Cuộc chiến cứu kho xăng Đức Giang năm 1966

Trong lịch sử đấu tranh chống Mỹ hào hùng của dân tộc ta, chữa cháy kho xăng dầu Đức Giang là một sự kiện không thể không nhắc đến vì nó mang những ý nghĩa vô cùng quan trọng: không chỉ thể hiện ý chí quật cường, “lòng gang dạ sắt” của quân và dân Hà Nội mà còn đánh dấu sự trưởng thành, mạnh mẽ của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) Công an Hà Nội trong những ngày máu lửa chống Mỹ.

1. Năm 1966, sau khi thất bại thảm hại trong chiến dịch mùa khô lần thứ nhất ở miền Nam, Việt Nam, Mỹ ra sức điên cuồng chuẩn bị lực lượng cho đợt tấn công lần thứ hai với mục đích “gỡ lại danh dự” và tàn phá Việt Nam. Đồng thời với chiến lược này, chúng chủ trương đánh phá các tỉnh, thành phố lớn ở miền Bắc cùng các trung tâm dự trữ nguyên liệu quốc gia ở đây như các tổng kho xăng dầu, kho lương thực, vũ khí… để từ đó có thể cản trở, phá hoại con đường chi viện của tuyến dưới cho tuyến trên, của hậu phương cho tiền tuyến, của miền Bắc cho miền Nam…

Trong cuốn Biên niên sử của Công an Thủ đô đã ghi lại chi tiết kế hoạch của quân địch: “Ném bom các khu dự trữ xăng dầu của Bắc Việt Nam sẽ gây tổn hại nhiều hơn đến khả năng vận chuyển các đồ chi viện chiến tranh ở trong nước và các đường vào Nam Việt Nam hơn là bắn phá bất kỳ một hệ thống riêng biệt nào”.

Nắm rõ ý đồ ấy của đế quốc Mỹ, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Hồ Chủ tịch, Ban Bí thư Trung ương Đảng, đồng chí Trần Quốc Hoàn, Bộ trưởng Bộ Công an và Lãnh đạo UBND TP Hà Nội… Công an Hà Nội đã chủ động xây dựng trước chi tiết kế hoạch chữa cháy: củng cố, tăng cường lực lượng PCCC chuyên nghiệp ngày càng mạnh hơn đồng thời trang bị tối đa những thiết bị chuyên dụng gồm 20 xe chữa cháy, 600 mét vòi phun, 6 tấn thuốc chữa cháy…

Cùng với đó, thành lập những đội chữa cháy trong nhân dân, cơ quan, xí nghiệp để nhằm mục đích hỗ trợ cảnh sát PCCC khi cần thiết hoặc với những đám cháy nhỏ, họ có thể tự dập tắt, cứu chữa được. Theo thống kê của Công an Hà Nội, tổng số đã có 400 đội PCCC ở xã, phường, quận, huyện… được thành lập và đã có 545 máy bơm nước cải tiến, 3.133 máy bơm nhỏ… được trang bị cho lực lượng này.

Bên cạnh việc xây dựng, trang bị thiết bị… cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp và không chuyên, Công an Hà Nội đã tổ chức bố trí những vị trí trực chiến: lực lượng cảnh sát PCCC có mặt tại những khu vực thuận lợi nhất cho việc dập lửa, cứu chữa các mục tiêu trọng điểm. Còn lực lượng chữa cháy không chuyên trực chiến tại địa phương hoặc cơ quan, xí nghiệp để trong trường hợp “có lệnh” sẽ lên đường lập tức hỗ trợ cho lực lượng cảnh sát PCCC hoặc dập lửa nếu xảy ra hỏa hoạn vì tấn công của địch ngay tại địa phương, cơ quan của họ.

Và đúng như dự đoán, từ ngày 29/6/1966, đế quốc Mỹ mở đợt tấn công, đánh phá ồ ạt hệ thống dự trữ xăng dầu ở khu vực miền Bắc mà mở đầu là Tổng kho Xăng dầu Đức Giang. Đúng 12h18′ ngày 29/6/1966, 3 tốp máy bay của Mỹ đã thay nhau ném bom liên tiếp khu vực Hà Nội, Đức Giang và đã khiến cho Tổng kho Xăng dầu ở đây bốc cháy dữ dội. Nhiều bể chứa và đường ống dẫn xăng bị trúng bom vỡ tan tác hoặc bị xuyên thủng lỗ chỗ khiến xăng tràn ra, bốc cháy ngùn ngụt và tạo thành những cột lửa, khói khổng lồ, cao ngút. Hôm đó ở Hà Nội, đặc biệt là tại khu vực Gia Lâm, Đông Anh, bầu trời tối sầm vì đen kịt khói. Nhìn từ xa, Tổng kho Xăng dầu Đức Giang như một biển lửa đỏ rực.

Ngay khi Tổng kho Xăng dầu Đức Giang bị tấn công, toàn bộ lực lượng Cảnh sát PCCC Công an TP Hà Nội đã triển khai đúng theo kế hoạch dự định. 12 xe chữa cháy cùng lực lượng Cảnh sát PCCC của 4 đội Phan Chu Trinh, Đại La, Gia Lâm và Lộc Hà lên đường làm nhiệm vụ. Ngoài ra, còn có sự hỗ trợ của Cảnh sát PCCC Hà Bắc, Hà Tây, Hải Hưng, Trường PCCC và các lực lượng dân phòng…

Đồng chí Trương Từ Thức, Đội trưởng PCCC Công an Hà Nội là người đã trực tiếp chỉ huy vụ chữa cháy này. Tuy nhiên trong quá trình cứu chữa, do thiếu bình bọt khí CO2 nên thay vì phải dùng nguyên liệu để chữa cháy đối với xăng dầu theo đúng quy định của công tác PCCC, Công an Hà Nội đã phải dùng nước để dập lửa tại kho xăng dầu.

Trước một biển lửa đỏ rực với những “tháp” lửa ngày càng bốc cao vô cùng nguy hiểm, cảnh sát PCCC trong trang phục quần áo bạt, găng tay bạt, mũ đồng sơn xanh… tay cầm vòi phun đã xông thẳng vào đám cháy xối xả nước một cách tập trung vào khu vực trọng điểm cháy lớn nhất để cắt ngang ngọn lửa, tạo áp lực ngăn cách không khí với điểm cháy. Sau đó, dùng nguồn nước lớn khác phun thẳng vào điểm cháy nhằm dập tắt hẳn ngọn lửa đồng thời phun nước khu vực bồn xăng để làm lạnh và “cách ly” lửa với xung quanh.

Sau 17 giờ vật lộn, chiến đấu ác liệt với giặc lửa, mặc dù rất mệt mỏi, căng thẳng và gương mặt đen kịt vì ám khói, nhưng các chiến sĩ PCCC với nụ cười rạng rỡ, hân hoan vì đã dập tắt được ngọn lửa của kẻ thù, cứu chữa được 12 bồn xăng lớn, hàng nghìn phuy chứa xăng… Tính ra 23 triệu lít xăng trong tổng số 25 triệu lít đang dự trữ tại kho đã được các chiến sĩ bảo vệ an toàn.

Sau 17 giờ vật lộn, Cảnh sát PCCC Hà Nội đã dập tắt “biển lửa” kho xăng Đức Giang.

Tuy nhiên, để có chiến thắng vang dội ấy, cũng đã có sự đánh đổi bằng máu, nước mắt và cả tính mạng của chiến sĩ PCCC. Trên đường tham gia chi viện chữa cháy kho xăng Đức Giang, 2 đồng chí Thượng úy Trần Ẩn và Nguyễn Văn Ngữ đã hy sinh anh dũng do bị trúng bom Mỹ ở trên cầu Long Biên.

Với thành tích xuất sắc trong việc chữa cháy kho xăng Đức Giang, bảo vệ an toàn hàng chục triệu lít xăng được quý như máu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Cảnh sát PCCC Công an Hà Nội đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi, động viên. Bác viết: “… Trong việc phòng cháy chữa cháy, các đồng chí đã bình tĩnh, tích cực và dũng cảm. Các đồng chí đã phối hợp tốt với lực lượng quần chúng. Do đó, các đồng chí luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, dù trong những điều kiện khó khăn…”. Cùng với vinh dự nhận được thư khen ngợi của Hồ Chủ tịch, Chính phủ còn tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba cho Lực lượng PCCC, Công an Hà Nội.

Theo AN NINH THẾ GIỚI

Tags: , ,