Cội nguồn trọng án lớn bậc nhất thời Nguyễn

Vụ trọng án lớn nhất thời Nguyễn chính là vụ Tiền quân Nguyễn Văn Thành bị đem ra xét xử vào mùa hè năm Gia Long thứ 16 (tức là năm 1817). Bấy giờ, quan toà gồm có rất nhiều bậc đại thần khác nhau, nhưng nhân vật đặc biệt hơn cả và cũng có ý muốn xử nặng hơn cả vẫn là Tả quân Lê Văn Duyệt.

Cội nguồn trọng án lớn bậc nhất thời Nguyễn

1. Lần theo những trang ghi chép của Đại Nam liệt truyện, thì Nguyễn Văn Thành vốn người huyện Quảng Điền, phủ Thừa Thiên (nay thuộc tỉnh Thừa Thiên – Huế). Khoảng những năm cuối thế kỉ thứ 17, đầu thế kỉ thứ 18, tổ tiên ông đã dắt díu nhau di cư vào Nam. Người đầu tiên được biết đến là Nguyễn Văn Toán.

Đại Nam liệt truyện cho biết rằng, Nguyễn Văn Toán đã định cư tại Gia Định nhưng không nói rõ là ở địa chỉ cụ thể nào. Con của Nguyễn Văn Toán là Nguyễn Văn Tính lập nghiệp tại Biên Hoà. Con của Nguyễn Văn Tính là Nguyễn Văn Hiền bỏ Biên Hoà mà về lại Gia Định, nơi ông nội là Nguyễn Văn Toán từng định cư.

Nguyễn Văn Thành là con của Nguyễn Văn Hiền. Ông chào đời tại Gia Định vào năm Mậu Dần (1758). Năm 1773, Nguyễn Văn Thành cùng cha ra tận đất Phú Yên để theo lực lượng chống Tây Sơn. Năm đó, ông 15 tuổi. Sau nhiều năm vào sống ra chết và một lòng tận tuỵ, Nguyễn Văn Thành được Nguyễn Ánh tin dùng, phong dần tới hàng tướng lĩnh cao cấp nhất.

Và dưới thời Gia Long, Nguyễn Văn Thành là người đứng đầu Tiền quân, vì thế, đời vẫn thường gọi ông là Tiền quân Nguyễn Văn Thành. Lại cũng do dưới thời Gia Long, Nguyễn Văn Thành từng giữ chức Bắc Thành Tổng trấn nên ông còn được gọi là Bắc Thành Tổng trấn Nguyễn Văn Thành.

Lê Văn Duyệt nguyên quán làng Bồ Đề, huyện Chương Nghĩa (nay thuộc huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) nhưng cha Lê Văn Duyệt là Lê Văn Toại lại di cư vào Nam, định cư tại vùng Rạch Gầm, tổng Long Hưng (Mĩ Tho). Nay đất này thuộc tỉnh Tiền Giang.

Lê Văn Duyệt sinh năm Giáp Thân (1764) tại Rạch Gầm. Năm Canh Tí (1780), Nguyễn Ánh lên ngôi Vương tại Gia Định, Lê Văn Duyệt đã xin theo. Năm đó, ông 16 tuổi (tức là nhỏ hơn Nguyễn Văn Thành 6 tuổi và nhỏ hơn Nguyễn Ánh 2 tuổi).

Vốn rất gan dạ, giỏi võ nghệ và nhất nữa… Lê Văn Duyệt bẩm sinh đã là ái nam ái nữ cho nên, ông nhanh chóng được Nguyễn Ánh tin dùng. Lúc đầu, Lê Văn Duyệt chỉ mới là một trong những viên tuỳ tướng dưới quyền của Nguyễn Văn Thành, nhưng rồi chẳng bao lâu sau, ông được tấn phong lên ngang hàng với Nguyễn Văn Thành.

Sinh thời, ông từng là người đứng đầu Tả quân, vì thế đời vẫn thường gọi ông là Tả quân Lê Văn Duyệt. Lại cũng vì sinh thời, Lê Văn Duyệt từng được giữ chức Tổng trấn Gia Định nên ông còn được gọi là Gia Định Tổng trấn Lê Văn Duyệt. Riêng dân Gia Định, xưa nay vẫn thường gọi Lê Văn Duyệt là Ông, lăng Lê Văn Duyệt (ở quận Bình Thạnh, TP HCM) cũng được gọi là Lăng Ông.

2. Nguyễn Văn Thành và Lê Văn Duyệt, cả hai tuy cùng sinh ra và lớn lên ở đất Gia Định, cùng theo phò Nguyễn Ánh, cùng là bậc đại công thần, tên tuổi lừng lẫy một thời, nhưng tuổi tác hơn kém nhau, tính nết còn khác biệt hơn. Chuyện có lẽ bắt đầu từ lúc Nguyễn Văn Thành thấy hoạn lộ của kẻ dưới quyền mình là Lê Văn Duyệt ngày một rộng mở.

Từ một viên thuộc tướng trẻ, chữ nghĩa chẳng đáng là bao, thân hình thì nhỏ thó, chức phận đang rất thấp, quyền hành hầu như chưa có gì, vậy mà chẳng bao lâu, Lê Văn Duyệt đã ngoi lên, đứng ngang hàng.

Một hôm, cả Nguyễn Văn Thành và Lê Văn Duyệt cùng được sai cầm quân ra trận. Trước khi xuất quân, chẳng hiểu sao mà Nguyễn Văn Thành lại rót rượu mời Lê Văn Duyệt. Ông nói:

– Hôm nay trời lạnh, uống một li cho tăng thêm khí lực. Nguyễn Văn Thành mời đi mời lại đến hai ba lần liền nhưng Lê Văn Duyệt chẳng những không cầm li cho phải phép lịch sự mà còn đáp:

– Ai nhát gan mới phải mượn rượu. Tôi nay trước mắt chẳng hề có giặc mạnh thì cần gì đến rượu?

Chuyện xích mích đó, tướng sĩ dưới quyền hai người, ai ai cũng đều biết cả. Kẻ giảo hoạt chia làm hai phe khác nhau, hoặc theo Nguyễn Văn Thành, hoặc về hùa với Lê Văn Duyệt.

Tháng 9/1802, Nguyễn Ánh (lúc này đã lên ngôi Vương và lấy niên hiệu là Gia Long) trao cho Nguyễn Văn Thành chức Bắc Thành Tổng trấn. Mười năm sau, Lê Văn Duyệt cũng được Gia Long trao cho chức Gia Định Tổng trấn.

Tại mỗi Tổng trấn, các bộ đều có cơ quan đại diện của mình, gọi là Tào. Nhưng hầu hết chức quan trong các Tào đều do chính Tổng trấn cắt đặt. Tóm lại, quyền hành của Tổng trấn lớn lắm. Hai người nắm quyền trấn trị cao nhất ở hai cách xa là vậy mà sự hiềm khích cũng chẳng giảm bớt chút nào.

Bấy giờ có tên Nguyễn Hữu Nghi, trước từng là môn khách của Nguyễn Văn Thành, sau vì phạm tội, sợ trừng trị, cho nên chạy vào Nam nương nhờ Lê Văn Duyệt. Lê Văn Duyệt thấy hắn khéo ăn khéo nói thì lấy làm đẹp lòng lắm, bèn phong cho chức Thiêm sự ở Hình Tào. Trong cơ quan Hình Tào có viên thư kí tên là Nguyễn Trương Hiệu nổi tiếng giảo hoạt còn hơn cả thượng cấp của hắn là Nguyễn Hữu Nghi. Hắn và Nguyễn Hữu Nghi rất tương đắc với nhau.

Người xưa dạy rằng ngưu tầm ngưu, mã tầm mã quả là không sai vậy. Nguyễn Hữu Nghi quyết tìm cách trả thù Nguyễn Văn Thành, vì thế, hắn mật sai Nguyễn Trương Hiệu bỏ việc ở Hình Tào, đến nhà con trai của Nguyễn Văn Thành là Nguyễn Văn Thuyên, mượn tiếng xin làm gia nhân để dò tìm sơ hở mà lập kế hãm hại.

3. Nguyễn Văn Thuyên đỗ Hương cống (học vị này từ năm 1829 thì đổi gọi là Cử nhân) tại trường Trực Lệ (cũng tức là trường Quảng Đức hay trường Thừa Thiên), danh vọng tuy chưa có gì đáng kể, nhưng nhờ oai quyền của cha mà được không ít người tìm đến để dựa cậy.

Thế rồi chẳng bao lâu, Nguyễn Trương Hiệu đã tìm được chỗ sơ hở của Nguyễn Văn Thuyên. Một hôm, Nguyễn Văn Thuyên cao hứng làm thơ, xong thì sai Nguyễn Trương Hiệu đem bài thơ mới làm ấy tới cho Nguyễn Văn Khuê và Nguyễn Đức Nhuận (cả hai đều là những người nổi tiếng hay chữ của đất Thanh Hoá). Trong bài thơ của Nguyễn Văn Thuyên có câu:

Thử hồi nhược đắc sơn trung Đế,
Tá ngã kinh luân chuyển hoá cơ.

(Nghĩa là: Thời nay, nếu có được vị Hoàng đế trong núi kia giúp ta lo việc sắp đặt chính trị thì có thể chuyển hoá được cơ trời).

Câu thơ này lập tức được thêu dệt thành ý đồ phản loạn, thành mưu toan lật đổ Gia Long. Thay vì chuyển bài thơ đến đúng địa chỉ người nhận là Nguyễn Văn Khuê và Nguyễn Đức Nhuận thì Nguyễn Trương Hiệu lại chuyển cho Nguyễn Hữu Nghi. Ngay lập tức, Nguyễn Hữu Nghi chuyển cho Lê Văn Duyệt. Một bài thơ nhỏ, chứa mấy lời ngông nghênh sơ suất của mà có đến mấy người tìm cách triệt để lợi dụng.

Lúc đầu, Nguyễn Trương Hiệu lợi dụng để làm tiền cha con Nguyễn Văn Thành nhưng không thoả nguyện. Nguyễn Hữu Nghi thì lợi dụng để báo oán. Còn Lê Văn Duyệt thì lợi dụng để đánh gục địa vị của Nguyễn Văn Thành. Tấu sớ hạch tội Nguyễn Văn Thành nườm nượp dâng lên triều đình. Năm 1816, Gia Long sai Lê Văn Duyệt đích thân xét xử vụ án này.

Đến đây thì đúng là đại hoạ đã thực sự giáng xuống đầu Nguyễn Văn Thành. Những kẻ không ưa ông, nhân thấy ông bị thất thế cũng lập tức thêu dệt thêm mọi chuyện để cáo buộc.

Rốt cuộc, Tiền quân Bắc thành Tổng trấn Nguyễn Văn Thành chỉ còn biết ôm nỗi phẫn uất và bị buộc phải uống thuốc độc tự tử vào năm 1817 (hưởng thọ 59 tuổi). Con Nguyễn Văn Thành là Nguyễn Văn Thuyên bị xử tử. Những người con khác của Nguyễn Văn Thành bị giam cầm khá lâu mới được thả ra.

Vụ trọng án lớn nhất thời Nguyễn, tiếc thay, lại xuất phát từ những chuyện nhỏ đến nỗi tưởng là đùa bỡn như thế. Mới hay, ở đời thật khó mà nói rằng cái gì là nhỏ. Khiếm nhã khi từ chối một li rượu trước giờ xuất quân hay vụng về buông một câu nói chẳng đẹp lòng bạn hữu của mình…thế là nhỏ chăng? Rất tiếc là chừng đó cũng đủ để khiến cho cả các bậc đại công thần mang lòng đố kị và thù ghét lẫn nhau.

Một kẻ gia thần, một viên thư lại…đó là hạng tiểu tốt vô danh, chức phận nhỏ đến độ chẳng đáng phải bận tâm chăng? Bọn ấy dẫu chỉ vài tên nhưng xem ra cũng có dư kế hiểm để hất tung các đấng chễm chệ nơi quyền cao chức trọng. Hai câu thơ dại dột và đầy vẻ ngông nghênh như của Nguyễn Văn Thuyên là nhỏ chăng? Chừng ấy vẫn thừa sức để giết hại đến mấy mạng người đó thôi.

Cũng nhờ vậy mới hay, ở đời thật khó mà nói rằng, cái gì là lớn. Tước vị, chức quyền, bổng lộc…cỡ như Nguyễn Văn Thành và Lê Văn Duyệt là lớn chăng? Cứ như nội dung câu chuyện theo ghi chép của sử xưa thì chưa hẳn là như vậy…

Theo KIÊN GIANG / BÁO PHÁP LUẬT

Tags: ,