Đối xử vô văn hóa với thiên nhiên chính là tự sát

Đứng trước Biển Đông quanh năm sóng vỗ, đất nước ta đang phải gánh chịu những cơn thịnh nộ của thiên nhiên nhằm trả thù những hành vi dại dột của con người triền miên phá hủy môi trường sống của chính mình.

Đối xử vô văn hóa với thiên nhiên chính là tự sát

Hiểm họa của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đang trực tiếp tác động đến cuộc sống thường nhật của mỗi chúng ta. Đối diện với hiểm họa đó, ở phương Tây, sinh thái học từ một lĩnh vực triết lý trở thành một phong trào xã hội có mục đích tái lập cuộc đối thoại giữa con người, giữa xã hội với thiên nhiên mà thời đại công nghiệp đã phũ phàng vứt bỏ. Triết lý ấy lập luận rằng người, thiên nhiên các sinh vật chỉ là những hình thái sống khác nhau.

Michel Serres cho rằng: “Ta đánh mất vũ trụ(…). Ta biến tất cả sự vật thành hàng hóa…Vũ trụ (…) tự cống hiến nó cho chúng ta. Sẽ có sự bất công, sẽ có sự bất quân bình nếu ta nhận sự cống hiến đó một cách miễn phí, không trả lại cái gì cả. Sự công bằng buộc chung ta phải trả, ít nhất là ngang mức ta nhận, nghĩa là vừa đủ”.

Tiến thêm một bước nữa, Aldo Leopold đưa ra một quan điểm đạo đức “Một việc là tốt, là thiện, nếu có khuynh hướng bảo tồn sự toàn vẹn, sự vững chắc và vẻ đẹp của cộng đồng sinh thái. Một việc là xấu, là ác, nếu trái lại!

Lévi Strauss còn mạnh mẽ hơn khi ông phê phán triết lý về chủ thể đã biến con người thành chúa tể cai trị một cõi riêng, giam con người trong lãnh địa văn hóa của mình, tách biệt khỏi thiên nhiên vì thiên nhiên bị xem như là “không có văn hóa”. Chỉ con người là có văn hóa, vì vậy con người tách khỏi thiên nhiên. Cái luận đề đó hình thành song song với quá trình đô thị hóa ở châu Âu, song song với đà phát triển văn minh công nghiệp đã cắt đứt con người thành phố ra khỏi thiên nhiên. Kết quả, con người hủy diệt tất cả những gì không phải là chính mình, bắt đầu từ thiên nhiên.

Nếu phương Tây phải tốn hai mươi thế kỷ để bắt đầu nhìn thấy và quyết liệt cảnh báo thì ở phương Đông, vấn đề ấy đã được đặt ra từ rất lâu, với ứng xử quen thuộc: Tương thân, tương ái, tương kính với thiên nhiên. Quan điểm ấy xuyên suốt trong triết lý Phật: “Cây cỏ, đất đá, đồi núi, tất cả yếu tố của vũ trụ đều có Phật tính”. Và rồi, văn hóa dân gian Việt Nam biểu đạt triết lý ấy thật dung dị: “Người ta là hoa của đất”.

Xin dẫn thêm câu ca dao cổ biểu tả sự gắn bó giữa con người với tự nhiên qua một chuyện tình: “Trèo lên cây bưởi hái hoa. Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân. Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc. Em có chồng rồi anh tiếc lắm thay. Ba đồng một mớ trầu cay. Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không. Bây giờ em đã có chồng. Như chim vào lồng, như cá cắn câu. Cá cắn câu biết đâu mà gỡ. Chim vào lồng biết thuở nào ra?”. Miễn cho lời bình về nỗi đắng cay uất ức trong lòng cô gái trước sự “tiếc lắm thay” nhạt hều của chàng trai, chỉ xin được nói về thiên nhiên ngập tràn trong tình yêu của đôi trai gái ấy:

Nào hoa bưởi, hoa tầm xuân, nào cây cà, cây bưởi, nào con chim, con cá… Cho dù có nỗi đau quằn quại của chim đã bị nhốt trong lồng, cá đã bị móc vào lưỡi câu oan nghiệt, câu chuyện lứa đôi kia vẫn ngạt ngào mùi hương hoa bưởi, vẫn “xanh biếc” màu xanh của “nụ tầm xuân” mới nở. Mà nào có gì cao xa đâu, cũng chẳng hề biết đến cuộc tranh luận về “triết lý chủ thể” và “triết lý về sự sống” [cho dù là cực kỳ cần thiết và phải biết trân trọng], đây là khung cảnh hết sức gần gũi và quen thuộc của cuộc sống làng quê đã từng xao động tâm hồn của mỗi chúng ta.

Thật ra, không tranh luận, nhưng nếu nói đến triết lý thì đây cũng là một triết lý tiềm ẩn trong tâm thức Việt đó là chữ “Hòa”. “Hòa” trong mối quan hệ giữa người với người, giữa người với thiên nhiên, hòa trong chính mình. Đây là một đặc trưng của tính cách phương Đông thể hiện trong lối sống và văn hóa Việt Nam. Triết lý ấy biểu hiện một nếp tư duy thiên về tổng hợp, kết hợp hơn là phân tích chia cắt, thiên về liên tục hơn là gián đoạn, thiên về tinh thần hơn là vật chất.

Đó là những gì ta cảm nhận từ lời mẹ dạy cho con, bà truyền cho cháu qua lời ru, qua cách ứng xử giữa đời thường. Sự cảm nhận ấy đã truyền đạt một cách dung dị hồn dân tộc trong cuộc sống, trong không khí để thở, trong gầu nước giếng mát để uống, trong mùi thơm của bát cơm gạo mới, vị ngọt của trái chín cây, mùi hương của hoa trong đêm… Đời này qua đời khác kết nối những cảm nhận ấy lại như một thứ “gien” di truyền, chìm sâu trong tâm thức của con người vốn đã sinh ra, hít thở khí trời, uống dòng nước mát, ăn bát cơm thơm trên đồng đất quê hương.

Trân trọng giữ gìn, chăm chút cảnh sắc thiên nhiên quanh ta, một gốc cây, một ngọn cỏ, một nhành hoa, một ngọn lá… là cả một ứng xử văn hóa. Ứng xử ấy cần trở thành một thói quen, một tập quán để định hình một lối sống, một cách sống. Trong cái xô bồ của cuộc sống hiện tại, phải thấy cho ra cái chữ “hòa” ấy trong cội nguồn văn hóa Việt Nam.

Thấy ra để làm gì? Để tự hào về ông cha mình, tự hào về dân tộc mình, đồng thời cũng thấy được những khiếm khuyết mà càng thêm day dứt vì chúng ta đã không thực hiện tốt lời răn dạy của ông cha. Đại Việt Sử ký Toàn thư, Bản kỷ, Quyển III, Kỷ Nhà Lý, triều Lý Nhân Tông, chép rằng: “Năm Bính Ngọ [1126] “Mùa xuân, tháng giêng mở hội đèn Quảng Chiếu bảy ngày đêm. Tha người có tội (giam) ở phủ Đô hộ. Cấm dân chúng mùa xuân không được chặt cây”. Bình về điều cấm này, giáo sư Cao Huy Thuần viết: “Luật của cây cối là: xuân sinh, hạ trưởng, thu thâu, đông tàn. Xuân sinh: hãy nhìn một lộc non vừa nhú lên trong mùa xuân, bao nhiêu là hạnh phúc, bao nhiêu là sức sống. Chặt cây cối trong mùa xuân là kết án tử hình sự sống. Chặt cây cối trong mùa xuân là kết án tử hình mùa xuân. Chưa bao giờ chân lý, thiện và mỹ được nâng cao đến mức ấy”.

Được nâng cao đến mức ấy” tự bao giờ? Xin thưa: từ cách đây gần 900 năm, non một thiên niên kỷ! Thì ra, trong sâu thẳm của triết lý nhân sinh, tư duy của loài người bắt gặp nhau ở những điểm tiệm cận trên vòng xoáy trôn ốc của tiến trình phát triển. Ông cha ta từ xưa đã có những phương cách bảo vệ môi trường sinh thái phù hợp với trình độ phát triển của kinh tế. Đây là mức độ có thể đo đếm được qua những chặng đường thời gian. Nhưng sự nông sâu trong triết lý, trong nguồn mạch của tư duy thì không dễ gì đo đếm một cách thô thiển và vụng dại được! Chính từ đây, từ cái mẫu số chung của thời đại mà suy ngẫm về sự bắt gặp và nối liền nguồn mạch của tư duy hiện đại với sâu thẳm cội nguồn của triết lý đã dẫn dắt, tạo dựng, bảo vệ và phát triển non sông gấm vóc ông cha bao đời để lại cho thế hệ chúng ta hôm nay.

Với quá trình đô thị hóa một cách xô bồ thiếu sự thận trọng cần thiết, rồi chuyện “công nghiệp hóa” tràn lan chưa có sự nghiêm cẩn và thật sự khoa học trong tính toán cân nhắc, lại “hiện đại hóa” nóng vội, bộc lộ sự thiếu hiểu biết, đã vô tình biến đất nước mình thành bãi thải công nghiệp, thành phòng thí nghiệm cho những “dự án” hàm hồ mà cái giá phải trả là rất đắt. Để rồi dòng người từ nông thôn hối hả chuyển vào đô thị gây nên sự quá tải ngày càng trầm trọng về cơ sở hạ tầng, về chất lượng văn hóa của cuộc sống. Xót xa nhất là dần dà nông thôn trở thành nơi không ai muốn ở, nông nghiệp đang là ngành ít ai muốn đầu tư, nền văn hóa làng, cội nguồn của bản sắc văn hóa Việt Nam đang bị mai một, những giá trị truyền thống bị phôi pha, các thế hệ tương lai sẽ bỏ rơi nông thôn.

Tuy nhiên, với một nền tảng văn hiến được xây cất trên một triết lý “người ta là hoa của đất”, nếu biết định hình một chiến lược phát triển đất nước coi con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của phát triển, thì sẽ tìm ra được một cách đi đúng, tránh những xô bồ chứa nhất nhiều hiểm họa như hiện nay. Văn hóa chính là chìa khóa mở ra cánh cửa của những giải pháp về kinh tế, xã hội trong sự phát triển của đất nước.

Để là “chìa khóa”, phải thấy được văn hóa là một cấu trúc có bề sâu. Cuộc sống xã hội được phản chiếu ở bề mặt, dưới bề mặt đó, văn hóa được phân chia theo những tầng khác nhau, thường tiềm ẩn và tưởng như vô thức. Ở độ sâu này, có một sự sắp xếp của các quy tắc văn hóa điều chỉnh bề mặt ở bên trên. Chính sự tiềm ẩn và tưởng như là vô thức này nằm chìm trong đời sống của dân tộc, làm nên bản lĩnh và cốt cách, tạo dựng nên sức mạnh của dân tộc. Cũng vì vậy vun đắp văn hóa không thể làm theo cách ăn xổi ở thì kiểu “mì ăn liền”. Văn hóa được hình thành theo quy luật thẩm thấu. Để vun đắp văn hóa phải biết “thăm dò cái gốc của nó, lại phải tưới tắm cái ngọn của nó, mở rộng cái nguồn của nó, lại phải buông lơi cái dòng của nó” như lời bàn của Nguyễn Văn Siêu, danh sĩ Việt Nam thế kỷ 19.

Theo THẾ GIỚI MỚI

Tags: ,