Con đường nhiếp ảnh còn lắm gian truân

Nghệ thuật Nhiếp ảnh là một trong 9 ngành nghệ thuật: Văn học, Sân khấu, Điện ảnh, Âm nhạc, Văn nghệ dân gian, Mỹ thuật, Kiến trúc, Nhiếp ảnh, Múa. Bất kỳ sáng tạo nghệ thuật nào cũng không hề giản đơn, trái lại đầy khổ ải, cô đơn… Nhưng bất kỳ người nghệ sĩ sáng tạo nào khi đã đam mê “cái nghiệp” cũng thấy vui vẻ, vinh dự, tự hào…

Con đường nhiếp ảnh còn lắm gian truân

Sáng tạo là khôn cùng, muôn nẻo, muôn cách; với riêng nghệ thuật nhiếp ảnh có lẽ có những đặc điểm chung.

Chụp cái gì

Nhà nhiếp ảnh khi cầm máy trong tay là sẵn sàng chụp tất cả những gì mắt mình nhìn thấy, theo cách cảm, cách nghĩ của mỗi người. Nói lý luận tức là đề tài, nhân vật, đối tượng, vấn đề mà người cầm máy hướng tới.

Cuộc sống là sự vận động không ngừng và luôn luôn thay đổi. Sự vận động của cuộc sống cũng muôn hình muôn vẻ. Vì thế nên từ khi phát minh ra phương pháp ghi lại hình ảnh cho đến khi hoàn thiện chiếc máy ảnh (1839), con người đã thu nhận tất cả mọi thứ, mọi diễn biến của cuộc sống, con người, thiên nhiên…

Tuy nhiên, nhiếp ảnh nghệ thuật là sự chọn lựa, nâng cao những hình ảnh con người thu nhận thông qua lăng kính máy ảnh. Quan trọng và đặc biệt của nghệ thuật nhiếp ảnh, và cũng chính điều này đã hình thành nên một ngành nghệ thuật mới là: nghệ thuật nhiếp ảnh, hay nhiếp ảnh nghệ thuật – đó chính là khi con người đã “phả” vào sự ghi hình, sự sao chép bằng máy móc Tư tưởng, Suy nghĩ, Tình cảm, Cảm xúc của mình theo những quy ước nghệ thuật và thẩm mỹ.

Sự chọn lựa CÁI GÌ để chụp là điều quan trọng để tạo nên một bức ảnh đã bắt đầu có yếu tố nghệ thuật. Điều này làm nên sự khác biệt giữa nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp với những người cầm máy thông thường. Tuy nhiên, con đường để tới nghệ thuật vẫn còn xa và đòi hỏi nhiều yếu tố khác. Từ sự chọn lựa, tức là khởi đầu của khám phá, phát hiện, nhà nhiếp ảnh cần những kỹ thuật chuyên môn cùng sự bật lóe những ý tưởng nhằm vào sự chọn lựa đó, mới ngõ hầu có được một bức ảnh gọi là nghệ thuật.

Thế nên, chụp cái gì luôn luôn là một ẩn số khó lường đối với nhà nhiếp ảnh. Cái gì đó phải nói lên được điều gì! Cái gì đó phải là cô đọng, kết tinh toàn bộ tư tưởng, cảm xúc của nhà nhiếp ảnh.

Có thể nhiều người cho rằng không cần thiết bởi khi đã giơ máy lên rồi, đương nhiên người ta biết phải chọn và chụp cái gì chứ! Hoàn toàn đúng thế. Thế nhưng, lý giải thế nào với thực tế những năm gần đây, trong các cuộc triển lãm nhiếp ảnh: Ảnh đèm đẹp như nhau, vẫn những đề tài quen thuộc đã khai thác tới mức nhàm chán, như giao thông, đô thị, phong tục, lễ hội, cảnh đẹp thiên nhiên, nhà cao tầng mang ý nghĩa đổi mới; rồi nụ cười, ánh mắt các cháu bé, những người nông dân, người già…

Và đến đây sẽ có người bảo: nếu không chụp những cái đó thì chụp cái gì, hãy chỉ cho tôi chụp cái gì đi… tôi sẽ cho thấy tài nghệ của tôi… Không đơn giản là vậy, người nghệ sĩ là người phải biết tự khám phá chứ không phải là người “ăn sẵn ” hay lười biếng trong suy nghĩ.

Cuộc sống là bao gồm tất cả những thứ cấu thành nên như thiên nhiên, cảnh quan, đô thị, làng quê, con người, động vật, thực vật… Thế nhưng, nếu anh không biết khai thác vẻ đẹp, chiều sâu của cuộc sống thì có nghĩa anh chỉ dừng lại ở mức độ sao chép đẹp mà thôi.

Cái gì đó, theo quan điểm của tôi phải là: Sự độc đáo. Sự chưa từng biết đến, chưa thấy. Sự nắm bắt thật tài tình cái khoảnh khắc điển hình nào đó vụt qua cuộc sống, đời người. Cũng có thể vẫn là cảnh cũ, người cũ nhưng được nhìn dưới một góc độ hoàn toàn mới, được phả vào một tư tưởng, ý nghĩa mới….Hay những tư tưởng, ý tưởng được thể hiện bằng các kỹ thuật nhiếp ảnh mà không lộ vẻ dàn dựng, giả tạo, khiên cưỡng…

Chụp như thế nào?

Chụp như thế nào, nói lý luận tức là phương pháp sáng tác.

Tôi không đồng tình với một số cách nói của một số nhà lý luận – phê bình nhiếp ảnh rằng: Phương pháp sáng tác hiện thực chủ nghĩa, hay hiện thực xã hội chủ nghĩa… Nói như vậy là nhiếp ảnh đã đi vay mượn kiến thức của ngành nghệ thuật khác để khoác lên mình tấm áo gọi là phương pháp sáng tác.

Nhiếp ảnh có mô tả được giấc mơ không? Nhiếp ảnh có nói được suy nghĩ của con người không? Nhiếp ảnh có xây dựng được một tác phẩm mang tính viễn tưởng không….? Hoàn toàn không. Nhiếp ảnh không thể và không bao giờ có thể phản ánh được những dạng thức nghệ thuật mang tính phi vật thể. Trong khi nhiều nghệ thuật khác thì có thể: như văn học, âm nhạc, múa, điện ảnh… Thế nhưng nhiếp ảnh lại có thế mạnh mà không loại hình nghệ thuật nào có đựợc: đó là sự chộp bắt hiện thực một cách nhanh nhạy, chính xác mà không một loại hình nghệ thuật nào có được. Vậy nên, không có hiện thực cụ thể thì không có nhiếp ảnh.

Khi giơ máy ảnh lên chụp, không nhà nhiếp ảnh nào lại nghĩ: Tôi sẽ chụp, tôi đang chụp theo phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa; hay phương pháp lãng mạn; hay phương pháp siêu thực…

Điều bận tâm lớn nhất của người cầm máy là: sẽ chụp như thế nào, góc độ ra sao, ánh sáng thế nào, khoảnh khắc ra làm sao; rồi nhân vật, chủ đề, tĩnh, động…

Điều tối quan trọng đối với người cầm máy chính là: Chụp như thế nào.

Cũng chính điều này phân biệt đẳng cấp, tài năng của những người cầm máy.

Vậy thì, chụp như thế nào để người xem sững sờ, bất ngờ và thán phục tài năng của người chụp.

Cũng con đường ấy, góc phố ấy, cảnh quê ấy nhưng sao qua ảnh thấy lạ, thấy mới, thấy đáng yêu…

Cũng những chàng trai, cô gái, em bé, cụ già nhưng sao toát lên vẻ gì đó đằng sau gương mặt cụ thể: nỗi đau, niềm hạnh phúc bất tận hay những trăn trở về cuộc sống…

Và đến đây tôi cho rằng: Yếu tố mới và lạ hóa là một trong những đặc trưng, sáng tạo của nhiếp ảnh.

Mới và lạ hóa trên cái nền của hiện thực và sự vận động không ngừng của cuộc sống, để thực hiện được điều này không đơn giản. Mới là nhìn ra, phát hiện, sáng tạo ra… Lạ hóa là trình bày, diễn giải những cái mới theo cách riêng, không trùng lặp, không giống những cái đã có… Thực ra trong lạ hóa đã bao gồm cái mới rồi. Tất nhiên mới và lạ hóa không có nghĩa là nhiếp ảnh khai thác những điều dị biệt, những khoảnh khắc tăm tối, những sự phản cảm đối với trí tuệ và tâm hồn con người..

Nếu như vậy, chúng ta sẽ hình dung có những triển lãm mở ra luôn luôn gây hứng thú, bất ngờ đối với người xem. Bởi họ được chiêm ngưỡng, được đi hết từ sự ngỡ ngàng này đến ngỡ ngàng kia….Và, đằng sau những thán phục ấy là tài năng của người nghệ sĩ nhiếp ảnh.

Nhằm tới cái đích chụp như thế nào để có một tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật làm rung động người xem, khiến người xem suy nghĩ, liên tưởng tới những vấn đề mà bức ảnh là sự gợi mở….Đòi hỏi hội tụ trong nhà nhiếp ảnh nhiều thứ, như: trí tuệ, vốn hiểu biết, vốn văn hóa…

Nhiều ý kiến trong những nhà nhiếp ảnh, trong các giới hoạt động nghệ thuật cũng cho rằng nhiều nhà nhiếp ảnh của ta thiếu một tầm văn hóa nhất định. Thế nên, nhiều ảnh của ta mới chỉ ở mức phản ánh, sao chép cái đẹp vốn có trong cuộc sống mà thiếu một chiều sâu của tư tưởng, một khái quát hay đi sâu vấn đề nào đó của hiện thực cuộc sống.

Nhà nhiếp ảnh không tự mình bồi đắp kiến thức, không tự làm giàu có tâm hồn mình thì rất khó để có những tác phẩm ảnh có chiều sâu trí tuệ.

Ở đây cũng xin nói ngay rằng có những nhà nhiếp ảnh của ta có vốn kiến thức rất sâu sắc về cuộc sống. Nhưng, kiến thức về cuộc sống không phải là kiến thức về văn hóa và nghệ thuật.

Chỉ khi ở một tầm kiến thức nhất định mới có khả năng phát hiện, nắm bắt và cảm thụ được vẻ đẹp trong chính nhiều điều ở quanh ta. Ví dụ: Ca trù, quan họ, nhạc giao hưởng, chèo… hay như thế; nhưng chúng ta có thấy hay không? Và tại sao người châu Âu họ lại mê nhạc giao hưởng đến thế. Bởi vì chúng ta chưa có kiến thức về nó nên chưa hiểu nó mà thôi.

Nghệ thuật là con đường gian truân và vô cùng nhọc nhằn. Nghệ thuật nhiếp ảnh trong thời đại kỹ thuật số hôm nay càng đòi hỏi sự đầu tư tâm sức, trí tuệ, ngõ hầu có những tác phẩm xứng đáng…

Theo MINH CAO / VĂN NGHỆ CÔNG AN

Tags: