Chuyện người Việt ngày càng lười sinh con: Nhìn từ TP HCM

Sinh con hay không, sớm hay muộn – cuối cùng vẫn là quyết định cá nhân của mỗi người. Cách mà chính phủ có thể hỗ trợ là tạo ra “hạ tầng sinh nở” thuận lợi nhất, để người dân cảm thấy sinh con và nuôi con là niềm vui, chứ không phải gánh nặng.

Chuyện người Việt ngày càng lười sinh con: Nhìn từ TP HCM

Tác giả: Ngô Tú Ngân, thành viên Đoàn Luật sư TP HCM.

30 tuổi, Mai vẫn cảm thấy mơ hồ và sợ đối diện với việc có một đứa con.

“Em có bất thường không?”, Mai hỏi người khai vấn.

Đã ba buổi gặp mà Mai chưa tháo được nút thắt trong lòng về việc nên sinh con hay không. Một mặt, Mai hiểu đứa con là trách nhiệm trọn đời không thể hủy ngang. Mặt khác, Mai sợ có con dù cha mẹ luôn bảo “trời sinh voi sinh cỏ”. “Đẻ có đứa con mà bây nghĩ đủ điều”, ba Mai nói, “ngày xưa lúc có mấy đứa bây, nhà mình nghèo lắm mà giờ đứa nào cũng lớn khôn”.

Đó là câu chuyện tôi gặp ở một buổi khai vấn (coaching) – dịch vụ được nhiều người trẻ tìm đến khi gặp những bối rối khó lòng tự tháo gỡ.

Mai bảo sinh con đâu phải như nuôi mèo, thích thì đem về nuôi, không thích thì cho. Sinh con với Mai thậm chí còn nghiêm trọng hơn chuyện kết hôn. Kết hôn, nói xui, còn có ly hôn. Sinh con xong, Mai không bao giờ “undo” được nữa.

Ngại đẻ không có nghĩa là không muốn đẻ. Mai nói hãy điểm qua cả hành trình sinh con để thấy những điều khiến những người như Mai “thấy ngại”.

Thứ nhất là chuyện đi đẻ và chăm sóc y tế. Mai sống tại TP HCM – nơi phụ nữ bị coi là “lười đẻ nhất nước”, vì thành phố có tỷ suất sinh thấp nhất nước trong gần hai thập kỷ qua. Hầu hết bệnh viện phụ sản và bệnh viện nhi ở đây đều quá tải. Nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế từng cho thấy tình hình quá tải của 5 bệnh viện lớn nhất tại Hà Nội và TP HCM. Chẳng hạn, công suất sử dụng giường bệnh của bệnh viện Từ Dũ luôn từ 165 đến 200%. Số giường bệnh thực kê luôn gấp đôi số giường chỉ tiêu. Tại Bệnh viện Nhi đồng một (năm 2018), số giường thực kê lên tới 210 trong khi chỉ tiêu là 165. Số bệnh nhi nhập viện lúc nào cũng gần gấp đôi số giường.

Một phần khác của chăm sóc y tế là vấn đề vaccine. Theo báo cáo “Tình hình trẻ em thế giới” của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) năm 2023, cứ 5 trẻ thì có một trẻ không được tiêm hoặc tiêm vaccine không đầy đủ. 48 triệu trẻ trên toàn cầu không được tiêm liều vaccine nào, hay còn gọi là “0 liều vaccine”. Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia có số trẻ em “0 liều vaccine” nhiều nhất thế giới, với số lượng hơn 187.000 trẻ em dưới một tuổi không được tiêm trong năm 2021

Thứ hai là cho con đi học, cũng là tìm chỗ gửi con để có thể đi làm. Hệ thống trường công TP HCM khó đáp ứng được nhu cầu khi số học sinh tiểu học tăng quá nhanh. Năm 2020, Thành phố tăng hơn 54.000 học sinh các cấp. Hầu hết trường công phải chấp nhận vượt chuẩn về sĩ số, một lớp học có khi lên đến 50-60 em. Trong bối cảnh đó, không nhiều người đủ điều kiện tài chính để cho con học trường tư.

Thứ ba là môi trường sống và hệ thống hỗ trợ nếu trẻ gặp phải những “biến cố” trong cuộc đời. Theo báo cáo Thúc đẩy sự phát triển vì mọi trẻ em Việt Nam của UNICEF, năm 2019, có 33.000 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong do những bệnh có thể phòng ngừa được, 7,7 triệu trẻ không được tiếp cận các dịch vụ nước sạch và vệ sinh tại trường học; trong nhóm 1 đến 14 tuổi thì có hơn 7 trên 10 trẻ phải chịu kỷ luật bằng bạo lực…

Hơn thế nữa là nỗi sợ của các gia đình không may có con gặp những vấn đề lâu dài, khó chữa: bại liệt, tâm thần, down, tự kỷ… Việt Nam chưa có nhiều tổ chức công hỗ trợ cho trẻ đặc biệt cả về sức khỏe tinh thần và thể chất cho nhóm người gặp rất khó khăn về hòa nhập xã hội này. Ở nhiều nơi công cộng, Mai còn không thấy lối đi cho xe lăn.

Bao trùm tất cả là nỗi lo kinh tế. Bao nhiêu khoản tiền phát sinh để nuôi dạy một đứa trẻ, các ông bố bà mẹ đều không thể kể hết. Rủi ro mất việc làm ở môi trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt càng làm nhiều gia đình e dè.

Mai cũng không phủ nhận rằng, ngoài ra, còn vì những thay đổi trong suy nghĩ của phụ nữ hiện đại như không muốn ràng buộc hoặc còn tập trung cho những kế hoạch cá nhân… mà nhiều người chưa muốn sinh con. Nhưng Mai tin, không nhắm mắt sinh con khi chưa đủ điều kiện là sự cân nhắc chín chắn về trách nhiệm của một công dân với bản thân và xã hội.

Vấn đề lớn hơn ở đây là, sinh con không phải “nút thắt trong lòng” của riêng Mai. Tỷ lệ sinh đang suy giảm trên toàn cầu. Thống kê của Liên Hiệp Quốc cho thấy đầu những năm 1950, trung bình mỗi phụ nữ sinh 4,7 con. Tỷ lệ này giảm xuống còn 2,3 vào năm 2021. Trong khoảng thời gian đó, Hàn Quốc có mức giảm tỷ lệ sinh thô lớn nhất thế giới với (-86%). Việt Nam đứng thứ 23 với mức giảm 61%.

Nhìn thấy nguy cơ già hóa dân số, nhiều chính phủ đã nhanh chóng áp dụng các giải pháp khuyến sinh, bắt đầu bằng việc thưởng tiền mặt hào phóng như: Hàn Quốc, Singapore, Phần Lan, Nhật Bản, Thụy Điển, Canada… Nhưng các chính phủ này cũng sớm nhận ra rằng, hỗ trợ tiền mặt không giúp cải thiện đáng kể tình hình. Họ dần thay đổi. Singapore là một ví dụ về sự điều chỉnh chính sách cho phù hợp với đối tượng thụ hưởng. Khi nhận thấy chỉ hỗ trợ tiền mặt không thôi cho các cặp vợ chồng mới sinh con là chưa đủ hấp dẫn, chính phủ nước này từng bước áp dụng các biện pháp: hỗ trợ nhà ở xã hội, tăng thời gian nghỉ thai sản và giảm thuế cho các gia đình đông con…

Các chuyên gia nhận định, sinh con không phải là chuyện “làm một lần là xong trách nhiệm”, mà là cả quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng lâu dài; vì thế, các giải pháp cần hướng tới dài hạn, nhằm cải thiện toàn diện về y tế, giáo dục, môi trường sống bao quanh một gia đình đứa trẻ.

Nhận thức này của thế giới sẽ đem lại cho Việt Nam nhiều bài học giá trị. Chính phủ đã thể hiện sự quan tâm tới nguy cơ già hóa dân số qua Quyết định 588 ban hành năm 2020, đề ra những giải pháp nhằm điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030.

Việt Nam chưa đủ điều kiện để có thể áp dụng những biện pháp hỗ trợ tiền mặt hào phóng, và kinh nghiệm của các nước cũng đã chứng minh, đây không phải là yếu tố quyết định. Bên cạnh nỗ lực tạo ra những lợi ích trước mắt, việc tạo ra môi trường sống chất lượng, cải thiện hệ thống y tế, các cơ sở giáo dục, môi trường sống, tăng cường hệ thống hỗ trợ trẻ khuyết tật, tự kỷ… có thể mang lại tác động lâu dài.

Sinh con hay không, sớm hay muộn – cuối cùng vẫn là quyết định cá nhân của mỗi người. Cách mà chính phủ có thể hỗ trợ là tạo ra “hạ tầng sinh nở” thuận lợi nhất, để người dân cảm thấy sinh con và nuôi con là niềm vui, chứ không phải gánh nặng.

Theo VNEXPRESS

Tags: , ,