COVID-19 và một góc tối tàn nhẫn của xã hội Nhật Bản

Qua COVID-19, các quán cà phê Internet mở cửa 24/7 phơi bày những điều còn che giấu trong nền kinh tế Nhật Bản.

COVID-19 và một góc tối tàn nhẫn của xã hội Nhật Bản

Một nơi trú ẩn do quận Kanagawa cung cấp cho những người từng ở tại các quán cà phê internet. Ảnh: CNN.

“Nhiều công ty đã phá sản do đại dịch. Có rất nhiều người hiện đang mất việc giống tôi,” anh Takahashi – 35 tuổi, sống tại Tokyo – chia sẻ khi đang xếp hàng chờ ở Shinjuku để nhận một bữa ăn miễn phí từ tổ chức hỗ trợ người vô gia cư Moyai .

Takahashi ngủ tại bến xe bus ở Tokyo hơn hai tuần khi những quán cà phê internet đóng cửa do lệnh phong tỏa. Anh chỉ là một trong số 4.000 người vô gia cư đang sống tại những quán cà phê internet mở cửa 24/7 ở Tokyo.

Trong những tuần qua, số ca nhiễm COVID-19 tại Nhật Bản tăng mạnh. Tính đến sáng ngày 04/05, theo thống kê của trang Worldometers, nước này đã có 14.877 ca nhiễm virus và 487 trường hợp tử vong.

Để ngăn chặn sự lây lan của virus corona mới (SARS-Cov-2), chính phủ Nhật Bản đã ban bố tình trạng khẩn cấp về y tế trên toàn quốc, ra lệnh đóng cửa các doanh nghiệp, trong đó có các quán cà phê internet, buộc những người đang sống tại đây phải tìm chỗ ấn náu khác.

Tình trạng khẩn cấp kể trên đã được gia hạn đến hết ngày 31/5.

Giới chức Nhật đã cung cấp chỗ ở khẩn cấp để hỗ trợ những người vô gia cư hiện đang trú ngụ tại các quán cà phê internet. Tuy nhiên đại dịch đã phơi bày những vấn đề đã tồn đọng hàng thập kỉ trong xã hội Nhật Bản.

Internet Café và những vấn đề tồn đọng

Mặc dù Tokyo được biết đến là một thành phố công nghệ cao, trù phú, nơi đây cũng có một cộng đồng 5.126 người vô gia cư, theo số liệu được công bố năm 2019 bởi chính quyền sở tại.

Trong số đó, có đến 4.000 người tị nạn đang sống tại các quan cà phê internet và hơn 1.000 người còn lại đang thất nghiệp và sống ở gầm cầu, trong các hộp các tông và lều ở những công viên hoặc là trên dọc các bờ sông. Các tổ chức từ thiện tin rằng con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều.

Tom Gill, một nhà Nhân chủng học xã hội tại Đại học Meiji Gakuin cho biết: “Mọi người bắt đầu sử dụng [các quán cà phê internet] để thay thế cho khách sạn, vì chi phí thuê chỗ ở cà phê internet rẻ hơn. Từ đó, nơi này dần biến thành một nơi trú ẩn vô cùng kì lạ cho người vô gia cư.”

Do mở cửa suốt ngày đêm, nhiều quán cà phê internet hay cà phê manga và video trên khắp Nhật Bản đã cung cấp phòng tắm, tiệm giặt là, tiệm cà phê, và quan trọng hơn cả là những phòng riêng với ghế ngả, có thể thuê được theo giờ theo ngày hoặc ngủ lại qua đêm. Các phòng riêng được ngăn cách với nhau bằng gỗ mỏng.

Giá thuê các phòng riêng ở từng nơi sẽ khác nhau. Tuy nhiên giá 1 phòng thuê trong 12 giờ sẽ dao động vào khoảng 17 USD đến 19 USD vào ngày thường và khoảng 28 USD vào ngày nghỉ hoặc cuối tuần.

Ở Tokyo có nhiều quán cà phê internet đến nỗi bất cứ ai cũng có thể tìm thấy một chỗ để ngủ vào hầu như tất cả các đêm.

Trong thập kỉ qua, do việc hợp pháp hóa một phần các việc làm tạm thời và bán thời gian vào năm 1986 và hợp pháp hóa toàn bộ vào năm 1999, số lượng người làm việc bán thời gian tại Nhật Bản tăng mạnh.

Theo Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, năm 2019, Nhật Bản có 22 triệu nhân viên bán thời gian và nhân viên hợp đồng. Con số này năm 2011 là 17 triệu người.

Một số người trong số đó không có công việc hằng ngày và thường được trả mức lương tối thiểu là 9 USD/ 1 giờ. Những công nhân như vậy rất khó để có thể sở hữu một căn nhà cố định. Tại Nhật Bản, người thuê nhà cần phải trả trước cho chủ nhà tiền thuê nhà, tiền đặt cọc ít nhất ba tháng.

Có tới khoảng 15.000 người ở lại tại những quán cà phê internet mỗi đêm ở Tokyo. Rất nhiều trong số đó là những người ở lại nhậu sau ca làm và lỡ mất chuyến tàu cuối để về nhà. Còn lại là những người không có khả năng chi trả nhà ở.

Takahashi không ngại khi những quán cà phê internet có phần đông đúc. Anh đã thuê một phòng riêng có chìa khóa, và cũng bỏ hết đồ đạc vào một ba lô để có thể dễ dàng di chuyển từ nơi này sang nơi khác.

Nhưng mọi thứ đã thay đổi kể từ khi đại dịch ập đến.

Công ty anh làm đã phá sản, các quán cà phê internet cũng dần đóng cửa do lệnh phong tỏa.

Một kiểu vô gia cư rất khác

Kiểu người tị nạn tại những quán cà phê đã tồn tại từ những năm 1990, nhưng người ta sẽ không để tâm về nó khi nên kinh tế đang ổn định, bởi những người vô gia cư này, thực tế mà nói, thì không phải ngủ dưới đường – ông Gill cho hay.

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã “phơi bày một cách tàn nhẫn những điều trước giờ được che giấu trong nền kinh tế Nhật Bản,” ông bổ sung.

Trong ngày 30/04 vừa qua, người phát ngôn chính quyền Tokyo Hatanaka Kazuo cho biết, thành phố sẽ cung cấp cho những người vô gia cư ở những quán cà phê internet này một phòng trong khách sạn tới ngày 06/05. Thời hạn này có thể sẽ được kéo dài căn cứ theo tình trạng khẩn cấp quốc gia.

Để có đủ điều kiện, người đăng kí cần phải xuất trình thẻ thành viên của cà phê internet hoặc mang theo biên lai chứng minh rằng họ đã từng sống ở nơi này. Mỗi khu vực ở Tokyo sẽ có một quầy thông tin để trợ giúp những người tị nạn tại những quán cà phê internet.

Trước ngày 21/04, những người tị nạn này phải chứng minh rằng họ đã ở Tokyo trong vòng 6 tháng. Đến ngày 22/04, những hỗ trợ này được dỡ bỏ.

Kể từ khi ban bố tình trạng khẩn cấp ở Tokyo vào ngày 07/04, gần 700 người đã chuyển vào khách sạn do chính quyền địa phương hỗ trợ. Ở thành phố Yokohama, phía nam Tokyo, các lãnh đạo đã chuyển đổi một phòng võ thuật thành nơi ở với thiết kế cho những không gian riêng, có rèm để tạo cảm giác riêng tư và cũng là để thực thi các quy tắc giãn cách xã hội.

Nhiều người tị nạn tại các quán cà phê internet đã không biết đến sự giúp đỡ này do các quan chức của Tokyo không tuyên truyền rộng rãi, ông Ren Onishi – chủ tịch tổ chức Moyai chia sẻ.

Đầu tháng 4, Moyai đã đưa ra một bản kiến ​​nghị xin phép sử dụng các ngôi làng của vận động viên cho Olympic tổ chức tại Tokyo vào năm tới vào mục đích biến chúng thành nơi ở cho những người vô gia cư. Bản kiến ​​nghị đến nay đã thu được 53.000 chữ ký.

Những người vô gia cư ở Nhật thường bị đổ lỗi cho tình trạng của mình, ông Onishi nói. Ông hy vọng rằng, thông qua đại dịch, điều này sẽ được thay đổi.

Sự kỳ thị của xã hội đối với người vô gia cư đã khiến nhiều người đã vô cùng xấu hổ khi tìm sự giúp đỡ. Các quán cà phê internet cho họ chỗ ở cơ bản nhất và lại được ẩn danh. Họ chỉ cần trả lời một vài câu hỏi sau đó thanh toán chi phí bằng tiền mặt.

“Tính ẩn danh là một lợi thế, nhất là khi bạn không muốn gia đình hoặc đồng nghiệp biết nơi mình đang sống,” chuyên gia Tom Gill cho biết.

Theo ông, số lượng lớn người sống trong các quán cà phê internet là đàn ông cũng là do thái độ bảo thủ ở Nhật Bản. Những người đàn ông trông có vẻ khỏe mạnh thường bị đổ lỗi là tại mình để bản thân rơi vào tình trạng vô gia cư. Các quan chức Nhật Bản có vẻ đồng cảm nhiều hơn cho phụ nữ.

Theo BÁO TỔ QUỐC

Tags: , , ,