Chứng Rối loạn thách thức chống đối: Khi những đứa trẻ nổi loạn

Rối loạn thách thức chống đối (ODD – Oppositional defiant disorder) là một rối loạn tâm thần thường khởi phát từ thời thơ ấu và có thể kéo dài suốt quá trình trưởng thành.

Chứng Rối loạn thách thức chống đối (ODD): Khi những đứa trẻ sự nổi loạn

Nguồn: https://www.verywellmind.com/what-is-oppositional-defiant-disorder-2161913

Triệu chứng của Rối loạn thách thức chống đối

Trẻ bị rối loạn thách thức chống đối có các hành vi thách thức cha mẹ và giáo viên. Ví dụ, chúng thể hiện sự hung hăng và luôn cố tình hành xử tệ. Trẻ thường khó tương tác tốt với bạn bè và người lớn. Tần suất và mức độ nghiêm trọng của các hành vi có vấn đề này gây khó khăn cho trẻ cả ở trường lớp và ở nhà. Thích cãi lý và ngang ngạnh là những vấn đề thường thấy ở những trẻ này. Những triệu chứng phổ biến khác của rối loạn này bao gồm:

– Không chịu nổi thất vọng.
– Dễ bị bực tức.
– Cố tình chọc tức người khác.
– Tâm trạng ủ rũ và tức giận không lý do.
– Không làm theo bất cứ yêu cầu nào dù là đơn giản.
– Không có khái niệm gì về cái gọi là lương tâm.
­- Nói dối.
– Gây xung đột.

Trẻ nào có các triệu chứng này xuất hiện kéo dài, nghiêm trọng thì có thể đã, đang mắc rối loạn thách thức chống đối, và các trẻ này nên được đánh giá bởi bác sĩ tâm thần nhi. Hiện vẫn chưa rõ lý do gây ra rối loạn này. Tuy nhiên, sự kết hợp giữa tính khí của trẻ và phản ứng xử lý của cha mẹ có thể là một yếu tố tác động lên diễn tiến bệnh. Ngoài ra những khó khăn trong vận hành chức năng gia đình cũng có thể là yếu tố góp phần vào quá trình phát triển bệnh lý này.

Các lựa chọn điều trị và các biện pháp kỷ luật

Điều quan trọng ở đây là can thiệp phải được bắt đầu càng sớm càng tốt với nhóm trẻ này. Điều trị thường sẽ bao gồm tư vấn và trị liệu. Tập huấn quản lý hành vi cho cha mẹ đưa đến một số lợi ích trong trường hợp này. Và một điều quan trọng khác là trị liệu viên của trẻ phải phối hợp chặt chẽ với các vị phụ huynh và giáo viên để đảm bảo tính hiệu quả của chương trình điều trị vì kỹ thuật can thiệp hành vi có hiệu quả trên hầu hết các nhóm trẻ khác lại có thể không hiệu quả trên những trẻ bị rối loạn thách thức chống đối.

Trẻ mắc rối loạn này thường có mục tiêu là chọc tức cha mẹ, thầy cô giáo và sẽ hành xử quấy phá để khơi dậy phản ứng tiêu cực từ người khác. Ta cũng cần đăc biệt lưu ý thiết lập rõ ràng các quy tắc, mong đợi của mình với trẻ và áp dụng nó một cách nhất quán.

Xây dựng thói quen hằng ngày có thể giúp trẻ mắc rối loạn thách thức chống đối thực hiện được những hoạt động ở nhà như làm theo quy trình lần lượt từ ăn tối đến bài tập về nhà và lên giường ngủ. Ap dụng các quy tắc và làm theo thói quen hằng ngày một cách nhất quán và nghiêm túc là rất quan trọng cũng vì lý do đó.

Mang đến cho trẻ những cơ hội tham gia vào các hoạt động như thể thao hay thú vui mà chúng thích. Luôn củng cố và khen thưởng những hành vi tích cực. Khi cố gắng thay đổi hành vi có vấn đề ở trẻ, hãy tập trung vào những hành vi có vấn đề nào nổi cộm nhất trước, mỗi lúc xử lý từng chút một. Khi bạn thấy sự cải thiện trong những hành vi này, hãy thêm vào những cái mới để trẻ tập trung cải thiện. Liên tục mô tả rõ ràng những hệ quả phù hợp theo độ tuổi của trẻ tương ứng với những hành vi sai trái. Hưỡng dẫn rõ ràng cho trẻ bằng ngôn từ đơn giản, dễ hiểu.

Nếu trẻ đã thích ứng với hệ thống quản lý hành vi, hãy sử dụng những thẻ dán, điểm thưởng hay một biểu đồ theo dõi hành vi để trẻ thấy được sự tiến bộ trong việc hướng đến mục tiêu hành vi tốt. Cho phép trẻ chọn lấy hình thức phần thưởng mà chúng muốn giành được. Khi trẻ có được thành công nhất định, ta phải tăng cường củng cố như cho trẻ thêm thời gian làm hoạt động chúng yêu thích, nói lời khen ngợi, lấy đồ ăn làm phần thưởng hoặc những đồ chơi bốc được trong hộp phần thưởng.

Nếu trẻ có khuynh hướng làm ngược lại với những gì bạn muốn trẻ làm, tránh khen trẻ vì trẻ có thể sẽ nghĩ bạn tán đồng và kết quả là chúng sẽ thực hiện hành vi sai trái. Ví dụ, nói “Cô thích cách con ngồi yên không chòng ghẹo bạn khác trong lớp”, có thể khơi mào khiến trẻ bắt đầu có hành vi gây hấn. Tránh tranh cãi hoặc thuyết giảng trẻ, và cố giữ bình tĩnh. Tránh để trẻ thấy bạn tức tối dần, vì điều này có thể lại hóa thành “phần thưởng” cho trẻ.

Sử dụng giọng điệu trò chuyện thực tế, không kèm nhiều cảm xúc, đơn giản chỉ là thông báo quy tắc bị phá vỡ và hệ quả khi điều đó xảy ra là gì. Thống nhất trước sau như một và tránh không tranh cãi qua lại với trẻ về hậu quả hay những gì đã xảy ra. Cho phép trẻ có một nơi để giải tỏa lại sự bực dọc của mình. Cho trẻ cái gối để trẻ đấm vào hoặc hét vào.

Khi trẻ tương tác với mọi người, hãy đảm bảo giám sát đầy đủ để chắc chắn rằng các quy tắc có thể được củng cố, và người lớn có thể giúp trẻ tương tác một cách phù hợp hơn. Nên cân nhắc hỗ trợ thêm cho tư vấn viên làm việc với các nhóm học sinh để giúp họ phản ứng một cách phù hợp với hành vi của trẻ. Đào tạo những kỹ năng xã hội đúng chuẩn có thể có hiệu quả trong việc giúp trẻ mắc rối loạn thách thức chống đối tương tác với bạn bè và người lớn.

Trẻ có thể hồi phục được không?

Vẫn chưa có dự đoán rõ ràng về khả năng hồi phục từ rối loạn thách thức chống đối. Một số trẻ sẽ trưởng thành và những triệu chứng của rối loạn này sẽ bớt dần khi trẻ lớn lên. Những trẻ khác sẽ mang theo rối loạn này cho đến khi trưởng thành. Đáp ứng được những nhu cầu phức tạp của nhóm trẻ này sẽ đòi hỏi sự hợp tác từ cha mẹ và trường học cũng như chuyên gia sức khỏe tâm thần. Một nỗ lực nhất quán, phối hợp chặt chẽ ở nhà và ở trường sẽ giúp cải thiện kết quả tích cực cho những trẻ này, đặc biệt là khi can thiệp được thực hiện sớm.

Theo LINDANGA.COM

Tags: ,