Chuyện về chim sâm cầm – nét đẹp chỉ còn là dĩ vãng của hồ Tây

Làng Nghi Tàm được lệnh mỗi năm phải tiến vua 40-50 con chim sâm cầm, nếu thiếu sẽ bị phạt bạc nặng, thiếu dây dưa thì lý trưởng bị lôi lên phủ đánh một trăm roi.

Chuyện về chim sâm cầm – nét đẹp chỉ còn là dĩ vãng của hồ Tây

Hồ Tây từ xa xưa đã có một loại chim trời quý hiếm là sâm cầm.

Sâm cầm được xếp là một trong tám cảnh du ngoạn trên hồ của người kinh thành đời Lê, bên cạnh rừng trúc Nghi Tàm, rừng bàng Yên Thái, Phật say làng Thụy, đàn thề Đồng Cổ, chợ đêm Khán Xuân, tiếng đàn hành cung, hồng hoa Nghi Tàm.

Sâm cầm là một loại chim di thực. Không rõ quê gốc chúng ở đâu, chỉ biết cứ đến cữ rét, chúng từ phương Bắc bay về. Trước đêm về đến hồ Tây, loài chim này thường sà xuống khu đầm lầy dày đặc ở vùng ngã ba sông Hồng – Thao – Lô. Khi về hồ Tây, chúng ở lại kiếm ăn trong suốt mùa đông, đến khi có những trận nắng hè sớm mới cất mình cùng đàn bay về phương Bắc.

Sâm cầm còn gọi là chim sâm. Ở miền thượng du, nó được gọi là chim cốc (vộc). Loài chim này có thể lặn, mò như cốc nhưng lại không thuộc dòng này. Nó là một trong những loài vịt trời có kích thước vừa phải (lớn hơn le, nhưng nhỏ hơn vịt trời).

Sở dĩ loài chim này chọn hồ Tây và ở lại cả mùa đông vì ở đây có củ ấu và những đám tôm đồng, những thức ăn khoái khẩu của chúng. Cả một vụ đông, chúng bay cả đàn, đông đặc hàng trăm con, lúc ở góc đầm làng ven hồ này, lúc sang làng ven hồ khác. Chúng thường tập trung ở đầm đất Nghi Tàm, lùng ăn trên các bãi ấu non, đầm nước ven bờ, những nơi tụ họp nhiều tôm, cá nhỏ.

Nhìn sâm cầm, không ai biết nó là loài chim quý. Mỏ le, mình cốc. Lông đầu, lông cổ màu đen, lưng có mảng lông màu xanh xám (xanh chì). Phía dưới bụng cũng là màu xanh xám nhưng nhạt hơn, đuôi và ngực, lông thẫm lại, phía dưới bụng lông lại sáng lên…

Thịt sâm cầm ngon và bổ, nhất là khi cánh thợ săn xọc vào xiên tre tươi mà nướng chả. Mùa đông, loài chim này về nhiều, dân hồ Tây đổ xô bẫy và bắt. Lúc ấy, người ven hồ, nhà nào mà chẳng có chiếc thuyền câu, thuyền nan nhỏ, ngày xưa gọi là thuyền thúng. Lúc đầu họ đi thả câu, thả lờ, đánh lưới nhỏ, thả trúm bắt cá, bắt tôm, sau nghĩ ra cách bẫy luôn sâm cầm đem bán.

Dân Nghi Tàm thường bẫy được nhiều sâm cầm nhất bởi làng nhô vào tận trong hồ, ba bề, bốn bên là nước. Nghe tiếng thịt sâm cầm ngon bổ, đám thương lái nhà giàu mua rồi đem về nướng chả, tẩm với hạt sen, vài vị thuốc bắc. Tiếng về chim quý vì thế ngày càng lan xa. Loài chim này có khi được làm quà biếu bề trên, khi được đem ra thết tiệc và được chọn làm vật tiến vua.

Vua thấy quý và lạ, lại biết chỉ hồ Tây mới có sâm cầm, liền ra lệnh cho quan trấn thủ Hà Nội lo cống. Quan trấn thủ liền sắc cho quan phủ, quan huyện, buộc làng Nghi Tàm hằng năm phải tiến chim sâm cầm lên vua nhà Nguyễn. Làng bổ về cho các giáp. Hương ước Nghi Tàm, theo tư liệu cũ ghi được, có khoán rõ ràng:

“Hằng năm, mỗi giáp phải nộp 5 con sâm cầm (sâm cầm ngũ điểu), từ bảy lạng đến một kg, béo, đẹp, đến cuối tháng mười một phải nộp đủ. Nhà nào không nộp là trốn lệ vua, thiếu một chim phạt vạ bạc 10 nén, gà sống thiếu một đôi, dây dưa thì lý trưởng bị lôi lên phủ đánh một trăm roi!”.

Lệ và lệnh từ Phủ Phụng Thiên ban xuống. Thế là chim sâm cầm quà trời bỗng thành gánh nặng… Làng xưa có khoảng tám giáp, mỗi năm phải tiến vua từ 40 đến 50 con. Vì thế, làng Nghi Tàm mới có giai thoại Lý Râu lên phủ chịu đánh roi thay dân làng. Từ chuyện này mới có giai thoại, Bà Huyện Thanh Quan, nhà thơ nữ nổi tiếng của Hà Nội thế kỷ 19, lúc bấy giờ làm cung trung giáo tập ở trong triều, xin cho miễn lệ tiến chim sâm cầm.

Những nhà sang vẫn mua được chim sâm cầm thưởng thức. Nghe nói có người còn nghĩ ra cách ngâm rượu loài chim này như kiểu ngâm rượu bìm bịp vậy.

Cho đến nay, hồ Tây đã hẹp lại nhiều. Nhà hàng, khách sạn nhạc ồn ào, đèn điện sáng choang như ban ngày, thì tìm đâu ra bóng sâm cầm nữa.

Theo HOÀNG LAN / AN NINH THẾ GIỚI

Tags: , , ,