Chúng ta gây hại cho môi trường ra sao trong các dịp lễ, Tết?

Đối với nhiều người, nghỉ lễ vẫn luôn là khoảng thời gian vui vẻ và đáng mong đợi nhất năm. Tuy nhiên, song song với bao nhiêu niềm vui là từng ấy vấn đề đau đầu về môi trường xuyên suốt các mùa lễ hội. Liệu có bao giờ bạn ngoảnh lại phía sau và nhìn thấy sự thay đổi của môi trường sau mỗi dịp lễ, Tết chưa?Chúng ta đang gây hại cho môi trường đến mức nào trong các dịp lễ, Tết?

1. Bao bì nhựa

Vẫn là câu chuyện muôn thuở về tác hại của nhựa lên môi trường khi hiện nay dường như tất cả những vật dụng hàng ngày của bạn đều có sự xuất hiện của nhựa. Trung bình mỗi ngày Việt Nam thải ra gần 18,000 tấn rác thải nhựa. Và đương nhiên những dịp lễ cũng là lúc rác thải nhựa xuất hiện nhiều nhất.

Từ chiếc bánh, cái kẹo, ly trà sữa,…những món được nhiều bạn trẻ ưa chuộng đều có thành phần bao bì nhựa khó phân hủy và để lại tác động lâu dài lên môi trường. Nếu biết một túi nhựa trung bình mất 100 năm để phân hủy và đến hơn 500 năm với chai và ly nhựa, liệu bạn có sẵn sàng tiếp tay để tàn phá Trái Đất này nữa không?

2. Bong bóng

Thả bóng bay đã trở thành một “thủ tục” không thể thiếu vào ngày khai giảng với nhiều lứa học sinh xưa cũ, nhưng hiện nay mọi chuyện đã khác. Từ sau bức tâm thư với mong muốn ngừng thả bóng bay vào lễ khải giảng của em Nguyễn Nguyệt Linh – Trường Marie Curie (Hà Nội), chúng ta đã có cái nhìn đa chiều hơn về tác động thực sự của nghi thức này.

Thả bóng bay lên trời chỉ gửi gắm ước mơ của các học sinh về mặt hình thức, nhưng lại thực sự tước đi sinh mạng của nhiều loài sinh vật khác. Khi bóng bay bị vỡ và rơi xuống biển, ánh nắng mặt trời sẽ tẩy trắng vỏ bóng khiến một số sinh vật, chẳng hạn như rùa và chim biển, nghĩ đó là thức ăn và nuốt vào bụng, dẫn đến tắc nghẽn đường ruột.

3. Đèn lồng nhựa

Không bàn đến vỏ ngoài bằng nhựa khó phân hủy thì đèn lồng nhựa còn tiềm ẩn những mối nguy hại về môi trường khác. Sắc đèn rực rỡ bắt mắt, tiếng nhạc rộn rã vui tai đều nhờ nguồn năng lượng từ những viên pin. Tuy nhiên, không nhiều người nhận thức về những tác hại đến môi trường nếu những viên pin đó không được xử lý đúng cách và bị vứt như rác thải sinh hoạt thông thường.

Những viên pin thường chứa các kim loại nặng như chì, kẽm, thuỷ ngân,… Khi bị chôn xuống đất, những kim loại nặng trong pin sẽ ngấm vào lòng đất và đến mạch nước ngầm, gây ô nhiễm nguồn nước. Đặc biệt, thủy ngân trong pin có thể gây ô nhiễm đến 500 lít nước hoặc 1m3 đất trong vòng 50 năm. Thậm chí, chúng còn gây tác hại nghiêm trọng hơn nếu ngấm vào cơ thể người sử dụng nguồn nước này.

4. Thả hoa đăng

Từ lâu thả hoa đăng đã trở thành một nghi thức không thể thiếu vào lễ Vu Lan. Nhưng liệu bạn có nhận ra rằng bạn chỉ “thả” mà không hề “thu” về? Vậy những hoa đăng ấy sau khi cháy hết sẽ trôi về đâu?

Câu trả lời chính là không đi đâu cả, tất cả sẽ ở lại nơi bạn vừa thả trôi. Đèn sau khi cháy hết sẽ rơi xuống đáy sông, phần xác của hoa đăng sẽ theo gió trôi dạt vào bờ, hoặc thậm chí chỉ cần chất tạo màu chứa chì thôi cũng đã có thể gây ô nhiễm nguồn nước.

Đó là chưa kể đến những hoa đăng được làm từ chất liệu nhựa tráng kẽm, hay thậm chí là nilon phải mất đến hàng trăm năm để phân hủy, thì sẽ còn ảnh hưởng đến môi trường hơn thế nữa.

5. Đốt vàng mã, nhang khói

Việc đốt vàng mã, nhang khói vào những dịp lễ chùa, thanh minh đã khắc sâu trong suy nghĩ của nhiều người. Nhưng liệu suy nghĩ của số đông thì sẽ mặc định là đúng? Trên website chính thức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Tố Liên đã khẳng định Đức Phật Thích Ca không hề dạy đốt vàng mã để cúng gia tiên.

Không những vậy, việc đốt và nhang khói cũng ảnh hưởng rất nhiều đến môi trường. Nhiều cây xanh đã bị đốn hạ chỉ để bạn tiếp tục đốt đi, những làn khói nghi ngút thì gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng trực tiếp đến người đốt và mọi người xung quanh. Thậm chí, vàng mã làm từ chất liệu giấy đặc biệt, khi đốt cháy không hoàn toàn còn sinh ra khí dioxin gây độc hại.

Chính vì nhận ra được mối nguy hại này mà mới đây, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phát công văn đề nghị hạn chế việc đốt vàng mã, chú trọng tổ chức lễ hội mang tính văn minh, tiết kiệm, không phô trương hình thức.

6. Phóng sinh

Phóng sinh không chỉ đơn giản là thả động vật về bất cứ môi trường tự nhiên nào bạn muốn, mà hành động đẹp này cần bạn quan tâm đến nhiều khía cạnh hơn thế.

Chẳng hạn, các loài rùa núi viền và rùa núi vàng thường được phóng sinh xuống ao hồ, nhưng thực tế chúng lại không thể sống lâu trong môi trường nước, dẫn đến cái chết của chúng chỉ vài ngày sau đó. Hay như việc phóng sinh các loài rắn độc, rùa tai đỏ từng bị lên án một thời vì gây mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng.

Tất cả đã cho thấy tầm quan trọng của việc nắm rõ thông tin về loài động vật bạn có ý định phóng sinh. Điều này không chỉ giúp tăng phần ý nghĩa của hành động này mà còn gia tăng cơ hội sống sót cho các sinh vật sau này.

Đồng thời, theo bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) chia sẻ: “Nếu muốn bảo vệ động vật hoang dã thì cách tốt nhất là để chúng được sống trong môi trường tự nhiên và đảm bảo chúng không bị săn bắt”. Nên lưu giữ ý nghĩa nguyên bản của hành động phóng sinh, đó là giúp đỡ động vật gặp nạn một cách tuỳ duyên, thay vì chú trọng vào hình thức.

7. Giấy gói quà bằng nhựa

Những vật dụng làm từ nhựa đa phần đều có giá thành khá rẻ để khuyến khích nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng. Không phải ngẫu nhiên những món quà được gói sẵn và bày bán ở nhà sách, siêu thị đều được gói từ giấy nhựa. Nhưng nếu giá thành là lý do bạn chọn giấy gói nhựa thay những chất liệu khác, thì liệu khi biết đến chi phí để khắc phục môi trường vì nhựa có khiến bạn suy nghĩ lại?

Việc tặng quà vào những ngày lễ, Tết vốn là một hành động đẹp thể hiện thiện với người được nhận, vì vậy đừng để hành động đẹp ấy trở thành tội lỗi với môi trường

8. Băng rôn, biểu ngữ chất liệu nhựa

Chưa bao giờ vào các dịp nghỉ lễ, Tết các cửa hàng, siêu thị lại thiếu các băng rôn, biểu ngữ về giảm giá, khuyến mãi, tri ân khách hàng để tăng lượng mua hàng. Tỉ lệ thuận với số lượng cửa hàng áp dụng hình thức này cũng là từng đó những rác thải khó phân hủy bị thải ra môi trường.

Những tấm băng rôn, biểu ngữ này đa phần đều được làm từ chất liệu hiflex hay còn gọi là bạt hiflex. Chất liệu này vốn được làm từ nhựa PVC không thể tái chế và chứa một số chất độc như Phthalat, DEHA có thể gây hại nghiêm trọng đến sức khoẻ người dùng, thậm chí còn bị cấm hoặc hạn chế làm nguyên liệu sản xuất tại nhiều nước trên thế giới.

9. Phong bao lì xì

Chúng ta đang gây hại cho môi trường đến mức nào trong các dịp lễ, Tết?

Bạn hẳn sẽ ngạc nhiên khi thấy bao lì xì bạn vẫn dùng trong mỗi dịp Tết cũng có tên trong danh sách này. Nếu bạn để ý sẽ nhận ra, những phong bao lì xì thông dụng vốn không phải được làm hoàn toàn từ giấy, mà đã được phủ một lớp màng bóng lẫn kim tuyến nhằm tăng tính thẩm mỹ. Nhưng chính điều đó đã khiến phong bì này khó phân hủy hơn giấy thông thường, để lại những tác động nhất định lên môi trường.

10. Vật dụng trang trí Tết

Mỗi năm đều xuất hiện thêm nhiều vật trang trí với hình dáng và mẫu mã hiện đại hơn, cộng với tâm lý “năm mới phải bỏ cũ thay mới” khiến bạn vô tư gạt bỏ những vật dụng trang trí nhà cửa của năm ngoái, dù chúng vẫn còn xài được.

Không nói đến chất liệu nhựa bên trong những vật dụng đó, nhưng đâu chỉ nhựa mới mang đến tác động cho môi trường, mà chính hành động lãng phí vật chất cũng có thể mang đến hậu quả tương tự. Tết thì đến mỗi năm, nếu năm nào cũng vứt bỏ một số thứ, thì tưởng tượng trong suốt cuộc đời bạn đã và sắp trải qua, Trái Đất đang phải gánh nặng thêm bao nhiêu?

Kết

Chắc chắn một điều rằng, môi trường và Trái Đất này chẳng thể chia sẻ hạnh phúc cùng bạn khi đang phải gánh quá nhiều áp lực và tổn thương. Hãy cân nhắc lại tất cả những vật dụng trên có thực sự là điều bạn “cần” hay chỉ đơn giản là điều bạn “muốn” cho những kỳ nghỉ lễ. Bảo vệ môi trường cũng chính là bảo vệ cuộc sống của bạn. Tất cả những vật dụng bạn thải ra môi trường đều sẽ tác động lại cuộc sống của bạn theo cách này hay cách khác.

Theo EIRA NGUYỄN / VIETCETERA.COM

Tags: ,