Công nghệ số và những ảnh hưởng kinh tế xã hội: Trường hợp Ấn Độ

Những chuyển đổi số đã làm thay đổi cấu trúc việc làm và các hoạt động kinh doanh ở Ấn Độ. Những thay đổi này vừa tạo ra cơ hội nhưng cũng có nhiều thách thức.

Công nghệ số và những ảnh hưởng kinh tế xã hội: Trường hợp Ấn Độ

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á, số 10, năm 2019.

Kinh tế số đang là trọng tâm và được ưu tiên phát triển ở Việt Nam. Tuy nhiên việc phát triển kinh tế số vẫn còn gặp nhiều rào cản và thách thức như vấn đề pháp lý, kỹ năng, bảo mật thông tin của các bên tham gia, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực… Để thúc đẩy chuyển đổi số đòi hỏi Việt Nam phải tập trung chuyển dịch các cơ sở hạ tầng viễn thông thành cơ sở hạ tầng ICT bằng các chính sách và chương trình cụ thể như quy hoạch tần số 5G, tuyên bố lộ trình dừng sử dụng 2G, 3G, phổ cập điện thoại thông minh.v.v…

Ấn Độ là một trong các quốc gia phát triển mạnh mẽ về công nghệ số và nền kinh tế số (Ranjan Guha, 2017). Chính phủ Ấn Độ đã dành nhiều sự quan tâm, hỗ trợ và thúc đẩy nền kinh tế số và biến nó thành một yếu tố thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ của Ấn Độ. Ấn Độ có nhiều chương trình thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số như: National e-Governance Plan; Digital India; Start-up India; Make in India; Skill India; Smart Cities; và Digital Connectivity. Trong đó, Chương trình “Ấn Độ số – Digital India” của Thủ tướng Narendra Modi là một trong số các ưu tiên hàng đầu của chính phủ, để phát triển kinh tế thông qua việc tận dụng các lợi ích và cơ hội công nghệ số mang lại.

Bên cạnh đó, đây là các chương trình với trọng tâm là sự chuyển đổi kỹ thuật số hoàn chỉnh của xã hội, phát triển nền kinh tế tri thức, phát triển hệ sinh thái kinh doanh bền vững. Sự xuất hiện của chương trình này với mục tiêu đầu tiên là kết nối các vùng nông thôn với mạng Internet tốc độ cao và cải thiện kiến thức kỹ thuật số, cuộc cách mạng kỹ thuật số đã bắt đầu diễn ra ở Ấn Độ. Sự thay đổi này đã dẫn đến tăng trưởng bao trùm trong các lĩnh vực dịch vụ điện tử, sản phẩm, công nghiệp chế tạo và tạo ra nhiều cơ hội việc làm.

Ngoài ra, Ấn Độ cũng là quốc gia đang dẫn đầu thế giới về phát triển hệ thống thanh toán. Việc phát triển hệ thống thanh toán đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng quy mô lớn các hệ thống thanh toán kỹ thuật số ở Ấn Độ. Bước tiến tiếp theo của tiến bộ công nghệ số tại Ấn Độ sẽ được thúc đẩy bởi sự đổi mới căn bản, phần mềm mã nguồn mở, và các giải pháp doanh nghiệp để phát triển thành phố thông minh. Đây là những lĩnh vực mà Ấn Độ có tiềm năng rất lớn.

Công nghệ kỹ thuật số và ảnh hưởng đối với tăng trưởng kinh tế

Việc phát triển công nghệ số được thực hiện thông qua việc phát triển, áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông để tiếp cận và khai thác mọi nguồn lực và mang lại nhiều lợi ích cho xã hội loài người (Rinaldo Evangelista và cộng sự, 2014; Raul L. Katz, 2017; Hernandez, K. và cộng sự, 2016). Việc phát triển số hóa đòi hỏi thời gian, chi phí và duy trì môi trường mạnh và an toàn. Hầu hết các nghiên cứu về tác động của công nghệ số ở các nước đang phát triển đều nhấn mạnh rằng khoảng cách số xảy ra ở nhiều khía cạnh khác nhau trong đời sống kinh tế xã hội tại các quốc gia này (World Bank, 2016). Khoảng cách số được biểu hiện rõ nhất chính là sự khác biệt trong việc sử dụng các công nghệ kỹ thuật số như tính sẵn có về cơ sở hạ tầng cơ bản, quyền truy cập, khả năng chi trả, v.v., thứ hai là những lợi ích thu được từ công nghệ số và thứ ba là mức độ kỹ năng số.

Ảnh hưởng lớn nhất của khoảng cách số chính là tình trạng phát triển (khoảng cách giữa việc sử dụng và lợi ích thu được giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển, giữa thành thị và nông thôn…), tình trạng thu nhập, giáo dục, giới tính… (UNCTAD, 2017). Việc áp dụng hàng loạt các dịch vụ kỹ thuật số được kết nối bởi người tiêu dùng, doanh nghiệp và chính phủ xuất hiện trong những năm gần đây được coi như một động lực kinh tế quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm (Karim Sabbagh và cộng sự, 2013). Bên cạnh đó, số hóa có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách đưa ra các giải pháp hoàn thiện để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và việc làm.

Ở cấp độ vĩ mô, kết quả nghiên cứu của Katz và Callorda (2017) chỉ ra rằng chỉ số phát triển hệ sinh thái kỹ thuật số, tương ứng với làn sóng thứ nhất và thứ hai của số hóa (bao gồm tất cả các công nghệ viễn thông và dịch vụ kỹ thuật số như thương mại điện tử, chính phủ điện tử, y tế) tăng 1% sẽ giúp tăng trưởng GDP bình quân đầu người tăng 0,13%. Điều đó có nghĩa là nếu tăng mười điểm trong chỉ số này sẽ mang lại mức tăng 0,26% trong GDP bình quân đầu người. Đặc biệt chỉ số này ở các nước OECD cao hơn các nền kinh tế mới nổi. Với làn sóng thứ hai của số hóa, tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy nhờ sự ra đời của các dịch vụ và ứng dụng mới như tìm kiếm thông tin Internet, thương mại điện tử, giáo dục từ xa và mạng xã hội (Atkinson et al., 2009). Những thay đổi này đã mang lại những tác động đáng kể tới tăng trưởng kinh tế. Ví dụ, ở các quốc gia có tỷ lệ sử dụng băng thông rộng, năm 2015, tỷ lệ phần trăm của tổng giao dịch bán lẻ được thực hiện thông qua thương mại điện tử đã vượt quá 10% (Hàn Quốc: 15,09%, Đan Mạch: 12,63%, Vương quốc Anh: 13,41%). Điều này dẫn đến sự phát triển của các sản phẩm và dịch vụ mới, ví dụ như các doanh nghiệp công nghệ đặc trưng cho nền kinh tế kỹ thuật số như Uber, Airbnb, v.v.

Sự phát triển của các nền tảng Internet đã dẫn đến sự xuất hiện của một thị trường rộng lớn để tạo ra các ứng dụng và nội dung Internet địa phương bằng ngôn ngữ bản địa. Ngoài ra, kỹ thuật số còn tạo ra việc làm trong sản xuất, phân phối và quản lý ngành công nghiệp kỹ thuật số. Sự phát triển của kỹ thuật số còn mang lại nhiều lợi ích như giúp củng cố bản sắc văn hóa quốc gia, giảm mất cân bằng ngoại thương và thúc đẩy nhu cầu về dịch vụ cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin trong nước.Ở cấp độ cao nhất của việc áp dụng công nghệ số như mạng điện toán, băng thông rộng và các thiết bị di động đã cho phép và thúc đẩy các lĩnh vực sản xuất truyền thống của nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn.

Trên thực tế, nhiều lĩnh vực truyền thống của nền kinh tế bị hạn chế tăng trưởng do việc truy cập vào các tài nguyên như nguyên liệu thô hoặc kênh phân phối bị hạn chế (Raul L. Katz, 2017) cũng như giải quyết được vấn đề về lao động. Đầu tiên, công nghệ số thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua tăng năng suất lao động. Việc giới thiệu các quy trình kinh doanh hiệu quả hơn được hỗ trợ bởi công nghệ thông tin, tối ưu hóa quá trình marketing, quản lý hàng tồn kho và tối ưu hóa chuỗi cung ứng đã cải thiện năng suất lao động (Atkinson và cộng sự, 2009). Từ đó thúc đẩy doanh nghiệp tăng doanh thu và độ bao phủ thị trường ngày càng mở rộng, thông qua đó công nghệ số thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng (Varian và cộng sự, 2002; Gillett và cộng sự, 2006).

Theo nghiên cứu của Abramovsky và cộng sự (2006), công nghệ số tác động đến các thành phần và triển khai các chuỗi giá trị công nghiệp. Phát triển công nghệ số có thể thu hút việc làm từ các khu vực khác, nó là kết quả của khả năng xử lý thông tin và cung cấp dịch vụ từ xa. Các dịch vụ bị ảnh hưởng lớn nhất của số hóa là thuê ngoài và dịch vụ từ các trung tâm chăm sóc khách hàng ảo. Việc triển khai và áp dụng công nghệ số đã thúc đẩy tăng trưởng một số ngành trong lĩnh vực dịch vụ như công nghệ phần mềm và dịch vụ thuê ngoài (Crandall và cộng sự, 2007). Liên quan đến tăng trưởng doanh thu, nghiên cứu của Clarke (2008) đã chỉ ra tác động tích cực của truy cập băng thông rộng đến xuất khẩu của các công ty sản xuất và dịch vụ.

Với việc tiếp cận băng thông rộng, các công ty sản xuất tạo ra doanh số xuất khẩu nhiều hơn 6% so với các công ty còn lại. Một câu hỏi được đặt ra là làm thế nào công nghệ số thúc đẩy sự phát triển? Công nghệ kỹ thuật số đã mở rộng đáng kể việc tiếp cận thông tin, giảm chi phí thông tin, và tạo ra các hàng hóa thông tin. Điều này đã tạo điều kiện cho việc tìm kiếm, kết hợp, chia sẻ thông tin và đóng góp cho tổ chức và tạora sự hợp tác lớn hơn giữa các tác nhân kinh tế. Công nghệ số ảnh hưởng đến cách các công ty hoạt động, mọi người tìm kiếm cơ hội và công dân tương tác với chính phủ.

Bên cạnh đó, công nghệ số giúp không giới hạn trong các giao dịch kinh tế, nó cũng tác động tích cực đến sự tham gia của phụ nữ trong lực lượng lao động, dễ dàng giao tiếp cho người khuyết tật, và cách mọi người dành thời gian giải trí của họ. Bằng cách vượt qua các rào cản về thông tin, tăng cường các yếu tố và chuyển đổi sản phẩm, các công nghệ kỹ thuật số có thể giúp phát triển toàn diện hơn, hiệu quả hơn và đổi mới.v.v. Ngoài việc ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung thì công nghệ số đã ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế xã hội của các vùng nông thôn tại nhiều quốc gia trên thế giới. Laila Memdani (2012) đã chỉ ra những ảnh hưởng không nhỏ của công nghệ số tới nông thôn khi nghiên cứu trường hợp của Ấn Độ như sau:

Tăng cơ hội việc làm: Lợi ích đầu tiên và quan trọng nhất của công nghệ số là tăng cơ hội việc làm ở khu vực nông thôn. Việc phát triển số hóa đã giúp cho số lượng lớn các doanh nghiệp nhỏ có việc làm trong việc cung cấp kiốt Internet ở nông thôn.

Cải thiện mức sống: Lợi ích thứ hai là cải thiện mức sống của người dân nông thôn bằng cách cải thiện thu nhập của họ. Đa phần người dân nông thôn đã được hưởng lợi từ các tiện ích từ số hóa. Họ được sử dụng các dịch vụ internet và các dịch vụ tiện ích khác nhờ vào các chương trình khác nhau. Từ đó người dân nâng cao hiểu biết và nhận thức về phương pháp canh tác mới, mùa vụ, bệnh dịch v.v. Kết quả là người dân nông thôn nâng cao được năng suất, tránh được bệnh dịch, tiết kiệm được chi phí.

Giảm rủi ro: Cộng đồng nông thôn bằng việc sử dụng internet và các công nghệ số có thể sử dụng đầy đủ các kỹ thuật có sẵn để giảm thiểu rủi ro và sự không chắc chắn bằng cách nhận được thông tin thị trường trực tuyến. Ví dụ, ngư dân có thể kiểm tra điều kiện thời tiết trước khi ra biển và họ cũng có thể mang điện thoại di động, các thiết bị viễn thông để trong trường hợp khẩn cấp, họ có thể liên hệ với người thân hoặc chính quyền để nhận được sự giúp đỡ.

Gia tăng tỷ lệ biết chữ ở nông thôn: Số lượng lớn thanh niên nông thôn của Ấn Độ đang được đào tạo sử dụng máy tính và internet. Thông qua các kiốt Internet, các chương trình giáo dục và đào tạo cho thanh niên nông thôn được thực hiện một cách dễ dàng. Với các chương trình đào tạo khác nhau, số lượng lớn thanh niên nông thôn đang được đào tạo qua các trung tâm kiến thức của địa phương.

Ảnh hưởng của công nghệ kỹ thuật số đối với công nghiệp hóa, thay đổi cấu trúc và việc làm

Sự xuất hiện của làn sóng công nghệ số mới có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển công nghiệp cũng như việc làm. Công nghệ số thay đổi cả tầm quan trọng tương đối của các lĩnh vực, ngành sảnxuất của nền kinh tế. Đồng thời, công nghệ số cũng có tác động đến mức độ việc làm trong các lĩnh vực của nền kinh tế cũng như các yêu cầu kỹ năng mới để phù hợp (Veronika Heimerl và Werner Raza, 2018).

Trong những thập kỷ qua, nhiều nước đang phát triển đã theo đuổi các chiến lược công nghiệp hóa và đã đạt được một số thành công. Tuy nhiên theo nghiên cứu của Rodrik và Dani (2016) thì ngày càng có nhiều bằng chứng về hiện tượng “phi công nghiệp hóa sớm” do tác động của số hóa. Nghiên cứu này đề xuất rằng các nền kinh tế đang phát triển có thể trở thành nền kinh tế dịch vụ mà không cần phải trải qua quá trình công nghiệp hóa thực sự. Các quốc gia đang phát triển có thể phát triển nềnkinh tế dịch vụ bằng việc gia tăng dịch vụ, chất lượng của dịch vụ thông qua công nghệ kỹ thuật số (Lütkenhorst và Wilfried, 2018).

Đồng thời, điều đó còn có ý nghĩa rằng chiến lược công nghiệp hóa cho các quốc gia đi sau có thể thành công cho nhiều quốc gia ở các thập kỷ trước nhưng có thể không phải là chiến lược phát triển hợp lý cho các quốc gia này trong tương lai. Bên cạnh đó, số hóa có thể góp phần vào thay đổi cấu trúc chi phí và bằng cách giảm tầm quan trọng của tính kinh tế theo quy mô (Backer và cộng sự, 2016). Ngày nay hầu hết các sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn cao và được sản xuất với số lượng lớn, thường cách xa địa điểm về nhu cầu cuối cùng, trong khi đó các công nghệ mới có khả năng cho phép sản xuất gần hơn với nhu cầu cuối cùng và với số lượng nhỏ hơn.

Ví dụ trong trường hợp của Ấn Độ theo nghiên cứu của McKinsey Global Institute (2019) công nghệ số đã phát triển ở hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế. Đến năm 2025, các lĩnh vực kỹ thuật số cốt lõi như CNTT và quản lý quy trình kinh doanh, kỹ thuật số trong dịch vụ truyền thông và sản xuất điện tử có thể tăng gấp đôi mức GDP của các lĩnh vực này từ 355 lên 435 tỷ đô la. Các lĩnh vực khác của nền kinh tế mà áp dụng công nghệ số, bao gồm nông nghiệp, giáo dục, năng lượng, dịch vụ tài chính, chăm sóc sức khỏe, hậu cần và bán lẻ.v.v. có thể tạo ra từ 10 tới 150 tỷ đô la giá trị kinh tế gia tăng vào năm 2025.

Bên cạnh đó các ứng dụng kỹ thuật số trong các lĩnh vực này giúp tăng sản lượng, tiết kiệm chi phí và thời gian, giảm gian lận và cải thiện kết hợp của cung và cầu. Việc áp dụng công nghệ số giúp quá trình công nghiệp hóa ở Ấn Độ diễn ra nhanh hơn đồng thời với nó là việc tăng năng suất lao động có thể tạo ra 60 triệu đến 65 triệu việc làm vào năm 2025.

Tuy nhiên quá trình này cũng đòi hỏi các kỹ năng mới của người lao động cũng như đòi hỏi việc đào tạo lại lao động để phù hợp với những việc làm mới. Để đánh giá sự khác biệt rõ rệt trong tác động của số hóa đối với năng suất và việc làm của các nền kinh tế đầu tiên chúng ta cần hiểu được số hóa có ảnh hưởng như thế nào đối với hoạt động của một doanh nghiệp bất kỳ (Karim Sabbagh và cộng sự, 2013). Có 4 lĩnh vực mà một doanh nghiệp có thể bị tác động bởi số hóa đó là hoạt động kinh doanh, tiếp thị, sản xuất, quản lý và vận hành. Số hóa có tác động sâu sắc tới chiến lược và hiệu quả của các chiến lược này:

Hoạt động kinh doanh: Số hóa về cơ bản đang định hình lại các mô hình kinh doanh. Đó là hạ thấp các rào cản gia nhập và mở rộng tiếp cận thị trường cho các doanh nghiệp. Ví dụ: Skype có thể cung cấp dịch vụ điện thoại cho hơn 500 triệu người dùng trên toàn cầu bằng công nghệ thoại qua giao thức VoIP. Do đó, về cơ bản công nghệ này đã phá vỡ và làm thay đổi các mô hình kinh doanh chocác nhà khai thác viễn thông trên toàn thế giới và buộc nhiều công ty viễn thông phải ra mắt mô hình kinh doanh VoIP của riêng họ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Hoạt động tiếp thị: Số hóa đang thay đổi cách các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu và sản phẩm, giao tiếp và cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Các công ty đang ngày càng dựa vào các côngnghệ số bằng các phương tiện truyền thông xã hội để xây dựng và phát triển thương hiệu. Ngày càng nhiều người tiêu dùng có thói quen tìm hiểu, mua hàng trực tuyến hay tìm kiếm thông tin về giá cả, chất lượng… đối với hàng hóa và sau đó họ mua ngoại tuyến. Đồng thời, doanh nghiệp tiếp cận thị trường trong và ngoài nước một cách dễ dàng hơn thông qua các công nghệ của số hóa như thương mại điện tử, các kênh mạng xã hội…

Hoạt động sản xuất: Số hóa cũng đang thay đổi cách doanh nghiệp quản lý sản xuất. Một mặt, số hóa đã cho phép các doanh nghiệp chuyển các hoạt động sản xuất thâm dụng lao động sang các nền kinh tế mới nổi để tận dụng các ưu thế về thị trường, chi phí nhân công; mặt khác doanh nghiệp cố gắng cạnh tranh bằng cách phát triển các sản phẩm của mình với thiết kế và chất lượng tốt nhất. Số hóa cũng dẫn đến sự xuất hiện của nhiều công nghệ mới như sự ra đời của của công nghệ in 3-D đã tạo ra một cách mới để sản xuất các sản phẩm phức tạp và tạo ra việc làm và nhập khẩu việc làm trở lại tại các nền kinh tế phát triển.

Hoạt động quản lý và vận hành doanh nghiệp: Số hóa đã có tác động lớn nhất đến cách thức tổchức và hoạt động của các doanh nghiệp để tạo lợi thế cạnh tranh. Số hóa có thể tạo ra nhiều thực thể trên phạm vi toàn cầu hơn, có thể kết nối và liên lạc khắp thế giới, và nhân viên ở các doanh nghiệp có thể làm việc tại bất kỳ đâu trên thế giới và không có giới hạn về không gian văn phòng. Do đó nó ảnh hưởng sâu sắc đến cách doanh nghiệp quản lý, vận hành và quản lý tài nguyên. Trong các doanh nghiệp truyền thống và các ngành công nghiệp, số hóa ảnh hưởng rõ rệt đến việc tổ chức và quản lý. Có thể thấy rõ nhất tác động của công nghệ số tới tính linh hoạt và phân mảnh công việc cao hơn, thay đổi phương pháp giám sát công việc, chiến lược tuyển dụng, nhu cầu đào tạo và kỹ năng. Số hóa cũng đặt ra câu hỏi về vai trò và sự tương tác giữa robot hoặc nền tảng và nhân viên hoặc người dùng. Số hóa cũng tác động các vấn đề liên quan đến trách nhiệm pháp lý, bảo vệ dữ liệu và quy tắc an toàn làm việc (European Union, 2017). Ứng dụng rộng rãi hơn về công nghệ thông tin và truyền thông, các công nghệ kỹ thuật số mới như phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, in 3D, điện toán đám mây, Internet vạn vật (IoT) và robot đã và đang thay đổi thị trường lao động (Karim Sabbagh và cộng sự, 2013).

Theo nghiên cứu của Liên Minh Châu Âu (2017), sự xuất hiện của số hóa dẫn đến nhu cầu lao động của nền kinh tế từ đó hình thành các hình thức mới của việc làm, ví dụ công việc trực tuyến hoặc từ xa. Với công nghệ số và nền kinh tế theo yêu cầu, công việc đã trở nên ít ràng buộc hơn về không gian và thời gian, ví dụ như tự chủ hơn và giám sát kết quả công việc tốt hơn. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi sang công nghệ số cũng tạo ra những thách thức đối với vấn đề lao động. Ngoài ra, câu hỏi về việc làm và khả năng thay thế việc làm bằng các công nghệ tiên tiến đặc biệt là công nghệ số cũng là mối quan ngại lớn đối với mỗi quốc gia. Việc phát triển công nghệ số hóa dẫn đến sự dịch chuyển lao động bằng công nghệ, đồng thời nó cũng tạo ra việc làm trong các lĩnh vực mới. Cả hai khía cạnh này cần được tính toán và có các giải pháp cho sự thay đổi tổng thể ở các cấp độ việc làm. Khi công nghệ đặc biệt là công nghệ số phát triển đến một trình độ nhất định có thể cho phép một công nhân hoặc máy móc sản xuất các bộ phận, linh kiện hoặc thậm chí toàn bộ sản phẩm, được tạo thành từ các vật liệu khác nhau, một cách hiệu quả.

Nghĩa là công nghệ là sự đảo ngược củachuyên môn hóa. Ví dụ như nổi bật nhất cho vấn đề này là máy in 3D có thể sản xuất toàn bộ sản phẩm từ chính vật chất. Những công nghệ như vậy cho phép sản xuất phi tập trung với số lượng nhỏ hoặc thậm chí là các sản phẩm đơn lẻ, được cá nhân hóa cho các nhu cầu và nhu cầu cá nhân (Backer và cộng sự, 2016). Công nghệ số ở Ấn Độ được áp dụng ở nhiều lĩnh vực và cấp độ khác nhau. Để Ấn Độ gặt hái được toàn bộ lợi ích của công nghệ số và giảm thiểu rủi ro khi chuyển sang nền kinh tế kỹ thuật số các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, các quan chức chính phủ và từng công dân giữ vai trò riêng biệt và phối hợp với nhau trong quá trình phát triển nền kinh tế kỹ thuật số:

Chính phủ Ấn Độ: đã làm nhiều việc để khuyến khích tiến bộ của công nghệ số, từ làm rõ các quy định đến cải thiện cơ sở hạ tầng, khởi xướng “Sáng kiến Kỹ thuật số Ấn Độ” (Digital India) – một kế hoạch đầy tham vọng nhằm tăng gấp đôi quy mô của nền kinh tế số của đất nước. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm cho Ấn Độ để nắm bắt tiềm năng kỹ thuật số đầy đủ của nó. Chính phủ có thể thúc đẩy sự phát triển của công nghệ số và nền kinh tế số bằng cách hợp tác với khu vực tư nhân. Chính phủ và các tiểu bang có thể thúc đẩy trực tiếp sự tăng trưởng kỹ thuật số bằng cách tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và áp dụng công nghệ số vào các hoạt động của Chính phủ.

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp: sẽ cần phải đánh giá các ảnh hưởng, thách thức mà công nghệ số có thể tác động tới công ty và lĩnh vực kinh doanh của họ và đặt ra các ưu tiên cho việc thích nghi với sự thay đổi của môi trường. Những tác động và lợi ích tiềm năng của công nghệ số đặc biệt lớn ở Ấn Độ vì quy mô của nó, tốc độ số hóa nhanh chóng và năng suất hiện tại tương đối thấp trong nhiều lĩnh vực. Để các công ty nắm bắt được lợi ích của những thay đổi của công nghệ số, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp sẽ cần phải hành động nhanh chóng và dứt khoát để điều chỉnh các mô hình kinh doanh hiện tại của công ty và số hóa các hoạt động nội bộ.

Thứ nhất, các doanh nghiệp cần phải chấp nhận rủi ro trong việc điều chỉnh các mô hình kinh doanh hiện tại và áp dụng những mô hình mới, đột phá dựa trên nền tảng công nghệ số. Thứ hai, công nghệ số nên được đặt ở vị trí hàng đầu trong chiến lược điều hành. Khách hàng ngày càng hiểu biết về kỹ thuật số và mong đợi sự tiện lợi và tốc độ của kỹ thuật số, cho dù họ đang mua sắm trực tuyến hoặc đặt câu hỏi về sự bất thường trong thanh toán.v.v. Trong khảo sát của McKinsey, 80% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng công nghệ số là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp.Thứ ba, các công ty sẽ cần đầu tư xây dựng các khả năng kỹ thuật số một cách nhanh chóng, đặc biệt là tuyển dụng nhân tài cần thiết để thực hiện và đẩy nhanh chuyển đổi kỹ thuật số. Điều đó đặc biệt khó khăn ở Ấn Độ vì nhiều lao động chất lượng cao thường di cư và hiếm khi trở về.

Người dân Ấn Độ: các cá nhân trong xã hội đã được hưởng từ những lợi ích của việc số hóa, tuy nhiên họ sẽ cần phải nhận thức những ảnh hưởng tiêu cực của công nghệ số có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của họ và việc làm theo những cách cơ bản khác. Khi công nhân trong một môi trường bị ảnh hưởng bởi các công nghệ số, họ sẽ cần phải nhận thức được công việc của họ có thể thay đổi như thế nào và những kỹ năng nào họ sẽ cần để phát triển trong tương lai, cũng như tìm kiếm cơ hội để nắm bắt lợi ích của nền kinh tế và nơi làm việc kỹ thuật số mới. Việc áp dụng công nghệ số được Chính phủ Ấn Độ triển khai mạnh mẽ ở các ngành, các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế Ấn Độ, trong đó Chính Phủ đặc biệt ưu tiên ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp. Bởi vì, nông nghiệp là một lĩnh vực đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế Ấn Độ, đóng góp hơn 40% lực lượng lao động và khoảng 18% GDP của đất nước.

Nông nghiệp Ấn Độ có đặc trưng là các nông trại có quy mô nhỏ (trung bình hơn một ha), và không hiệu quả so với các quốc gia đang phát triển khác như Brazil, Trung Quốc, Nga (McKinsey Global Institute, 2019). Việc áp dụng công nghệ số vào nông nghiệp đã biến đổi hệ sinh thái nông nghiệp Ấn Độ theo nhiều phương thức khác nhau. Ví dụ như các tài khoản ngân hàng trực tuyến có thể cung cấp dữ liệu thu nhập và chi tiêu mà nông dân cần để đủ điều kiện nhận tín dụng rẻ hơn từ ngân hàng. Hay việc thiết lập hồ sơ đăng ký đất kỹ thuật số có thể cung cấp bảo hiểm mùa màng cho nhiều nông dân hơn. Nông nghiệp chính xác, cung cấp dữ liệu thời gian thực tới điện thoại di động của nông dân để giúp họ tối ưu hóa phân bón, thuốc trừ sâu và các đầu vào khác, có thể tăng năng suất từ 15% trở lên.

Đặc biệt chính phủ Ấn Độ đã thiết lập một nền tảng thị trường trực tuyến cho các sản phẩm nông nghiệp để các sản phẩm nông nghiệp của nông dân có thể giao dịch với một lượng lớn người mua tiềm tàng. Nền tảng trực tuyến eNAM (the government’s electronic National Agriculture Market) cho các sản phẩm nông nghiệp có sẵn ở 585 địa điểm ở 16 tiểu bang và cho thấy tiềm năng tăng giá mà nông dân nhận được là 15%. Việc triển khai các công nghệ kỹ thuật số khác có thể giúp sản xuất thực phẩm theo kịp với sự gia tăng dân số và tăng thêm 50 tỷ đô la đến 65 tỷ đô la giá trị kinh tế vào năm 2025 (Ramesh Chand, 2017).

Ở khu vực nông thôn một trong các chương trình tiêu biểu cho việc áp dụng công nghệ số đó là chương trình “Digital Green”. Đây là chương trình được thực hiện bởi dân làng ở các khu vực nông thôn để thực hiện các đoạn phim về các chủ đề như các kỹ thuật nông nghiệp hữu ích, thực hành sức khỏe, chuẩn bị hạt giống, cải thiện năng suất sữa ở súc vật.v.v. Các video này được tập hợp lại và trở thành tài nguyên của địa phương, đồng thời được truyền tải bằng ngôn ngữ địa phương hết sức quen thuộc. Một kết quả thử nghiệm ngẫu nhiên của chương trình này cho thấy 16% nông dân tiếp xúc với “Digital Green” đã áp dụng hệ thống canh tác lúa tiết kiệm nước, tăng năng suất, so với 10% trong nhóm đối tượng không được tiếp xúc với chương trình này. Các chương trình, hoạt động từ năm 2008, đạt 660.000 người tại 7.645 làng vào tháng 4/2015 (Gandhi và cộng sự, 2009; Vasilaky và cộng sự, 2015).

Kết luận

Công nghệ số đã đưa đến sự thay đổi nhanh đôi khi khó ngờ. Đây là xu hướng phát triển của tất cả các quốc gia đều muốn bắt nhịp. Các nước tích cực thì đang điều chỉnh chính sách, tạo dựng nền tảng phát triển công nghệ số. Ấn Độ là một trong những nước tích cực trong chuyển đổi sang kinh tế số. Dưới thời Thủ tướng N.Modi, rất nhiều sáng kiến và chính sách mới được ban hành. Những chuyển đổi số đã làm thay đổi cấu trúc việc làm và các hoạt động kinh doanh ở Ấn Độ. Những thay đổi này vừa tạo ra cơ hội nhưng cũng có nhiều thách thức.

——————————

Tài liệu tham khảo:

1. Atkinson, R., Castro, D. & Ezell, S.J. (2009). The digital road to recovery: a stimulus plan to create jobs, boost productivity and revitalize America. The Information Technology and Innovation Foundation, Washington, DC.
2. European Union. (2017). Impact of digitalisation and the on-demand economy on labour markets and the consequences for employment and industrial relations. European Economic and Social Committee, Final Study 2017.
3. Gandhi, Rikin, Rajesh Veeraraghavan, Kentaro Toyama, and Vanaja Ramprasad. 2009. “Digital Green: Participatory Video and Mediated Instruction for Agricultural Extension.” Information Technologies and International Development 5 (1): 1–15.
4. Gillett, S., Lehr, W., and Osorio, C., & Sirbu, M. A. (2006). Measuring Broadband’s Economic Impact. Technical Report 99‐07‐13829, National Technical Assistance, Training, Research, and Evaluation Project.
5. Hernandez, K.; Faith, B.; Prieto Martín, P. and Ramalingam, B. (2016) The Impact of Digital Technology on Economic Growth and Productivity, and its Implications for Employment and Equality: An Evidence Review, IDS Evidence Report 207, Brighton: IDS.
6. Karim Sabbagh et. al. (2013). Digitization for Economic Growth and Job Creation: Regional and Industry Perspectives. The Global Information Technology Report 2013, Booz & Company.
7. Katz, R. and Callorda, F. (2017). Estimación del impacto económico del crecimiento del ecosistema digital en América Latina. Paper submitted to the Tenth CPR‐Latam conference, Cartagena de Indias, June 23.
8. Laila Memdani. (2012). An Overview of Digitalization of Rural India and Its Impact on the Rural Economy. IJBSF, Volume 2 Number 1 January-June, 2012, pp.103-107.
9. Lütkenhorst, Wilfried. (2018). Creating wealth without labour? Emerging contours of a new techno-economic landscape. German Development Institute Discussion Paper 11/2018.
10. McKinsey Global Institute. (2019). Digital India: Technology to transform a connected nation. McKinsey & Company, 2019.
11. Ramesh Chand, Doubling farmers’ income: Rationale, strategy, prospects and action plan, National Institution for Transforming India policy paper number 1/2017, March 2017.
12. Raul L. Katz. (2017). Social and economic impact of digital transformation on the economy. GSR‐17 Discussion paper, Regulatory and Market Environment Division, ITU.
13. Rodrik, Dani. (2016). Premature deindustrialization. In: Journal of Economic Growth, 21(1), 1-33. 14.Ranjan Guha. (2017). Digital Evolution in India. Available from: https://www.businesstoday.in/opinion/columns/digital-evolution-in-india/story/259227.html
15. Rinaldo Evangelista, Paolo Guerrieri, Valentina Meliciani. (2014). The economic impact of digital technologies in Europe. Economics of Innovation and New Technology 23(8). DOI:10.1080/10438599.2014.918438.
16. UNCTAD. (2017). Information Economy Report 2017: Digitalization, Trade and Development
17. Vasilaky, Kathryn, Kentaro Toyama, Tushi Baul, Mohak Mangal, and Urmi Bhattacharya. 2015. “Learning Digitally: Evaluating the Impact of Farmer Training via Mediated Videos.” Columbia University Earth Institute, New York.
16.  Varian, H., Litan, R., Elder, A. & Shutter, J. (2002). The net impact study: the projected economic benefits of the Internet in the United States, United Kingdom, France and Germany. Available from: www.cisco.com, also available at.
18. Veronika Heimerl và Werner Raza. (2018). Digitalization and Development Cooperation: an assessment of the debate and its implications for policy. Working paper 19, Austrian Foundation for Development Research, 2018.
19. World Bank. (2016). Digital dividends. World Development Report 2016. Washington D.C.

Theo VASS.GON.VN

Tags: , ,