Cuộc đọ sức giữa MiG-17 và F-4 trong chiến tranh Việt Nam

Trang bị loại tiêm kích thua kém đối phương về mọi mặt, những người chiến sĩ Không quân Nhân dân Việt Nam vẫn mưu trí, sáng tạo giành chiến thắng.

Giai đoạn đầu cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại miền Bắc, Không quân Nhân dân Việt Nam chủ yếu trang bị tiêm kích MiG-17 lạc hậu nhưng phải đối chọi với dàn máy bay tiên tiến của Đế quốc Mỹ.

MiG-17 luôn đối đầu với tiêm kích hiện đại nhất của Mỹ F-4 được mệnh danh “con ma” thường xuyên bay hộ tống phi đội ném bom oanh tạc miền Bắc.

“Một trời, một vực”

Tiêm kích đánh chặn hạng nhẹ MiG-17 được Liên Xô sản xuất và đưa vào sử dụng đầu năm 1950. Đây là kiểu tiêm kích nhỏ, nhanh nhẹn được trang bị một động cơ tuốc bin phản lực Klimov VK-1F cho phép đạt tốc độ cận âm 1.145km/h, bán kính tác chiến ngắn.

MiG-17 lắp 2 pháo 23mm (160 viên đạn) và 1 pháo 37mm (40 viên đạn), tầm bắn hiệu quả chỉ 400m, nghĩa là phi công phải chấp nhận nguy hiểm tiếp cận rất gần mục tiên mới đảm bảo tiêu diệt địch. Thậm chí, MiG-17 không có radar đối không, chỉ có kính ngắm. Trong điều kiện trời quang, phi công chỉ nhìn xa 15km.

Ra đời sau MiG-17 10 năm, tiêm kích F-4 ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến thời điểm đó nên nó vượt trội so với MiG-17 về nhiều mặt (tốc độ, vũ khí, điện tử).

F-4 trang bị hai động cơ tuốc bin phản lực GE J79-GE-17A cho phép đạt tốc độ gấp hai lần vận tốc âm thanh (2.370km/h), trần bay hơn 18.000m.

Máy bay có lượng tải vũ khí hơn 8 tấn mang được các tên lửa không đối không tầm ngắn AIM-9, tầm trung AIM-7 có thể tiêu diệt mục tiêu cách đó 50km. Ngoài ra, F-4 còn một pháo siêu tốc 6 nòng cỡ 20mm (640 viên đạn) để đánh cận chiến.

Không những dùng cho nhiệm vụ đối không, F-4 còn có khả năng mang bom, tên lửa không đối đất oanh tác mục tiêu mặt đất. F-4 cũng được trang bị hệ thống radar kiểm soát hỏa lực có thể phát hiện, theo dõi nhiều mục tiêu ở khoảng cách xa.

Tiêm kích F-4 của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.

Nếu như so sánh về thông số, MiG-17 gần như không có “cửa” để đấu lại F-4. Thậm chí, trong loạt phim tài liệu Dog Fight, có nội dung nói về các cuộc cận chiến trên không, xếp ngang hàng với F-4 phải là MiG-21, còn đối thủ của MiG-17 là F-8 Cruisader, chiến đấu cơ thuộc hàng tiêm kích cuối cùng còn sử dụng pháo như vũ khí chính trong các cuộc không chiến.

Vì vậy, khi đưa MiG-17 đối đầu trực diện với F-4, khả năng dành chiến thắng không cao. Thế nhưng, với tinh thần táo bạo, sáng tạo trong cách đánh, khai thác sử dụng tối đa trang bị hiện có, kết hợp có hiệu quả giữa bộ phận dẫn đường và phi công, MiG-17 vẫn hạ gục F-4.

Điển hình là trận đánh ngày 20/9/1965, đã làm nức lòng quân dân khi biên đội MiG-17 đã giành chiến thắng vang dội bắn hạ, bắn bị thương “con ma” F-4 mà không chịu tổn thất (*).

Chiến thắng của biên đội 3 anh hùng

Mùa thu năm 1965, Không quân Nhân dân Việt nam vừa xây dựng xong sân bay Kép (Bắc Giang). Trinh sát địch phát hiện hoạt động này, ngày 19/9/1965, phi đội Mỹ đánh phá dữ dội sân bay.

Tối 19/9, Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân Phùng Thế Tài và Tham mưu trưởng Hoàng Ngọc Diêu nhận định ngày mai Mỹ sẽ tiếp tục đánh phá Kép và khu vực cầu Sông Hóa. Vì vậy, bộ tư lệnh đã chỉ thị cho không quân tiêm kích tổ chức, 8 chiếc MiG-17 trực ban tại Nội Bài để phối hợp với đơn vị cao xạ đón đánh địch.

“7h50 phút sáng 20/9/1965, radar của ta phát hiện một tốp máy bay địch từ Hòn Gai bay thấp phía bắc dãy núi Yên Tử đi vào hướng sân bay Kép (Bắc Giang),” Đại tá Nguyễn Văn Chuyên – sĩ quan tham gia dẫn đường trận đánh nhớ lại.

Lúc đó, ông đang trực ban dẫn đường hiện sóng radar tại Đại đội 29 (sân bay Bạch Mai) thì được gọi vào trực sở chỉ huy thay đồng chí Trần Quang Kính đi Kép rút kinh nghiệm.

Tới 7h55 phút sở chỉ huy lệnh cho biên đội 4 MiG-17 do các phi công Phạm Ngọc Lan (số 1) – Nguyễn Nhật Chiêu (số 2) – Trì (số 3, nhân chứng không rõ họ tên) – Nguyễn Ngọc Độ (số 4) vào lệnh chiến đấu cấp I.

Khi đó, “Trực ban trưởng Nguyễn Hào Hiệp đề nghị sau khi cất cánh cho biên đội bay thẳng lên hướng Hiệp Hòa, Bố Rạ và xuống Kép đánh địch vì ta lên hơi muộn.”

“Tuy mới lần làm nhiệm vụ dẫn đường ở sở chỉ huy, nhưng tôi mạnh dạn đề nghị, nếu ta bay thẳng ra Hiệp Hòa – Bố Rạ thì địch sẽ phát hiện điều tiêm kích đánh chặn ngay. Vì vậy, tôi nghĩ sau khi cất cánh vòng trái bay dọc đường số 3 lên Thái Nguyên, độ cao thấp 500m để radar địch không phát hiện được.

Khi lên đến Thái Nguyên mới cho lên độ cao 3.000m, hướng 60 độ tiếp tục bay lên phía Bắc Kạn, từ hướng Bắc dẫn xuống Kép thì địch sẽ bất ngờ,” Đại tá Nguyễn Văn Chuyên kể lại.

Sau khi trực ban trưởng và thủ trưởng đồng ý phương án đề ra, “khi biên đội cất cánh xong liên lạc về sở chỉ huy, tôi cho vòng trái, hướng 350 độ, độ cao 500m rồi 700m,” ông nói.

Biên đội MiG-17 do phi công Phạm Ngọc Lan chỉ huy theo lệnh đi về hướng bay đã định. Tới gần Thái Nguyên, sĩ quan dẫn đường tiếp tục cho hướng bay 360, độ cao 3.000 rồi 4.000m nhằm giúp radar dẫn dễ phát hiện được máy bay.

“Khoảng 3 phút sau, radar dẫn bắt được một tốp máy bay địch ở Đông Nam Hòn Gai, độ cao 4.000m, tốc độ 800 – 850km/h. Tôi đề nghị thủ trưởng cho biên đội ta đánh tốp này vì radar dẫn phát hiện mục tiêu tốt, tốc độ máy bay địch không tăng chứng tỏ chúng chưa phát hiện đựợc ta,” ông nhớ lại.

Sau khi chỉ huy đồng ý, ông liền cho biên đội vòng phải, hướng bay 130 độ, đồng thời máy bay được lệnh vứt thùng dầu phụ. “Đồng chí Bình trực ở radar dẫn đường tiếp tục cho hướng 150 độ, khi còn cách địch 50km cho tăng tốc lên 900km/h. Lúc này, radar dẫn đường tạm thời mất mục tiêu, tôi tính toán và cho hướng bay 180 độ, độ cao 4.500m (cao hơn địch 500m) và thông báo địch ở phía bên phải phía trước 30 độ, 15km,” ông kể.

Ở trên không, chỉ sau 10 giây cả biên đội MiG-17 phát hiện được 4 chiếc tiêm kích F-4 cách 12km, số 2 Nguyễn Nhật Chiêu với ưu thế độ cao và tốc độ nhanh lao vào tiếp cận, ở cự ly hiệu quả ông đã bóp cò bắn trúng một chiếc F-4 ngay loạt đạn đầu.

Ba chiếc F-4 còn lại do bị bất ngờ nên chỉ còn cách cơ động gấp, tăng tốc tháo chạy ra hướng biển. Ngay lập tức, biên đội trưởng Phạm Ngọc Lan và số 3-4 bám theo bắn bị thương 2 chiếc khác.

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đánh chặn tiêu diệt địch, biên đội MiG-17 được lệnh thoát ly khỏi khu vực chiến đấu về hạ cánh ở Nội Bài. Để bảo vệ biên đội, quân chủng còn lệnh 2 biên đội MiG-17 do các phi công Bùi Đình Kình – Đào Công Xưởng và Hồ Văn Quỳ – Nguyễn Biên yểm hộ.

Cũng trong ngày hôm đó, lực lượng pháo cao xạ bảo vệ sân bay Kép và cầu Sông Hóa cũng bắn rơi 2 chiếc F-4, tạo nên thắng lợi giòn giã của lực lượng Phòng không – Không quân.

Tuy trận đánh ngày 20/9/1965 của không quân tiêm kích MiG-17 không phải là trận đầu tiêu diệt F-4 nhưng là trận đầu thắng lợi không chịu tổn thất đầu của ta trước F-4.

Điều đặc biệt, 3 trong số 4 phi công biên đội MiG-17 bắn hạ F-4 ngày 20/9/1965 sau này đều được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân: Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Độ, Đại tá Nguyễn Nhật Chiêu.

Không bao lâu sau, Liên Xô bắt đầu viện trợ cho Việt Nam tiêm kích MiG-21 mạnh hơn, ngang ngửa F-4 trong khả năng không đối không (trang bị tên lửa tầm nhiệt, có radar, tốc độ siêu âm) tiếp tục giúp không quân ta bắn hạ thêm hàng trăm máy bay khác của địch, trong đó có cả siêu pháo đài bay B-52.

 (*) Ngày 17/6/1965, lần đầu tiên tiêm kích MiG-17 của ta giáp mặt với tiêm kích hiện đại nhất của Mỹ F4 “Con Ma”. Trong trận đánh, biên đội ta đã bắn hạ 2 chiếc F-4, tuy nhiên ta cũng mất 2 MiG-17 (một phi công hy sinh, một người nhảy dù).
.

Theo ĐẤT VIỆT ONLINE

Tags: , , ,