⠀
Công nghệ, sự tiện nghi và bi kịch của cuộc sống đô thị ngày nay
Chúng ta đang sống trong thời đại mà “thời gian là tiền bạc”, mọi chi phí (thời gian, vốn, quan hệ) được cân, đong, đo, đếm bằng hiệu quả mang lại…
Tan sở chiều thứ bảy, được tin nhắn của người bạn mời đến nhà ăn cơm. Tôi nhận lời ngay, sau một tuần bận rộn với công việc, được sống trong cảnh đoàn tụ gia đình cho dù là ở nhà người khác vẫn hơn là lang thang đâu đó ở thành phố rộng mênh mông này.Đón con gái từ trường học, cả ba chúng tôi trở về một ngôi biệt thự mini tuyệt đẹp trên đường Trường Sơn. Mâm cơm đã sẵn sàng, nhưng bà chủ đi vắng. Một mảnh giấy kiểu văn phòng có đầy đủ tên hiệu công ty và một thông điệp vừa đủ để truyền tải ý tưởng in từ máy vi tính bằng font chữ VNI-Times: “Đi tiếp đối tác, cơm đã dọn sẵn, chúc hai bố con ngon miệng”.
Chẳng thèm mở mâm cơm, anh kêu con và tôi ra quán cơm bà Tư béo đầu phố ăn cơm với cá kho, cà pháo, canh cua.
Không nén được tò mò, trước khi trở gót, mở lồng bàn ra tôi thấy một mâm thức ăn thật thịnh soạn: bánh mì sandwich, phômai Pháp, xúc xích Đức, giò chả Vissan và hai lon Coca-Cola đã ướp lạnh.
Một bữa ăn đắt tiền, giàu chất dinh dưỡng, nhưng tiếc thay lại là bữa ăn công nghệ thừa công thức kỹ thuật nhưng thiếu hẳn hơi ấm con người. Nhìn thái độ của hai bố con anh tôi hiểu, một bi kịch đang lặp lại ở gia đình anh, cũng như đang lây lan ra nhiều gia đình công chức khác.
Chúng ta đang sống trong thời đại mà “thời gian là tiền bạc”, mọi chi phí (thời gian, vốn, quan hệ) được cân, đong, đo, đếm bằng hiệu quả mang lại.
Sức ép của công việc, sự cạnh tranh về vị trí xã hội, sự đòi hỏi của mưu sinh buộc chúng ta phải lựa chọn phương thức nào bỏ ra ít nhất mà phần thu về nhiều nhất một cách khá thực dụng. Các dịch vụ xã hội đô thị, các sản phẩm công nghệ phong phú đa dạng đáp ứng được mọi nhu cầu của cá nhân hoàn hảo đến mức chỉ việc “nhấn nút”, “bật nắp”, “mở khóa”.
Thật khó tránh khỏi những cám dỗ của cái gọi là “luôn sẵn sàng”, “thật tiện ích”, “mọi lúc, mọi nơi” bởi nhờ chúng mà ta có thể tiết kiệm thời gian để làm việc khác, và chính chúng đã gánh bớt cho chúng ta phần trách nhiệm với gia đình, con cái, cha mẹ và bạn bè.
Nhưng chính sự lạm dụng nó quá mức khiến chúng ta đang bị chìm dần trong cuộc sống công nghệ. Khi công nghệ tăng lên thì nhân văn giảm đi, đó chính là bi kịch và mâu thuẫn chết người của sự phát triển trong xã hội phát triển.
Bát canh cua, tô canh chua, chả giò, rau muống luộc có thể không có nhiều chất bổ béo bằng một hộp trứng cá Cavia hay jambon Pháp, nhưng ở đó là tình cảm, là sự sáng tạo, là nghệ thuật sắp đặt, là sợi dây liên kết.
Sự thật thì chúng ta chưa được chuẩn bị chu đáo cho việc đón nhận những thay đổi nhanh chóng xuất hiện dồn dập khi chuyển từ xã hội nông nghiệp, tiền công nghiệp sang xã hội công nghiệp hiện đại.
Chúng ta bị cuốn đi quá nhanh, tiếp nhận vội vã, tận hưởng ngấu nghiến như người bị đói lâu ngày đến mức không còn kịp suy nghĩ cho thấu đáo về hệ quả tiêu cực của xã hội công nghệ, trong nhiều trường hợp đến khi tỉnh ra thì chỉ còn biết ân hận như người đàn bà tội nghiệp trở về lại bên cái máng lợn sứt mẻ sau khi đã làm đến nhất phẩm phu nhân trong câu chuyện Ông lão đánh cá và con cá vàng.
Con cái chúng ta đang thừa hưởng quá nhiều sản phẩm công nghệ mà quá ít nhân văn đến mức chúng bội thực: học công nghệ (công nghệ giáo dục), chơi công nghệ (game, đồ chơi điện tử), ăn uống công nghệ (Coca-Cola, thịt hộp).
Điện thoại các loại (để bàn hay di động) giúp chúng ta giao tiếp nhiều hơn nhưng đã tước đi của chúng ta xúc cảm (niềm vui hay nỗi buồn) gặp gỡ trực tiếp. Ngay trong cùng một nhà mà vợ chồng con cái trò chuyện với nhau bằng điện thoại như các khách hàng.
Ông bà nội, ngoại nhận quà biếu, tiền phụng dưỡng của con cháu bằng dịch vụ chuyển phát nhanh, điện hoa trong khi cùng sống trong một thành phố. Thư điện tử (email), bưu thiếp điện tử (ecard) có vẻ thuận tiện bởi chỉ việc “click” là xong, nhưng người gửi không biết là người nhận chán ngán không muốn mở ra bởi chúng là xúc cảm theo kiểu chế tác công nghệ.
Các nhà khoa học còn cho thấy một kết quả quan sát được là việc sinh con và nuôi con của người phụ nữ hiện nay có đến hơn 90% các công đoạn là có sự hiện diện của các sản phẩm công nghệ (sinh mổ bắt con, sữa bột nhân tạo, bột dinh dưỡng, núm vú giả, tã giấy, võng lắc tự động, đĩa DVD hát ru, túi nước nóng, thuốc kháng sinh…).
Nếu người ta gọi chợ là không gian văn hóa bởi ở đó giao lưu tình cảm: thăm hỏi, trả giá, khen chê, hí hửng (vì mua rẻ), tiếc rẻ (vì mua nhầm) và cả cãi cọ nữa thì siêu thị là điển hình của công nghệ kinh doanh: xem hàng, nhặt lên, bỏ vào giỏ, đẩy xe, xếp hàng, trả tiền và im lặng.
Nếu bạn muốn tận mắt chứng kiến một không gian đậm đặc lối sống công nghệ, xin hãy đến những cao ốc văn phòng vài chục tầng lầu có hàng trăm nhân viên của hàng chục công ty khác nhau cùng hoạt động. Ai cũng ăn mặc trịnh trọng nhưng chẳng ai nói với ai câu nào như robot ngoài việc chúi mũi vào bàn phím, hay ngập đầu trong một đống giấy tờ với một không khí lạnh tanh.
Chúng ta đã và đang nhân danh sự tiết kiệm và định hướng hoạt động để bỏ đi quá nhiều phong tục tập quán đẹp.
Nếu chỉ đo lợi ích hoạt động văn hóa của cộng đồng và trong mỗi gia đình bằng lợi nhuận, số tiền tiết kiệm được, số thời gian đỡ phí phạm (chưa chắc số tiền chưa chi tiêu và số thời gian cơ khí chưa sử dụng này sẽ được dùng có ích hơn) để cấm đoán hay hạn chế các hoạt động văn hóa (lễ hội, vui chơi giải trí, đám cưới, tiệc tùng) thì hệ quả là mang lại một lối sống khô cứng, lạnh lùng, buồn tẻ theo kiểu “con người kinh tế” trong xã hội đô thị.
Lợi ích của hoạt động văn hóa mang lại không thể tính bằng tiền, nhưng lại vô cùng cần thiết khi nó tạo ra quan hệ, thiết kế mạng xã hội, gắn kết con người với nhau. Chi phí cho những chuyến du lịch bao giờ cũng lớn (có khi tiết kiệm cả năm) nhưng cái nhận được thật không nhỏ.
Đồ ăn công nghiệp, công nghệ giải trí, ấn phẩm công nghiệp hôm nay đã biến cái tết cổ truyền đầy thi vị thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ, cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh thành ra những bữa ăn công nghiệp tẻ nhạt trong ba ngày chủ nhật kế tiếp nhau làm mất hết cả ý nghĩa văn hóa.
Tương tự như thế những cái đám cưới “đời sống mới” với dăm ba cái kẹo giấy bóng, mấy lon nước ngọt làm cho “nam thanh, nữ tú” hết hào hứng. Tiết kiệm là cần thiết, nhưng chớ cực đoan quá làm cho đời sống văn hóa đơn giản đến mức đơn điệu thì quả là không nên.
Thời gian gần đây ở TP.HCM đã xuất hiện một vài quán trà nghệ thuật với không gian văn hóa truyền thống. Bộ phim Sống chậm của một đạo diễn trẻ mới trình chiếu trên tivi cũng là một sự phản ứng yếu ớt trước lối sống nhanh của xã hội công nghệ.
Trên thế giới xuất hiện ngày một nhiều cái gọi là “một ngày” trong tháng để giảm bớt sự hiện diện của kỹ thuật và kéo con người xích lại gần nhau: một ngày đi bộ, một ngày không bật tivi, một ngày không dùng điện thoại, một ngày quây quần quanh bữa cơm gia đình, một ngày đi thăm những người bạn cũ, một ngày xem lại các kỷ niệm cũ…
Chúng ta cần tận dụng thành tựu của kỹ thuật – công nghệ, nhưng đừng làm nô lệ cho chúng đến mức giao phó con cái, gia đình và cuộc sống cho công nghệ định đoạt, để đến một lúc nào đó chúng ta phải kêu gọi nhau phục hưng những gì đã mất.
Theo NGUYỄN MINH HÒA /TUỔI TRẺ ONLINE
Tags: Con người và xã hội, Quan điểm sống