Định mệnh của đội bóng Shakhtar Donetsk: Biểu tượng của một đất nước chia rẽ

Sau 10 giờ tối, bạn sẽ chẳng nghe thấy bất cứ tiếng bước chân nào trên hè phố Donetsk nữa. Đó là thời điểm một tiếng trước khi giờ giới nghiêm quân sự hàng đêm bắt đầu và chẳng ai tận dụng chút thời gian ít ỏi còn lại để ra ngoài hết. Thành phố chìm trong tĩnh lặng. Những thanh âm chỉ quay trở lại vào 4 giờ sáng hôm sau, khi lệnh giới nghiêm được bãi bỏ.

Lược dịch từ bài viết “Shakhtar Donetsk: The Ukrainian serial winners forced to flee from war” của tác giả Robert O’Connor trên BBC

Donetsk đã từng là một thành phố khá hứa hẹn. Nằm ở phía đông Ukraina và sát biên giới với Nga, giờ đây nó lại là một địa điểm quan trọng trong cuộc xung đột căng thẳng với khá ít dấu hiệu hạ nhiệt. Khoảng 13.000 người đã bị chết và Liên hợp quốc ước tính ít nhất 1,3 triệu người đã rời bỏ quê hương của mình. Nhiều người ở lại Donetsk thì đã suy kiệt sau nhiều năm bị cô lập. Trong khi đó, đội bóng đá của họ – trái tim của đời sống xã hội thành phố – cũng đã rời đi.

1. Shakhtar Donetsk – nhà vô địch Ukraina, một trong 20 đội mạnh nhất châu Âu theo đánh giá của UEFA – thi đấu lần cuối cùng ở đây đã từ năm 2014. Cuộc chiến nổ ra vào thời điểm tháng 4, khi phe ly khai thân Nga được trang bị khí tài, vũ trang mạnh mẽ chiếm đóng các vùng lãnh thổ rộng lớn của khu vực Donbas thuộc Ukraina, trong đó có Donetsk. Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) được thành lập.

Chính phủ Ukraina cáo buộc Nga đã hỗ trợ quân sự cho phe ly khai ở phía đông đất nước đồng thời gửi quân đội tới khu vực này. Phía Moskva phủ nhận cáo buộc trên nhưng thừa nhận các “tình nguyện viên” người Nga đang chiến đấu cho phiến quân.

Sân vận động Donbas Arena với sức chứa 50.000 chỗ ngồi của Shaktar là nơi đã chứng kiến chiến thắng 3-1 của đội nhà trước Illichivets Mariupol, qua đó giúp họ có chức vô địch quốc gia thứ 5 liên tiếp. Thế nhưng chỉ có 18.000 khán giả tới sân khi thành phố đang trên bờ vực chiến tranh. 2 ngày sau, lá cờ DPR tung bay trên trụ sở cảnh sát. Lực lượng Ukraina đáp trả bằng pháo kích. 1 tháng trước đó, Nga đã sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraina ở phía nam vào lãnh thổ nước mình.

Donbas Arena là nơi tổ chức trận bán kết Euro 2012. Nhà vô địch thế giới khi đó là Tây Ban Nha đã đánh bại Bồ Đào Nha trên châm luân lưu trước sự chứng kiến của các khán giả có mặt trên sân và hàng trăm triệu người xem qua truyền hình. Giờ đây, bóng không còn lăn ở đây nữa. Dấu hiệu duy nhất về cuộc sống trước đây ở nơi này là tấm biển với dòng chữ “Không được giẫm lên cỏ”.

Sân vận động đã từng bị hư hỏng 2 lần, lần đầu là khi một quả pháo bay vào trong sân, lửa bắt đầu bùng lên và một lần khác khi tên lửa của Ukraina rơi xuống gần đó. Sóng xung kích làm rung chuyển một phần mái của sân. Sau đó, sân đã đươc sửa qua tuy nhiên vẫn chưa thể coi là an toàn được.

Khi Shakhtar gặp lại Manchester City ở Champions League vào tháng 10/2018, trận đấu không được diễn ra ở đây mà tại Kharkiv, nơi cách 100 dặm về phía tây.

“Sau khi vụ nổ xảy ra, việc sửa phần mái tốn khá nhiều chi phí”, Victoria – hướng dẫn viên của sân – chia sẻ. Tại đây sẽ có đội ngũ hướng dẫn viên làm nhiệm vụ giới thiệu cho khách thăm quan. Victoria nói thêm: “Công việc này cần hoàn thành và cần số tiền mà DPR không có”.

Bước xuống đường hầm, chúng ta sẽ đi qua các hành lang bê tông nơi hàng núi thực phẩm và vật tư y tế được chất đống cho đến năm 2017. Chúng được vận chuyển trong những chiếc xe tải từ Ukraina, nó nằm trong chiến dịch “Hãy giúp đỡ” của ông chủ Shakhtar Donetsk – ông Rinat Akhmetov. Tuy nhiên, bạn sẽ ít khi nghe thấy mọi người tỏ lòng biết ơn với hành động của oligarch này (để chỉ một nhà tài phiệt có quyền lực lớn và có khả năng kiểm soát thị trường kinh tế, chính trị ở các nước hậu Xô Viết).

Shakhtar buộc phải rời đi vì tình hình an ninh khi phe ly khai kiểm soát thành phố. Họ không thể nào quay lại được. Nếu làm như vậy chẳng khác nào họ đã ngầm thừa nhận lực lượng phiến quân. Bên cạnh đó, sẽ chẳng có đội khách nào vượt qua ranh giới quân sự giữa lực lượng DPR và Ukraina hết.

Oleg Antipov – cựu nhân viên báo chí và phụ trách lịch sử CLB – nói rằng người dân thành phố đã “chối bỏ” Akhmetov. “Tiền bạc và tầm ảnh hưởng của ông ấy đáng lẽ đã có thể giúp đỡ thành phố này. Giờ đây những gì ông đã làm cho thành phố là vô nghĩa”, Antipov nói.

Nikolai Tarapat – Bộ trưởng Thể thao của chính phủ Cộng hòa Nhân dân Donetsk – thì tuyên bố: “Mọi chuyện tùy thuộc vào ông Akhmetov. Chúng tôi không thể bình luận gì về quyết định của ông ấy. Vì bất cứ lý do liên quan đến kinh doanh nào, ông ấy lựa chọn hy sinh Donetsk và chuyển CLB đi. Ai biết được ra sao? Có lẽ trong tương lai, Shakhtar có thể trở thành chìa khóa cho hòa bình”.

Ngay cả khi đã rời khỏi thành phố, Shakhtar cũng không có cách nào để tránh hoàn toàn khỏi xung đột. Năm 2017, một tổ chức theo khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa của Ukraina đã phát áo phông có khẩu hiệu ủng hộ các cựu chiến binh đến tất cả các đội ở Premier League của Ukraina (giải VĐQG Ukraina), mọi người sẽ mặc áo chiếc áo này lên trước khi trận đấu diễn ra. Có 17 trong tổng số 18 đội mặc chiếc áo, ngoại trừ Shakhtar.

Tổ chức của các cựu binh đã chỉ trích Liên đoàn bóng đá Ukraina vì can thiệp vào việc Shakhtar đại diện cho ai và cáo buộc họ “uống máu những người Ukraina ái quốc mộc mạc”. Trước đó vào năm 2014, một sự cố đã xảy ra khi đội bóng được yêu cầu mặc áo phông và tuyên bố “Quân đội Ukraina vinh quang” trước một trận đấu gặp Karpaty Lviv. Phía Shakhtar từ chối.

Trong khi đó, Yaroslav Rakitskiy – cựu hậu vệ Shakhtar và là một người Donbas – đã phải đối diện với những câu hỏi trên báo chí vì anh từ chối hát quốc ca khi thi đấu cho đội tuyển Ukraina. Anh rời CLB vào tháng 1 năm nay để khoác áo Zenit St Petersburg – nhà vô địch nước Nga. Rakitskiy, 30 tuổi, bị xem như kẻ phản bội vì cuộc chuyển nhượng này. Zenit được tài trợ bởi Gazprom – gã khổng lồ ngành năng lượng thuộc sở hữu của chính phủ Nga, công ty này đã cắt nguồn cung khí đốt cho Ukraina kể từ khi xung đột bắt đầu xảy ra.

Cuộc chuyển nhượng khiến thanh danh của Rakitskiy bị tổn hại nghiêm trọng, trong cuộc thăm dò của trang tin Tribune ở Kyiv, 57% cổ động viên nói rằng họ tin anh không xứng đáng được tiếp tục thi đấu cho đội tuyển quốc gia. Và kể từ khi được bán tới Nga, Rakitskiy cũng không được gọi lên đội tuyển lần nào nữa.

Các CĐV có mặt ở trận chung kết Donbass Cup WInner năm 2018.

2. Shakhtar chuyển tới sân Donbas Arena vào năm 2009 để thay thế cho sân Shcherbakov Park đã quá xuống cấp ở phần những khán đài sân thượng từ những năm 30 của thế kỷ 20. “Quyết định rời bỏ chúng tôi là của Shakhtar nhưng chúng tôi không thể buồn mãi được”, Antipov nói. “Chúng tôi phải hướng về tương lai”.

Các cầu thủ chuyên nghiệp của khu vực cũng bắt buộc phải rời đi tuy nhiên các cầu thủ nghiệp dư thì vẫn chơi bóng ở đây. Giải vô địch 10 đội vẫn diễn ra trong suốt các tháng mùa hè. Gvardeets – nhà vô địch năm 2018 – đã thi đấu tại Donetsk, họ dẫn đầu hạng đấu kể từ giai đoạn giữa của mùa giải.

Các trận đấu của họ được diễn ra ở sân Donetsk Olympic, nơi mà năm 2008 Shakhtar đã đối đầu Barcelona, AC Milan và Roma ở Champions League trước sự chứng kiến của 25.000 khán giả. Các trận đấu của giải nghiệp dư thì chỉ thu hút lượng khán giả nhỏ, trong đó mỗi trận chỉ khoảng vài trăm người.

Đối với Shakhtar, sân nhà của họ hiện nay là sân vận động Metalist ở Kharkiv. Trước đó, họ chọn một sân ở Lviv – một thành phố ở phía tây, điểm nóng của chủ nghĩa dân tộc Ukraina, nơi họ bị tẩy chay và căm thù vì mối liên hệ của Donbas với Nga.

“Mục đích của chúng tôi là giúp họ cảm thấy như ở nhà trong khi không quên rằng họ là những vị khách”, ông Anton Ivanov – giám đốc của FC Metalist chia sẻ. “Không ai cảm thấy Shakhtar giống như một đội bóng tị nạn cả. Cuộc chiến tranh này bất ngờ xảy ra trong cuộc đời của chúng tôi tuy nhiên chúng tôi vẫn là người một nước. Có khoảng 200.000 người tị nạn ở Kharkiv là tới từ Donbas. Hiện tại họ đã là người Kharkiv. Chúng tôi vui mừng khi có Shakhtar vì họ đã mang Champions League tới đây”.

Shakhtar nổi lên thay thế Dynamo Kyiv đã chỉ còn là cái bóng của lịch sử để thống trị bóng đá Ukraina vốn đã thay đổi rất nhiều trong 30 năm qua. Kể từ năm 2002, Shakhtar đã giành 12 chức vô địch quốc gia và trở thành nhân vật quen thuộc ở Champions League. Thành công này phần lớn là nhờ tỷ phú Akhmetov, ông đã kế thừa CLB khi vị chủ tịch trước bị giết trong một trận bom ở sân Shcherbakov Park vào năm 1995. Từ đó, ông đã đổ hàng triệu USD vào CLB với mục tiêu hạ bệ ngôi vị số một của Dynamo.

Năm 2002, Shakhtar bổ nhiệm HLV nước ngoài đầu tiên là ông Nevio Scala – cựu cầu thủ Inter Milan. Chỉ trong vòng 6 tháng, họ đã giành danh hiệu vô địch Ukraina đầu tiên. “Scala mang tới CLB những điều chưa từng có trước đó. Ông ấy dạy cho đội bóng biết rằng họ có thể đánh bại Dynamo Kyiv. Tất nhiên, điều đó cũng giúp chủ tịch trở nên giàu có hơn bao giờ hết”, Igor Petrov – cựu thủ quân Shakhtar và đội tuyển Ukraina bày tỏ.

Sau đó, sự xuất hiện của HLV ngoại quốc thứ 2 – ông Mircea Lucescu người Romania – vào năm 2004 là một bước ngoặt khác. “Lucescu là người bắt đầu đưa các cầu thủ trẻ người Brazil về đội và đào tạo họ để bán đi”, Petrov nói.

Khi Ukraina đang gặp khó khăn trong việc đào tạo các cầu thủ bản địa thì Shakhtar lại bắt đầu xây dựng một mạng lưới các người đại diện và tuyển trạch viên ở Nam Mỹ. Khởi đầu với cầu thủ chạy cánh Jadson – người đã ghi bàn vào lưới Werder Bremen năm 2009 để giúp Shakhtar lên ngôi vô địch UEFA Cup – rồi đến Douglas Costa – cầu thủ đã phá vỡ kỷ lục chuyển nhượng Ukraina khi được bán cho Bayern Munich vào năm 2015 với giá 30 triệu Euro, Shakhtar đã trở thành cánh cửa cho các ngôi sao Brazil đến châu Âu. Willian của Chelsea và Fernandinho của Manchester City cũng đều đã đi qua chặng hành trình ở Donbas.

“Tài năng bản địa nào cũng đều rời đi để tới các quốc gia khác”, Petrov nói về một cuộc di cư sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991. “Thời điểm năm 2005, không hề có lứa thế hệ mới nào nổi lên ở Nga hay Ukraina cả. Chính vì thế, chúng tôi buộc phải hướng sang Brazil. Khi nhìn lại điều này thì đúng là chúng tôi không còn lựa chọn nào khác”.

Tuy vậy, bất chấp sự đổ xô ồ ạt của người nước ngoài, trung tâm của bản sắc mới của CLB là vị trí của họ trong sự chia rẽ vốn diễn ra từ lâu giữa những người nói tiếng Nga ở phía đông và phần còn lại của Ukraina.

“Sự cạnh tranh với Dynamo thực sự diễn ra khi Shakhtar đánh bại họ vào năm 2004”, phóng viên Viktor Sharafudinov cho biết. “Hãy tưởng tượng mà xem, bạn có 30.000 cổ động viên đi từ Donetsk đến Kyiv khi đội thi đấu. Thủ đô bị phủ bởi màu cam và đen của Shakhtar. Đột nhiên, thái độ của giới truyền thông thay đổi. Đó là khi các yếu tố chính trị bắt đầu xen vào”.

Khi Shakhtar tổ chức cuộc diễu hành ăn mừng chức vô địch UEFA Cup 2009, ông Viktor Yanukovych là nhân vật thu hút sự chú ý. Là cựu thống đốc của vùng Donetsk, các mối quan hệ chính trị thân cận và những sự ủng hộ mà Yanukovych có được chủ yếu tới từ các vùng phía nam và phía đông Ukraina – những nơi nói tiếng Nga. Điều đó giúp ông giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2004. Tuy nhiên, nhiều người trong khu vực đã cảm thấy bị phản bội khi sau những cuộc biểu tình lớn ở Kiev mà sau đó được biết đến với cái tên Cách mạng Cam, cuộc bầu cử bị tuyên bố là gian lận và Yanukovych bị hạ bệ.

Những chia sẻ của ông với các cổ động viên Shakhtar đang hò hét phía dưới vào cái ngày đội bóng diễu hành năm 2009 thực sự mang tính biểu tượng – dù không phải theo cách bất cứ ai sau đó cũng mong đợi.

“Shakhtar đã trở thành biểu tượng của Ukraina. Tôi tin rằng chiến thắng này sẽ mở đường cho sự thống nhất của Ukraina”.

Yanukovych một lần nữa được bầu làm tổng thống vào năm 2010, lần này cuộc bầu cử đã hợp pháp. Tuy nhiên, một cuộc phản đối quyết định từ bỏ thỏa thuận hợp tác với Liên minh châu Âu của ông vào tháng 11/2013 đã biến thành chiến dịch lớn (và sau đó trở nên vô cùng bạo lực) để đẩy ông khỏi quyền lực.

Giờ đây, Shakhtar dường như là một biểu tượng khác của Ukraina: biểu tượng của đất nước chia rẽ. Chính phủ đất nước có một trang web liệt kê những người mà họ cho là khủng bố vì có những liên kết với phiến quân ly khai ở phía đông. Trong đó nó bao gồm cả những cái tên từng được ngưỡng mộ ở Ukraina, những người như Zvyaginstev – cựu thủ quân Shakhtar. Chúng tôi đã gặp nhau trong văn phòng chật chội của ông – được trang trí bằng những kỷ vật từ thời Xô Viết – tại cơ quan điều hành, quản lý bóng đá của thành phố Donetsk.

“Bóng đá giúp tất cả mọi người ở Donetsk đoàn kết lại” ông chia sẻ, làn khói thuốc len lỏi bay. “Đó không phải giấc mơ. Tôi tin rằng khi tôi còn sống, chúng tôi sẽ lại được thấy bóng đá diễn ra trên sân Donbas Arena. Shakhtar cũ từ thời Xô Viết, tôi sẽ không bao giờ quên thời kỳ đó. Giống như Bobby Charlton cũng sẽ không bao giờ quên ngày tháng của mình ở Manchester United vậy. Tuy nhiên, tôi hối tiếc vì những gì đã xảy ra, tất cả nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi. Chúng tôi đã từng sống trong hòa bình. Còn giờ đây hãy nhìn chúng tôi ở hiện tại mà xem”.

Theo THỂ THAO VIỆT NAM

Tags: ,