Chùm ảnh: Góc nhìn độc và đẹp về các sân bay thời COVID-19

Dịch COVID-19 khiến các sân bay trở nên vắng lặng lạ thường, nhưng nó cũng vô tình tạo cơ hội cho nhiếp ảnh gia Tom Hegen ghi lại vẻ đẹp hiếm thấy của các sân bay.

“Tôi có ý tưởng về việc chụp hình các sân bay từ trước, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc xin phép vì có rất nhiều hạn chế và thủ tục”, nhiếp ảnh gia Tom Hegen chia sẻ với CNN qua điện thoại.

Tuy nhiên, sau khi hoạt động hàng không suy giảm do dịch COVID-19, ông Hegen đã thử xin phép. Sau một quá trình “dài và phức tạp”, ông Hegen được cấp phép bay trực thăng trên 6 sân bay ở Đức để chụp ảnh.

Những hình ảnh do ông ghi lại cho thấy vẻ đẹp bất ngờ, khi nó kết hợp giữa sự đối xứng và các hình khối. Các nhà kho, bãi đỗ, hàng hóa và các tòa nhà nhấn mạnh cảm giác về quy mô, từ đó giúp tạo ra các hình ảnh siêu thực.

Ông Hegen cho biết mình đã sử dụng “phương pháp tiếp cận đồ họa” để làm nổi bật ảnh của mình. Các đường sơn đánh dấu đường lăn và chỉ hướng tạo ra các họa tiết dễ chịu, đồng thời cho ta thấy rõ hơn các hệ thống phức tạp giúp các sân bay hoạt động.

“Một số hình ảnh nhìn như là tranh vẽ minh họa. Một số đường nét nhìn như thể được thêm vào trong quá trình hậu kỳ”, nhiếp ảnh gia người Đức chia sẻ.

Những hình ảnh với bố cục hoàn hảo được ông Hegen chụp từ trực thăng ở độ cao hơn 600 m tính từ mặt đất. Để làm được điều đó, ông Hegen đã phải liên tục giao tiếp với phi công để có được góc phù hợp nhất.

“Làm việc trên trực thăng khá thách thức, vì bạn sẽ phải chống lại nhiều thứ, ví dụ như gió từ các cánh quạt. Gió có thể rất lạnh, và bạn sẽ không cảm thấy ngón tay mình nữa khi bấm nút chụp”, ông Hegen cho biết.

Tom Hegen là một chuyên gia trong việc chụp ảnh từ trên không. Ông thường xuyên sử dụng khí cầu hoặc máy bay cỡ nhỏ, cũng như dùng máy bay không người lái, để chụp lại thế giới từ trên cao.

Bộ ảnh về sân bay của ông một phần ca ngợi con người khi có thể quản lý các sân bay đầy phức tạp. Bên cạnh đó, những hình ảnh này cũng gợi ra các câu hỏi mang tính đối lập, như việc ngành hàng không vốn lấy lợi nhuận từ việc kết nối con người, và lại bị ảnh hưởng bởi chính điều đó.

“Thật là trớ trêu vì các hãng hàng không đã góp phần tạo ra toàn cầu hóa, và rời giờ đây họ là những người thua lỗ nhiều nhất do đại dịch”, ông Hegen nói.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN

Tags: , ,