc (LHQ), tiếp tục vận chuyển lượng dầu mỏ, thứ mà Triều Tiên đang cần.
Trong văn bản NSS mới nhất, ông Trump cũng phát đi tín hiệu xác nhận việc sẽ “lấy lại” vai trò lãnh đạo của Mỹ trong khu vực: “Sự chế ngự của Trung Quốc có nguy cơ làm giảm chủ quyền của nhiều nước tại Ấn Độ – Thái Bình Dương. Các nước trong khu vực kêu gọi duy trì vai trò lãnh đạo của Mỹ trong một phản ứng tập thể nhằm duy trì một trật tự khu vực tôn trọng chủ quyền và độc lập”.
Có lẽ chưa nhiều người nhận ra rằng cụm từ châu Á – Thái Bình Dương không còn được dùng để chỉ khu vực này, mà đã thay bằng cụm từ Ấn Độ – Thái Bình Dương, hàm ý bao gồm cả Ấn Độ vào khu vực này. Điều này có tác động lớn đến cục diện Biển Đông tới đây.
Bản NSS còn khẳng định, “Chúng tôi hoan nghênh sự nổi lên của Ấn Độ như một sức mạnh toàn cầu hàng đầu và đối tác chiến lược và quốc phòng mạnh hơn”. Ấn Độ là một siêu cường đang nổi lên, có khả năng trở thành đối thủ của Trung Quốc về nhiều mặt. Hơn nữa, Ấn Độ không thích thú gì khi chứng kiến Trung Quốc xâm chiếm vào vùng ảnh hưởng của mình. Điều đó cho thấy, với Nhà Trắng, Ấn Độ còn có hai sức mạnh khu vực khác. “Chúng ta sẽ tìm cách gia tăng hợp tác 4 bên với Nhật Bản, Australia và Ấn Độ”. Tôi vẫn nhớ rằng ông Trump từng dùng những từ ngữ này để nói đến Hàn Quốc.
Ông Trump còn viết thêm một dòng trên Twitter: “Làm việc với Australia và New Zealand, chúng ta sẽ củng cố các nước đối tác còn yếu tại khu vực quần đảo Thái Bình Dương”.
Ông ấy cũng không quên các nước đặc biệt bị ảnh hưởng bởi các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông khi đưa vào bản NSS thông điệp rất rõ ràng rằng: “Chúng tôi sẽ tiếp sinh lực cho các quan hệ đồng minh với Philippines và Thái Lan, và củng cố các quan hệ đối tác với Singapore, Việt Nam, Indonesia và Malaysia”. Bản NSS mới nhất xếp Việt Nam là một trong “các đối tác kinh tế và an ninh đang nổi” của Mỹ. Trong thực tế, Việt Nam và Mỹ đã tăng cường quan hệ tích cực không chỉ dưới thời ông Trump, mà từ thời các tổng thống tiền nhiệm Obama, Bill Clinton và G. Bush.
Mục đích của các quan hệ đối tác được làm mới này là quá rõ. “Mỹ sẽ củng cố hợp tác khu vực để duy trì các hải trình tự do và mở, duy trì các thói quen tài trợ minh bạch cho cơ sở hạ tầng, thương mại không bị ngăn cản, và giải quyết hòa bình các tranh chấp”.
Không chỉ dừng lại ở đó, ông Trump còn thay đổi thái độ ác cảm trước đây với việc ra quyết định thông qua các tổ chức quốc tế. “Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) vẫn là các trọng tâm của cấu trúc khu vực Ấn Độ –Thái Bình Dương và là các nền tảng để thúc đẩy một trật tự dựa trên tự do”.
Tổng thống Mỹ đương nhiệm, Donald Trump cũng quả quyết rằng chính sách Biển Đông phụ thuộc vào thương mại và an ninh. Và trên hết, ông hiểu rằng sự hiện diện quân sự mạnh trong khu vực này là quan trọng. Ông đã chứng tỏ điều này bằng việc đưa 3 đội tàu sân bay đến vùng biển quanh Bán đảo Triều Tiên, bằng cách tiến hành tuần tra Biển Đông cả trên không và trên biển. Và để tăng sức nặng của đe dọa quân sự, ông Trump sẽ phải tính đến việc tăng mạnh ngân sách để mở rộng quy mô hải quân, tái xây dựng lực lượng không quân và hiện địa hóa các năng lực vũ khí hạt nhân.
Liệu ông Trump có sập bẫy?
Các ý định của ông Trump, cũng có thể nói là các kế hoạch của nước Mỹ thông qua văn bản NSS là tích cực nhằm đảm bảo hòa bình và an ninh tại Biển Đông. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, có một vài “cái bẫy” có thể sẽ ngăn trở chính sách này.
Đầu tiên, ông Trump vốn là người mâu thuẫn. Các suy nghĩ của ông giống như một con lắc xoay vần, khiến các lãnh đạo khu vực dễ bị “chóng mặt”.
Thứ hai, một số chính sách của ông Trump vẫn chưa gắn kết với nhau. Ông muốn chống lại sự nổi lên của Trung Quốc, đặc biệt về thương mại, nhưng ông lại bỏ rơi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với các nước trong khu vực. Trong khi TPP được xem là một nỗ lực để có thể kiềm chế được Trung Quốc ở châu Á-Thái Bình Dương.
Ông Trump muốn các thỏa thuận thương mại song phương như một sự thay thế, nhưng ông đang chậm trễ trong việc tiến hành thương lượng các thỏa thuận như vậy. Trong khi đó Trung Quốc đã mau mắn thực thi các thỏa thuận thương mại song phương của mình bên cạnh một thỏa thuận khu vực – 16 thỏa thuận song phương với 24 quốc gia! Trung Quốc cũng đạt nhiều tiến bộ trong hệ thống vận tải trên bộ và trên biển mang tên Một Vành đai, Một con đường, nối Trung Quốc với châu Âu, Trung Đông và châu Phi.
Thứ ba, việc Trung Quốc và Nga gây sức ép chưa đủ mạnh với Bình Nhưỡng thông qua các trừng phạt của LHQ và các trừng phạt khác đang buộc Mỹ phải tập trung vào Bán đảo Triều Tiên hơn là vấn đề ở Biển Đông.
Thứ tư, Trung Quốc và Nga ngày càng gia tăng sự hiện diện tại Thái Bình Dương, đó là chưa nói tới các vùng biển quanh Nhật Bản. Trung Quốc đã phát triển một máy bay lội nước cỡ lớn có thể sử dụng để cung ứng cho các quần đảo mà họ đòi chủ quyền. Nga cũng khởi hành nhiều máy bay quân sự tại Thái Bình Dương từ các căn cứ ở Indonesia. Ông Trump khó có thể theo kịp 2 quốc gia này, tại đây.
Thứ năm, từ thời Tổng thống Obama, Philippines đã ngày càng nghiêng về phía Trung Quốc trong các tranh chấp tại Biển Đông, bất chấp cả lợi ích của chính mình: Philippines đã chọn cách không đòi chủ quyền đối với các đảo mà Tòa Trọng tài tại La Haye (Hà Lan) đã phán quyết là của họ, chứ không phải của Trung Quốc. Mặc dù, ông Trump đã đối xử tốt với Tổng thống Philippines Rodrigo Dutertem, đã giúp ông Duterte đánh bại các phần tử Hồi giáo khủng bố nổi dậy trong nước. Nhưng như thế có lẽ vẫn chưa đủ.
Thứ sáu, ông Trump đã tăng được ngân sách cho quốc phòng, nhưng cũng chưa đủ để bù lại những thiệt hại nảy sinh khi người tiền nhiệm Obama quyết định đơn phương giải giáp. Bên cạnh đó, ông Trump còn phải đối mặt với những trở ngại từ những nghị sĩ Dân chủ trong Quốc hội, luôn phản đối tăng chi tiêu cho quốc phòng, trừ phi các chương trình trong nước cũng được nhận thêm ngân sách. Việc chi tiêu cho quân đội trong tương lai sẽ có thể khó khăn khi Quốc hội vừa thông qua một đạo luật giảm mạnh thuế đối với tập đoàn và cá nhân. Điều này có nghĩa là nợ của Mỹ sẽ gia tăng đến những mức chưa từng thấy khi thu thuế sụt giảm và chi tiêu chính phủ tăng lên.
Thứ bảy, việc Đảng Cộng hòa chia rẽ sâu sắc vì ông Trump – các chính sách của ông, tính cách và hành động của ông – và Đảng Dân chủ phản đối mọi điều ông làm. Hiện tại, những người Cộng hòa đang kiểm soát hai viện Quốc hội, nhưng đôi khi những người Cộng hòa lại không ưa ông Trump có thể sẽ làm cho dự luật nào đó của ông không được thông qua. Năm 2018, các cuộc bầu cử giữa kỳ tại Quốc hội sẽ diễn ra, và người Dân chủ sẽ có cơ hội giành lại quyền kiểm soát lưỡng viện. Nếu họ thành công, ông Trump sẽ phải đối mặt với 2 năm không có khả năng thực hiện các mục tiêu chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương. Hãy nhớ rằng trường hợp tương tự đã xảy ra với Tổng thống Obama trong những năm cuối nhiệm kỳ.
Thêm một điều nữa cũng cần ghi nhận, đó là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhận được hưởng sự ủng hộ tương đương với cố Chủ tịch Mao Trạch Đông tại Trung Quốc. Và ông Tập đã đầu tư rất nhiều cho việc cải cách và hiện đại hóa quân đội, cũng như xây dựng các quan hệ đối tác trên toàn cầu.
Song cho tới giờ, không ai có thể đoán trước chuyện gì sẽ xảy ra tại Biển Đông dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump. Khu vực này có thể phát triển và thịnh vượng trong hòa bình mà trước đây chưa từng thấy và có thể vẫn sẽ bế tắc trong những vấn đề tranh chấp chủ quyền.
Thời gian sẽ cho chúng ta thấy câu trả lời sát thực nhất.
Theo VIETNAMNET
Tags: Biển Đông, Donald Trump, Mỹ