Công ty đa quốc gia – kẻ thao túng nền thương mại toàn cầu

Trong nền thương mại toàn cầu ngày càng tự do ngày nay, chính các công ty đa quốc gia, những tác nhân chủ chốt tiến hành các hoạt động thương mại quốc tế, là những người nắm giữ quyền lực trong việc xác lập các quy tắc thương mại toàn cầu.

Tác giả: Lê Hồng Hiệp.

Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).

Các công ty đa quốc gia (multinational corporations), hoặc công ty xuyên quốc gia (transnational corporations), là những công ty có hoạt động diễn ra tại hai quốc gia trở lên. Các công ty đa quốc gia ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế thế giới. Hiện nay, 500 công ty đa quốc gia lớn nhất kiểm soát hơn hai phần ba thương mại thế giới, trong đó phần lớn là các trao đổi được thực hiện giữa các công ty con, chi nhánh của chúng với nhau. Bên cạnh đó, 100 công ty đa quốc gia lớn nhất chiếm khoảng một phần ba tổng số đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên toàn cầu. Tuy nhiên, sự phân bổ của các công ty đa quốc gia không đồng đều, với phần lớn trong tổng số hơn 63.000 công ty đa quốc gia trên thế giới có trụ sở chính ở Mỹ, Châu Âu hoặc Nhật Bản.

Sự xuất hiện các công ty đa quốc gia không phải là một hiện tượng mới mẻ. Ví dụ những công ty như Công ty Đông Ấn Anh Quốc hay Đông Ấn Hà Lan bắt đầu hoạt động trên phạm vi quốc tế trong thời kỳ diễn ra làn sóng thực dân hóa đầu tiên cách đây hơn 300 năm. Tuy nhiên bản chất của các công ty đa quốc gia đã thay đổi rất nhiều trong những thế kỷ qua. Cuộc Cách mạng công nghiệp và công nghệ thông tin cùng các biện pháp quản lý mới đã đóng vai trò quan trọng trong tiến trình này. Đặc biệt với quá trình toàn cầu hóa được thúc đẩy mạnh mẽ kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai cùng sự mở rộng thương mại tự do, các công ty đa quốc gia đã khuếch trương mạnh mẽ về số lượng và quy mô hoạt động.

Với tác động của toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại, các công ty đa quốc gia đã có nhiều thuận lợi hơn trong việc tìm kiếm những địa điểm hoạt động mang lại hiệu quả cao nhất. Theo đó, các công ty này đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài nhằm khai thác lợi thế so sánh của từng quốc gia, tận dụng các chính sách ưu đãi, qua đó giảm chi phí sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh cho mình. Sự lớn mạnh của các công ty đa quốc gia cũng là chỉ dấu cho thấy một sự thay đổi quan trọng trong nền chính trị thế giới đang diễn ra. Theo đó, khi quyền năng trong việc áp đặt các hàng rào thuế quan giảm sút, vai trò của các nhà nước trong việc điều phối nền thương mại toàn cầu cũng không còn mạnh mẽ như trước đây. Trong nền thương mại toàn cầu ngày càng tự do ngày nay, chính các công ty đa quốc gia, những tác nhân chủ chốt tiến hành các hoạt động thương mại quốc tế, là những người nắm giữ quyền lực trong việc xác lập các quy tắc thương mại toàn cầu.

Quyền lực của các công ty đa quốc gia còn thể hiện ở chỗ chúng rất khó kiểm soát. Do hoạt động xuyên biên giới, các quy định pháp luật ở cấp độ quốc gia thường không đủ để điều chỉnh hành vi của các công ty đa quốc gia. Vấn đề này còn nảy sinh từ thực tế rằng việc điều phối pháp luật ở cấp độ quốc tế còn rất yếu và rất khó đảm bảo thực thi. Chính vì vậy mặc dù các công ty đa quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng và phát triển toàn cầu, việc các công ty này có thể chuyển hoạt động sang các quốc gia khác khi gặp phải các rào cản quản lý ở nước sở tại khiến cho các quốc gia đơn lẻ hầu như không thể kiểm soát được hoạt động và hành vi của các công ty đa quốc gia.

Thực tế này cũng được thể hiện sống động trong các tranh luận xung quanh các công ty đa quốc gia với những ý kiến ủng hộ cũng như phản đối vai trò và ảnh hưởng của các công ty này.

Một mặt, các nhà chỉ trích cho rằng các công ty đa quốc gia là những kẻ bóc lột các nước kém phát triển, xâm hại quyền con người, gây ô nhiễm môi trường, và trong nhiều trường hợp còn tham gia các hoạt động phạm pháp, thậm chí liên quan đến các âm mưu lật đổ chính quyền nước sở tại. Ví dụ, có nhiều bằng chứng cho thấy vào những năm 1970, công ty ITT và Anaconda Copper với sự trợ giúp của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã dính líu vào việc lật đổ chính quyền dân cử của bác sĩ Salvador Allende tại Chile nhằm thu hồi lại các tài sản đã bị quốc hữu hóa. Công ty dầu lửa Shell cũng là một trong số ít các công ty đa quốc gia vẫn tiếp tục duy trì hoạt động ở Nam Phi thời kỳ chế độ apartheid bất chấp sự phản đối và lời kêu gọi công ty này chấm dứt hoạt động ở đây của cộng đồng quốc tế và các tổ chức phi chính phủ. Các công ty đa quốc gia cũng bị cáo buộc là làm thất thoát nguồn thu ngân sách của các quốc gia thông qua hình thức chuyển giá nội bộ, một biện pháp nhằm trốn thuế rất tinh vi mà chính quyền các quốc gia rất khó kiểm soát. Ở Việt Nam, việc công ty Vedan của Đài Loan gây ô nhiễm môi trường trên quy mô lớn và kéo dài ở khu vực sông Thị Vải (Đồng Nai) là một ví dụ khác về các mặt trái của các công ty đa quốc gia.

Ngược lại, những người ủng hộ các công ty đa quốc gia cũng ca ngợi những công ty này là các cỗ máy cung cấp động lực phát triển kinh tế cho các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển, thông qua nguồn vốn, công nghệ hay kỹ năng quản lý mà các công ty này mang đến cho các quốc gia tiếp nhận đầu tư. Thông qua các nhà máy và các dự án ở các nước đang phát triển, các công ty đa quốc gia được cho là góp phần tạo ra công ăn việc làm, gia tăng tổng thu nhập quốc nội, cũng như góp phần nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật, khả năng quản lý của các nước đang phát triển. Thông qua hoạt động của mình, các công ty đa quốc gia cũng có thể giúp các quốc gia thay đổi cơ cấu nền kinh tế, mở rộng xuất nhập khẩu và qua đó hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu. Trên bình diện quốc tế, các công ty đa quốc gia cũng được ca ngợi là những người tiên phong trong nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới, là một lực lượng giúp thúc đẩy quá trình hiện đại hóa quan hệ quốc tế và là một trong những nguồn hi vọng đối với việc xóa đói giảm nghèo ở các nước thuộc Thế giới thứ ba.

Bất chấp những tranh cãi xung quanh vai trò và tác động tích cực hay tiêu cực của các công ty đa quốc gia, một điều rõ ràng có thể nhận thấy chính là việc các quốc gia đang cạnh tranh gay gắt lẫn nhau nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài của các công ty đa quốc gia. Chính vì thế các quốc gia rất miễn cưỡng trong việc áp đặt các biện pháp hạn chế đối với các công ty này. Không những vậy, các quốc gia còn đưa ra các chính sách ưu đãi, thậm chí chấp nhận điều chỉnh pháp luật hay các tiêu chuẩn về môi trường, kỹ thuật… nhằm thu hút các công ty đa quốc gia đến đầu tư. Đây cũng là lý do tờ tạp chí The Economist của Anh từng ví các công ty đa quốc gia như những “con quái vật được yêu thích” của tất cả các quốc gia, ai cũng biết những hạn chế và tác động tiêu cực của chúng nhưng ai cũng muốn đón chào và khai thác những lợi ích mà chúng mang lại.

Theo NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ

Tags: ,