Đôi dòng suy tư về những người già trong hộp diêm đô thị

Đời sống đô thị hiện đại và tốc độ dường như đã tước đi trong mỗi chúng ta cái thói quen “tắt lửa tối đèn có nhau” ấy rồi. Và đừng nghĩ ta luôn trẻ mãi như ngày hôm nay. Hãy nghĩ, một mai ta già đi, ta sẽ cô độc thế nào trong hộp diêm mà chính mình đã tạo dựng…

Đôi dòng suy tư về những người già trong hộp diêm đô thị

Một buổi sáng dịu dàng hẳn sau đêm mưa đầu tiên của Sài Gòn giữa đỉnh điểm mùa khô oi bức đã trở nên dịu dàng hơn khi tôi mở facebook ra và nhìn vào tấm ảnh của một người chị vong niên. Chị chia sẻ lại một bài đăng rất cũ, với trích dẫn là một câu hát quen thuộc, tươi tắn, yêu đời, đi kèm với tấm ảnh chị chụp năm 1981.

Trong tà áo dài hoa, đứng bên chiếc tủ búp phê quen thuộc của thời bao cấp, bên cạnh là cây thông Noel mang từ Liên Xô về, chị mặn mòi vẻ đẹp của người phụ nữ mới ngoài ba mươi. Bây giờ, chị đã U80 nhưng đôi mắt chị vẫn không hề thay đổi, vẫn ánh lên cái ánh sáng cuốn hút của một người có đời sống tâm hồn phong phú, lãng mạn và sôi nổi…

Đó là ký ức của chị, người còn hơn cả tuổi mẹ tôi nhưng coi tôi như đứa em nhỏ trong nhà. Chị vốn là bác sĩ. Mấy chục năm lăn lộn trong nghề, chị hiếm khi tỏ vẻ bên ngoài mình là một người làm trong ngành y, trừ phi mỗi khi bạn bè mệt mỏi, chị tư vấn vài loại thuốc bổ nên dùng. Chị giống một văn sĩ thì hơn, và chị viết cũng rất sắc. Chị chơi với giới văn nghệ nhiều, đi cùng họ nhiều, trải cùng họ nhiều và uống với họ cũng nhiều.

Thời trẻ, chuyện hôn nhân đổ vỡ, mình chị nuôi hai người con và dù luôn tranh thủ tăng ca kiếm thêm thu nhập, chị vẫn dành được thời gian cho những cuộc giao lưu bằng hữu để có một khoảng sống cho riêng mình. Và chị vẫn duy trì được cái lối sống tươi trẻ ấy cho tới tận hôm nay, khi đã lên chức bà ngoại. Ngày ngày, vì con cháu trong nhà chỉ mê đồ ăn bà nấu chứ không chịu đồ ăn của bất kỳ người giúp việc nào, chị vẫn đi chợ, nấu cơm cho cháu đi học về, con đi làm về được ăn cơm bà, cơm mẹ. Rồi sau đó, chị lên đồ, cầm theo cái túi xách nhỏ luôn có một bao thuốc lá Hòa Bình, đi “tụ tập” cùng những đứa em kết nghĩa nhỏ tuổi như tôi. Chị mê whisky, nhất là loại single malt đậm mùi khói.

Nhưng sức sống của chị mới là đáng nể. Chị luôn giữ cho mình sự cân bằng trong tâm hồn và đồng điệu cùng với thời đại để đón nhận những cái mới mẻ của giới trẻ. Chị thích ngao du đây đó, sưu tầm những đồ lưu niệm be bé xinh xinh ở những nơi mình đi qua. Và điều khiến tôi nể phục chị nhất là chị vẫn vững vàng sau khi rơi quá nhiều nước mắt lúc người con lớn của mình ra đi vì bạo bệnh. Nghĩ đến bà chị U80 của mình, tôi luôn nhớ cái tên phim “Phải sống” dù nội dung phim không ăn nhập gì. Tôi, trong những tâm tư riêng của mình, nhiều khi đã không “sống” được như chị mà chỉ đơn thuần là tồn tại.

Rồi tôi nhớ mẹ tôi, cũng trạc tuổi chị, cũng dân gốc Quảng Nam, cũng là cựu học sinh miền Nam như chị. Tôi nhớ mẹ từng nói khi ông ngoại tôi qua đời, rằng “sau này mẹ đi nhà dưỡng lão để ở chứ các con còn vất vả, mẹ không muốn làm phiền”. Mẹ cố dành dụm để có chi phí vào nhà dưỡng lão sau này. Tôi kiên quyết chống lại cái ý định tân tiến ấy của bà. Tôi không thể nào để cha mẹ mình vào nhà dưỡng lão khi mình vẫn có sức để phụng dưỡng. Nhưng muốn chống lại một ý định của người già, ta rất cần sự kiên nhẫn.

Tôi nhiều khi ước gì mẹ thích uống rượu, nhiều bạn vong niên giống như bà chị của mình. Bởi lẽ, chính những nguồn vui kiểu ấy, mà những ai tiêu cực sẽ gọi là “đàn đúm”, có khi lại là nguồn sống cho tuổi già.

Có bao nhiêu người già đang cô đơn ngoài kia? Tự dưng tôi đặt ra câu hỏi ấy. Nhất là hôm trước, trong nhóm “chat” của chung cư tôi sống, có một người đưa tấm ảnh một bác lớn tuổi, xuống đến tầng trệt chung cư thì xỉu và may nhờ lực lượng bảo vệ cùng các cháu hàng xóm đưa bác đến bệnh viện kịp thời nên qua được mối nguy tai biến. Tin nhắn của cô gái trong nhóm khiến tôi nghĩ mãi. Cô ấy nói đại ý, những ai có cha mẹ sống 1 mình ở chung cư thì nên báo với ban quản lý và nhóm cư dân để mọi người còn để mắt lưu tâm bởi người già ở một mình, không biết biến cố đến khi nào.

Xã hội hiện đại hơn, với nhiều chung cư hơn ở các đô thị. Có những chung cư thậm chí cư dân chỉ có thể đi thang máy lên đúng tầng mình ở mà thôi. Và khi bước vào căn hộ đóng sập cửa rồi, họ ở trong một thế giới cách biệt hẳn. Những người già sống trong các căn hộ như thế khiến tôi nghĩ đến hình ảnh những hộp diêm. Những người già sống trong hộp diêm, thế giới bên ngoài biết gì về họ, họ biết gì về những ai xung quanh mình?

Những người già sống ở hẻm, ngõ thường vẫn còn có cơ hội giao lưu xóm giềng hơn. Xóm ngõ vốn dĩ gắn kết với nhau bằng sợi dây thời gian kéo dài; còn ở chung cư, người đi kẻ đến, hàng xóm ít biết nhau hơn. Thế nên, người trẻ ở chung cư đã cô đơn, người già ở chung cư còn cô độc hơn. Vì đơn giản, bè bạn họ ngoài đời cũng già như họ, cũng được con cái cất giữ ở một chung cư nào đó, xa xôi cách trở, gặp nhau được mấy khi, nhớ nhau thì qua tin nhắn thôi. Thậm chí, bạn bè họ cũng rơi rụng dần vì số mệnh, nên cái sự cô độc nó càng dầy thêm lên. Trong sự cô độc ấy, họ yếu ớt dần đi về thể lý khi tinh thần mỗi ngày mỗi bị hư hao.

Thế nên mẹ tôi mới nghĩ đến cái nhà dưỡng lão, vì ở đó bà biết bà sẽ có bạn. Song, tôi nghĩ khác. Đó sẽ là một nơi có thể mới lạ, thậm chí vui, trong khoảng thời gian ngắn ban đầu. Sau đó sẽ là những ngày lặp lại nhàm chán. Nó có thể không khiến người già cô độc nhưng nó không thể khiến họ không cô đơn.

Người già không sống trong hộp diêm có nhiều điều kiện tương tác hơn. Dù sao, hoạt động của hội hưu trí, tổ dân phố ở xóm ngõ cũng mạnh mẽ hơn ở các chung cư. Rồi còn cả các hoạt động của những nhóm cùng tín ngưỡng nữa. Nhưng đâu phải ai cũng có khả năng mua một căn nhà như thế giữa thời đại đô thị hóa đất đắt hơn vàng. Chung cư trở thành nơi trú ẩn lý tưởng cho rất nhiều gia đình, thậm chí vẫn còn là ước mơ của nhiều người đang còn phải nay đây mai đó ở nhà thuê. Như một đồng nghiệp già của tôi, cũng là bạn của bà chị U80 kể trên. Cả đời làm báo, đến khi về hưu anh vẫn còn phải ở nhà trọ. Phải chăng, vì thế nên sau này anh say suốt ngày, và say từ rất sớm?

Người Nhật ở một vùng nào đó xưa kia còn có tục người già sẽ vào rừng, và chết ở đó để không phiền con cháu. Người già thường mang tâm thức như vậy, tâm thức không muốn để lại gánh nặng nào cho thế hệ sau của mình. Không để lại được di sản gì thì thôi, đằng này lại còn khiến thế hệ sau phải vất vả thêm, đó là điều đại đa số người già suy nghĩ. Nhưng người già có lẽ cũng cần hiểu rằng những người trẻ sẽ luôn day dứt trong lòng nếu không thể lo lắng được chu toàn cho mẹ cha mình. Bởi thế, sẽ luôn có những mâu thuẫn kiểu như cách tôi chống lại ý đồ đi nhà dưỡng lão của mẹ tôi. Và tôi tin, kể cả những gia đình Âu hóa hiện đại đến mấy đi nữa, xem phương án viện dưỡng lão là tối ưu, chắc chắn sẽ có một khoảnh khắc nào đó họ xao lòng khi chợt nghĩ “giờ này ở viện dưỡng lão, cha/mẹ mình đang làm gì nhỉ?”.

“Sinh lão bệnh tử” vốn là lẽ thường, nhưng khi ta càng già đi, ta càng phải giữ cho mình “đừng chết sớm”. “Chết” ở đây là cái chết trong tâm hồn, khi tự chấp nhận mình đã già và không còn hoạt động gì nữa. Người chị của tôi vẫn đang sống một đời sống sôi nổi như chị đã từng suốt bao nhiêu thập niên qua và chị cũng thuộc diện của hiếm trong giới những người cao tuổi. Chị có được một đời sống như thế cũng bởi chị đã chuẩn bị cho nó bằng chính sự tương tác với xã hội một cách cởi mở từ khi chị còn là người trẻ. Còn những người đã quên chuẩn bị cho mình điều đó thì sao? Có lẽ, những người xung quanh họ cần phải quan tâm đến họ hơn, để kéo họ rời khỏi những hộp diêm trong đô thị, để bắt đầu xây dựng những tương tác xã hội xung quanh, ở ngay khu mình sống, để khiến các chung cư vô hồn trở thành những “xóm, ngõ” thực sự với những hàng xóm thực sự.

Đời sống đô thị hiện đại và tốc độ dường như đã tước đi trong mỗi chúng ta cái thói quen “tắt lửa tối đèn có nhau” ấy rồi. Và đừng nghĩ ta luôn trẻ mãi như ngày hôm nay. Hãy nghĩ, một mai ta già đi, ta sẽ cô độc thế nào trong hộp diêm mà chính mình đã tạo dựng…

Theo VĂN ĐOÀN / AN NINH THẾ GIỚI

Tags: ,