Địa vị thống trị của đồng USD liệu có sụp đổ?

Sự thống trị của đồng USD cũng phản ánh các yếu tố địa chính trị. Một thế giới chia rẽ và thù địch hơn có thể dẫn đến sự kết thúc vị trí đặc quyền của đồng USD — và nhiều thứ khác nữa.

Địa vị thống trị của đồng USD liệu có sụp đổ?

Nguồn: “Dollar dominance is as secure as American global leadership”, The Economist, 08/08/2020.

Biên dịch: Phan Nguyên.

Đó là một mùa hè tồi tệ đối với nước Mỹ và đồng USD. Đồng bạc xanh đã giảm hơn 4% so với rổ các ngoại tệ mạnh khác trong tháng 7, mức giảm hàng tháng lớn nhất trong một thập niên, khi giá trị của euro, vàng và thậm chí bitcoin đều tăng vọt. Trong một năm với những biến động thị trường khắc nghiệt, sự chao đảo của đồng USD có vẻ không mấy đặc biệt. Tuy nhiên, khi các biến động này diễn ra trong bối cảnh rối loạn của nước Mỹ, chúng đã gây nên những lo ngại rằng nền kinh tế bá chủ thế giới có thể sắp đến ngày tàn. Một phản ứng yếu kém đối với đại dịch, tình trạng phục hồi kinh tế phập phồng và nợ tăng vọt dĩ nhiên đã đóng góp vào mối lo ngại về sức mạnh kinh tế của Mỹ. Nhưng nếu có lý do nào đó để nghi ngờ sự thống trị của đồng USD, thì đó không phải là do nước Mỹ đang trở nên kém hùng mạnh hơn về kinh tế, mà là vì trật tự thế giới mà nước này xây dựng ngày càng trở nên dễ bị tổn thương hơn.

Địa vị đồng tiền tệ dự trữ thường được coi là một vấn đề phản ánh các yếu tố cơ bản của nền kinh tế. Một nước phát hành đồng tiền dự trữ phải đóng một vai trò quan trọng trong thương mại toàn cầu, điều khuyến khích các đối tác ký kết các hợp đồng bằng đồng tiền của họ. Vai trò lịch sử là chủ nợ toàn cầu cũng giúp mở rộng việc sử dụng đồng tiền và khuyến khích tích lũy nó làm dự trữ. Lịch sử tiền tệ ổn định cũng vậy, bên cạnh các yếu tố như thị trường tài chính sâu và mở. Nước Mỹ thể hiện những thuộc tính này ít hơn so với trước đây. Tỉ trọng của Mỹ trong GDP toàn cầu và thương mại đã giảm và ngày nay Trung Quốc là nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới. Mỹ từ lâu đã không còn là chủ nợ ròng đối với phần còn lại của thế giới – vị thế đầu tư quốc tế ròng của nước này đang âm nặng. Nợ công tăng vọt và chính phủ kém hiệu quả đã gieo rắc nghi ngờ trong giới tài chính rằng đồng USD không còn là một ván cược thông minh trong dài hạn. Và những lời thì thầm, gợi ý rằng ngày đồng USD đang bị vượt qua bởi đồng euro hoặc đồng nhân dân tệ, cứ lớn dần theo thời gian.

Các cuộc tranh luận về việc thay đổi vai trò đồng tiền thống trị bị cản trở bởi sự thiếu hụt các tiền lệ lịch sử. Việc một loại tiền tệ này thay thế một loại tiền tệ làm công cụ tiền tệ của thế giới hiện đại đã xảy ra chỉ đúng một lần — khi đồng USD vượt qua đồng bảng Anh. Điều đó làm cho việc xác định các yếu tố nhân quả quan trọng của quá trình đó gần như bất khả. Các nhà kinh tế đã từng nghĩ rằng các hiệu ứng mạng lướilàm cho đồng tiền nào trở thành đồng tiền dự trữ sẽ giành được tất cả. Sẽ hấp dẫn hơn khi tiến hành giao thương hoặc giữ tiền tiết kiệm bằng loại tiền tệ được người khác sử dụng rộng rãi, mang lại lợi thế cho các loại tiền tệ dự trữ so với các đối thủ cạnh tranh. Việc GDP của Mỹ vượt qua Anh ngay từ năm 1880, trong khi đồng USD không chiếm ưu thế rõ ràng cho đến khi được ghi rõ trong các thể chế kinh tế Bretton Woods hơn 60 năm sau, dường như chứng minh rằng các đồng tiền thống trị không dễ bị loại bỏ.

Nhưng các bằng chứng qua thời gian cho thấy có thể cần phải thay đổi quan điểm này. Trên thực tế, các đồng tiền hàng đầu thường chia sẻ vai trò dự trữ với những đồng tiền khác. Đồng bảng Anh đã đóng vai trò thống trị trước Thế chiến I, nhưng chỉ chiếm không quá 2/3 tổng dự trữ ngoại tệ toàn cầu vào cuối thế kỷ 19 (đồng mark Đức và franc Pháp chiếm phần lớn số còn lại). Hơn nữa, đồng USD đã vượt qua bảng Anh sớm hơn nhiều so với người ta từng nghĩ. Vào đầu những năm 1920, nó đã chiếm ít nhất 50% dự trữ ngoại tệ của các nền kinh tế lớn. Rốt cuộc, địa vị của đồng tiền dự trữ không phải khó thay đổi đến vậy.

Mặc dù vậy, những kẻ thách thức trong nhiều thập niên qua đã không thể đánh bật được đồng bạc xanh khỏi vị trí của nó. Một phần của lời giải thích chắc chắn là chuyện Mỹ không yếu so với các đối thủ của họ như nhiều người vẫn nghĩ. Nền chính trị của Mỹ đang rối loạn chức năng, nhưng một khu vực đồng euro thường xuyên chia rẽ và một Trung Quốc độc đoán vẫn khiến người ta khó có thể tin tưởng vào đồng tiền của họ. Các thành viên của khu vực đồng euro và Trung Quốc đang phải đối mặt với các vấn đề nợ của chính họ và các điểm khủng hoảng tiềm tàng khác. Đồng euro đã phải đối mặt với một số cuộc khủng hoảng lớn trong vòng đời ngắn ngủi của nó, và hệ thống tài chính Trung Quốc vẫn khép kín và mờ nhạt hơn nhiều so với tiêu chuẩn của các nước giàu.

Sự thống trị của đồng USD cũng phản ánh các yếu tố mà các phân tích kinh tế truyền thống đôi khi bỏ qua: địa chính trị. Đồng bảng đã cai trị trong một thời kỳ dài gia tăng hội nhập toàn cầu nơi Anh – với tư cách là một cường quốc tài chính, công nghiệp và quân sự – đóng vai trò trung tâm. Thế chiến I đã kết thúc thời đại đó, và đồng bảng Anh sớm mất vị trí của mình. Nó chia sẻ địa vị đồng tiền dự trữ với đồng USD cho tới những năm 1940, nhưng trong những hoàn cảnh rất khác so với thời kỳ trước chiến tranh. Thương mại toàn cầu và đầu tư xuyên biên giới đã không trở lại mức của năm 1913 cho đến tận 3 thập niên cuối thế kỷ 20. Không chỉ ưu thế kinh tế vượt trội của Mỹ đã đặt đồng USD vào trung tâm của trật tự hậu chiến, mà còn là sức mạnh địa chính trị vô song của nó, điều được Mỹ sử dụng để thiết lập lại một nền kinh tế toàn cầu hội nhập cao. Công trình được xuất bản bởi Barry Eichengreen đến từ Đại học California, Berkeley, và Arnaud Mehl và Livia Chitu đến từ Ngân hàng Trung ương Châu Âu, đều nêu bật vai trò của chính trị quyền lực trong việc lựa chọn tiền tệ. Phân tích lượng dự trữ ngoại tệ trước Thế chiến I, các tác giả nhận thấy rằng các liên minh quân sự có ảnh hưởng đến thành phần các đồng tiền dự trữ. Theo họ, một hiệp định liênminh giúp tăng tỷ trọng của một loại tiền tệ trong kho dự trữ của các nước đồng minh thêm 30 phần trăm.

Triển vọng đồng USD

Vì vậy, vai trò toàn cầu của đồng USD không chỉ phụ thuộc vào năng lực xuất khẩu và uy tín tín dụng của Mỹ, mà còn bị ràng buộc bởi trật tự địa chính trị mà nó đã xây dựng nên. Mối đe dọa lớn nhất của nó không phải là sự hấp dẫn của đồng euro hay đồng nhân dân tệ, mà là cam kết gắn bó của Mỹ đối với các liên minh và thể chế vốn đã thúc đẩy hòa bình và toàn cầu hóa trong hơn 70 năm qua. Mặc dù vẫn khó xảy ra, nhưng sự sụp đổ trật tự này có vẻ ít xa vời hơn bao giờ hết. Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, chủ nghĩa dân tộc kinh tế của Tổng thống Donald Trump đã làm giảm sự cởi mở và khiến các đồng minh xa lánh. Covid-19 đã cản trở hơn nữa hợp tác toàn cầu. IMF cho rằng thương mại thế giới có thể giảm 12% trong năm nay. Các chuỗi cung ứng toàn cầu có thể rút lui trong bối cảnh lo ngại về xung đột kinh tế và an ninh quốc gia. CònMỹ và Trung Quốc thì dường như đang rơi vào một cuộc chiến tranh lạnh mới.

Mặc dù vai trò kinh tế của Mỹ trên thế giới đã giảm đi một ít, nhưng nó vẫn rất đặc biệt. Quá trình tái thiết thương mại toàn cầu do Mỹ dẫn đầu có thể đảm bảo sự thống trị của đồng USD trong nhiều năm tới. Ngược lại, một thế giới chia rẽ và thù địch hơn có thể dẫn đến sự kết thúc vị trí đặc quyền của đồng USD — và nhiều thứ khác nữa.

Theo NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ

Tags: , ,