⠀
Chuyện khó tin về người Việt giàu nhất Đông Dương thời thuộc địa
Nhiều người thắc mắc vì sao ông giàu thế, rồi tiền ở đâu mà nhiều như vậy, thậm chí còn nói là chuyện hoang đường…
Từ một người trung lưu, có chút chức sắc trong chính quyền chỉ trong vài năm bỗng chốc thành đại phú hộ rồi đến mức giàu nhất Đông Dương, có lẽ số những người như ông Huyện Sỹ thì từ trước đến nay là quá hiếm. Nhiều người thắc mắc vì sao ông giàu thế, rồi tiền ở đâu mà nhiều như vậy, thậm chí còn nói là chuyện hoang đường. Nhưng nếu như nhìn vào con đường làm giàu của ông Huyện Sỹ thì nó chứng minh cho một câu nói dân gian “có trí làm quan, có gan làm giàu”, vì có cả hai thứ này nên chuyện ông Huyện Sỹ giàu lên nhanh chóng trong thời loạn lạc cũng là một điều dễ hiểu.
Vay nợ đi mua ruộng bỏ hoang
Những năm đầu khi thực dân Pháp mới vào đô hộ tại Nam Kỳ, tình hình xã hội có rất nhiều rối ren. Người dân ở lục tỉnh Nam Kỳ vì lo lắng, sợ hãi mà nhiều người bỏ ruộng, bỏ nhà đi chạy loạn. Những cánh đồng thẳng cánh cò bay, trước đây có lần trúng mùa thóc lúa đổ văng vãi nhưng giờ lại để cho cỏ dại mọc um tùm. Ở quê là vậy, ở thành phố, người dân cũng chẳng còn thiết tha với chuyện kinh doanh, buôn bán, nhiều người bỏ hết cả cơ ngơi phố thị để mà chạy đi nơi khác. Chính vì lí do này mà không chỉ nông thôn hoang hóa mà ở thành phố cũng rất vắng vẻ.
Khi chính quyền Pháp cai quản, nhìn thấy cảnh ruộng đồng bỏ trống họ đã nghĩ ra cách bán khoán cho những ai có tiền. Những cuộc đấu giá ruộng đất của chính quyền Pháp diễn ra một cách công khai nhưng toàn đổ bể vì chuyện là không có ai đứng ra đấu tố. Thời đó ai có tiền, có vàng thì cố gắng hết sức để mà giữ trong người phòng thân chứ ai dại gì mang ra mà mua đất, mua nhà rồi lại phải đóng thuế này nọ. Kế hoạch đấu giá ruộng đất của chính quyền Pháp có nguy cơ thất bại nhưng họ không chấp nhận điều này nên đã nghĩ ra cách ép các quan chức là người Việt Nam phải mua.
Những người làm việc trong chính quyền như ông Huyện Sỹ đương nhiên là phải đứng đầu danh sách những người mua. Lúc đầu, nghe thấy kế hoạch này, ông Huyện Sỹ lo lắm. Nhà thì chẳng có tiền, đồng lương làm ở hội quản hạt cũng chỉ đủ để lo cho cuộc sống nay còn mua ruộng nữa thì biết lấy đâu ra. Tuy nhiên, đã chót gia nhập đội ngũ quan của chế độ chính quyền Pháp thì không cãi được, không ít thì nhiều cũng phải đấu tố mà mua. Suy nghĩ một hồi, rồi ông Huyện Sỹ nghĩ liều cứ mua ruộng về rồi gieo hạt kiểu gì cuối vụ chẳng có thóc… Vậy là ông Huyện sỹ quyết định sẽ mua ruộng trước chứ không mua nhà ở phố.
Thời đó, Sài Gòn mới chỉ vỏn vẹn ở quanh khu vực quận 1 bây giờ, ruộng đồng bao quanh cả thành phố nên chính quyền Pháp mới quyết định sẽ bán những thửa ruộng này trước sau đó mới tiếp tục đấu tố ở các nơi. Dĩ nhiên, vì chẳng có ai đấu giá nên mức giá các cánh đồng rẻ vô cùng, thậm chí chỉ bằng 1/100 so với thời điểm trước đây. Trước đây, khi còn sống ở quê nhà Long An, ông Huyện Sỹ cũng đã biết đến giá đất ruộng là bao nhiêu, nay nghe thấy mức giá chính quyền Pháp đưa ra ông thừa biết đó là bán tháo, được bao nhiêu hay bấy nhiêu.
Để có tiền mua ruộng, ông Huyện Sỹ đi vay mượn khắp nơi. Anh em, họ hàng, bạn bè, thậm chí cả mấy người làm cùng cơ quan cũng vay luôn cả lương với cam kết sẽ trả trong 1 – 2 tháng. Không đủ, ông Huyện Sỹ mang luôn cả ít tài sản là của hồi môn của vợ mang bán để mua ruộng. Cứ mỗi lần đấu tố ông Huyện Sỹ mua một khoảnh ruộng, lâu dần đã trở thành cả một cánh đồng rộng mênh mông.
Mua ruộng về ông Huyện sỹ chẳng để không mà ngay lập tức cho người dọn dẹp rồi gieo lúa xuống. Ai ngờ, mấy năm liền ông Huyện Sỹ mua ruộng rồi trồng lúa thời tiết Nam Kỳ thuận lợi vô cùng. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long vốn đã nổi tiếng là phì nhiêu nay lại có thời tiết thuận hòa thế nên lúa rất được mùa. Có lúa, ông Huyện Sỹ lại mang đi bán rồi lại lấy tiền đó đi mua ruộng. Nợ nần ai cần trả thì trả, ai còn nợ lại thì cứ khất. Trong khoảng thời gian chừng hơn 3 năm, ông Huyện sỹ đã có trong tay rất nhiều ruộng đồng, trải dài suốt từ Sài Gòn xuống Long An nhưng đây vẫn chưa phải là thời kì cực thịnh của ông Huyện Sỹ.
Ông Huyện đi thăm đồng
Nói là một đại phú hộ như ông Huyện Sỹ đi thăm đồng vào thời kì đó sẽ là chuyện lạ. Trong khi đó, những cánh đồng của ông Huyện Sỹ cứ thẳng cánh cò bay, có đi cả tuần cũng chẳng hết nên vì đó là tài sản nên ông vẫn phải trông nom. Ruộng đồng có trong tay, ông Huyện Sỹ chia ra từng khu vực rồi giao cho một người cai quản. Những năm đó, ông Huyện Sỹ tổ chức gieo trồng 2 vụ/1 năm, một chuyện mà từ trước đến nay hiếm khi xảy ra ở Nam Kỳ. Cứ gieo hạt là lại trúng mùa, lúa chất thành núi rồi tiền cứ thế đổ về cho ông Huyện Sỹ. Sau đúng 5 năm từ ngày mua mảnh ruộng đầu tiên, ông Huyện Sỹ đã giàu lên trông thấy, được xếp vào danh sách là một trong những người giàu nhất nhì Sài Gòn.
Dĩ nhiên, vì làm việc trong chính quyền nên ông Huyện Sỹ cũng được chút ưu ái, cộng với việc sòng phẳng trong chuyện mua bán nên chính quyền Pháp rất ưu tiên cho ông Huyện Sỹ, ông thích mảnh nào là bán cho mảnh đó. Gần như toàn bộ khu huyện Đức Huệ, Đức Hòa của tỉnh Long An bây giờ thuộc về tay ông Huyện Sỹ. Chưa kể một số cánh đồng phì nhiêu ở khu vực Nam Kỳ cũng được ông Huyện Sỹ đấu tố với mức giá rất rẻ. Tiền cứ như thể nước mùa lũ đổ về túi ông Huyện Sỹ khiến cho ông ngày một giàu hơn.
Mua ruộng nhiều rồi ông Huyện Sỹ bỏ tiền ra mua nhà mặt phố. Theo tương truyền, đất tại Sài Gòn của ông Huyện Sỹ liền một dải từ quận Nhất sang quận Gò Vấp bây giờ. Vì khi đó khu nội đô còn khá nhỏ, Tân Bình, Gò Vấp như bây giờ chỉ là ngoại thành nhưng ông Huyện Sỹ vẫn mua vì giá quá rẻ. Có sử sách ghi lại, ông Huyện Sỹ từng có câu nói rất nổi tiếng: “Đất không bao giờ là mất giá vì nó không thể nở ra được, còn người thì mãi sinh sôi”. Nhưng có lẽ bản thân ông Huyện Sỹ cũng không thể ngờ được rằng Sài Gòn lại phát triển như ngày hôm nay.
Là một đại phú hộ nhưng ông Huyện Sỹ lại rất chú trọng việc dạy bảo con cái. Dường như có sự tính toán kĩ lưỡng trong đầu nên khối lượng tài sản của ông Huyện Sỹ đã được phân chia rất rõ ràng, mỗi người một khoảnh để mà tự cai quản làm ăn. Riêng người con trai cả của ông Huyện Sỹ được chia cho một khu ở Gò Vấp nay là khu Hạnh Thông. Mấy người con của ông Huyện Sỹ cũng đều thông minh, sáng láng nên đã phát huy được sự giàu có của gia đình. Ai nấy đều cưới gả cho những gia đình môn đăng hộ đối, đã giàu lại càng giàu thêm. Ngoài là phú độ đồn điền, theo tương truyền ông Huyện Sỹ còn có cả ngàn ngôi nhà cho thuê ở Sài Gòn rồi biết bao nhiêu thứ khác nữa.
Thời đó, đồng tiền Đông Dương giá trị vô cùng nhưng có người bảo, nhà ông Phú hộ có một kho tiền cất giấu ở một nơi cực kì kín đáo. Có riêng một nhóm người bảo vệ hàng ngày. Ông Huyện Sỹ không sợ người ta lấy trộm mà sợ tiền… mốc rồi mối mọt. Thế là cứ dăm ba tháng là đám người phục vụ lại mang tiền ra sân nắng phơi rồi lại cất gọn. Dĩ nhiên, toàn bộ quá trình này đều được giám sát kĩ lưỡng và những người làm cũng là những người tin cậy. Kho tiền này của ông Huyện Sỹ ở đâu chẳng ai hay biết nhưng có người đồn đoán là ở Long An nơi mà ông cho xây một căn biệt thự nằm trên mảnh đất có vị trí hàm rồng rất đẹp về phong thủy.
Theo ĐỜI SỐNG & PHÁP LUẬT
Tags: Đông Dương thời thuộc địa, Kinh doanh - Sản xuất