Chủ nghĩa dân tộc Hungary: Quả bom nổ chậm giữa lòng châu Âu?

Các nước láng giềng của Hungary đã phản ứng mạnh mẽ khi Thủ tướng Viktor Orban chọn đeo chiếc khăn in hình bản đồ Đại Hungary trong lịch sử tại một trận bóng đá gần đây.Chủ nghĩa dân tộc Hungary: Quả bom nổ chậm giữa lòng châu Âu?

Chiếc khăn in hình lãnh thổ Hungary gồm một phần lãnh thổ của các nước láng giềng gây tranh cãi. Ảnh: Bloomberg.

Trận đấu bóng đá gần đây giữa Hungary và Hy Lạp – 2 đội không có tên trong World Cup 2022 – có lẽ đã nhanh chóng bị lãng quên nếu không vì trang phục của một khán giả: Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Chiếc khăn ông đeo đã thổi bùng căng thẳng với lãnh đạo một số nước.

Chiếc khăn có in hình bản đồ Hungary, nhưng với các đường biên giới có trước Hiệp ước Trianon năm 1920 – hiệp định hòa bình chấm dứt Thế chiến I. Là một phần của thỏa thuận này, Hungary đã nhượng đất cho các nước láng giềng Áo, Croatia, Romania, Serbia, Slovakia và Ukraina.

Trong video chia sẻ trên trang Facebook chính thức, Thủ tướng Orban đeo chiếc khăn này khi chào các cầu thủ Hungary.

Hình ảnh Hungary với những đường biên giới trước Hiệp ước Trianon được những người theo chủ nghĩa dân tộc cánh hữu Hungary đặt tên là “Greater Hungary” (“Đại Hungary”). Những người này ủng hộ khôi phục lãnh thổ như trước và tin rằng Hungary nên đòi lại vùng đất họ bị “chiếm đoạt trái phép” thông qua Trianon.

Chủ nghĩa dân tộc Hungary: Quả bom nổ chậm giữa lòng châu Âu?

Sự chia cắt lãnh thổ Hungary sau Hiệp ước Trianon.

“Tôi tặng ông ấy một chiếc khăn mới”

Chiếc khăn này đã khiến nhiều nước phản ứng mạnh mẽ. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ukraina Oleg Nikolenko cho biết Kiev sẽ triệu tập Đại sứ Hungary “để thông báo về hành động không thể chấp nhận được của Thủ tướng Viktor Orban“, theo Reuters.

Việc thúc đẩy chủ nghĩa xét lại ở Hungary không đóng góp vào sự phát triển quan hệ Ukraina – Hungary và không tuân thủ các nguyên tắc của châu Âu. Chúng tôi đang chờ lời xin lỗi chính thức từ phía Hungary”, ông Nikolenko viết trên mạng xã hội hôm 22/11.

Bộ Ngoại giao Romania cũng có lời phản đối động thái nói trên với Đại sứ Hungary ở Bucharest. “Tất cả biểu hiện của chủ nghĩa xét lại, dù dưới hình thức nào, đều không thể chống lại thực tế và các cam kết chung”, cơ quan này cho biết trong tuyên bố ngày 22/11.

Trong khi đó, Thủ tướng Slovakia Eduard Heger có phản ứng mang phần khác biệt. Hôm 24/11, ông đã tặng ông Orban một chiếc khăn tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo nhóm Visegrad (V4).

Tôi nhận thấy ông Viktor Orban có một chiếc khăn cũ, vì vậy hôm nay tôi đã tặng ông ấy một chiếc mới”, ông Heger viết trên mạng xã hội, đính kèm bức ảnh hai thủ tướng cùng nhau quàng chiếc khăn liên quan tới bóng đá Slovakia.

Trong một bài đăng trên Facebook hôm 23/11, Thủ tướng Orban không trực tiếp đề cập đến cuộc tranh luận về chiếc khăn. “Bóng đá không phải chính trị. Đừng tự suy diễn”, ông viết. “Đội tuyển quốc gia Hungary thuộc về tất cả người dân Hungary, dù họ sống ở đâu!”.

Không chỉ là về tấm bản đồ

Đây không phải là lần đầu tiên ông Orban tán thành khái niệm Greater Hungary. Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 1998, ý tưởng này là nét đặc trưng trong hoạt động chính trị của ông.

Trong và sau thời kỳ nắm quyền lần đầu tiên năm 1998-2006, ông Orban thường xuyên khiến các nước láng giềng không hài lòng khi kêu gọi thống nhất văn hóa và xã hội giữa Hungary và các cộng đồng hải ngoại.

Khi ông tái đắc cử vào năm 2010, việc chỉ trích Trianon thậm chí còn trở thành chiến thuật quan trọng đối với ông Orban. Năm 2011, ông thông qua đạo luật cho phép tất cả hậu duệ nói tiếng Hungary của công dân từ biên giới trước hiệp ước Trianon xin quốc tịch Hungary. Ngày đoàn kết dân tộc cũng được tổ chức để kỷ niệm những “tổn thất lãnh thổ của Hungary” sau Trianon.

Ý tưởng này không bắt nguồn từ ông Orban hay đảng Fidesz cầm quyền, mà là từ đảng cánh hữu đối thủ Jobbik. Việc lấy chính sách từ bản tuyên ngôn năm 2010 của Jobbik là một phần trong chiến lược rộng hơn của Fidesz nhằm trở thành đảng cánh hữu thống trị Hungary trong các vấn đề chính sách quan trọng.

Do đó, ý tưởng về Greater Hungary không còn là chiến thuật bên lề, mà trở thành một phần chính thống trong nền chính trị Hungary. Đầu năm nay, bức ảnh chụp văn phòng người phát ngôn chính phủ Hungary Zoltan Kovács cho thấy ông ngồi trước tấm bản đồ Greater Hungary khổng lồ.

Việc ông Orban thu hút sự chú ý khi không tuân theo các quy tắc chính thống – ví dụ như đeo khăn quàng cổ Greater Hungary – thường đem lại lợi ích trong nước.

Theo thủ tướng, lời chỉ trích về “những bất công” mà hiệp ước Trianon gây ra không nhắm vào cá nhân ông, mà nhắm vào Hungary. Theo Bloomberg, hiệp ước Trianon quy định Hungary phải nhường khoảng 2/3 lãnh thổ và dân số cho các quốc gia khác.

Không chỉ vậy, hồi năm 2014, ông từng kêu gọi trao cho dân tộc Hungary ở Ukraina hai quốc tịch và “cơ hội tự trị”. Thủ tướng cũng ủng hộ những nhượng bộ tương tự cho người Hungary trên khắp lưu vực Carpathian – gồm lãnh thổ Croatia, Serbia và Slovakia. Những tuyên bố này nhanh chóng bị Ukraina bác bỏ, trong khi các nước khác phớt lờ.

Dẫu vậy, ông Orban cũng không có hành động nào nhằm thay đổi biên giới Hungary, nên những lời tuyên bố này có thể được coi là không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa những tuyên bố ấy không có hệ quả.

Theo tác giả Andreas Kluth của Bloomberg, điều khiến chủ nghĩa dân tộc của ông Orban đáng lo ngại là việc thủ tướng dẫn đầu xu hướng đi theo hướng ngược lại quá khứ của chủ nghĩa phục hồi lãnh thổ. Và ông Kluth cũng nhận thấy chủ nghĩa này đang nhen nhóm ở vài quốc gia châu Âu.

Hiện tại, hầu hết châu Âu dường như không còn “trêu đùa” với chủ nghĩa phục hồi lãnh thổ. Sau Thế chiến II, quan điểm hội nhập châu Âu được củng cố, khi họ phấn đấu cùng tồn tại và hợp tác, trong đó biên giới không còn là vấn đề đáng lo ngại, bởi người châu Âu sẽ được tự do.

Một trong những ví dụ là Alsace. Trong nhiều thế kỷ, Pháp và Đức đã tranh giành khu vực này. Ngày nay, nơi này mang đậm chất Pháp nhưng cũng mang nét tinh túy của châu Âu, mọi người dân sinh sống, làm việc và đi lại theo ý muốn.

Do đó, ông Kluth cho rằng bài học rút ra từ Alsace là: “Đừng tranh chấp biên giới, hãy khiến chúng tránh xa”. EU yêu cầu tất cả thành viên và quốc gia nộp đơn phải chấp nhận yêu cầu đó. Về lý thuyết, Hungary đã làm như vậy khi gia nhập khối vào năm 2004.

Giờ đây, hành động của ông Orban có ý nghĩa lớn giữa những căng thẳng hiện tại ở châu Âu, lý giải nguyên nhân các nước láng giềng không hài lòng.

Conversation nhận định việc ông Orban “để chiếc khăn ở nhà cho trận đấu tiếp theo” sẽ hợp tình hợp lý với tình hình chính trị châu Âu trong thời điểm hiện tại.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN 

Tags: , ,