⠀
Từ chuyện quan chức đi nước ngoài đến ẩn số về nhóm lợi ích
Mục đích và kết quả đích thực của những chuyến đi đó chỉ có những người trong cuộc mới biết.
Đầu những năm 2000 khi tôi còn công tác tại một cơ quan nghiên cứu trung ương, vì lý do công việc, tôi thường có mặt ở Bộ Thương mại, cơ quan khi đó đang chịu trách nhiệm đầu mối tiến hành các cuộc đàm phán song phương với các quốc gia để chuẩn bị cho Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại Thế giới (WTO).
Trong những căn phòng làm việc nhỏ tại trụ sở của Bộ Thương mại trên phố Tràng Tiền, tôi ấn tượng mạnh mẽ với những chồng công văn chất cao trên các bàn làm việc, những vali tài liệu đầy ắp, và những cặp mắt thâm quầng thiếu ngủ của các chuyên viên, cán bộ vừa trở về từ sân bay sau những chuyến công tác đàm phán căng thẳng.
Để gia nhập Tổ chức thương mại lớn nhất thế giới, chúng ta đã phải trải qua hành trình 11 năm với trên 200 cuộc đàm phán với 28 đối tác đàm phán song phương với hàng chục ngàn dòng thuế, các hạn ngạch, các điều kiện thương mại…
11 năm liên tục đi lại giữa Việt Nam và các nước, với rất nhiều đêm thức trắng để nghiên cứu, chuẩn bị tài liệu, nhiều bữa ăn vội với vài lát bánh mì, một ít trái cây giữa các phiên họp căng thẳng… đa số những người tham gia đàm phán WTO đều ít nhiều phải hy sinh những giây phút bên gia đình, hy sinh sức khỏe cá nhân vì trách nhiệm.
Đó là quá trình đàm phán căng thẳng, gai góc nhất kể từ sau cuộc đàm phán để đi tới Hiệp định Paris năm 1973. Cho dù tầm quan trọng của tiến trình đó, thời điểm đó các chế độ chính sách đối với những chuyến đi công tác đàm phán ở nước ngoài đều rất hạn hẹp và theo đúng nguyên tắc.
Vài năm sau, tôi được cơ quan cử đi học một khoá học ngắn hạn tại một nước Châu Âu. Một ngày cuối tuần, tôi đáp tàu xuống Geneve thăm một người bạn học chung thời sinh viên, hiện đang công tác tại cơ quan đại diện ngoại giao tại đây. Chúng tôi hẹn nhau ăn trưa tại một nhà hàng nhỏ gần hồ Geneva.
Bạn tôi tới muộn gần một tiếng. Anh xin lỗi rồi giải thích “vừa tiễn một đoàn doanh nghiệp Việt Nam ra sân bay về nước”. Câu chuyện sau đó, bạn tôi kể rằng, rất nhiều đoàn công tác Việt Nam sang Thụy Sĩ đều nhờ những người công tác tại cơ quan đại diện ngoại giao hỗ trợ việc đưa đón sân bay, việc ăn ở đi lại và phiên dịch. Hỗ trợ các đoàn công tác trong việc phiên dịch là cách bạn tôi thường làm để tăng thêm thu nhập.
Trong câu chuyện của bạn, tôi ấn tượng với hình ảnh đoàn công tác của một doanh nghiệp nhà nước rất lớn, với cả “sếp tổng” và phu nhân.
Về khách sạn, sau khi xem căn phòng sang trọng nhất nhìn thẳng ra hồ Geneva, cậu bạn tôi chắc mẩm phu nhân của “sếp tổng” rất hài lòng. Sau vài phút nhìn quanh, chị kéo bạn tôi ra một góc: “Chị nói thật nhé, căn phòng này còn thua xa phòng nhà chị. Chị thì không vấn đề gì, nhưng nếu anh ở đây thì mất mặt anh quá”. Bạn tôi sững sờ, không nói được câu nào.
Cuối cùng, sau một ngày chạy đôn đáo khắp nơi, câụ hỏi thuê được một nơi gọi là vừa đủ hài lòng phu nhân của sếp tổng. Đó là một… tòa lâu đài cổ nằm trên đồi phía bên kia hồ Geneva cùng với việc thuê bao nguyên một giàn đầu bếp của khách sạn tốt nhất Geneva phục vụ đoàn trong những ngày ở đó.
Những ngày sau đó, bạn tôi bận rộn đưa dẫn đoàn đi thăm các địa điểm và mua sắm ở Geneve và khi chuyến công tác kết thúc, cậu được bà chị cảm ơn với một khoản tiền thưởng gấp nhiều lần tiền công phục vụ tính theo ngày. Tất nhiên, chi phí cho cả đoàn công tác còn gấp vài chục lần số tiền cậu nhận được.
Là công chức của một cơ quan nghiên cứu được cử đi học và dành dụm từng đồng học bổng, lần đầu tiên tôi hiểu cây đũa thần “doanh nghiệp nhà nước” có sức mạnh như thế nào.
Trong thập niên vừa qua, chính phủ và các địa phương đã liên tục có những chỉ đạo yêu cầu hạn chế đi công tác nước ngoài, đặc biệt là bằng tiền ngân sách. Số lượng các văn bản chỉ đạo không thể đếm hết. Nhưng trong những mối quan hệ phức tạp của hoạt động kinh tế nơi mà các Bộ vẫn quản lý nhiều doanh nghiệp, lý do và nguồn tiền để cán bộ đi nước ngoài muôn hình vạn trạng. Mục đích và kết quả đích thực của những chuyến đi đó chỉ có những người trong cuộc mới biết.
Nhưng với những người làm việc trong khối nhà nước, hay có liên quan, những chuyến đi nước ngoài của các quan chức bộ ngành được tháp tùng bởi lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước, các quan chức địa phương và doanh nghiệp tư nhân gọi là “công du kết hợp du lịch, nghỉ dưỡng, mua sắm” đã trở nên quen thuộc. Tới nỗi, việc tháp tùng các đoàn quan chức bộ ngành chủ quản đi công tác nước ngoài trở thành một dạng “kỹ năng mềm” của các sếp lãnh đạo doanh nghiệp.
Tôi không dám vơ đũa cả nắm, vì vẫn có những đoàn công tác nước ngoài hiệu quả, có ích cho đất nước. Nhưng có thể thấy rằng, so với giai đoạn 11 năm đàm phán WTO, thực tiễn hôm nay đã vận động khác xa, các quan hệ nhóm lợi ích giữa các lực lượng kinh tế và quan chức ngày càng phức tạp.
Và theo tôi, đã tới lúc phải thực hiện những thay đổi mang tính thể chế mà mấu chốt là tạo được sự tách biệt giữa hoạt động quản trị quốc gia – được tài trợ bằng tiền thuế của dân – và các hoạt động kinh tế. Trong đó, việc giảm vai trò chi phối của doanh nghiệp nhà nước, hay là giảm vai trò can thiệp trực tiếp của các Bộ và địa phương vào các doanh nghiệp này, là một mục tiêu quan trọng.
Còn nhớ, giai đoạn đầu những năm 2000 khi cuộc đàm phán gia nhập WTO vào hồi căng thẳng, Bộ Thương mại được lãnh đạo bởi một trong những vị bộ trưởng nổi tiếng giản dị nhưng vô cùng quyết liệt trong công việc. Chúng tôi khi ấy nói với nhau, quả là mức độ hiệu quả của một tổ chức phụ thuộc vào phẩm chất của người đứng đầu.
Theo NGUYỄN ĐĂNG QUANG / VNEXPRESS (2018)
Tags: Bộ máy hành chính, Ngân sách nhà nước, Nhóm lợi ích