‘Di sản’ của cuộc chiến tranh Việt Nam đối với Hàn Quốc

Sau hai năm tham chiến, thu nhập từ chiến tranh chiếm 40% nguồn thu bằng ngoại tệ của Hàn Quốc, và từ 1965 đến 1972, nước này thu về 1 tỷ USD tiền mặt.

Hai lãnh đạo VNCH: Tướng Nguyễn Văn Thiệu và Tướng Nguyễn Cao Kỳ đến vinh danh Sư đoàn Mãnh Hổ của Đại Hàn “sau một chiến dịch thắng lợi” năm 1966.

Trong cuộc chiến tranh Việt Nam Đại Hàn Dân quốc cử sang 300 nghìn lượt quân giúp Việt Nam Cộng hòa và Hoa Kỳ “chống cộng sản”.

Theo Korea Herald thì trong vào bảy năm kể từ 1965 có hai sư đoàn bộ binh Đại Hàn và một lực lượng Thủy quân Lục chiến đã tham chiến phía đồng minh Hoa Kỳ tại Nam Việt Nam.

Trong số này, ước tính có khoảng 8000 người bị thương và 3000 người thiệt mạng.

BBC News hồi 2003 nêu rằng tổng cộng có 300 nghìn quân Đại Hàn lần lượt tham chiến tại Việt Nam, lực lượng lớn thứ nhì sau quân đội Hoa Kỳ.

Các vụ thảm sát lính Đại Hàn gây ra với thường dân Việt Nam đã được nói đến ngay từ khi xảy ra cuộc chiến và để lại di sản sâu nặng cho quan hệ hai bên và cho cả những quân nhân Hàn tham chiến.

Hồi năm 2009, di sản chiến tranh ở Nam Việt Nam đã được nêu ra nhân “chuyến thăm vội vã” của một bộ trưởng sang Việt Nam để chuẩn bị cho chuyến công du của Tổng thống Hàn khi đó, ông Lee Myung-bak.

Theo tờ Korean Herald, có vẻ như phía Hàn Quốc bị xấu hổ vì Việt Nam phản đối một dự luật công nhận danh dự và quyền lợi cho các cựu binh Đại Hàn từng tham chiến tại Việt Nam.

Ngoài việc cho cựu chiến binh được hưởng quyền lợi vật chất, dự luật công nhận họ sang Việt Nam chiến đấu “để gìn giữ hòa bình trên thế giới”.

Điều này đã khiến Ngoại trưởng Yu Muyng-hwan phải “vội vã” sang Việt Nam hôm 11/10/2009 để tìm cách giải tỏa “cảm xúc” của Hà Nội.

Lý do chính trị và kinh tế

Tài liệu của Viện Asan, Hàn Quốc công bố năm 2013 cho rằng có hai lý do khiến Tổng thống Park Chunghee, cha của nữ tổng thống Park Geun-hye vừa bị phế truất, quyết định đem quân sang Nam Việt Nam.

  • Lý do đầu tiên là để duy trì quan hệ với Hoa Kỳ, biến Seoul thành đồng minh không thể thiếu ở Đông Á, đề phòng trường hợp Mỹ muốn rút khỏi Nam Hàn, để nước này một mình đối phó với miền Bắc cộng sản.
  • Lý do thứ nhì là kinh tế. Các khoản tiền Hoa Kỳ trả để Seul đem quân sang Nam Việt Nam và các dịch vụ khác cho quân đội Hoa Kỳ ở châu Á đã đóng góp to lớn vào Sự thần kỳ kinh tế Hàn Quốc.

Có vẻ như dư luận Hàn biết rõ mối lợi này.

Một điều tra năm 2012 của Asan Institute for Policy Studies, có 80% người Hàn hiện nay biết về vai trò trước đây của quân đội nước họ tại Việt Nan, và 57% vẫn ủng hộ chuyện tham chiến đó.

Trái với tuyên truyền của bộ máy thời ông Park Chunghee rằng chiến đấu ở Việt Nam là để ngăn làn sóng cộng sản, 54% người được hỏi tin rằng tham chiến ở Việt Nam có mục tiêu đem lại lợi ích kinh tế.

Trong số người được hỏi về lý do tham chiến vì kinh tế này, 58% tin rằng Hàn Quốc đã đạt mục tiêu.

Bài viết ‘A Perspective on Korea’s Participation in the Vietnam War’ (09/04/2013) còn gọi cuộc chiến Việt Nam là “Mỏ Vàng – El Dorado” cho Hàn Quốc.

Người ta tin rằng Hàn Quốc đã kiếm được 5 tỷ USD (theo thời giá khi đó) trong tám năm tham chiến từ các nguồn khác nhau, gồm cả viện trợ quân sự của Hoa Kỳ để hiện đại hóa quân đội, tiền lương cho quân Hàn ở Việt Nam, các hợp đồng dân sự hàng triệu USD và thương mại được mở rộng với VNCH.

Sau hai năm tham chiến, thu nhập từ chiến tranh chiếm 40% nguồn thu bằng ngoại tệ của Hàn Quốc, và từ 1965 đến 1972, nước này thu về 1 tỷ USD tiền mặt.

…Có thể tin rằng sự tham chiến của Hàn Quốc và Nam Việt Nam là yếu tố đóng góp cho nền kinh tế tăng trưởng nhanh. Một số học giả tin rằng thu nhập tài chính từ cuộc chiến đã góp 7-8% GDP cho Hàn Quốc từ 1966-1969.

Tội ác chiến tranh và hòa giải

Hồi 2009, hãng Yonhap trích lời Đại sứ Việt Nam khi đó, ông Phạm Tiến Văn nói:

“Đúng là Nam Hàn đã gây vết thương trong quá khứ bằng việc tham gia cuộc chiến, nhưng chúng tôi không nhắc đến điều đó để duy trì mối quan hệ tương lai tốt giữa hai nước.”

Nguồn này nói nhờ chính các nhà báo Hàn Quốc mà các tội ác của quân Đại Hàn ở Nam Việt Nam được nói đến sau chiến tranh tại nước họ.

Trong khi đó, truyền thông Phương Tây đã nêu ra vai trò của các lãnh đạo Việt Nam Cộng hòa như Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ từng có động tác “vinh danh” các đơn vị Đại Hàn tham chiến.

Sau chiến tranh, nước Việt Nam thống nhất đã bình thường hóa quan hệ với Hàn Quốc.

Cũng đã có các công trình Hàn Quốc bỏ tiền xây dựng như ở Phú Yên nhằm tạ lỗi với Việt Nam cho những gì quân đội của họ gây ra.

Tổng thống Kim Dae-jung từng coi trang sử nước ông tham chiến ở Việt Nam là “sự kiện lịch sử bất hạnh”.

Phát biểu mới nhất của Tổng thống Moon Jae-in, người gốc Bắc di cư có cha mẹ chạy vào Nam năm 1953, có thể chỉ nhằm vui lòng các phái cánh hữu, bảo thủ và chống cộng trong nước.

Nhưng những gì chính giới Hàn Quốc nêu ra vẫn dễ gây ra phản ứng vì như điều tra của Viện Asan cho thấy, không ít người Hàn chưa sẵn sàng nhìn nhận trách nhiệm về các tội ác quân đội họ gây ra ở Nam Việt Nam.

Theo BBC

Tags: ,