⠀
Chuyện giá xăng và ví tiền: Từ thế giới đến Việt Nam
Dân tình nước Pháp đang xôn xao vì bánh mì baguette sắp tăng thêm khoảng 5-10 xu, lên đến mốc một Euro mỗi ổ, cao kỷ lục từ trước đến nay.
Tác giả: Võ Đình Trí, giảng viên Đại học Kinh tế TP HCM.
Đứng đợi mua bánh mỳ ở tiệm gần nhà tôi tại thành phố Villepreux, chưa đầy chục phút, tôi nghe vài người hỏi chị thu ngân: “Khi nào bánh mì có giá mới?”.
Bánh mì baguette không chỉ là một biểu tượng ẩm thực của nước Pháp mà còn là tham chiếu quan trọng trong việc tính toán mức độ tăng của giá cả sinh hoạt. Giá bánh mì tăng, mọi thứ còn lại sẽ tăng theo.
Sau thời gian nền kinh tế chững lại vì dịch COVID, ổ bánh mì baguette đang được dự đoán sẽ tăng giá 5%-10% tùy từng địa phương. Sau thời gian dài quen với mặt bằng giá chung ít biến động, nhiều người Pháp nói “đang bị choáng” với việc giá nhiều mặt hàng như xăng dầu, gas, bột mì, cà phê, đường, dầu thực vật, ngũ cốc… tăng mạnh. Có những mặt hàng đã tăng đến 20%-30% trong vòng hai tháng qua.
Lạm phát đang nổi lên như lo ngại mới với nền kinh tế toàn cầu sau thời gian đối mặt với dịch COVID-19. Nhiều kinh tế gia cho rằng ở các nền kinh tế phát triển, lạm phát sẽ tăng vụt lên trong thời gian ngắn rồi dịu xuống, quay về mức thấp như trước đại dịch. Ở các nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Việt Nam, hệ lụy có thể dài hơn. Lạm phát đang dọa tăng mạnh bắt đầu bằng giá vàng và các nguyên liệu cơ bản tăng. Điều này khiến đời sống của một bộ phận dân cư trở nên chật vật.
Giá xăng ở Việt Nam vừa tăng lên mức cao nhất trong bảy năm qua kéo theo mức giá của nhiều mặt hàng nhạy cảm với việc giá xăng tăng. Lần tăng giá này khác thường ở chỗ, giá các mặt hàng tăng mạnh hơn, đặc biệt như vàng và gas, dầu ăn, các nguyên liệu đầu vào sản xuất, giá vận chuyển… Ngay cả các mặt hàng ít bị ảnh hưởng bởi giá xăng như rau xanh, gạo, cá, sữa, bao bì, và đặc biệt là giá trả cho nhân công cũng tăng mạnh khi các doanh nghiệp quay trở lại sản xuất sau giãn cách và vẫn đang khát lao động.
Tôi thường gọi cho ba má ở Việt Nam mỗi tuần. Mới hôm qua, má than, không hiểu sao đi siêu thị thấy mau hết tiền quá, “rau củ gì cũng tăng khoảng 10%, như rau xà lách từ 50 ngàn lên 55 ngàn một ký”. Ba tôi bảo, tô phở bình dân trước dịch 35 ngàn, sau dịch lên 45 ngàn. Cùng một quãng đường đi xe taxi mà trước dịch trả 100 ngàn, giờ lên 200 ngàn. Tôi hỏi vì sao, “giá xăng lên quá nên tụi con phải tăng giá chở khách”, tài xế giải thích với ba tôi.
Đợt dịch nghiêm trọng chỉ mới bắt đầu được kiểm soát và kinh tế đang mở lại từ từ. Chính phủ đang dự kiến có một gói kích thích kinh tế lớn hơn, đi kèm với hành động bơm tiền kích thích dự báo sẽ là lạm phát. Giá cả trong nước vẫn đang trên đà tăng khác thường so với mọi năm, đe dọa túi tiền của nhiều người.
Khi lạm phát đến, nhóm dân bị ảnh hưởng nhiều nhất luôn là nhóm thu nhập thấp và trung bình, bởi phần lớn chi tiêu của họ dành cho chi phí sinh hoạt hàng ngày. Trong trường hợp thu nhập không tăng theo kịp tốc độ tăng của giá cả thì sức mua của họ sẽ bị giảm đáng kể. Chính vì vậy mà người ta nói rằng, lạm phát cũng là một loại thuế.
Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất của lạm phát ở nhóm này là nhìn vào túi tiền hay tài khoản cá nhân. Cũng vẫn với các nhu cầu như cũ, nhưng bỗng nhiên người dân thấy tiền trong ví ra đi nhanh quá, không còn tiết kiệm được bao nhiêu hoặc thậm chí chưa hết tháng đã hết tiền.
Theo ông Jeremy B. Rudd, thành viên của Cục Dự trữ liên bang Mỹ, cũng là nhà nghiên cứu nổi tiếng theo đuổi chủ đề lạm phát, mức lạm phát tương lai phụ thuộc rất nhiều vào uy tín của ngân hàng trung ương, trải nghiệm trong quá khứ với lạm phát của người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư. Quan trọng hơn, nếu kỳ vọng cũng như nỗi lo sợ lạm phát diễn ra trong một thời gian dài – mà thực ra có sẵn các nguy cơ tiềm ẩn – nó sẽ trở thành hiện thực.
Tất cả mọi người đều có cái khó của mình khi lạm phát xảy ra. Các cơ quan điều hành khó khăn hơn khi ban hành chính sách, doanh nghiệp và nhà đầu tư phải điều chỉnh chiến lược của mình để thích ứng. Người dân sẽ “nghèo” đi nhanh hơn.
Thay vì chấp nhận nhìn thu nhập của mình bị bốc hơi, tìm hiểu và cải thiện tình hình quản lý tài chính cá nhân càng sớm càng tốt là cách để chúng ta không thấy cuộc sống chật vật hơn. Ví dụ, liệt kê và tính toán lại các chi phí, bỏ hay giảm các khoản chi không cần thiết, tự mang đồ ăn khi đi làm thay vì ăn hàng, bớt mua đồ đắt tiền và có thể mua đồ cũ, chọn loại tiết kiệm hay đầu tư có lãi suất cao hơn.
Hạn chế tối đa việc đi lại bằng phương tiện có chi phí cao hoặc chỉ đi lại khi thật sự cần thiết, chuyển từ ô tô riêng sang phương tiện công cộng cũng là một lựa chọn với chúng tôi ở Pháp. Một số người giảm chi phí xăng dầu bằng cách độ chế lại xe ô tô để sử dụng nhiên liệu rẻ hơn như khí hóa lỏng hay đi làm chung xe. Nhiều người sống ở vùng biên giới với Tây Ban Nha đã chịu khó lái xe đi chợ bên kia biên giới để không phải thấy túi tiền của mình bốc hơi nhanh. Đây là lần đầu tiên sau 11 năm sống ở đây, tôi thấy người Pháp phải tìm cách xoay sở với lạm phát.
Một thói quen của người phương Tây nhưng có lẽ nhiều người Việt chưa chú trọng là hay bỏ thừa thức ăn. Việc tính toán lượng thực phẩm mua và nấu từng ngày sẽ giúp các gia đình bớt được không ít tiền. Chúng ta cũng có thể xem xét các thực phẩm thay thế cho loại đắt tiền mà vẫn đáp ứng khẩu vị và dinh dưỡng, học thêm cách chế biến sáng tạo từ những nguyên liệu đơn giản để thay đổi bữa ăn.
Nếu lạm phát tăng nhanh, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẽ đứng trước lựa chọn khó khăn là tiếp tục bơm tiền hỗ trợ nền kinh tế để lấy lại đà tăng trưởng, chấp nhận lạm phát cao hay kiểm soát lạm phát và làm cho tăng trưởng chậm lại. Tôi thiên về phương án đầu, bởi lúc này Việt Nam cần ưu tiên tăng trưởng và việc làm để lấy lại đà phát triển đã bị COVID-19 đánh cắp. Điểm xuất phát của lạm phát hiện nay tại Việt Nam vẫn ở mức trung bình, chưa quá đáng lo nếu có biện pháp kiểm soát hợp lý.
Việt Nam đã có kinh nghiệm trong việc xử lý lạm phát năm 2011 – khi lạm phát lên gần 19%. Ngân hàng nhà nước cũng có thể điều chỉnh tăng lãi suất, áp dụng nghiệp vụ Thị trường mở, tăng dự trữ bắt buộc. Ngoài ra, chính phủ có thể trợ giá xăng ngay từ bây giờ thay vì để hàng loạt chi phí của dân chúng tăng ngay sau khi cả nước chưa hoàn toàn sang trạng thái bình thường mới.
Như tôi đã nói, lạm phát cũng là một loại thuế. Nhưng cả chính phủ và người dân, không ai được lợi bởi thuế này. Vì vậy, chuẩn bị chiến lược ứng phó với lạm phát sớm rất quan trọng để bảo vệ túi tiền của mỗi người và cả nền kinh tế sau giãn cách.
Theo VNEXPRESS
Tags: Kinh tế Việt Nam, Kinh tế thế giới, Dịch bệnh COVID-19