Cuộc tấn công Moncada: Tiếng vọng sau 70 năm

Ngày 26/7/1953, một luật sư 27 tuổi mang tên Fidel Castro có văn phòng tại số 57 phố Tehadilio ở thủ đô Havana, cùng với những nhóm người có vũ trang đã tấn công pháo đài Moncada ở thành phố Santiego De Cuba nằm ở phía Đông đảo quốc thơ mộng trong vịnh Caribbean.

“Vụ Moncada” nhằm mục đích châm ngòi nổ cho cuộc khởi nghĩa của nhân dân Cuba để lật đổ chế độ độc tài Fulgencio Batista do người Mỹ dựng lên – viên tướng đã tiếm quyền qua cuộc đảo chính quân sự ngày 10/3/1952 xóa bỏ chế độ hợp hiến của Tổng thống Carlos Prio Socarrás.

“Kế hoạch Moncada” quy tụ 165 tay súng trong tổng số 1.200 du kích quân cách mạng. Cuộc tấn công thất bại bởi những người khởi nghĩa không biết rằng, việc phòng thủ trại lính đã được tăng cường ngay từ vòng ngoài nhân lễ hội Carnaval. Một chiếc xe chở những người cách mạng mặc trang phục quân đội Batista bị lính tuần phòng phát hiện trước trạm gác số 3 – nơi tập kết những chiếc xe chở đoàn quân khởi nghĩa còn lại. Còi báo động bảo vệ rú lên và cuộc chạm súng nảy lửa bắt đầu lúc 5 giờ 15 phút ngày 26/7/1953 lịch sử.

Nhóm tấn công Moncada do đích thân Fidel Castro chỉ huy. Cùng phối hợp với họ là hai nhóm khác do Abel Santamaria lãnh đạo – chiếm bệnh viện thành phố, và Raul Castro (em trai Fidel) dẫn đầu – trấn giữ Cung Tư pháp, hai địa danh kề cận với pháo đài Moncada. Sau khi số đạn ít ỏi sắp hết, Fidel hạ lệnh rút lui về một trang trại do Renato Gitart, con trai của một doanh gia, thuê mướn.

Nơi đây nằm cách trung tâm Santiago De Cuba 13km. Cuộc tấn công trại lính Bayamo, cách Santiago 100 km với mục đích ngăn cản sự chi viện cho Moncada cũng không thành… Tuy vậy, “sự kiện Moncada” đã trở thành sự kiện khích lệ tinh thần vô giá cho toàn dân Cuba đang sống dưới chế độ độc tài hà khắc.

Fidel Castro bị bắt hôm 1/8 – một tuần sau cuộc khởi nghĩa – tại vùng núi Sierra Maestra, nơi ông đang chỉ đạo các lực lượng du kích phân tán tránh sự ruồng bố. Phiên tòa đầu tiên xử Fidel Castro và hàng chục nhà cách mạng khác (những người tuy không trực tiếp tham gia vụ tấn công trại lính Moncada, nhưng bị quy là “các phần tử chống đối chế độ”) mở ra ngày 21/9/1953. Fidel yêu cầu được tự bào chữa cho mình và những lời nói của ông đã thức tỉnh mọi trái tim những người Cuba yêu nước.

Người luật sư trẻ tuổi nghiễm nhiên trở thành nhà lãnh tụ nhân dân qua những lời nói hùng hồn trước giới tư pháp bù nhìn. Batista lập tức ra lệnh phải xử riêng Fidel trong một phiên tòa khác. Không loại trừ khả năng Fidel bị giết vì lý do “vượt ngục”, hay bị đầu độc trong xà lim… theo âm mưu của các thế lực độc tài. Nhưng dư luận công chúng ở Santiego cũng như toàn Cuba đã ngăn cản những mưu đồ nhằm ám hại nhà lãnh tụ phi thường.

Phiên xử sau được mở vào ngày 16/10/1953. Tại phòng xử án tọa lạc trong hội trường nhỏ thuộc trường y tế, Fidel một lần nữa lại ngạo nghễ tuyên bố những hành động của mình là “duy nhất theo ý nguyện của José Martí – nhà anh hùng dân tộc Cuba kiệt xuất, chứ không phải từ một phe nhóm chính trị đối lập nào khác – như lời buộc tội của ủy viên công tố. Để bắt đầu một cuộc cách mạng nhằm thay đổi bộ mặt đất nước Cuba tang thương và phụ thuộc bởi các thế lực thực dân mới…”.

“Lịch sử sẽ giải oan cho tôi!” – Câu nói bất hủ này là lời cuối cùng trước tòa của Fidel, sau khi giới tư pháp bù nhìn xử nhà lãnh tụ 15 năm tù giam…

Nhưng chỉ 6 năm sau, Fidel Castro được dân chúng nồng nhiệt nghênh đón trong ngày 1/1/1959 khó quên, cùng với những đạo quân khởi nghĩa mãi mãi trung thành với truyền thống Moncada quật khởi tiến về giải phóng Havana lịch sử, thiết lập nhà nước vô sản đầu tiên ở Tây bán cầu, sát nách “đế chế Hoa Kỳ” chưa đầy 100 dặm biển

Theo CÔNG AN NHÂN DÂN

Tags: , ,