Điềm Phùng Thị – gương mặt vĩ đại của nền điêu khắc Việt Nam

Dư luận Pháp và Châu Âu đánh giá rất cao nghệ thuật điêu khắc Điềm Phùng Thị: Bà là nghệ sĩ xuất sắc, đầy tài năng hội tụ trong tính thời đại và tính truyền thống lịch sử, biết đặt ngang hàng trong sự tìm tòi, chọn lựa, sáng tạo ngôn ngữ tạo hình hiện đại với việc kế thừa truyền thống. Và trong sáng tạo, trong mỗi tác phẩm, bà đều bộc lộ một cá tính sâu sắc, một sự nhạy cảm tuyệt vời.

Bà Điềm Phùng Thị – một tên tuổi lớn của nền nghệ thuật tạo hình phương Tây đương đại có quê cha ở Bùi Xá – Đức Thọ – Hà Tĩnh và quê mẹ ở Huế kinh kỳ. Bà có tên thật là Phùng Thị Cúc; Điềm là tên chồng.

Bà sinh ra và lớn lên ở đất Huế (1920) trong một gia đình trí thức quan lại triều Nguyễn. Năm 1948, bà sang Pháp chữa bệnh và ở lại tự học lấy bằng bác sỹ nha khoa. Nhưng tài năng và niềm say mê điêu khắc đã đưa bà đến với thế giới sáng tạo nghệ thuật, và bà đã cống hiến tất cả đời mình cho nghệ thuật. Hơn 30 năm sáng tạo (từ 1960 đến nay) bà “đã trở thành niềm vinh dự của nước Pháp (Jacques Rigaud), “là một trong số những nhà tạo hình xuất sắc của thời đại chúng ta”. Các tác phẩm của bà đã có mặt hầu khắp nước Pháp. Bà là người phương Đông đầu tiên dựng trên nước Pháp 36 tượng đài. Triển lãm Điềm Phùng Thị liên tục được tổ chức ở nước Pháp và Châu Âu; là nghệ sĩ tạo hình Việt Nam đầu tiên được ghi danh trong từ điển Laroksse của Pháp.

Dư luận Pháp và Châu Âu đánh giá rất cao nghệ thuật điêu khắc Điềm Phùng Thị: Bà là nghệ sĩ xuất sắc, đầy tài năng hội tụ trong tính thời đại và tính truyền thống lịch sử, biết đặt ngang hàng trong sự tìm tòi, chọn lựa, sáng tạo ngôn ngữ tạo hình hiện đại với việc kế thừa truyền thống. Và trong sáng tạo, trong mỗi tác phẩm, bà đều bộc lộ một cá tính sâu sắc, một sự nhạy cảm tuyệt vời.

Tượng đài Ngôi đền ở Indre & Loire (Pháp). 1973. Ảnh tư liệu của Nhà trưng bày Nghệ thuật Điềm Phùng Thị.

Có một điều đáng nói nhất ở bà, đó là “cái chất Việt Nam, chất phương Đông” trong bút pháp, trong ý nghĩa triết lý, tư tưởng ở mỗi tác phẩm của. Các tác phẩm nổi tiếng của bà đã toát ra một cảm giác đầy yên lặng và suy tư khiến ta có thể nghĩ tới một cái gì đó có phần thần bí như Ngôi Đền, Cầu Nguyện, Cửa Lớn… Trong sáng tạo của mình, Điềm Phùng Thị không chỉ sử dụng tài hoa 7 mô-đun mà như nhiều người nói, cái quan trọng nhất là “một thanh dài kết thúc ở hai đầu bằng hai cỗ phình” gợi nhớ tới mái cong của kiến trúc tôn giáo Á Đông. Việt Nam trong điêu khắc Điềm Phùng Thị, giới bình luận phương Tây thường nói: “Giá trị thần diệu của nét chữ (bà có nhiều tác phẩm dựa trên cơ sở chữ tượng hình Trung Hoa) “một thế giới huyền bí, sống động lạ thường”, tổng hợp của chủ nghĩa nhân văn Á Đông và thuyết phổ độ chúng sinh thần bí”…

Đề tài sáng tạo của Điềm Phùng Thị vô cùng phong phú nhưng có lẽ một trong số đề tài được bà đặc biệt quan tâm là trẻ con và phụ nữ. Và thật đáng trân trọng tình thâm của bà với quê hương, ngay như nhóm tượng Mẹ con đặt ở Pháp. Các nhân vật của bà giống như mẹ con nàng Tô Thị, thật là Việt Nam. Đó là chưa nói đến Quả cam và lá trầu, Xương rồng, Quả đất… quả là một thế giới vô cùng của Điềm Phùng Thị.

Tượng đài Cây ở Saint Martin – d’Hère, Isère (Pháp). 1976. Ảnh tư liệu của Nhà trưng bày Nghệ thuật Điềm Phùng Thị / Trees.

Về tác phẩm của bà, Giáo sư âm nhạc Trần Văn Khê (Việt kiều ở Pháp) có lần nhận xét: “Tượng của chị đã gợi trong lòng tôi những hình ảnh kiến trúc, hội họa và âm nhạc của dân tộc Việt Nam. Tính dân tộc trong công trình điêu khắc của chị gợi cho người xem cái kỳ thú của một sự khám phá cái dịu dàng khi tìm lại được cảnh cũ dấu xưa”.

Mặc dầu đã thành công lớn ngay trên đất Pháp, nổi tiếng khắp Châu Âu và thế giới nhưng tác phẩm và tấm lòng của Điềm Phùng Thị vẫn luôn gắn liền với quê hương xứ sở, đượm tính nhân văn và lòng nhân đạo. Bà nói: “nguyện vọng, mơ ước của tôi là làm sao bồi dưỡng lớp trẻ thăng hoa tài năng nghệ thuật”.

Tượng đài Đá trong khuôn viên Trường Jean Moulin ở Saint Nazaire, Loire Atlantique (Pháp). 1975. Ảnh tư liệu của Nhà trưng bày Nghệ thuật Điềm Phùng Thị.

Năm 1994, bà Điềm Phùng Thị đã chở 214 bức tượng lắp ghép, một phần lớn di sản của mình về Việt Nam. Và với sự cộng tác giúp đỡ của UNESSCO, bộ Văn hóa – Thông tin, Đại sứ quán Pháp, Viện hàn lâm Văn học – Khoa học Châu Âu và các cơ quan, đoàn thể ở Pari, trong đó có “Hội những người bạn Điềm Phùng Thị”, bà đã dùng hầu hết số tiền của mình dành dụm được để lập ra Nhà triển lãm Điềm Phùng Thị ở số 1 Phan Bội Châu – Thành phố Huế. Và tại đây, nhân khánh thành Nhà triển lãm (25/2/1994) bà đã tuyên bố toàn bộ tác phẩm của bà sẽ tặng cho quê hương xứ sở với điều kiện không được bán cho bất cứ một ai.

Tài năng và tình yêu quê hương xứ sở – đó là bà Điềm Phùng Thị.

Tượng đài Hoa sen ở Chenevières, Val de Marns (Pháp). 1976. Ảnh tư liệu của Nhà trưng bày Nghệ thuật Điềm Phùng Thị / Lotus.

Theo TẠP CHÍ VĂN HÓA NGHỆ AN

Tags: ,