Điện ảnh, thị hiếu và vấn đề phản ánh thực tại trong điện ảnh

Trong điện ảnh, không có thế giới khách quan 100%. Thế giới được phản ánh trong điện ảnh là thế giới thông qua góc nhìn thực tại chủ quan của các nhà làm phim.

Điện ảnh, thị hiếu và vấn đề phản ánh thực tại trong điện ảnh

Điện ảnh là gì?

Nói đến “điện ảnh” là nói đến các bộ phim chiếu rạp. Rõ ràng hơn, “phim” được tạo thành từ hệ thống các hình ảnh chuyển động, có yếu tố âm thanh và màu sắc, nhằm phản ánh một hiện thực hoặc truyền tải một thông điệp nào đó.

Để kết nối các yếu tố đó lại với nhau, chúng ta cần sự giúp đỡ của kĩ thuật công nghệ.

Như vậy, chúng ta có thể khái quát khái niệm điện ảnh (nói riêng), cũng như khái niệm phim (nói chung) qua công thức sau:

Phim = sự chuyển động của các hình ảnh (1) + âm thanh, màu sắc, ánh sáng,… (2) + kĩ thuật (3)

Để có được sự chuyển động của hình ảnh thì trước tiên phải có sự xuất hiện của hình ảnh. Do vậy, sự ra đời của điện ảnh gắn liền với sự tồn tại của nhiếp ảnh. Nhiếp ảnh ra đời do nhu cầu thu lại, lưu giữ lại 1 hình ảnh, 1 khoảnh khắc nào đó của con người. Từ 1826, Nielfs đã chế tạo thành công máy chụp ảnh đầu tiên (bức ảnh chụp ra được đưa ra ánh sáng, 8 tiếng sau hình ảnh đó hiện lên). Đến khi ông qua đời, Daguerre tiếp tục nghiên cứu máy ảnh vào năm 1833. Đến năm 1837, Daguerre phát triển một hệ thống chụp ảnh có giá trị thực dụng là “Máy chụp ảnh Daguerre”. Năm 1839, ông công bố nhưng không xin được bằng sáng chế độc quyền vì có nguồn tranh cãi bằng sáng chế đó là của Nielfs chứ không phải của ông.

Khó khăn trong việc xin bằng sang chế còn do trong cùng một khoảng thời gian, máy ảnh được phát minh ở rất nhiều nơi trên thế giới: từ thế kỷ 16, đã có một người là Gerolano Cardano mở màn cho việc phát minh ra máy ảnh. Ngoài ra, từ năm 1835, William Henry Fox Talbot (Anh) đã sáng chế ra máy chụp ảnh bằng âm bản, nhưng đến năm 1839 ông mới công bố.

Chính vì những lùm xùm trên nên vào năm 1839, chính phủ Pháp đã tuyên bố phát minh “máy chụp ảnh” là “món quà tặng miễn phí toàn thế giới”. Một thời gian sau, điện ảnh ra đời.

Tiền đề đầu tiên cho sự ra đời của điện ảnh là 1 câu hỏi bâng quơ:

“Khi con ngựa đang chạy thì chân nó không chạm đất không?”

Để trả lời cho câu hỏi này, vào năm 1878, Eadweard Muybridge, một nhiếp ảnh gia Mỹ, đã chụp một loạt tấm ảnh về một con ngựa đang chạy, chủ yếu để “đóng băng” hành động, nhằm trả lời cho câu hỏi đã nêu ở trên.

Sau một loạt tấm ảnh đó, người ta nhận ra có thể tái hiện sự chuyển động bằng cách chiếu ra những hình ảnh nối tiếp nhau. Từ đó, nhu cầu thu-lại-sự-chuyển-động ra đời, tồn tại song song với nhu cầu thu-lại-hình-ảnh của nhiếp ảnh.

Sau một quá trình dài nghiên cứu máy ảnh (đặc biệt với sự đầu tư của Thomas Edison), năm 1893, Dickson (nhân viên của Edison) đã sáng chế ra một máy camera quay phim ngắn 35mm. Do nhìn thấy khả năng kiếm tiền từ việc kết hợp máy quay này với máy hát của ông để chiếu phim nói, Edison giao cho Dickson nhiệm vụ chế tạo ra máy chiếu phim nhìn qua lỗ nhỏ gọi là Kinetoscope để chiếu phim cho từng cá nhân xem. Tuy vậy, vì nghĩ rằng việc chiếu phim-xem phim này chỉ là trò thích thú ngắn ngủi của cộng đồng nên Edison không mở rộng hệ thống chiếu phim này ra.

Trong lúc đó, ở Pháp, anh em nhà Lumière cũng sáng chế ra camera của riêng họ. Ngày 28/12/1895, anh em Lumière tổ chức một trong những buổi chiếu phim công cộng đầu tiên trên một màn hình tại toà nhà Grand Café ở Paris.

Một buổi công chiếu phim sớm hơn cũng đã diễn ra tại Đức vào 1/11/1895 do Max Skladanowsky tổ chức.

Như vậy, sau khi chính phủ Pháp tặng miễn phí cho thể giới sáng chế máy ảnh, cùng một khoảng thời gian, có rất nhiều người cùng nghiên cứu để tạo ra một loại máy thu lại được sự chuyển động, và phát triển nó thêm 1 mức: thu lại hình ảnh, kèm theo âm thanh, công chiếu. Có người nhìn hiện tượng này chỉ như một trò giải trí và dừng lại, có những người đi tiếp, phát triển nó bằng cách thu lại nhiều chuyển động hơn, đưa câu chuyện vào trong chuyển động.

Nhìn vào lịch sử ra đời của điện ảnh đó, chúng ta có thể thấy, để hoàn thành một bộ phim, không thể thiếu đi yếu tố kĩ thuật. Còn để duy trì và phát huy yếu tố kĩ thuật, các nhà làm phim cần tiền. Vậy tiền đến từ đâu?

Thời kỳ đầu, vì chính phủ chưa đầu tư cho điện ảnh nên tiền làm phim chủ yếu do các nhà làm phim tự bỏ ra, hoặc đi xin tài trợ. Về sau, các buổi công chiếu buộc phải thu tiền và các nhà làm phim dùng số tiền đó để chi trả cho các hoạt động của mình. Dần dần, điều đó dẫn đến việc phải làm ra những bộ phim có thể thu hút được người xem. Chính yếu tố này khiến điện ảnh liên quan mật thiết đến công nghiệp tiêu dùng và thương mại.

Cũng từ đây, ta có thể khẳng định: Điện ảnh ngay từ khi ra đời đã gắn liền số phận của mình với “thị hiếu” của người thưởng thức. Những bộ phim nghệ thuật chỉ là yếu tố đến sau.

Vậy, “thị hiếu” là gì?

Thông thường, “thị hiếu” được dùng với nghĩa là những yếu tố khán giả thích/ không thích trong một bộ phim (âm thanh, cách dựng phim, cốt truyện,…).

Trong phạm vi bài viết, tôi quy ước “thị hiệu” là sự quan tâm, tò mò của khán giả đến một vấn đề nào đó, dẫn đến việc điện ảnh biểu hiện hoặc đưa ra câu trả lời cho sự tò mò ấy. Có thể hình dung đơn giản về thị hiếu rằng: Một bên đặt câu hỏi (và tìm kiếm câu trả lời) – Khán giả; một bên đưa ra câu trả lời – Điện ảnh. Vì có vô số câu hỏi, có vô số người hỏi, cũng có vô số người trả lời, nên số lượng câu trả lời là không giới hạn.

Như vậy, điện ảnh không dừng lại ở việc tái hiện lại thế giới thực thông qua hình ảnh, mà đi vào việc tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi được con người/ người xem đặt ra. Quá trình tìm kiếm câu trả lời ấy qua mỗi thời kỳ, mỗi khu vực, ở mỗi nhà làm phim lại khác nhau.

Trong điện ảnh, không có thế giới khách quan 100%. Thế giới được phản ánh trong điện ảnh là thế giới thông qua góc nhìn thực tại chủ quan của các nhà làm phim.

Theo NGUYỄN HOÀNG DƯƠNG / BOOK HUNTER CLUB

Tags: ,