Cuộc chiến nguồn nước đang diễn ra khốc liệt ở Mỹ La tinh

Nhiều nơi ở khu vực Mỹ La tinh hiện đang đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt. Mức độ thiếu nước ngày càng nghiêm trọng, đe dọa đời sống người dân. Không chỉ do hạn hán, việc các nhà sản xuất nông nghiệp và khai thác mỏ kim loại đang tiêu tốn lượng lớn nước, khiến cho tình hình càng nghiêm trọng hơn. Tại Mexico (và cả Brazil), đang diễn ra những cuộc chiến sống còn để bảo vệ nguồn nước.

Cuộc chiến nguồn nước đang diễn ra khốc liệt ở Mỹ La tinh

Chết khát từ nông nghiệp và hạn hán

Hàng năm, các thành viên của người Wixárika bản địa của Mexico thực hiện một cuộc hành hương gian khổ dài 800km từ San Andrés Cohamiata ở vùng cao nguyên Jalisco đến sa mạc bán khô cằn San Luis Potosí. Điểm đến của họ là Wirikuta, một nơi tụ tập thiêng liêng, theo niềm tin của họ, thế giới được tạo ra từ một giọt nước.

Sau khi tập trung lại, những người hành hương sẽ chờ đợi một đêm đặc biệt để ban phước và phân phát peyote, một loại xương rồng gây ảo giác, dùng trong các nghi lễ tâm linh của người Wixárika. Nhưng trong 5 năm qua, hạn hán đã làm cho loài cây này biến mất. Silvio, người điều hành một nhà nghỉ nổi tiếng ở sa mạc, cho biết: “Trước đây từng có một thảm xanh peyote. Chỉ cần một chút mưa, hàng trăm cây có thể phát triển rất nhanh, nhưng nếu không có mưa, chúng sẽ khô héo trước khi có cơ hội phát triển”.

Việc thiếu mưa không phải là yếu tố duy nhất gây ra tình trạng khan hiếm nước ở vùng sa mạc này. Đầu tiên là khai thác mỏ và bây giờ là kinh doanh nông nghiệp đe dọa các dòng suối của sa mạc, ảnh hưởng đến thời tiết và đe dọa nguồn nước của người dân.

Sắc dân Wixárika nói tiếng Aztec, được mệnh danh là “những người bảo vệ cây peyote”, có khoảng 80.000 người. Đối với họ, nước là một món quà từ các vị thần, có sức mạnh thanh lọc, chữa lành và sinh sản. Họ sống biệt lập, là một trong những cộng đồng bản địa ở Mexico được bảo tồn tốt nhất về truyền thống và tín ngưỡng, và khu bảo tồn văn hóa và sinh thái Wirikuta rộng 140.000ha được coi là nơi thiêng liêng nhất của họ.

Theo các nhà hoạt động, khu vực này là nơi xảy ra xung đột vào năm 2010 sau khi chính phủ liên bang Mexico trao quyền khai thác bạc và vàng – 70% trong số đó nằm ở khu bảo tồn Wirikuta. Một năm sau, chính phủ lại cấp thêm quyền khai thác, với 42% diện tích đất được dành để khai thác lấn chiếm diện tích khu bảo tồn.

Những người bảo vệ bản địa, các nhà bảo vệ môi trường và các tổ chức phi chính phủ lo ngại rằng việc khai thác có thể dẫn đến tình trạng thiếu nước hơn nữa và tạo ra chất thải làm ô nhiễm môi trường. Các kim loại nặng như xyanua, được sử dụng để lọc bạc, thường làm ô nhiễm đất xung quanh các mỏ bạc và vàng, ảnh hưởng đến nước ngầm và sông ngòi, gây hậu quả cho lưu vực sông trong khu vực.

Để chống lại mối đe dọa này, cộng đồng Wixárika đã huy động để bảo vệ nguồn nước mặt và nước ngầm ở Wirikuta. Cùng với các cộng đồng sa mạc khác, cộng đồng Wixárika đã tổ chức một cuộc tuần hành phản đối trước dinh tổng thống ở Mexico City vào năm 2011; kết quả là vào tháng 9/2013, một thẩm phán đã ra lệnh đình chỉ tất cả 78 quyền khai thác mỏ được cấp trên vùng đất Wirikuta.

Tuy nhiên, thành công này cũng đã được đổi bằng mạng sống của vị “pháp sư” tên Margarito Díaz, người dẫn đầu cuộc đấu tranh bảo vệ nguồn nước của cộng đồng người Wixárika. Ông bị bắn chết vào đêm ngày 8/9/2018. Và Díaz, cùng với các thủ lĩnh Wixárika Vázquez và Agustín Torres, bị bọn buôn ma túy giết chết năm 2017, nằm trong danh sách 1.335 người bảo vệ bản địa trên khắp châu Mỹ Latinh đã thiệt mạng từ năm 2012 đến năm 2022, theo Global Witness. Người bản địa là mục tiêu không cân xứng, chiếm hơn 1/3 số vụ tấn công, mặc dù chỉ chiếm 5% dân số thế giới. Vào tháng 7/2022, một nghi can trong vụ giết Díaz đã bị bắt, và cuộc điều tra vẫn đang tiếp tục.

Sau cái chết của Díaz, và bất chấp phán quyết của tòa án, đất và nước ở vùng Wirikuta vẫn bị đe dọa. Hai mươi năm trước, nhìn từ sân sau của một ngôi nhà nhỏ ở La Pasadita là cây xương rồng mọc ngút tầm mắt. Giờ đây, hệ thực vật sa mạc đã bị xóa sổ, thay vào đó là những trang trại khổng lồ chỉ trồng một thứ duy nhất là cây cà chua.

Kể từ những năm 2000, nông nghiệp đã phát triển theo cấp số nhân ở bang San Luis Potosí, giúp đưa Mexico trở thành nước xuất khẩu cà chua hàng đầu thế giới, đồng thời gây thêm áp lực lên nguồn tài nguyên nước vốn đã khan hiếm của nước này. Một số công ty Mexico, bị thu hút bởi đất đai giá rẻ và sự hỗ trợ của chính phủ, đã định cư ở vùng Wixárika.

San Luis Potosí đã trở thành vùng sản xuất cà chua lớn thứ hai cả nước; khoảng 2.000ha đã được mua từ cư dân sa mạc để trồng cà chua. Chỉ riêng ở Wirikuta, diện tích đất dành cho sản xuất cà chua đã tăng hơn gấp ba lần kể từ năm 2014 và hiện có diện tích 170ha.

Ở vùng đất không có mưa này, để ăn uống, tắm, giặt và tưới tiêu cho cây trồng, người ta không còn cách nào khác là phải mua nước. Một bồn chứa 10.000 lít nước có giá khoảng 700 peso (32 bảng Anh) dùng được chưa đầy một tháng. Người dân bản địa lo lắng và tin rằng những người gây ra hạn hán là những người hàng xóm đã bán đất của họ cho những người trồng cà chua.

“Từ đây, bạn có thể nghe thấy tên lửa chống mưa đá của họ bắn lên bầu trời để phân tán mây bão và ngăn mưa đá phá hoại mùa màng và máy bay nông nghiệp của họ, đồng thời bạn có thể thấy bầu trời căng thẳng như thể sắp mưa. Công nghệ “chống mưa đá” đang được các trang trại sử dụng, bị nhiều người đổ lỗi là nguyên nhân gây gián đoạn mưa và gây ra hạn hán.

Nhưng điều khiến người bản địa lo lắng nhất là tầng ngậm nước cuối cùng sẽ cạn kiệt. Việc tưới cây cà chua ở San Luis Potosí cần hơn 4 triệu mét khối nước mỗi năm. Những người trồng cà chua đã phải khoan giếng mới trên sa mạc để tưới cho cây trồng của họ.

Vào tháng 8/2023, sau hàng chục cuộc họp với người dân và đại diện của Wixárika, Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador đã ban hành sắc lệnh “công nhận, bảo tồn và bảo vệ” tất cả các địa điểm linh thiêng của dân tộc Wixárika và thiết lập danh mục các thánh địa này thông qua Viện Nhân chủng học Quốc gia (INA). Tuy nhiên, việc thực thi sắc lệnh này vẫn chưa rõ ràng.

Và ngành công nghiệp nước đóng chai

Tại thành phố Monterrey, tình trạng “chết khát” cũng không kém gì Wirikuta. Hạn hán ở Bắc Mexico đồng nghĩa với việc các đường ống cung cấp nước ở thành phố Monterrey bị cạn khô. Khi những người không đủ tiền mua nước đóng chai, họ phải chấp nhận uống nước lợ mua từ xe tải. Sự tức giận ngày càng gia tăng ở đây khi các công ty nước giải khát có nhà máy đóng chai ở đây, có cả Coca Cola và Heineken, đang khai thác hàng tỷ lít nước từ các hồ chứa công cộng.

Một số công ty sản xuất bia và nước giải khát có nhà máy trong thành phố và sử dụng tổng cộng gần 90 tỷ lít mỗi năm, và hơn một nửa trong số đó – gần 50 tỷ lít mỗi năm (hoặc 50 triệu mét khối) – là nước từ các hồ chứa công cộng.

Monterrey, một trong những thành phố lớn nhất của Mexico, thuộc bang Nuevo Léon, có dân số hơn năm triệu người. Đã hơn một tháng nay, các hộ gia đình ở thành phố này không có nước sinh hoạt. Hầu hết các xe tải đều không chở nước uống – đôi khi nước có màu nâu hoặc có côn trùng trong đó. Vega Morales có hai thùng 20 lít để đổ đầy hàng ngày và sử dụng phần lớn trong phòng tắm. Mùa hè năm nay thật khó khăn. Các gia đình phải mua nước uống ở các cửa hàng và giá đã tăng gấp ba lần trong hai tháng qua. Monterrey đang phải đối mặt với một cuộc “khủng hoảng vệ sinh” khi những người không đủ tiền mua nước đóng chai phải uống cả nước bẩn.

Mexico đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nước tồi tệ nhất trong 30 năm qua khi các hồ chứa nước phục vụ khoảng 23 triệu người cạn kiệt. Cuộc khủng hoảng khí hậu đã khiến mùa hè liên tục nóng hơn và kiểu thời tiết La Nia năm nay đã tạo điều kiện cho hạn hán nghiêm trọng hơn.

Một số thành phố hiện đã đạt đến “ngày số 0” – điểm khan hiếm nước trầm trọng khi nguồn cung cạn kiệt. Hơn một nửa diện tích Mexico đang bị hạn hán và cơ quan quản lý nước quốc gia Conagua đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở 4 bang phía bắc. Những bức ảnh cạnh nhau đáng kinh ngạc của hồ chứa Cerro Prieto ở Nuevo Léon, được Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) chụp từ không gian, cho thấy màu xanh lam đậm vào năm 2015 và trông giống như sa mạc vào mùa hè này.

Hồ chứa ở bang Nuevo Léon, nơi cung cấp nước cho thành phố Monterrey đã cạn kiệt trong nhiều năm. Nhưng đợt hạn hán ngày càng trầm trọng kể từ năm 2020 đã khiến hồ chứa được xây dựng vào những năm 1980 xuống mức thấp nhất.

Nhưng hạn hán vẫn không ngăn cản được việc sử dụng nước của các công ty, trong đó có Coca-Cola và Heineken sử dụng giếng tư nhân để tiếp tục khai thác nước ngầm cho dây chuyền sản xuất của họ.

Vào ngày 18/7, Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador đã yêu cầu các công ty đồ uống ngừng sản xuất để lấy nước cung cấp cho công chúng. Heineken cho biết sẽ phân bổ 20% nguồn cung cho mục đích công cộng; Coca-Cola đã mời người dân đến lấy nước miễn phí từ nhà máy nước khoáng Topo-Chico nhưng địa điểm này quá xa đối với hầu hết người dân.

Jaime Noyola, giám đốc Liên minh người sử dụng dịch vụ công, cho biết tổ chức của ông đã dự đoán cuộc khủng hoảng từ 4 tháng trước. Nhóm lợi ích công cộng thường xuyên biểu tình bên ngoài các tòa nhà chính phủ. Họ cáo buộc rằng các nhà lãnh đạo địa phương, bao gồm cả Thống đốc bang Nuevo Léon, Samuel García, đang trực tiếp thu lợi từ việc sử dụng nước của các công ty đồ uống. Liên minh đang kêu gọi cách chức ông Juan Ignacio Barragán, Giám đốc cấp thoát nước của thành phố Monterrey do xung đột lợi ích. Gia đình ông Barragán – một trong những gia đình giàu có nhất Mexico – đã thành lập công ty Arca Continental, một trong những vệ tinh của Coca-Cola. Trong tuyên bố chung, Arca Continental và Công ty Coca-Cola nhấn mạnh lĩnh vực công nghiệp của Monterrey chỉ tiêu thụ 4% lượng nước công cộng ở bang Nuevo Léon. Tuy nhiên, điều này không tính đến giếng tư nhân.

Mặc dù một nhóm các công ty đồ uống, bao gồm Arca Continental và Coca-Cola, đã cam kết chung sẽ từ bỏ 28% lượng nước họ sử dụng trong khi hạn hán vẫn tiếp diễn, các công ty này không đề cập đến việc giảm giá loại nước uống thiết yếu mà họ bán. Mexico là quốc gia tiêu thụ nước đóng chai bình quân đầu người lớn nhất thế giới.

Cuộc khủng hoảng nước đã gây ra các cuộc biểu tình và bạo lực giữa các tầng lớp, vì các khu vực giàu có hơn được cấp hạn ngạch nước cao hơn các khu vực nghèo hơn và vẫn có nước máy tới 12 giờ mỗi ngày. Vào ngày 16/7/2023, cư dân của hai vùng ngoại ô nghèo khó Monterrey biết được rằng một phần nước còn lại từ hồ chứa gần đó sẽ được chuyển về thành phố. Vì vậy họ đã chặn đường cao tốc bằng hàng rào ô tô, lốp xe, đá và cành cây, khiến giao thông bị đình trệ trong hai ngày. Sau đó họ đốt các đường ống nước.

Theo AN NINH THẾ GIỚI

Tags: ,